SUY CỨU

BA CHIỀU KÍCH CHÍNH CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ

TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO HỘI

1.      Chiều kích hy lễ

a.      Hy lễ trong Kinh Thánh

Lược qua toàn bộ Kinh Thánh, ta có thể thấy được tầm quan trọng và tính phổ quát của hy lễ. Hy lễ luôn được các tổ phụ và các thủ lãnh Ít-ra-el dâng lên Đức Chúa của họ trong suốt dòng lịch sử: thời sơ khai của nhân loại (St 8,20), qua những thăng trầm của các tổ phụ (St 15, 9.), thời kỳ Môsê (Xh 5,3), thời các quan án và các vua (Tl 20,26; 1V 8,64), thời sau lưu đày (Er 3,1-6). Như thế, khi phác hoạ các nét chính của lịch sử, các tác giả Cựu ước quan niệm đời sống tôn giáo gắn liền với hy lễ. Theo truyền thống Do Thái, “Ý nghĩa của việc dâng lễ tế là dâng cho Thiên Chúa một tặng phẩm lấy trong những thứ quí nhất con người có, để tỏ bày lòng suy tôn, thần phục, tri ân, cảm tạ và nói lên ý muốn phụng sự Người, nhận Người là chủ tuyệt đối tất cả những thứ mình có, đồng thời kêu xin lòng nhân từ của Người và được sống trong vòng thân mật với Người. Ngoài ra, dân DoThái ý thức mình là người có tội đã xúc phạm đến Thiên Chúa, nên cho việc dâng lễ tế là một cách thế xin ơn tha thứ và bày tỏ ý muốn sửa lại điều xúc phạm.”[1] Hơn thế nữa, ý nghĩa cốt yếu không dừng lại ở lễ vật nhưng là việc con người được bước vào phạm vi thánh, tham dự vào cảnh vực thần thiêng của Thiên Chúa. Do đó, tâm hồn là của lễ cao quí nhất.[2] Vì chưng, xưa Đức Chúa đã không đoái nhìn của lễ của Abel vì lòng ông không trong sáng và chính Đức Giêsu đã nhấn mạnh lại lời Đức Chúa phán trong Cựu Ước: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13).
Tân Ước sẽ xác định trực giác này của tiền nhân trong Do-thái giáo và thừa nhận nó một cách mới mẻ và vĩnh viễn. Chúa Giêsu chấp nhận hy sinh mạng sống, như hạt lúa miến chết đi, để sinh nhiều bông hạt (Ga 12,24). Thánh Gioan quả quyết rằng người Do-thái mừng lễ Vượt qua năm đó vào buổi chiều sau khi Đức Giêsu chịu chết (Ga 18,28), cái chết này trùng hợp với lúc người ta tế chiên trong đền thờ. Nói chung, tất cả các Tin Mừng và nhiều cuốn sách Tân Ước khác[3] đã nhắc đến việc Đức Giêsu tự hiến mạng sống mình làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa và để cứu độ nhân loại. Chiều kích mới mẻ ở đây là: của lễ là một Con Người; Con Người này tự hiến thân mình; Hiến tế này chỉ xảy ra một lần và tồn tại vĩnh viễn. Con Người đó chính là Đức Giêsu Ki-tô.

b.      Hy lễ Đức Giêsu Ki-tô

Trong Cựu Ước, hy lễ thường là một con vật được tuyển chọn, bàn tế lễ làm bằng đá và người tế lễ là một tư tế, Tân Ước tiếp nối truyền thống đó, nhưng đã có một sự thay đổi hết sức cơ bản. Hy lễ giờ đây là một Con Người, bàn tế lễ thì bằng gỗ, còn Người Tế Lễ cũng chính là Hy Lễ được dâng. Ngoài ra, ngày xưa con vật bị bắt làm của lễ phải giãy dụa vì bị giết còn Con Người trong Tân Ước tự hiến thân mình làm của lễ đồng thời cảm thông và xin ơn tha thứ cho kẻ giết mình. Lễ Vật Hy Sinh đó là Lễ Vật trọn hảo vô song, được dâng lên Thiên Chúa đồng thời mang lại ơn thanh tẩy và thần hóa con người. “Nhờ Thánh Thần hằng thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống”(Dt 9,14). Máu của các con vật không thể nào xóa được tội lỗi vì lễ toàn thiêu và lễ xá tội không làm Thiên Chúa hài lòng (x. Dt 10, 4-10). Do đó, Đức Ki-tô đã thưa: “Này con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Do chính ý muốn đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm của lễ, chỉ một lần là đủ” (Dt 10, 9-10). Như vậy, Lễ Vật mà Đức Giêsu dâng mang hai chiều kích liên kết chặt chẽ với nhau. Sự tuân phục hiến dâng trọn vẹn để thi hành thánh ý Thiên Chúa nói lên mối liên giao với Thiên Chúa; còn sự trao ban toàn thân cho loài người biểu lộ tình liên đới huynh đệ với loài người. Từ đó hy lễ của Ðức Giêsu trở thành mẫu mực cho đời sống Ki-tô hữu: một đời sống được biến đổi thành của lễ dâng lên Thiên Chúa qua thái độ tuân phục, đồng thời là một đời sống dấn thân phục vụ anh em đồng loại (x. Rm 12,1; 1Pr 2,5; Dt 13,15-16).
Qua việc cử hành phụng vụ như Ðức Giêsu truyền để nhớ đến Người (1Cr 11,25) và nhờ sự hiệp thông vào hy lễ Đức Ki-tô, được thực hiện với lòng tin, các tín hữu sẽ hiệp nhất mật thiết hơn với mầu nhiệm của Giao ước mới, và họ sẽ thụ hưởng những ân sủng của mầu nhiệm đó. Nhờ việc cử hành bí tích Thánh Thể, hy lễ duy nhất của Ðức Ki-tô được hiện tại hoá và các tín hữu nhận lãnh được sức mạnh từ hy lễ của Người, để rồi họ cũng có thể hiến dâng cả cuộc sống của mình để làm của lễ tạ ơn và hiệp thông.

c.       Thánh lễ là một hy lễ

Theo Công đồng Trentô, thánh lễ là hy lễ đích thực nhắc lại và tái diễn lễ hiến tế của Ðức Ki-tô trên núi Can-vê. Thánh lễ ngày nay cũng là một thánh lễ như xưa trên thánh giá, vì cũng là một Chúa Ki-tô làm chủ tế và làm của lễ, nhưng không còn đổ máu như xưa. Công đồng dạy: “Người đã để lại cho Hiền Thê của Người là Hội Thánh một hy tế khả giác như bản tính loài người đòi hỏi.” (...) “Người đã hiến dân lên Thiên Chúa Cha Mình và Máu Người dưới dạng bánh rượu, trao ban cho các tông đồ mà Người đã đặt làm linh mục của giao ước mới, để họ hưởng dùng các biểu trưng đó.” (DS 1379-1742).
Thánh lễ là một hy tế vì bí tích Thánh Thể tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô và hiện tại hóa hy tế thập giá. “Tính chất hy tế thể hiện rõ trong những lời truyền phép: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con.” “Này là chén Máu Thầy, Máu Giao ước Mới sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội” (Lc 22, 19-20). Trong bí tích Thánh Thể, Đức Ki-tô ban chính thân mình đã tự hiến trên thập giá vì chúng ta, ban chính máu Người đã đổ ra “cho mọi người được tha tội” (Mt 26,28).[4] Trong thánh lễ, lễ  hy sinh thập giá được tái hiện. Theo lệnh truyền của Đức Giêsu, hy lễ của Người được hiện tại hóa trong việc cử hành bí tích Thánh Thể trên bàn thờ, hay nói cách khác, thánh lễ là lễ hy sinh thập giá được hiện tại hóa trên bình diện bí tích. Hiến tế trong thánh lễ cốt tại việc truyền phép và chỉ có lúc truyền phép mới diễn tả đầy đủ ý nghĩa hiến tế thập giá trên bình diện bí tích. Cử chỉ linh mục cầm lấy bánh, rượu và đọc lời truyền phép là cử chỉ Chúa Ki-tô diễn tả sự chết của Người trước khi chịu chết. Đây không phải cử chỉ nhắc lại để tưởng niệm suông mà là hiến tế thập giá thực sự được hiện tại hóa, vì dưới Hình Bánh, Hình Rượu có sự hiện diện thực sự của Chúa Ki-tô, Người đang giữ tâm trạng tận hiến cho Chúa Cha như ở trên thập giá xưa.
Đối với giáo dân, hy tế trong thánh lễ cốt tại tâm tình yêu mến, suy phục và thể hiện bằng cách dâng lễ vật. Tham dự vào hy tế của Chúa Ki-tô với tâm tình như thế, chúng ta được hiệp thông với Người và với nhau.

2.      Chiều kích hiệp thông

Việc cử hành thánh lễ báo trước Lễ Vượt Qua trên thiên quốc (x. Lc 22, 14-16) và thánh lễ được kết thúc bằng việc hiệp lễ nói lên chiều kích hiệp thông trong bí tích Thánh Thể. Công đồng Vaticanô II hướng dẫn thay đổi vị trí để chủ tế đối diện với tín hữu giống như một cộng đoàn quây quần xung quanh bàn tiệc thánh. Việc cải tổ phụng vụ này cũng tượng trương những gì diễn ra trong chúng ta khi cử hành thánh lễ và rước lễ, nghĩa là mỗi người được kết hiệp với Chúa Ki-tô và với các tín hữu khác trong Chúa Ki-tô.[5]

a.      Các tín hữu được hiệp thông với Đức Ki-tô

Qua mỗi thánh lễ, Hội Thánh luôn tuyên xưng và cầu nguyện rằng: “Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Ki-tô” (Kinh Tạ Ơn III). Chính Chúa Ki-tô đã từng nói: “Ai ăn thịt và uống tôi, thì ở trong tôi và tôi ở trong người ấy” (Ga 6, 56). Động từ “ở trong” mà Chúa nói, diễn tả mạnh mẽ ơn hiệp thông.
Khi tham dự bàn tiệc Thánh Thể, các tín hữu được kết hợp với Ðức Kitô và tháp nhập vào thân thể của Người vì chén chúc tụng và Tấm Bánh họ đón nhận chính là Máu và Thân Mình của Người (x. 1Cr 10, 16-17). Khi trình bày về phép Thánh Thể, thánh Phaolô cho ta thấy bánh và rượu trong "Bữa ăn của Chúa" đã trở thành Mình và Máu Chúa theo nghĩa hiện thực. Do đó, Kitô hữu được hiệp thông hiện thực, vật chất với Mình và Máu Chúa Kitô trong phép Thánh Thể (1Cr 10,16-21). Từ ý nghĩa hiện thực của hiệp thông này, chúng ta có thể kết luận là thành ngữ "Mình và Máu" chỉ rõ thân thể và máu huyết thật sự, thể lý của Chúa Kitô. Sự kết hợp với Chúa Kitô trong phép Thánh Thể phải hiểu theo nghĩa hiện thực chứ không phải như sự kết hợp với thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, trong Hội Thánh. Việc sử dụng từ "Hiệp thông" trong bản văn Thánh Thể (1Cr 10,16-21) cho thấy nó biểu lộ một trong những mầu nhiệm sâu thẳm nhất của Kitô giáo. Sự hiệp thông hiện thực vào Mình và Máu Chúa Kitô với hậu quả sâu xa là: tham dự vào mầu nhiệm cứu chuộc, vào hy tế thập giá (x. Mc 10, 32-45) và kế đến là sự tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô bằng đức ái.
Vì thế, khi nhận lãnh bí tích Thánh Thể, chúng ta được tham dự vào tình yêu hiệp nhất của Chúa Ki-tô và được Ngài cứu độ. Chỉ nhờ và trong tình yêu, cùng với ơn cứu độ, Ngài đưa ta vào thông hiệp sự sống viên mãn với Thiên Chúa. Ta gọi sự tham dự tuyệt vời này là ơn thần hóa Thiên Chúa ban cho ta.
Cùng sẻ chia một Tấm Bánh cũng chính là Thân Thể Chúa Ki-tô, tín hữu được kết hợp với nhau như các chi thể của Ngài, cùng uống một chén Rượu cũng chính là Máu Chúa Ki-tô, tín hữu được chung chia cùng một sự sống. Do đó, bí tích Thánh Thể thật sự liên kết mọi Ki-tô hữu với nhau trong Chúa Ki-tô.

b.      Các tín hữu hiệp thông với nhau trong Chúa Ki-tô

Qua thánh lễ, chúng ta hiệp thông với nhau trong cùng một tấm bánh và “trải rộng ra cho các chi thể của Chúa Ki-tô ở khắp nơi”. Thánh Thể không chỉ nói lên ý nghĩa và thực hiện sự hiệp nhất của tín hữu đối với Chúa Ki-tô, nhưng còn diễn tả sự hiệp nhất của Giáo hội trong Chúa Ki-tô. Khi thông phần vào Thánh Thể duy nhất của Chúa Ki-tô, chúng ta được liên kết với nhau trong thân mình duy nhất của Ngài là Giáo hội, như thánh Phaolô đã xác tín trong thư thứ nhất Côrintô: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cung một Bánh ấy, nên chúng ta tuy nhiều người cũng chỉ là một thân thể” (10,17). “Trước mầu nhiệm cao cả này, thánh Augustinô đã thốt lên: “Ôi bí tích tình yêu! Dấu chỉ hiệp nhất! Mối dây bác ái!””[6]
Khi cử hành bí tích Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu cùng một đức tin hiệp thông với nhau thành một nhiệm thể. “Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Ki-tô” (Kinh Tạ Ơn II). Nhờ ơn Chúa Ki-tô và do việc hiệp thông với các vị chủ chăn, giáo hội địa phương khắp nơi kết hợp với giáo hội Công giáo duy nhất, thánh thiện và tông truyền (LG. 26a).
Công đồng Vaticanô II còn khuyến dụ mọi người cùng nhau dâng chính mình làm của lễ và nhờ Chúa Ki-tô làm trung gian liên kết với Chúa Cha và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa là tất cả trong mọi người (SC.48; LG. 11; PO. 2,5).
Cộng đoàn Ki-tô hữu cùng tham dự một thánh lễ không những hiệp thông với nhau nhưng còn trải rộng ra với các chi thể của Chúa Ki-tô ở khắp nơi. “Công hiệu của lễ tế Misa không nguyên thu hẹp lại nơi những người rước lễ vì hiệu quả của lễ tạ ơn tưởng niệm này xem ra như vô tận; không một cộng đoàn nào tập trung chung quanh bàn lại tự khép kín, mà không cảm thông với dân Chúa rải rác khắp hoàn cầu và cầu nguyện cho cả kẻ sống lẫn người chết.”[7] Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại: “một cộng đoàn thực sự là Thánh Thể không được khép mình lại, như tự đủ cho mình, nhưng phải hòa đồng với các cộng đoàn công giáo khác.”[8]

3.      Chiều kích truyền giáo

a.      Nối kết thánh lễ và đời sống truyền giáo

Phụng vụ là trung tâm điểm đời sống Ki-tô hữu, tuy nhiên, phụng vụ không khép kín xung quanh bàn thờ mà phải được nối dài bằng các hoạt động tông đồ, truyền giáo. Về điểm này, sắc lệnh “Đời sống và chức vụ của linh mục” viết: “Muốn cho việc cử hành Thánh Thể được chân thành và hoàn hảo thì thánh lễ phải được thể hiện ra bằng những hoạt động bác ái và tương trợ, cũng như các hoạt động truyền giáo và những cách thế làm chứng khác” (PO. 63).
Thánh Thể là một hành vi phục vụ. Theo trình thuật của Tin Mừng Gioan, trong bữa tiệc ly, “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn thắt lưng - đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn mà lau” (13, 4-5). Tham dự vào Thánh Thể của Người, chúng ta được mời gọi “phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14) và như những lời từ biệt, Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” ( Ga 13, 34-35).
Mỗi người Ki-tô hữu phải sống lời cam kết mà họ tuyên xưng hằng ngày: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Loan truyền và tuyên xưng không chỉ bằng môi miệng hay như người ta nói là ‘đầu môi chót lưỡi’, nhưng bằng chính cuộc sống của mình.

b.      Xây dựng ý thức truyền giáo[9]

“Các hoạt động truyền giáo luôn gắn liền với Bí tích Thánh Thể và qui hướng về đó” (PO. 5). Trong Chúa Ki-tô Thánh Thể, Giáo Hội tăng trưởng như dân tộc, đền thờ và gia đình của Thiên Chúa: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Đồng thời, Giáo Hội hiểu rõ hơn đặc tính của mình là “bí tích cứu độ phổ quát” (AG 1). “Cử hành Bí tích Thánh Thể được gọi là Thánh lễ, Lễ Misa, do từ La Tinh missio nghĩa là sai đi. Thánh lễ kết thúc với lời Hội Thánh sai các tín hữu đi vào đời, để họ thực thi thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày” (GLC. 1332). Thánh lễ không phải là một hành vi tách rời và đóng kín, đến nỗi người  tham dự thánh lễ chỉ biết có Phúc Âm, cầu nguyện và tương trợ nhau.
Trong câu chúc bình an: “Ite, missa est”, “Ite” nghĩa là mỗi người sẽ trở lại với công việc của mình, trở lại vị thế của mình trong xã hội, mang Thánh Thể của Chúa Ki-tô đi với mình. Như Chúa đã ban Mình Máu Người cho ta, thì ta có bổn phận chia sẻ những phúc lộc đã lãnh nhận cho người khác. “Ite” cũng có nghĩa là: bánh và rượu đã được ăn và uống tăng thêm sức mạnh Chúa Thánh Thần cho các  tín hữu của Chúa, thì nay đã đến lúc giải tán buổi hội họp, các tín hữu sẽ mang đức ái của Chúa Ki-tô đến cho những người còn ở bên ngoài (x. Ga 20, 17 ; Cv 1, 9-11), để Nước Chúa được rộng mở ra trên thế giới.[10]
Tóm lại, cuối mỗi thánh lễ, khi chủ tế giải tán cộng đoàn bằng những lời “Thánh lễ đã xong, anh chị em hãy ra đi,” mọi Ki-tô hữu phải ý thức mình được sai đi như là “người thừa sai của Thánh Thể,” loan truyền ở khắp mọi môi trường sống hồng ân vĩ đại đã lãnh nhận. Thực vậy, người nào gặp gỡ Chúa Ki-tô trong phép Thánh Thể, không thể nào không công bố bằng cuộc sống mình tình yêu và lòng thương xót của Đấng Cứu Chuộc.



Kết Luận (bản cách) Trần văn Đoàn
Ecclesia catholica
Khi chủ trương nền thần học bản cách, và khi nhận định rằng, nền thần học này như là một tổng hợp biện chứng của hai nền thần học dựa trên hội nhập văn hóa và bản vị, chúng tôi không đi xa hơn những kết luận của Công đồng Vatican II, hay của chính Giáo chủ Gioan-Phaolô II. Trong phần kết luận này, chúng tôi xin được phép lập lại một số nguyên tắc cũng như phương pháp của nề�n thần học nhân cách và tiếp đó, đưa ra một số suy tư về Giáo hội.
Thứ nhất, một con người theo đúng hình ảnh của Thiên Chúa, tức là một con người viên mãn, hay một con người với bản chất và những tác năng của một con người thực sự nhập thế và siêu việt, tức một con người theo mẫu mực (homo integralis) của đức Kitô.
Thứ đến, như là một hình ảnh, và là một chứng nhân, con người viên mãn là một con người tự chủ qua chính tác năng sáng tạo (lao động) của mình. Thiên Chúa dựng lên con người, nhưng chính con người tiếp tục và hoàn thành công trình của Ngài. Do đó, vai trò chủ (tự chủ) không có nghĩa là tách biệt khỏi, hay tạo phản chống Thiên Chúa như trường hợp Lucifer, hay các triết gia vô thần như Friedrich Nietzsche. Con người tự chủ, theo lối diễn tả của Immanuel Kant, tức là tự quyết định tôn theo luật của tự nhiên, tức luật của Chúa.
Mà tôn theo luật của Thiên (tự) nhiên, tức là tôn theo luật làm người theo hình ảnh của Chúa. Một con người như thế chính là một con người mang nhân tính, song cũng mang siêu việt tính. Ðó là một con người tự chủ, song có trách nhiệm xã hội. Ðó là một con người có cảm tính, lý tính, ý thức được nhiệm vụ hiệp thông với Thiên Chúa để tiếp tục chương trình sáng tạo của Ngài. Ðó chính là một con người theo hình ảnh của đức Kitô. Nói tóm lại, đó chính là một Kitô hữu đích thực. Một con người Kitô hữu đích thực như thế, chúng tôi gọi là người có nhân cách. Nếu hiểu Giáo hội như là một sự hiệp thông của Kitô hữu, và nếu hiểu công việc truyền bá tin mừng là một nghĩa vụ giúp mọi người biến thành Kitô hữu, tức là con người nhân cách, thì chương trình bản cách hóa phải là một trong những mục đích chính yếu của bất cứ Kitô hữu nào.
Hiểu theo mạch văn này, Giáo hội không phải là một hội đoàn, đảng phái, hay một tổ chức chính trị. Kitô hữu không giống những đảng viên, và "theo đạo," càng không có nghĩa như đi theo đảng, với những quy luật, hình thức, trật tự, lợi ích... cố định. Theo đạo theo đúng nghĩa phải là nhập đạo, theo nghĩa nhập thể. Nhập đạo tức biến thành một thành phần trong và của cơ thể. Như vậy, Giáo hội chính là một thân thể chung của tất cả mọi Kitô hữu, một thân thể mà đức Kitô là "tâm" tức trí, tim, tinh thần, và gốc lõi. Nói theo tâm thức Việt, giáo hội phải là một mái nhà chung cho tất cả mọi người con Thiên Chúa, gồm cả những đứa con hoang đường, lạc lối (những người có tội, có lỗi), ngoại đạo (chưa nhận ra Chúa), hay dị đạo (các Giáo hội không đồng nhất với Kitô giáo như Hồi giáo), hay nhận ra Chúa một cách khác biệt (nhà thông thái Nicodemus, các nền triết học nhân bản như Nho học, Ðạo học, Phật học). Hiểu như vậy, giáo hội phải là "cái nhà là nhà của ta" chứ không phải chỉ của một nhóm người nào đó, mà chúng ta chỉ được phép tá trọ qua đêm. Và nếu thành viên của Giáo hội, theo đúng nghĩa của Thánh Kinh, là những người con Thiên Chúa, tất cả đều có "quyền" được đức Kitô cứu độ. Nếu như là một thành phần của nhiệm thể Kitô, tuy "mỗi người một vẻ" song vẫn cùng cộng thông với nhiệm thể của Chúa (qua Thánh Linh) một cách "mười phân vẹn mười," thì chúng ta thấy sự khác biệt của mỗi nền văn hóa là lẽ tất nhiên. Và sự dị biệt này không mang nghĩa "ngoại," "lạc," hay "rối" đạo. Nếu hiểu theo mạch văn như vậy, thì việc rao giảng tin mừng không chỉ nên "theo" một quy thức cố định biến đổi mọi người thành một cộng đồng mặc đồng phục, nói cùng ngôn ngữ, biểu tả như nhau, và suy tư giống nhau." Tham dự vào nhiệm thể của đức Kitô không phải như thế. Một sự tham dự đích thực phải là một cộng thông vào cuộc sống của tha nhân như thánh Công Ðồng Vatican diễn tả một cách rất trung thực: "In fractione panis eucharistici de Corpore Domini realiter participantes, ad communionem cum Eo ac inter nos elevamur." Nói cách khác, cộng thông này bao gồm hiệp thông và tâm thông theo biểu tượng của chính Thánh Thể Kitô, mà trong nhiệm tích Thánh Thể, mỗi người đều là một thành viên, và trở thành hoàn thiện "cum Eo inter nos elevamur."
Tương tự, dân Chúa là người tham dự và cộng thông vào chính Kitô, vào chương trình cứu độ của Ngài. Mỗi Kitô hữu (theo nghĩa rộng) đều là một phần của thân thể Kitô; và Giáo hội bao gồm tất cả mọi thành phần, mà đầu của Giáo hội là chính đức Kitô. Hiểu như thế, Giáo hội Việt, chỉ có thể là Giáo hội Việt khi ý thức được nhiệm vụ, và hoàn thành nhiệm vụ giúp con người Việt trở thành một con người nhân cách, tức thành thánh, đồng thời cũng ý thức được sự tham dự vào thiên tính của mình.

Phụ Lục:
Thụy Sơn Trần Văn Ðoàn, Viện Triết Học và Tôn Giáo Việt Nam, Washington, D. C. 2001



[1] Đổ Xuân Quế, Thần học bí tích, (Đức tin Văn hóa, 2005), tr. 333-334.
[2] X. Vũ Chí Hỹ, Thánh Thể - Hy lễ tạ ơn – Bí tích tình yêu – Nguồn ơn cứu độ, (Dòng Thánh Thể, 2011), tr. 30.
[3] X. Mt 26,26-29; Mc 14,22-24 ; Lc 22,19-20; Ga 17,19 ;1Cr 11,24-25 ; 1Pr 1,19-21; Ep 5,2; Dt 10,9.
[4] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1365, (Thành phố HCM: 1997).
[5] R. Vatican, Bí tich - Nguồn ơn cứu độ, tr. 279.
[6] Trích lại trong Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1398.
[7] Đổ Xuân Quế, Sđd, tr. 441.
[8] Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 39.
[9] X. “Mục vụ Thánh Thể” của linh mục Trần Đình, truy cập ngày 20/01/2010, http://www.simonhoadalat.com
[10]x. J.GÉLINEAU, Họp nhau cử hành phụng vụ, t. II, tr. 403-404.