LIFE IN BUNBON (P. I)
CHÍNH THỨC LÊN BẢN SỐNG
Ngày đầu ở bản:
Chúng tôi tới bản độ 2 giờ chiều, ngồi dưới gốc cây đợi anh giáo lý viên. Cha xứ ngủ ngay rung khúc cây còn tôi thì không thể vì hồi hộp muốn biết về quê hương mới của tôi. Cuối cùng thì anh GLV cũng tới bảo "con thấy cha chạy qua nhưng cố đóng cho xong mớ táp-lô."
Chúng tôi đi thẳng tới căn nhà tôi sẽ ở trong khoảng một năm để học ngôn ngữ và mục vụ các làng bản vùng này. Ngôi nhà tôi ở được xây nửa đất sét nửa xi măng. Và chủ nhà là người Tin Lành
với một vợ ba con. Đó là tin mừng đầu tiên vì tôi không phải ở trong một đại gia đình với nhiều thế hệ và nhiều chành nhánh vốn rất phổ biến ở đây. Ở Châu Phi nói chung, nếu quí vị hỏi trong nhà có bao nhiêu người, phần lớn sẽ bối rối vì họ không thể nhớ và đếm hết con cái của cô cậu chú bác...
Phòng tôi có một cửa chính và một cửa sổ nhỏ. Khi mưa thì chỉ cần né cái cửa sổ là được. Nền cũng được tráng xi-măng nên tôi có thể lăn. Tính ra là tôi may mắn vì đây là một trong những căn nhà trung bình khá ở đây.
Nơi ở:
Việc kiếm chỗ ở cho tôi là một câu chuyện dài. Cách nay một tuần tôi đi họp hạt, ghé qua hỏi thăm, anh GLV dẫn tôi đến một căn phong tương đối nhỏ nhưng cũng có cửa và có điện. Chủ nhà bảo 'tui chờ lâu quá nên cho người thuê rồi'. Anh GLV giải thích 'phòng này thuê hết 5 cidis (tương đương một dĩa cơm trong quán) mỗi tháng nên chúng con phân vân không biết giáo dân có trả nỗi không. Do đó, chúng con không trả lời dứt khoát.' Tôi hỏi 'giờ sao, có chỗ nào khác không?' Anh bảo có. Một phòng hơi xa và không có điện, sẽ không tốt vì mùa nóng đang tới. Tôi bảo, tui không có mở để chảy, chui vô đó được không kaka. Rồi cười trừ. Anh nói có một phòng khác nhưng bị dột, nếu mưa thì chỉ có ra gốc cây ngồi.
Thế là bế tắc. Nhưng giờ một người Tin Lành tốt bụng cho ở không. Anh lại sẵn sàng chỉ thêm cho tôi về ngôn ngữ và văn hoá nữa. Nhà anh lại ngay sau nhà thờ Tin Lành. Sau một thời gian không biết ai cải đạo ai. Nếu quí vị có nghe tin tôi cải đạo được gia đình này thì mừng cho Giáo Hội, nếu ngược lại thì mừng cho tôi vì tôi có cơ hội vừa làm mục sư vừa có vợ kaka. Bên này việc người trong gia đình theo Công Giáo và Tin Lành thuộc nhiều giáo phái khác nhau là bình thường. Tôi đang nghĩ đến ý tưởng tổ chức noel chung với tất cả cả giáo phái Tin Lành khác trong dịp Giáng Sinh sắp tới vì tất cả đều là Ki-tô hữu và chúng tôi đã làm như thế ở một số nơi nhằm đẩy mạnh sự hợp nhất Ki-tô giáo.
Về vấn đề ăn uống:
Họ cũng bối rối khi tìm người nấu ăn cho tôi vì người lớn thì nhiều và sẵn lòng nhưng không ai biết tiếng Anh. Lúc đầu họ tính nhờ một cô học sinh cấp hai, nhưng vừa học vừa nấu cơm thì bất tiện. Rồi tiếp tục tìm kiếm. Giờ đây họ tạm gửi cho tôi một cậu con trai trạc 15 tuổi. Em có vẻ hoạt bát, bên cạnh còn có rất nhiều phụ tá tình nguyện. Em tới nấu trong vòng một tiếng rồi về.
Lúc đầu anh GLV hỏi tôi ăn thức ăn địa phương được không, tôi bảo được, anh tiếp 'nhưng tối nay sẽ nấu cơm cho cha, cha ăn gạo địa phương được không? Hay đi coi gạo đi'. Tôi bảo không sao, khỏi coi, tui ăn tất.
Cơm nấu xong, tôi thấy cơm quá nhiều tôi bới một góc nhưng cũng đầy dĩa, phần còn lại các em xơi một nhoáng là xong. Tôi bắt đầu với ngụm to vì đói, nhưng ơi hỡi, cơm này còn cứng hơn cơm từ gạo Viêt-Năm-Mười ngày xưa. Thế là hành trình nhơi bắt đầu. Tôi không thể xơi hết đĩa cơm và đành để mai ăn sáng và không dám cho em đầu bếp biết vì sợ nó buồn. Tôi chỉ nói mai tớ không ăn sáng nhé.
Lại nói về thịt. Ngày xưa tôi còn là sinh viên ở Nha Trang, bạn tôi đi chợ mua thịt bò về ăn, anh em chê dai, cậu ra chợ mắng vốn bà bán thịt, bả bảo 'thịt đó dành cho chó, dai là phải'. Miếng thịt hôm nay gợi cho tôi nhớ lại kỷ niệm đó. Tôi đành để cả thịt lẫn cơm cho buổi sáng. Cũng may là tôi mua được nồi cơm điện để xầm.
Chưa hết, sau khi ăn tối được chừng nữa tiếng, bụng tôi bắt đầu lên tiếng. Nhà vệ sinh thì đâu có gần, tôi phải ra trường học đi ké, vừa đi vừa ôm bụng, chẳng nói chẳng rằng và chẳng ai hiểu chuyện gì. Nhưng rồi cũng ổn sau khi giải phóng nó ra.
Ngày đầu qua đi bằng một giấc ngủ sớm kéo theo một giấc mơ êm đềm. Tạ ơn Chúa về tất cả. Ít nhất cũng đã có nơi dừng chân an toàn cho sứ vụ.
Bunbong 17/11/2015
No comments:
Post a Comment