Thursday, 9 November 2017

Miếng vải trắng ngày rửa tội

-        Thưa cha, có rắc rối ở họ đạo Pitili cần phải giải quyết.
-        Chuyện gì vậy?
-        Một trong hai bà tân tòng ở đó bị cấm đi lễ và nếu bà này bỏ đạo thì bà kia cũng bị cấm cung luôn.
-        To chuyện rứa a?
-        Nghiêm trọng. Hai bà này là hai người đầu tiên và duy nhất được rửa tội kể từ ngày khai đạo. Nếu họ bỏ đạo thiệt thì họ đạo có nguy cơ...

-        Ông liên hệ và hẹn với họ. Trong tuần này, tui có vài ngày rảnh, chúng ta đi.
Hai hôm sau ông chủ tịch đồng thời là giáo lý viên báo:
-        Chiều này 1 giờ cha nhé.
Nghe nói 1 giờ chiều, tôi ngán ngán, nên hỏi:
-        Chuyện gì?
-        Chưa già đã lãng. Pitili.
-        Ô, ồ, chuyện to. Ta đi.
Đường đến cộng đoàn này phần lớn là đường rẫy, lái xe mà cứ tưởng mình đang nhảy nhạc pop. Đi qua đoạn đường toàn cỏ khô gần lút cả xe, tôi nói với ông chủ tịch: “Nếu có ai đốt cỏ thì ông muốn chết mất xác hay còn xác?”. “Còn xác”. Tôi bảo: “Vậy, mở cửa xe sẵn sàng, khi có cháy thì nhảy ra khỏi xe, chạy xa một chút. Tui thì ngồi ngắm lửa cháy cho đến khi banh xác, khỏi phiền ai chôn cất.”
Thế rồi, chúng tôi cũng đến nơi an toàn, không bị chết cháy. Hai vợ chồng ngồi chờ sẵn cùng với mấy đứa con nít. Chào hỏi rồi cà kê một lúc lâu chúng tôi mới vô đề.
Nhưng trước khi vô đề, theo thông lệ, chúng tôi lại chào hỏi nhau như khi mới gặp. Cùng lúc đó các con lớn của ông từ ngoài rẫy cũng trở về, cùng ngồi hóng chuyện. Khi nghe ông chủ tịch gợi mở vấn đề, ông chồng già độ 70 từ tốn thổ lộ:
-        Tui có ba mụ vợ, 18 đứa con, đang tính kiếm thêm một cô trẻ trẻ mắn đẻ để có con đàn cháu đống.
Tôi vui miệng bảo:
-        Thôi, từng đó được rồi.
Ông chỉ cười rồi tiếp:
-        Bà cả có mấy đứa con, nhưng một đứa bị tật và một đứa lơn không lấy được vợ. Tui gọi thầy bói tới làm mấy quẻ. Họ nói vì vợ tui đi đạo nên con ông một đứa bệnh, một đứa không lấy được vợ. Bà phải bỏ đạo mới được.
Ngưng một lúc rồi ông tiếp:
-        Tui là trưởng tộc, vướng vô mấy dzụ cúng bái thần thánh và tổ tiên nên không thể bỏ họ mà theo đạo được, còn con cái thì tui cho tự do. Theo công giáo hay hồi giáo, mặc! Hồi đầu, vợ cả của tui bị rắn cắn, tui chạy hết thầy này qua thầy nọ, nhưng vô phương cứu chữa. Tôi đành bỏ cuộc. Bả nói bả có thể tự chữa nếu tui cho phép. Tui nói tui hết cách rồi, bà làm được gì thì làm. Rồi bả đi đạo, từ đó bả khỏi hẳn. Nhưng lần này bả làm tui bối rối. Nếu cấm bả đi đạo, bả về bên ngoại ở để đi đạo thì tui mất vợ. Nếu để bả đi đạo thì con tui không lấy được vợ. Ai chẳng muốn thấy con cái mình thành toại. Thế mà... tiến thoái lưỡng nan.
Thấy ông đã thổ lộ hết tâm tình, tôi trổ nghề giảng đạo.
-        Thiên Chúa yêu thương loài người và đã sai Con của Ngài xuống thế để cứu chúng ta. Một hôm, Ngài thấy một người bại liệt lẫn giữa đám đông, Ngài đến và chữa lành anh ta. Hôm khác, Ngài đang đi đường thì gặp đám ma của con của một bà góa. Thương tình, Ngài đụng vào quan tài, và cậu con trai duy nhất của bà góa sống lại. Cho đến bây giờ Ngài vẫn tiếp tục cứu chữa nhiều người, cụ thể là vợ ông, rồi cu Sen ở làng bên cạnh. Cu Sen bị tật bẫm sinh, gia đình tính chôn sống, nhưng được cha đưa vô nhà các xơ nuôi dưỡng, giờ khỏe mạnh như thường. Ngoài ra, ông biết Sunson hay Gnani phải không? Giờ phát triển là vậy nhưng lúc đầu, các cha truyền giáo mới tới đó là vùng đất của thần dữ, không một ai dám bén mạng tới gần. Khi các cha xin đất cắm lều, các già làng thách thức họ rằng ‘Nếu Chúa của các ông mạnh thì vô đó mà ở”. Các cha đã tới khai hoang, dựng lều cắm trại, và sống an nhiên. Sau đó, dân chúng thấy vậy, nhiều người theo đạo. Đó, ông thấy chưa, Chúa của chúng tôi mạnh lắm, làm gì cũng được.
Thấy ông vẫn chưa hết bối rối vì tôi chưa chạm đến nỗi niềm của ông, tôi tiếp.
-        Tuần trước, ở Yablajo, chúng tôi có buổi họp mặt cầu nguyện thâu đêm. Khi thảo luận về những đổi mới trong bản làng kể từ ngày đạo Công Giáo tới, hàng trăm giới trẻ hớn hỡ chia sẻ rằng “Trước đây hễ ngồi lại tụm năm tụm bà là có đánh nhau, không ai dám bén mạng qua làng khác, nhất là mon men em gái nào ở đó. Nhưng bây giờ, cả gần nghìn người đến từ 12 làng khác nhau tụ lại, mà chỉ nghe tiếng ca hát, chia sẻ và nguyện cầu. Đây cũng là dịp để nam nữ gặp nhau, dựng vợ gã chồng đồng đạo để khỏi bị người Hồi Giáo ép theo đạo họ.” Biết đâu nếu con ông đi đạo, giao lưu đây đó lại gặp được gái ngoan, ông có thông gia ở khác làng, lại có dịp đi đây đi đó. Nhìn khung cảnh ở đây thì biết, con ông, ngoài tiếp xúc với hai nhà gần gần đây, chỉ chuyện trò với mấy con dê, bò, gà vịt trong vườn, làm sao kiếm được vợ...?
Cả nhà cùng phá lên cười tỏ vẻ đồng ý. Tôi sẵn hứng, tiếp:
-        Sắp tới Bổn Mạng giáo xứ, chúng tôi tổ chức theo cụm, mời ông và cả nhà tới dự cho biết. Và biết đâu, nếu Chúa muốn, con ông vớ được cô nào đó hihi.
Chúng tôi kết câu chuyện trong hân hoan, ông sai đứa con trai vô nhà bắt con gà trống tơ làm quà và nói: “Khách tới nhà không gà thì vịt. Nhà không chuẩn bị cơm nước được nên gửi cha con gà về nấu cháo. Cảm ơn cha và ông đã đến gỡ rối, tôi đã thấy dễ thở hơn”.
Bà vợ ngồi nghe và thấy cái kết có hậu, mạnh miệng lên tiếng:
-        Ngày mấy thầy bói tới nhà, tui đi lễ. Lễ về, họ bảo tui rằng họ có “quà” cho tui nhưng vì tui một chân bên này một chân bên kia nên họ không đưa. Tui bảo “Các ông muốn chân nào?”. Họ chỉ bảo tui phải bỏ đạo thì con tui mới có vợ được. Tui nói “Theo truyền thống, khi theo vị thần nào và được chữa lành, rồi sau đó muốn bỏ thần đó mà theo thần khác, thì phải mang trả lại những gì thần trước trao cho rồi mới theo. Tui theo Chúa, được cha trao cho miếng vải trắng này, bầy giờ các ông bắt tui bỏ Chúa, tui phải đem trả lại cho cha xứ đã.” Họ liền tái mặt bảo đừng. Thế là xong, miếng vải cha trao ngày cha rửa tội tui, tui vẫn luôn giữ. Bà khoe miếng vải trắng tôi trao ngày rửa tội. Miếng vải không còn trắng như ngày đầu vì bà luôn mang theo khi đi nhà thờ và sinh hoạt, nhưng tôi biết chắc lòng bà vẫn luôn trong trắng.
Tạm biệt Pitili, trên đường về tôi thầm cảm ơn Chúa về đức tin đơn sơ nhưng mạnh mẽ của những con người mộc mạc ở đây. Những người đã theo đạo, phải đi bộ rất xa để đến nơi tụ họp cầu nguyện. Khi có “Đêm nguyện cầu” hai lần mỗi tháng, họ phải cuốc bộ từ trưa đến tối mới tới nơi, rồi sáng ra cuốc về lại. Ngoài ra, như câu chuyện trên, họ gặp phải sự chống đối ngay từ trong gia đình. Vấn đề nổi cộm nhất là họ buộc phải chuẩn bị đồ cúng và ăn đồ cúng. Nhưng giáo hội địa phương ở đây không cho phép vì họ muốn nhấn mạnh hy tế của Đức Giêsu là hy tế duy nhất cho mọi người và mọi thời.
Những người chưa theo đạo hẳn cũng đang có một ý tưởng nào đó về Chúa trong tâm hồn họ nên các thầy bói mới ‘tái mặt’ khi bà vợ dọa sẽ đem trả miếng vải trắng cho Chúa. Do đó, trên đường về, tôi nói với ông chủ tịch của tôi rằng, “Truyền giáo không phải là mang Chúa từ đâu đâu tới gieo vào lòng họ, nhưng làm cho họ ý thức rằng Chúa đã và đang hiện diện trong tâm hồn họ. Hãy khám phá và cảm nhận sự hiện diện của Ngài.”


No comments:

Post a Comment