Sunday, 7 June 2015

KỲ VỌNG

Tu sĩ đi tu và sống đời tu theo kỳ vọng của người khác
Thách đố thứ hai mà các tu sĩ đang đối mặt là kỳ vọng của mọi người. Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, kỳ vọng là “đặt tin tưởng, hy vọng nhiều vào một người nào đó.” Trong truyền thống người Việt, giữa những người thân thuộc, nhất là trong quan hệ dòng tộc gia đình, không những có liên hệ tình cảm mà còn có trách nhiệm liên đới với nhau. Gia tộc trở thành chổ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần cho mỗi người. Người xưa thường nói: “một người làm quan cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ mắc oan”.
Tu sĩ, đặc biệt linh mục ở Việt Nam rất được coi trọng và nể vì. Do đó, thật là một vinh dự lớn lao cho gia tộc nào có người đạt được địa vị này. Với tư tưởng đó, một người đi tu mang theo kỳ vọng của gia đình, dòng tộc và ngay cả của láng giềng và bạn bè. Chúng ta không phủ nhận sự khích lệ của gia đình và người thân thông qua những ước vọng thành tâm, đó là một động lực cần thiết giúp tu sĩ vững tiến hơn trong ơn gọi của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số tu sĩ dường như bị trói chặt vào cái “nguyên lý danh dự” đó để rồi nhấn chìm đời mình trong những ước muốn của người khác,
và chỉ vì kỳ vọng của người khác. Ai cũng ý thức được rằng đi tu là bước theo Đức Kitô để dthực hiện một lý tưởng, để hoàn thành đời mình một cách mỹ mãn nhưng  không mấy ai vượt qua được áp lực ‘vinh thân phì gia’. Tu sĩ nào cũng có thể nói ‘đường nào cũng tốt, cũng nên thánh, nhất thiết gì phải chọn đời tu’ nhưng không nhiều người dám ‘từ bỏ cuộc chơi’ để chọn đúng ơn gọi Chúa dành riêng cho mình (khi thực sự đã nhận ra ơn gọi của bản thân) mà không màng đến lời ra tiếng vào của người đời, nhất là khi danh giá của bản thân cũng như gia đình sẽ bị “đe dọa”. Vì vậy, không ít tu sĩ trẻ gồng mình hy sinh đời mình với ‘lý tưởng’ làm vui lòng mẹ già, thỏa chí cha yêu và vinh hoa cho họ hàng. Thử hỏi nếu lý tưởng đời tu chỉ có thế thì khi người cha khuất núi, mẹ già qui tiên, họ hàng xa dần, người tu sĩ lấy gì làm điểm tựa để đi tiếp chặng đường còn lại? Người ta thường bảo tình yêu bắt nguồn từ điều gì thì hãy lấy chính điều đó mà nuôi dưỡng. Khi nơi bắt nguồn của lý tưởng không còn thì lý tưởng cũng chắp cánh bay xa vì không còn dưỡng chất nữa.
Tắt một lời, bên cạnh những tu sĩ thực sự muốn hoàn thành vận mạng đời mình một cách sung mãn trong ơn gọi tu trì, có không ít người chọn đời tu chỉ vì người khác muốn thế và bám lấy đời tu chỉ vì sợ mất đi sự “nể trọng” của thế gian. Họ sợ bị loại trừ, bị đánh giá thấp nên đành hy sinh ép mình sống theo kỳ vọng của mọi người và sẵn sàng trở thành một con người khác mình để được “yêu mến”. Thực ra, ngụp lặn trong nền văn hóa mang tính làng xã của Việt Nam, con người rất dễ bị tác động bởi dư luận, như nhà văn Nam Cao từng thốt lên: “Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất điệu để khiến người sinh đê tiện…” (Truyện ngắn Tư cách mõ).
Dường như ai cũng nhận ra rằng sự ủng hộ của người khác chỉ là một động lực phụ thúc đẩy phần nào cho lý tưởng dấn thân của mình, nhưng không phải tất cả mọi người đủ sáng suốt và can đảm để vượt qua nó khi cần.

No comments:

Post a Comment