Lý tưởng của nhà truyền
giáo là giúp người khác nên thánh hơn và giàu hơn. Nên thánh là lý
tưởng của mọi Kitô hữu, giàu có hơn là ước mơ của nhiều người và
nó đẹp lòng Chúa vì nó giúp con người sống xứng với nhân phẩm hơn. Ở
đây, tôi xin nói đến việc làm giàu.
Cũng là lẽ thường khi một
nhà truyền giáo đặt lý tưởng của mình ở một vùng đất xa xôi hẻo
lánh, nghèo nàn và lạc hậu nghĩ rằng mình sẽ mang chút văn minh mà
mình may mắn học được để ‘khai hóa’ vùng đất mới. Tôi ra đi với hoài
bão sẽ bắt đầu từ những việc nho nhỏ với phương châm lăn xả vào đời
rồi từ từ giúp họ thay thói quen và não trạng cũ, thiếu hiệu quả
bằng hiểu biết và tư duy mới hữu hiệu hơn. Thế nhưng, …
Ngày nọ,
sau lớp học ngôn
ngữ chiều, tôi thấy anh em nhà tập loay hoay với đám mỳ ở sau rẫy,
bèn tham gia. Anh em ngạc nhiên vì tôi biết dùng dao (một loại dao
mỏng, dài, dùng như rựa ở Việt Nam) để phát cỏ, bụi rậm. Sau một
lúc chứng tỏ tài năng, tôi đề nghị với em có nhiệm vụ đi sau trồng
mỳ rằng tôi sẽ dùng cuốc (cuốc cán dài kiểu Việt Nam tôi mới làm)
đào lổ rồi em trồng thay vì cứ dùng dao ‘chọt’ một lỗ nho nhỏ rồi
chôn một đầu của khúc cây mỳ xuống.
Tôi hùng hồn giải thích
rằng, nếu bỏ cả khúc cây mỳ xuống dưới lòng đất, nó sẽ ra nhiều
củ hơn vì nó ra củ cả hai đầu. Nếu chỉ trồng một đầu xuống còn
đầu kia để chỗng lên trời vậy thì không được bao nhiêu củ. Chắc hẳn
quý vị đồng ý với tôi về điểm này. Tôi cũng chẳng nghi ngờ gì. Tuy nhiên,
sau vài tháng, tôi thấy tôi đã thất bại.
Sau một thời gian tôi bước ra
rẫy, tôi thật sự thất vọng và tự thấy xấu hỗ. Tôi ước gì đừng có
cái ngày ‘đáng nguyền rủa’ kia, ngày mà tất cả anh em ngưng việc nghe
tôi thuyết về kỷ thuật trồng mỳ. Tôi ước sao không một anh em nào nhớ
những gì tôi nói. Tôi cầu mong rằng thời gian trôi thật nhanh để anh em
khấn rồi đi khỏi đây để không một ai chứng kiến thành quả của ‘kỷ
thuật trồng mỳ mới từ Việt Nam’ này.
Tôi đã không thể lường trước
được thời tiết, chất đất và sức sống của cỏ dại nơi đây. Người ta
trồng mỳ kiểu cắm một đầu xuống đất và đầu kia để lòi lên trên mặt
đất khoảng 7cm là có lý do cả. Họ không cày xới, không đào sâu cuốc
bẫm, chờ cho cỏ chết mục dưới đất cày rồi mới lên luống và trồng
như mình. Ở đây, người đi trước phát bụi rậm và cỏ dại, người đi sau
cắm cây mỳ xuống đất, thế là xong. Vì họ để một đầu lòi lên trên
mặt đất nên mỳ lên rất nhanh, vượt trên cỏ dại. Sau vài tháng họ ra
lại, phát cỏ và bụi rậm. Không một nhát cuốc nào được đặt xuống
trên mảnh đất đó. Ngày qua ngày, khi mỳ đã ra củ, họ dùng dao đào
lấy củ, sau đó lấp đất lại, để mỳ tiếp tục ra củ. Cứ như vậy thu
hoạch một hai năm rồi trồng thêm vào những chỗ mỳ cũ không còn tươi
tốt.
Sai lầm của tôi là ở chỗ tôi
đã không ngờ rằng cỏ và bụi bờ lên nhanh đến vậy. Sau khoảng hơn một
tháng cỏ đã phủ và vươn cao hơn 20cm trong khi mỳ tôi trồng chưa cao
bằng cỏ. Thế là cỏ ăn mỳ và giờ đây người chỉ còn nước ăn cỏ. Cũng
may là hôm đó tôi ra trể nên không trồng được nhiều nếu không thì họa
to.
Thất vọng? Vỡ mộng?
Không hẳn vậy, nhưng đúng là
bài học quý để tôi biết cẩn trọng hơn. Có lẽ cần chậm mà chắc. Thật
ra hy vọng vẫn tràn trề, vì chưng đi nhiều nơi, tôi đã thấy họ dùng
cuốc để làm cỏ thay vì chỉ dùng dao phát rồi chỉ vài tuần sau cỏ
lại xanh. Ngoài ra, máy cày cũng đã được dùng rộng rãi ở nhiều nơi.
Như vậy, chôn cả khúc cây mỳ xuống đất trong những vùng đất đó sẽ
là phương pháp tốt. Tự nhủ đừng vội nhíu mày!
No comments:
Post a Comment