Wednesday, 8 July 2015

VỠ MỘNG truyền giáo (tập II)


Trước khi ra đi truyền giáo, tôi được cha Sơn cho biết “bên này họ không ăn rau cỏ nhiều như mình, mang hạt giống qua trồng mà ăn.” Thực ra Ghana đang có phong trào cổ vũ ăn nhiều rau. Năm nay là “Năm ăn rau” (The year of vegetable). Khẩu hiệu cổ vũ ăn rau treo đầy ở các bệnh viện và trung tâm bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen ăn uống thì cần hàng thế hệ.

Tôi tự nhủ, nếu không có rau, chắc mình chết sớm. Vậy tạm thời khi mới qua thấy bò với heo ăn lá gì thì mình ăn lá đó đỡ, sau đó sẽ trồng rau và dạy người ta ăn rau. Đó cũng là cách giúp người ta thoát nghèo đói. Đói ăn rau, đau uống thuốc mà.
Trước hết, dự định ăn theo bò và heo của tôi thất bại. Khi về tới trung tâm
học ngôn ngữ, tôi thất vọng nhận ra bò không thấy một bóng, heo không có một con, dù cỏ lút đầu, xanh rì như lúa Đồng Tháp Mười, rau ráng cho heo mọc phủ cả lối đi. Vậy là không biết lá gì ăn được lá gì không.
Tuy nhiên, cũng may có mấy sơ người In-đô cũng thuộc hạng ‘ăn cỏ’ như mình nên tôi theo họ ăn lá mỳ, lá và hoa đu đủ qua ngày. Sẵn thèm ‘cỏ’, tôi ‘ngoặm’ một miếng to, không ngờ lá và hoa đu đủ đắng như thuốc kí-ninh, không nỡ làm người ta buồn, tôi nhắm mắt nhai, và trợn mắt nuốt cho xong. Tuy vậy, sau một thời gian ăn quen, đắng trở thành ngọt, lâu lâu không có cũng nhớ. Nhớ hoa lá đu đủ và nhớ các sơ.
Rồi tôi chỉ mất vài ngày để an cư và nhìn trước ngó sau trước khi bắt tay vào việc. Tôi xin phép giám đốc trung tâm và bắt đầu trồng rau và các loại bầu, bí, mướp, … Tôi rải gần khắp vườn các loại hạt giống với hy vọng sớm có cái nhét vào miệng đặc biệt trong những ngày gặp thức ăn lạ khó nuốt.
Các sơ các thầy thấy vui cũng nhào vô xới đất, thả giống, đống giàn. Rồi chúng tôi quyết định đặt tên cho vườn rau nhỏ bé của chúng tôi là ‘Vườn rau đồng đội’. Hầu như ngày nào sau lớp học cũng có người ra ‘ngó’ một cái, chỉnh cái này sửa cái kia. Do đó tôi mới nghĩ có lẽ rau quả cũng biết mắc cỡ, mắc cỡ với các nhà truyền giáo trẻ chúng tôi. Có loại không chịu lên, có loại lên mà không chịu lớn, có loại lớn mà không chịu ra trái, có loại ra trái rồi không chịu đậu, có thứ đậu mà không chịu lớn.
Chỉ nguyên có một cây mướp hương và một cây bầu ra rất nhiều trái, trái lớn nhanh như thổi, lúc đầu ăn không ngạ, cho thì chẳng biết cho ai vì không ai biết ăn. Nhưng chỉ lứa đầu, qua lứa thứ hai người chưa kịp ăn, sâu bọ đã chén sạch bên trong. Giờ thì tôi đã hiểu, lứa đầu sâu bọ nó chưa biết vì thấy lạ, nhưng khi ngửi được mùi rồi thì ôi thôi, chúng kéo cả bè cả ổ tới đánh chén hết lứa này đến lứa khác. Chúng tôi nhìn nhau không ai nói với ai một lời.
Như vậy, thay vì cải thiện cuộc sống bằng sản phẩm mới với phương châm ‘nhiều rau, ít bệnh’, tôi đã góp phần phát triển sâu bọ phá hoại mùa màng.
Từ đây, tôi liên hệ đến sứ mệnh truyền giáo. Trong việc truyền giáo, tôi không bao giờ nghĩ sẽ mang Chúa tới cho họ, nhưng cố gắng cùng họ khám phá sự hiện diện của Chúa từ ngàn đời nơi đây, ở giữa họ. Từ đó, cùng họ sống và cảm nhận PHÚC ‘có Chúa ở cùng’ như lời Sứ Thần Chúa ca tụng Mẹ Maria “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà.”

Cũng vậy, tôi sẽ nhờ người dân kiếm giống rau quả nội địa rồi cùng trồng và phát triển chúng dần dần. Từ đó, chúng tôi sẽ cùng thưởng thức và hát bài “Công khó bạn làm ra, bạn được an hưởng. Bạn thật lắm phúc nhiều may” (TV 128,2).

No comments:

Post a Comment