TU SĨ LỚN LÊN TRONG TƯƠNG QUAN CỘNG ĐOÀN
DẪN NHẬP
Trong vài thập niên trở lại đây, các dòng tu tại Việt Nam phát triển khá rầm rộ và hầu hết đang vui vẻ với vụ mùa “bội thu” về ơn gọi, đó là một điểm son, một thực tế đáng mừng cho giáo hội Việt Nam . Tuy nhiên, niềm vui bao hàm nỗi lo, và nhiều người đã đặt ra những câu hỏi căn bản bày tỏ những trăn trở về phẩm chất của các tu sĩ trẻ. Những từ ngữ như “gà công nghiệp,” “cá đối bằng đầu,” “máy bộ” rất thường được áp dụng để nói rằng một số nơi hiện nay đang quá chú tâm đến con số mà lảng quên chất lượng. Thật vậy, “phẩm chất tu sĩ không thể được sản xuất ra theo kế hoạch, hay theo sê-ri.”[1]
Để tiếp cận chủ đề NGƯỜI TU SĨ TRẺ LỚN LÊN TRONG TƯƠNG QUAN CỘNG ĐOÀN, người viết xin mượn câu chuyện Ngẫu tượng làm lối vào cho phần Những thách đố cho tu sĩ trẻ Việt Nam hôm nay.
Một người đàn bà kia không biết làm thế nào để bắt con mình mỗi khi đi chơi phải về nhà trước khi trời tối, bà bèn dọa rằng: “Trên con đường dẫn về nhà mình, mỗi khi trời tối, thường có con ma hiện ra bắt trẻ con”. Nhờ thế, con bà đi chơi về rất đúng giờ và không la cà ở đâu cả. Nhưng khi đứa bé lớn lên, nó rất sợ ma và sợ cả bóng tối đến nỗi không dám ra khỏi nhà ban đêm. Thấy thế, bà mẹ đeo cho nó một mẫu ảnh và nói với nó rằng: “Người nào đeo mẫu ảnh này ma quỷ sẽ không dám làm hại”.
Thừa hưởng đường lối tu đức nhấn mạnh đến tính luân lý và nặng sắc thái duy ý chí, bầu không khí cộng đoàn tu trì và những cách thế đào tạo trong các dòng tu hiện tại dường như không hỗ trợ nhiều lắm cho việc hình thành và triển nở nhân cách của tầng lớp tu sinh trẻ, trái lại, nhiều khi còn làm tụt hậu tiến trình thành nhân của họ. Thực ra, đã có những nỗ lực học hỏi, thay đổi và cập nhật những đường lối tu đức và đào tạo mới theo tinh thần Canh tân và thích nghi đời tu của Công đồng Vaticanô II, tuy nhiên, dường như nhiều nơi đang còn vương vấn “tấm bản đồ quá đát” của đường lối tu trì ngày xưa. Trên thực tế, “con đường tu hành này đã tạo nên nhiều con người quả cảm, có tinh thần cộng đoàn, rất nhẫn nhục, nhiệm nhặt và hy sinh cao độ, nhưng mặt khác không phải không có những chổ “lủng”. Có những người được coi là đạo đức “có củ” và rất “có lòng chung” nhưng lại ứng xử thiếu nhân bản và cảm thông. Không thiếu những trường hợp các bậc đáng kính, mà trong đường lối xử thế, ngôn từ, lập trường, quan điểm… lại bộc lộ một cái gì không ổn, ít cảm thương, thiếu “tình người”, thiếu trân trọng tha nhân, khá ích kỷ hoặc kỳ dị mà hôm nay người ta khó có thể chấp nhận được…”[2] Tiếp cận với luồng gió mới của đường hướng tu trì và cách thức đào tạo mới, nhiều đấng bậc không phải không nhận ra những lấn cấn trong cách nghĩ và lối nhìn hiện tại, tuy nhiên, dường như chưa có nhiều người đủ can đảm vượt qua những thành kiến, những tập quán và dư luận để tiếp nhận cái mới. Ngụp lặn trong môi trường nhà tu và lối đào tạo như thế, người tu sĩ trẻ gặp không ít khó khăn trong việc hình thành nhân cách tu sĩ. Những tìm tòi gợi ý rời rạc và đôi khi vơ đũa cả nắm trong phần này có lẽ còn mang tính chất một chiều và có phần chủ quan, tuy thế, cũng xin một lần được nói lên.
Không khí nhà tu, cộng đoàn, đường lối đào tạo đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thành nhân của mỗi tu sĩ, tuy nhiên, vai trò cá nhân mới mang tính quyết định cuối cùng trong tiến trình này. Trong phần Tu sĩ trẻ lớn lên trong tương quan cộng đoàn, người viết đã cố gắng thâu góp ý tưởng đây đó để đề nghị một số cách thế với mong muốn đóng góp thêm cho việc đào tạo và nhất là việc tự đào luyện nhân cách tu sĩ trẻ. Để tự đào luyện mình và hoàn thiện nhân cách trong tương quan với người khác, người tu sĩ phải trải qua nhiều bước tiến cam go. Ý thức về chính mình như một cái tôi duy nhất, độc đáo và mang trong mình một sứ mệnh riêng, đồng thời có những hạn chế nơi tính độc nhất vô nhị của sứ mệnh và duy nhất tính của con người mình. Tự đào luyện chính mình còn có nghĩa là nhận ra giá trị tự tại của mình, đón nhận chính mình hầu tiến tới hình thành một nhân cách trưởng thành. Bên cạnh đó, một nhân cách trưởng thành phải được thực hiện trong một cộng đoàn và trong tương quan với người khác. Những gợi ý trong tiểu mục Sống với người khác như một giao ước bản thân không tham vọng giải đáp những thao thức tìm hướng đi của các tu sinh mới vào dòng, nhưng cũng xin nêu lên để cùng nhau chia sẻ và thao khảo.
1 NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO TU SĨ TRẺ VIỆT NAM HÔM NAY
1.1 Mẫu rập khuôn trong nhà tu
Theo từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, “rập khuôn” có nghĩa là “làm hoàn toàn theo một kiểu có sẵn nào đó một cách máy móc, không suy nghĩ vận dụng một cách thích hợp và có sáng tạo.”[3] Theo giáo sư Robert S. Feldman, “mẫu rập khuôn là một sơ đồ trong đó niềm tin và kỳ vọng về thành viên trong một nhóm được duy trì hoàn toàn trên cơ sở tư cách thành viên của mình trong nhóm ấy.”[4] Mỗi khi nghe nói về một ai đó bằng những câu như: ‘anh ấy người Bắc,’’ ‘cô ấy người Nam,’ ‘con điếm,’ ‘thằng tu xuất’, hầu hết mọi người đều có những ấn tượng cá nhân về con người đó và chúng ta dễ dàng xếp họ vào một ‘hạng’ hay nhóm người kèm theo một số tính chất đặc trưng. Khi những mẫu rập khuôn tiêu cực được áp dụng, chúng tạo ra sự phân biệt và có khả năng dẫn đến việc loại trừ lẫn nhau. Bên cạnh đó, khi bị người khác duy trì một mẫu rập khuôn về mình, người ta thường có những hành vi phù hợp với mẫu rập khuôn đó. Vậy, con người vừa là tác giả vừa là nô lệ cho mẫu rập khuôn.
1.1.1 Thành kiến và mẫu rập khuôn trong nhà tu
Thành kiến là những ý kiến đã ăn sâu thành nếp trong tâm trí con người. Thành kiến về một nhóm kéo dài sẽ dẫn đến mẫu rập khuôn về nhóm đó. Đời sống Ki-tô giáo ở Việt Nam, được truyền bá từ Tây phương vào khoảng thế kỷ XVI, vẫn còn giữ nguyên bầu khí của thời Trung cổ, kéo theo đó là lối tu trì trước Công đồng Vatican II. Do đó, trong tâm thức của nhiều người, hình ảnh người tu sĩ phải luôn đạo mạo, nghiêm trang, lời ăn tiếng nói đậm màu ‘thánh thiêng,’ còn các cộng đoàn tu trì thì phải kín cổng cao tường, tách biệt khỏi thế gian, khi cần ra ngoài thì phải đi theo nhóm hay ít ra cũng phải tuân thủ “luật thiên thần”, tức là đi đâu cũng đi hai người. Các công tác mục vụ bên ngoài chỉ nên làm theo kiểu “đánh du kích”, xong việc thì rút lẹ, dính dáng, liên lụy, bày tỏ cảm xúc là ‘điều chẳng nên’! Công tác mục vụ xưa nay vẫn quanh quẩn: dạy giáo ly, hướng dẫn thiếu nhi Thánh Thể, phụ trách ca đoàn, coi nhà trẻ, hướng dẫn giới trẻ. Hình ảnh người tu sĩ đã bị đồng hóa với các vai trò mà họ đảm nhận. Mặc tu phục ra đường không còn là sự đòi buộc khắt khe ở nhiều hội dòng, tuy nhiên, trang phục thường ngày của các tu sĩ thì không lẫn vào đâu được, đặc biệt là trang phục của các nữ tu.
Người đời đã ngây thơ ụp lên cho tu sĩ những “cái khuôn” như thế, còn tu sĩ thì gồng mình chấp nhận và dần dà ngoan ngoãn và vui vẻ rập theo một cách đáng thương. Tự gò mình vào những cái khuôn ‘hoàn hảo’ như vậy khiến người tu sĩ hầu như hoàn toàn đánh mất dấu ấn cá nhân trong cung cách sống và những công việc mình làm. Họ sống như người khác muốn và làm theo những gì người khác mong đợi. Và như thế, họ đã tự đánh mất chính mình trong những gì người ta nói và chỉ vì những gì người ta đánh giá.
1.1.2 Đào tạo tu sĩ và mẫu rập khuôn
Chúng ta dễ nhận thấy mẫu rập khuôn rất đặc trưng trong các cộng đoàn tu trì ở Việt Nam là một lớp người hiền lành, ngoan ngoãn, đập đi hò đứng, đùn đẩy, ỉ lại, không dám đứng ra lãnh trách nhiệm về mình - một lối khiêm nhường tội nghiệp. Có thể nói đó là những “sản phẩm” tiêu biểu từ môi trường đào tạo và không khí nhà tu của chúng ta hiện nay. Lối hành xử quen thuộc và được ưa chuộng trong các nhà đào tạo “trên bảo sao dưới làm vậy” đã làm cho mỗi cá nhân cũng như cộng đoàn mất hẳn sức sống và mất luôn nhân cách. Ngay từ đầu vào, nhà đào tạo đã cẩn trọng lựa chọn những ứng sinh hiền lành dễ bảo, không thích đặt vấn đề, không cần sáng tạo. Đa số các cộng đoàn đào tạo tập trung nỗ lực vào đời sống kỷ luật sao cho thật trật tự, nề nếp, ổn định hơn là đào tạo sự trưởng thành. Vừa bước vào nhà dòng, người thỉnh sinh được trao một thời khóa biểu chi chít những giờ giấc sinh hoạt. Trách nhiệm của thụ huấn sinh đó là tham gia đầy đủ các giờ chung và chu toàn các công tác được giao trong sinh hoạt chung của cộng đoàn. Người lãnh trách nhiệm đào tạo thường mong muốn nề nếp cộng đoàn mình luôn ổn định, không có gì nổi cộm hay trục trặc. Một cộng đoàn lấy vào luật lệ làm thước đo và sẵn sàng áp dụng mọi hình thức kỷ luật chỉ để nhắm đến sự ổn định, xuôi chảy, không gì sai chạy sẽ sớm trở thành một cộng đoàn vô hồn, tồn tại một cách tẻ nhạt và thiếu sức sống.
Được ‘sản xuất’ từ những cái lò với bầu không khí ô nhiểm như thế, các tu sĩ dường như dĩ nhiên trở thành “cá mè một lứa”, rập khuôn và ‘khờ người’ ra như người ta vẫn nói. Chúng ta rất thường nghe những câu nhận xét hết sức chân tình, thực tế mà cũng rất đau lòng về các tu sĩ, đại loại như: ‘nhìn chú hiền hiền,’ ‘lù đù như thầy tu,’ ‘hiền như ma sơ’. Đó là cái Mẫu rập khuôn mà chúng ta đang quảng diễn cùng thế gian. Còn chăng cái chức năng là nguồn an ủi và chổ dựa tinh thần cho mọi người của tầng lớp tu sĩ khi họ thiếu trưởng thành và quá xa rời cuộc sống như thế? Giá như dưới mắt người đời, người tu sĩ luôn là những con người có thái độ bình thản, khoan thai nhưng rất nhạy cảm với nhân tình thế thái, dám nghĩ, dám làm và có khả năng sưởi ấm những tâm hồn giá buốt và xoa dịu những vết thương lòng đang rướm máu khắp nơi.
Để được như thế, thiết nghĩ cần rà soát và có thể chấn chỉnh lại đường hướng đào tạo của chúng ta. Nhiệm vụ của đào tạo là giúp thụ huấn sinh trưởng thành nhân bản và tâm linh, đầy ý thức về bản thân, về sứ vụ của mình chứ không phải cài lệnh cho những cái máy và bắt chúng vận hành đúng qui tắc theo các phương trình sẵn có.
1.2 Tu sĩ đi tu và sống đời tu theo kỳ vọng của người khác
Thách đố thứ hai mà các tu sĩ đang đối mặt là kỳ vọng của mọi người. Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, kỳ vọng là “đặt tin tưởng, hy vọng nhiều vào một người nào đó.”[5] Trong truyền thống người Việt, giữa những người thân thuộc, nhất là trong quan hệ dòng tộc gia đình, không những có liên hệ tình cảm mà còn có trách nhiệm liên đới với nhau. Gia tộc trở thành chổ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần cho mỗi người. Người xưa thường nói: “một người làm quan cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ mắc oan”.
Địa vị một tu sĩ, đặc biệt là một linh mục ở Việt Nam rất được coi trọng và nể vì. Do đó, thật là một vinh dự lớn lao cho gia tộc nào có người đạt được địa vị này. Với tư tưởng đó, một người đi tu mang theo kỳ vọng của gia đình, dòng tộc và ngay cả của láng giềng và bạn bè. Chúng ta không phủ nhận sự khích lệ của gia đình và người thân thông qua những ước vọng thành tâm, đó là một động lực cần thiết giúp tu sĩ vững tiến hơn trong ơn gọi của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số tu sĩ dường như bị trói chặt vào cái “nguyên lý danh dự” đó để rồi nhấn chìm đời mình trong những ước muốn của người khác, và chỉ vì kỳ vọng của người khác. Ai cũng ý thức được rằng đi tu là bước theo Đức Kitô để thực hiện một lý tưởng, để hoàn thành đời mình một cách mỹ mãn nhưng không mấy ai vượt qua được áp lực ‘vinh thân phì gia’. Tu sĩ nào cũng có thể nói ‘đường nào cũng tốt, cũng nên thánh, nhất thiết gì phải chọn đời tu’ nhưng không nhiều người dám ‘từ bỏ cuộc chơi’ để chọn đúng ơn gọi Chúa dành riêng cho mình (khi thực sự đã nhận ra ơn gọi của bản thân) mà không màng đến lời ra tiếng vào của người đời, nhất là khi danh giá của bản thân cũng như gia đình sẽ bị “đe dọa”. Vì vậy, không ít tu sĩ trẻ gồng mình hy sinh đời mình với ‘lý tưởng’ làm vui lòng mẹ già, làm thỏa chí người cha và làm vinh hoa cho họ hàng. Thử hỏi nếu lý tưởng đời tu chỉ có thế thì khi người cha khuất núi, mẹ già qui tiên, họ hàng xa dần, người tu sĩ lấy gì làm điểm tựa để đi tiếp chặng đường còn lại? Người ta thường bảo tình yêu bắt nguồn từ điều gì thì hãy lấy chính điều đó mà nuôi dưỡng. Khi nơi bắt nguồn của lý tưởng không còn thì lý tưởng cũng chắp cánh bay xa vì không còn dưỡng chất nữa.
Tắt một lời, bên cạnh những tu sĩ thực sự muốn hoàn thành vận mạng đời mình một cách sung mãn trong ơn gọi tu trì, có không ít người chọn đời tu chỉ vì người khác muốn thế và bám lấy đời tu chỉ vì sợ mất đi sự “nể trọng” của thế gian. Họ sợ bị loại trừ, bị đánh giá thấp nên đành hy sinh ép mình sống theo kỳ vọng của mọi người và sẵn sàng trở thành một con người khác mình để được “yêu mến”. Thực ra, ngụp lặn trong nền văn hóa mang tính làng xã của Việt Nam, con người rất dễ bị tác động bởi dư luận, như nhà văn Nam Cao từng thốt lên: “Hỡi ôi! Thì ra lòng khinh trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến cái nhân cách của người khác nhiều lắm; nhiều người không biết gì là tự trọng, chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất điệu để khiến người sinh đê tiện…” (Truyện ngắn Tư cách mõ).
Dường như ai cũng nhận ra rằng sự ủng hộ của người khác chỉ là một động lực phụ thúc đẩy phần nào cho lý tưởng dấn thân của mình, nhưng không phải tất cả mọi người đủ sáng suốt và can đảm để vượt qua nó khi cần.
1.3 Sống đúng luật lệ - một cách chạy trốn tương quan
Ngoài những áp lực của xã hội và gia đình, người tu sĩ còn phải đối mặt với luật lệ, nội qui trong cộng đoàn tu trì. Chúng ta thường thấy các mẫu đối thoại của các tu sĩ khác dòng với nhau hầu hết xoay quanh chủ đề luật lệ và ‘các phép’: phải đọc kinh mấy lần trong ngày, phải suy gẫm bao lâu, cuối tuần được đi ra ngoài không, phải tu bao lâu mới được khấn, mới được lãnh chức thánh, có được ‘phép’ này ‘phép’ nọ không. Người viết thấy xấu hổ khi buột miệng hỏi một vị sư ở chùa Viên Không trong chuyến đi ngoại khóa vừa rồi rằng một người mới vô tu thì phải qua mấy giai đoạn, một giai đoạn mất mấy năm, tu trong bao lâu mới trở thành một Sa Di, một Đại Đức, rồi mỗi ngày phải tọa thiền bao lâu, tụng bao nhiêu giờ kinh, mỗi người cần phải nhập thất (sống một mình, tách biệt hoàn toàn) bao nhiêu ngày... để được trả lời bằng một câu nói hết sức đơn giản: “Tùy từng người thôi thầy ạ!”. Dường như trong tâm tưởng của chúng ta luôn có những tiêu chuẩn bên ngoài để đo lường sự trưởng thành tâm linh và việc tấn tới trong đời tu, rồi chỉ dựa vào việc hoàn tất sinh hoạt hằng ngày để đánh giá người khác. Tư tưởng đó dẫn đến tình trạng núp bóng dưới sự bảo đảm của luật lệ.
1.3.1 Luật lệ có thể ‘bóp nghẹt’ tương quan giữa nhà đào tạo và thụ huấn sinh
Trong đời tu, có lẽ mối tương quan phức tạp và khó khăn nhất là giữa bề trên và bề dưới, đặc biệt là giữa nhà đào tạo và thụ huấn sinh. Khó khăn này đến từ cả hai phía: nhà đào tạo và thụ huấn sinh.
Đảm nhận vai trò đào tạo, người phụ trách đối diện với một nhiệm vụ hết sức quan trọng và đầy những thách đố. Do đó, ngoài những chuyên môn sư phạm, nhà đào tạo cần có khả năng đồng hành tâm linh, hiểu tâm lý người trẻ, trực giác tốt, biết quảng đại dấn thân, cởi mở đối thoại. Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta gặp những nhà đào tạo giống “công an” hay nhà quản trị hơn là một người bạn đồng hành. Phải chăng vì khả năng của bản thân còn quá hạn chế, không bao quát được nên một số vị đã nệ luật, đưa vào khuôn khổ để quản trị theo kiểu “kiểm soát không được thì cấm” như nhà nước vẫn thường áp dụng. Trong các nhà đào tạo, nhiều khi luật lệ và nội qui được chú trọng quá mức. Nhất là ở những buổi lượng giá cuối năm, tiêu chuẩn đánh giá của các ngài là sự chu toàn các giờ sinh hoạt, giữ “đúng phoóc” các qui định chung, không sai phạm kỷ luật, không hay ý kiến. Nhiều người còn dùng luật lệ như một liều “thuốc sợ” để đe dọa “ơn phần rỗi” (không bị đuổi khỏi dòng) của các tu sinh nhằm đưa cộng đoàn vào khuôn khổ, nề nếp, trật tự. Những phương cách đào tạo “rập khuôn”, “cào bằng” và “nệ luật” như thế xem chừng không nuôi dưỡng được những nhân cách trưởng thành cứng cáp, trái lại, chỉ tạo được một số thói quen và quán tính tự vệ.
Nhu cầu an toàn thuộc bản năng con người, do đó, khi bị đe doạ, con người sẽ tự vệ bằng mọi cách. Đứng trước nỗi sợ bị loại trừ, nhiều thụ huấn sinh không thể đối diện với sự thật là cần nói lên chính kiến của mình và sẵn sàng đối thoại với bề trên, thay vào đó, họ chạy trốn bằng cách “nín thở qua cầu”. Các thụ huấn sinh sẵn sàng tuân thủ răm rắp các nội qui kỷ luật và tham gia đầy đủ các sinh hoạt cộng đoàn chỉ để có được cái “giấy thông hành” hầu đi tiếp con đường cao vọng phía trước. Hậu quả của nó có thể nhiều người chưa lường trước được. “Không có gì làm thiệt hại cho đời sống cộng đoàn hơn là việc che giấu những căng thẳng và giả vờ như không có chúng, hay nguỵ trang chúng bằng vẻ bề ngoài hào nhoáng, hoặc chạy trốn thực tại và né tránh đối thoại.”[6] Sống đúng luật lệ dần trở thành một “bửu bối” đảm bảo sự an toàn cho một số người đang được đào tạo. Sự chạy trốn này không những đánh mất ý nghĩa luật lệ mà còn phá vỡ mối tương quan giữa nhà đào tạo và thụ huấn sinh.
1.3.2 Luật lệ có thể “giết chết” tương qua giữa các thành viên trong cộng đoàn
Trước hết xin được lược qua hai cách vận hành của hai loại cộng đoàn quen thuộc tồn tại xung quanh chúng ta: cộng đoàn tự phát không ràng buộc và cộng đoàn cơ chế.
Điển hình về các cộng đoàn tự phát không có tính ràng buộc cao là một nhóm sinh viên hoặc công nhân sống chung trong một nhà/phòng trọ. Trong những cộng đoàn như thế thường không có nội qui chặt chẽ và cũng không có người đứng đầu cầm cân nẩy mực. Sự tồn tại lâu bền của loại cộng đoàn này đơn thuần là vì họ hợp rơ nhau, họ cảm thấy có thể chấp nhận lẫn nhau và quyết định sống chung với nhau. Tuy nhiên, sau một thời gian chung sống, cá tính của mỗi người tỏ lộ, có khi không chấp nhận nhau được nữa, họ tự giải quyết với nhau và thường là theo giải pháp mà nhiều thành viên chấp nhận nhất. Xét về phương diện cá nhân, nếu một thành viên nào đó bị các thành viên còn lại khước từ, cách nào đó anh ta sẽ nhận ra rằng vấn đề xuất phát từ bản thân anh ta. Nhận ra chính mình là đã đạt được năm mươi phần trăm thành công trong tiến trình phát triển bản thân, phần còn lại là quyết định thay đổi. Để tiếp tục chung sống trong cộng đoàn, không cách gì hơn là anh ta phải thay đổi chính mình, nghĩa là sống thế nào để mọi người có thể chấp nhận mình.
Điển hình của cộng đoàn cơ chế là cộng đoàn tu trì. Ở trong cộng đoàn tu trì, người ta có những luật lệ và nhiều qui định chung cần phải tuân hành, ngoài ra còn có một vị có trách nhiệm trong coi tất cả các hoạt động của các thành viên còn lại. Thường người phụ trách lo động viên những người còn lại thi hành trách nhiệm của mình theo đúng luật định đồng thời có quyền nhắc nhở nặng nhẹ tùy sự sai phạm của đương sự. Trong trường hợp đương sự đang thời gian thụ huấn, nhà đào tạo có trách nhiệm lượng giá các thụ huấn sinh vào cuối năm. Thường thì việc đánh giá đó dựa trên việc đương sự có chu toàn bổn phận bằng cách tham gia đầy đủ và nghiêm chỉnh các sinh hoạt chung của cộng đoàn hơn là sự trưởng thành cá nhân và “chất lượng” mối tương quan của họ với những thành viên khác. Hơn nữa, người phụ trách đào tạo có thể loại trừ anh ta ra khỏi cộng đoàn khi xét thấy anh ta không chu toàn qui chế chung của cộng đoàn, những thành viên còn lại dường như không thể can thiệp gì vào những quyết định liên quan đến ‘số phận’ của bạn mình, dù muốn hay không. Qua những lần được lượng giá quá sơ sài như thế, đương sự sẽ nhận ra rằng: để được “tồn tại” và vượt qua an toàn trong giai đoạn đào tạo, cách dễ nhất là sống đúng qui chế.
Người viết không muốn đi so sánh hai cánh vận hành của hai loại cộng đoàn điển hình trên vì chúng không tương xứng lắm, tuy nhiên, thiết nghĩ dùng hai thí dụ để đối chiếu, soi rọi vào nhau nhằm làm sáng tỏ vấn đề là điều cần thiết. Sự khác biệt khá rõ ràng nơi kết quả hai cộng đoàn này mang lại cho các thành viên là quyết định thay đổi của cá nhân sau một thời gian chung sống. Với sự vận hành tự phát và không bị ràng buộc, các thành viên sống trong loại cộng đoàn thứ nhất dễ dàng tự nhận ra chính mình và thay đổi theo chiều hướng có lợi cho sự tồn tại của cộng đoàn. Tương quan giữa các thành viên trong cộng đoàn giúp mỗi người nhận ra giới hạn của bản thân, tiến đến thay đổi chính mình hầu cải thiện tương quan với những cá nhân khác và với cộng đoàn. Các thành viên sống với nhau tương tác lẫn nhau, cùng nhau bay lượn để hướng đến sự hòa hợp hầu làm cho bầu khí cộng đoàn ngày càng trở nên dễ chịu hơn đối với mỗi người.
Vận hành theo cơ chế luật lệ, loại cộng đoàn thứ hai có vẻ rất ổn định, các thành viên dường như không gặp qúa nhiều khó khăn và thách đố để tồn tại, đặc biệt đối với những người đã khám phá được “bửu bối”. Dường như những răn đe của luật lệ trong cộng đoàn cơ chế không có sức tác động đủ mạnh hay nói đúng hơn là chưa ‘gãi đúng chổ ngứa’ để các thành viên nhận ra chính mình và phát triển đúng hướng. Quyết định thay đổi của họ chỉ dừng lại trên phương diện ‘việc làm’ chứ chưa đạt tới phương diện ‘con người’. ‘Sản phẩm’ loại cộng đoàn này mang lại là những cái máy được sản xuất theo khuôn đúc, chúng sẽ tồn tại bên nhau một cách vô tri vô giác. Tương quan giữa các thành viên trong cộng đoàn dần trở thành mối tương quan bất hỗ tương. Mỗi người cố gắng chu toàn phận vụ được giao và hoàn thành các sinh hoạt của cộng đoàn một cách đầy đủ mà không cần biết người bên cạnh nghĩ gì, cảm thấy thế nào. Các thành viên dường như chỉ ‘gặp gỡ’ nhau trên việc làm hay công tác mà không thể gặp chính con người của nhau. Như thế, tương quan đó dẫn đến những quyết định trau chuốt việc làm thay vì phát triển con người.
Luật lệ là mức độ thấp nhất của đạo đức vì nó chỉ buộc người ta thực hiện những gì tối thiểu xã hội đòi hỏi và sẵn sàng trừng phạt bất cứ ai vi phạm. Chúng ta không chối bỏ vai trò quan trọng của luật lệ. Người ta thường minh họa vai trò của chúng bằng những hình ảnh như hàng lan can hoặc tấm lưới sàn để nói rằng: khi đụng đến luật lệ là ta đã rơi xuống tầm mức thấp nhất rồi, cần dừng lại ngay nếu không muốn rơi tỏm xuống hố. Tuy nhiên, nếu chỉ bước đi trên tấm lưới hay vịn lấy hàng lan can thì ta không làm được gì hơn việc tránh tai nạn. Theo nhà tâm lý học Lawrence Kohlberg, hành vi luân lý hay sự tuân thủ luật lệ nơi con người được hình thành theo một trật tự tiệm tiến qua sáu giai đoạn:[7]
Giai đoạn 1: Định hướng vâng lời và hình phạt: Ở giai đoạn này, con người trung thành với các nguyên tắc để tránh hình phạt, và sự vâng lời xảy ra vì lợi ích của mình. Giai đoạn 2: Định hướng phần thưởng: Ở giai đoạn này, quy tắc được áp dụng chỉ vì lợi ích của một người. Sự vâng lời xảy ra vì nhận được phần thưởng. Giai đoạn 3: Đạo đức “trẻ ngoan”: Cá nhân trong giai đoạn này cho thấy sự quan tâm trong suy trì sự tôn trọng với người khác và thực hiện những gì họ đang mong đợi. Giai đoạn 4: Đạo đức duy trì trật tự xã hội và uy quyền: Con người trong giai đoạn này tuân thỉ nguyên tắc xã hội và cân nhắc “đúng” những gì xã hội định nghĩa là “đúng”. Giai đoạn 5: Đạo đức hợp đồng, quyền lợi cá nhân và luật được chấp nhận theo cách dân chủ: Con người trong giai đoạn này làm những gì đúng ý nghĩa phục tùng pháp luật được xã hội nhất trí. Họ nhận thức luật có thể sửa đổi như bộ phận của sự thay đổi trong hợp đồng xã hội ẩn. Giai đoạn 6: Đạo đức các nguyên tắc và nhận thức cá nhân: Ở giai đoạn sau cùng này, một người tuân thủ luật vì họ dựa trên nguyên tắc đạo đức chung. Luật vi phạm các nguyên tắc sẽ bị bất tuân.
Nếu dùng thuyết Phát triển Đạo đức và Nhận thức này để nhận định hiện trạng đời tu Việt Nam, chúng ta dễ thấy thái độ tuân thủ luật lệ của một số lớn các tu sinh trẻ trong giai đoạn đào tạo thực sự mới dừng lại ở 2 giai đoạn đầu. Họ giữ luật để đạt được một mục tiêu cụ thể hay nhằm tránh những hình phạt nào đó thay vì dựa trên một nguyên tắc đạo đức hay tiêu chuẩn của lương tâm. Trong giai đoạn được đào tạo, vấn đề quan tâm hàng đầu của các thụ huấn sinh là bản lượng giá của nhà đào tạo, hai mục tiêu họ nhắm tới là không bị sa thải và tiến tới cách an toàn trong đời tu. Do đó, họ chỉ thực hiện những gì cần và đủ để có thể đạt được hai mục tiêu đó, rồi thôi, không thao thức vươn lên cao hơn và vươn ra với tha nhân. Đạo đức mời gọi con người làm hơn những gì mình phải làm. Không ai và không luật pháp nào đòi hỏi người ta phải yêu thương nâng đỡ nhau và cũng không một cơ chế nào khuyến cáo con người phải trưởng thành nhân cách, biết vươn lên và sống sung mãn cuộc đời của họ cả. Vì vậy, cậy vào luật lệ để sống thì chỉ là một cách thức tồn tại vất vưởng, thiếu chủ thể, thiếu hình hài và chỉ vận hành cuộc đời mình như một cái máy.
1.4 Những nhân cách thiếu hình hài
Được dìu dắt bởi dòng chảy của mẫu rập khuôn, kỳ vọng xã hội và sự ‘o bế’ của luật lệ, người tu sĩ dễ có khuynh hướng “nương theo” đó mà đi tới. Khuynh hướng này dẫn đến nguy cơ lối sống hời hợt, chạy theo những chỉ tiêu trước mắt mà quên đi căn bản tự tại của đời tu. Cuộc đời của họ là tất cả những gì đang diễn ra và trôi đi, không băn khoăn, không suy nghĩ cũng chẳng cần lập trường. Cuộc sống của họ là một chuổi ngày chắp vá bởi những gì “người ta nói” và theo những gì “người ta sống”. Chạy trốn những ưu tư thắc mắc về ý nghĩa căn bản của đời mình để lao vào sống vội với một ý thức ngái ngủ, với một nhân cách thiếu hình hài, sống với những ý kiến mơ hồ của đám đông vô danh. Đó là một biểu hiện của những nhân cách thiếu hình hài – của những người sống hời hợt.
Linh mục Nguyễn Trọng Viễn nói về lối sống dựa, một biểu hiện khác của những nhân cách thiếu hình hài như sau:
Sống dựa ở đây không đương nhiên đồng nhất cách sống nhờ vào đồng tiền của người khác, nhưng là không dám quyết định cuộc đời mình, không dám là mình. Sống dựa là khi người ta phải nhờ đến một sự bảo đảm nào khác mới có thể quyết định cách thế sống của mình: chỉ dám nói cái áo đẹp khi nó hợp với mode thời đại, chỉ biết thưởng thức những thú vui đang được xã hội đề cao; sống dựa làm cho người ta không dám tỏ thái độ, không còn dám chấp nhận con người thật của mình. Đó là kiểu sống làm cho cuộc đời méo mó vì không có một trọng tâm làm nên “hình hài”, không có “chủ từ” đích thực của những hành vi. Kiều sống dựa hoặc sẽ đưa tới tình trạng sống èo uột như cây xanh không có nắng, chán nản, mệt mỏi, thiếu sinh khí; hoặc người ta cũng có thể làm tất cả mọi sự, làm được nhiều việc có vẻ hay ho, nhưng không có gì là của mình cả, thái độ này càng nguy hiểm vì là một cách trốn tránh con người thật của mình. Sống dựa là để mình tản mát, buông trôi theo dòng đời và chỉ nhận thấy giá trị của người khác về mình. Đó là cuộc sống “mượn hồn” hay “để cho người khác sống dùm”. Căn bệnh chính của lối sống dựa là sự nhát đảm.[8]
Do tác động của lịch sử và nhất là đường lối giáo dục, lối sống dựa đã trở nên một hiện trạng khá phổ biến trong giới trẻ Việt Nam . Và trớ trêu thay, nó xuất hiện càng phổ biến và trầm trọng hơn trong nhà tu, nơi được xem là môi trường lành mạnh giúp người trẻ trưởng thành nhân bản và tâm linh hơn. Có vẻ như cách vận hành của cộng đoàn tu trì và đường lối đào tạo của chúng ta chưa đi đúng hướng. Dường như trong mọi quyết định liên quan đến cá nhân cũng như cộng đoàn đều có sự can thiệp, nhiều khi là can thiệp tuyệt đối của bề trên. Người tu sĩ không còn cơ hội để quyết định và chịu trách nhiệm về những điều lẽ ra thuộc quyền tự quyết và trong phạm vi trách nhiệm của mình. Dần dà các tu sĩ trẻ an tâm “phủi tay” khỏi những trách nhiệm đối với những việc và ngay cả những hành vi mình thực hiện.
Tình trạng tụt hậu về nhân cách của tầng lớp tu sĩ trẻ Việt Nam đã được linh mục Nguyễn Thái Hợp phản ảnh rất ‘thực’ như sau:
Theo một số nghiên cứu tâm lý học, xem ra các tu sĩ trẻ sau khi rời môi trường huấn luyện không những ít trưởng thành về nhân bản, mà đôi khi còn tụt hậu về nhân cách, so sánh với những người cùng lứa tuổi và trình độ ở ngoài đời. Nhận xét trên hình như càng rõ nét trong nhiều Hội dòng tại Việt Nam , đặc biệt các Dòng nữ. Xin liệt kê một vài biểu hiện của sự tụt hậu:
Có những người trước khi vào Dòng rất dấn thân, hăng say, năng động, nhưng xem ra càng tu càng trở nên thụ động, “khờ người” ra. Phải chăng cơ cấu đào tạo nói riêng và nếp sống tu trì nói chung đã không tạo cơ hội để phát triển nhân cách, mà vô tình đã làm cho họ bị tê liệt, lệ thuộc và ít trưởng thành hơn?
Trong một số trường hợp, những người bề dưới lớn tuổi có kinh nghiệm nhiều trong cuộc đời hoặc có bằng cấp cao vẫn bị đối xử như những em ít tuổi. Lối đối xử và đào tạo “cào bằng” và “rập khuôn” này gây nhiều tổn thương, thiệt thòi và mất mát về nhân cách, vì họ bổng dưng bị biến thành “vị thành niên”, phải hoàn toàn lệ thuộc, tuân phục, an phận và cam phận vào khuôn.
Bầu khí và khung cảnh sống trong Dòng tu ít tạo điều kiện để phát triển khả năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và tự chủ, vì các thụ huấn sinh thường được bao cấp từ A đến Z. Một khi thiêu vắng tự do, tự lập và tự chủ dĩ nhiên người thụ huấn sẽ ít tinh thần trách nhiệm và thái độ trưởng thành. Nếp sống này dễ đưa đến thái độ ù lì, ỷ lại, dựa dẫm và an phận, thiên hạ ai chết mặc bay. Do đó, họ sẽ ngại dấn thân, ít sáng kiến và khả năng phấn đấu, trái lại, thích dựa dẫm, đùn việc cho người khác, hay kêu ca, phê bình một cách tiêu cực và thiếu trách nhiệm.[9]
Nếu tự bản chất con người có xã hội tính, tức hướng tới người khác cũng như cộng đoàn, thì tự bản chất con người là một ngôi vị đôc đáo riêng. Chính ngôi vị giúp con người có quyền tự do hành động và có trách nhiệm về chính hành vi của mình. Từ đó, con người có quyền tự quyết về đời mình và sống như chính mình thay vì phải sống dựa, sống hùa, sống ké hầu nhân cách của họ có cơ hội thăng tiến thực sự. Bên cạnh vai trò tiên quyết của cá nhân, chính các cộng đoàn cũng cần phát huy vai trò của mình nhằm giúp các tu sĩ hình thành nhân cách.
1.5 Hướng đến một cộng đoàn lý tưởng
Mọi người cần đến nhau để sống và triển nở trong tình yêu. Thánh Phaolô đã nói “chúng ta liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rm 13,5) để nhấn mạnh sự cần thiết của đời sống cộng đoàn. Tương quan giữa cá nhân và cộng đoàn là một phản ứng hai chiều luôn có sự ảnh hưởng mang tính cách hỗ tương cho nhau. Mỗi người là một cá thể độc đáo và riêng biệt nhưng cùng chung sức xây dựng cộng đoàn, cùng trao ban và đón nhận hầu mỗi người sống sung mãn sứ mệnh bản thân và góp phần hoàn thành sứ mệnh cộng đoàn. Đối lại, cộng đoàn là môi trường thiết yếu để mỗi người lớn lên và trưởng thành nhân cách.
Những thách đố trong đời sống cộng đoàn dường như đã làm một số người thất vọng thực sự, tuy nhiên, niềm hy vọng về một cộng đoàn lý tưởng vẫn ngời sáng và vẫy gọi con người hướng tới. Có lẽ Thánh bộ Tu sĩ không quá cao vọng khi đưa ra mục tiêu cho các cộng đoàn tu trì là phải trở nên như một gia đình, một trường dạy yêu thương và là một cứ điểm hoạt động tông đồ của tu sĩ. Cộng đoàn tu trì theo Bộ Tu sĩ, trước hết phải là một gia đình thực sự: “Chính nhờ tình yêu của Thiên Chúa được đổ tràn trong tâm hồn chúng ta mà cộng đoàn tu trì khởi đầu và được xây dựng thành một gia đình thực sự, trong đó mọi người quy tụ với nhau nhân danh Chúa.”[10] Và “Như một gia đình hiệp nhất nhân danh Thiên Chúa, cộng đoàn tu trì phải đạt tới mức độ viên mãn và chuyển thông cho người khác một cách đặc biệt, trước tiên là cho các anh chi em của mình trong cộng đoàn.”[11] Như trong một gia đình, mỗi người trong cộng đoàn luôn chấp nhận và đón nhận nhau vô điều kiện. Và nơi đó thực sự phải trở thành mái ấm mà các thành viên luôn cảm thấy được bảo vệ chở che đồng thời thể hiện sự quan tâm chăm sóc người khác. Như thế, cộng đoàn sẽ là chốn an vui, được bao trùm trong một bầu khí của yêu thương thắm thiết, là nơi mà các phần tử trong cộng đoàn dù đi đâu, làm gì cũng nhớ, cũng mong và luôn hướng về. Đó là những dấu chỉ của một cộng đoàn đang có sức sống đi lên, một cộng đoàn luôn được Thiên Chúa yêu thương và chúc lành. Chính các cộng đoàn này là những cái nôi đào tạo giúp các tu sĩ thăng tiến và triển nở trong ơn gọi. “Bởi vì cộng đoàn tu trì là “trường dạy yêu thương” giúp con người lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em, nên cũng là nơi làm cho con người được triển nở.”[12]
Những dòng đẹp đẻ trên mới chỉ dừng lại trên mặt lý thuyết và chúng ta có quyền nghĩ rằng để tổ chức được một cộng đoàn hoàn hảo như thế có lẽ ngoài sức lực của chúng ta. Tuy nhiên, sự thật đã được minh giải từ những lời chứng thông qua thực tế cuộc sống.
Từ chính kinh nghiệm bản thân tại cộng đoàn Oblate, tác giả Desmond O’ Donnell đã viết: “Những thành viên của cộng đoàn Kitô hữu quan tâm đến nhau, chia sẻ với nhau và chịu đựng lẫn nhau, phục tùng và phục vụ Nước Trời trong chính họ và trong thế giới.”[13] Cũng xuất phát từ kinh nghiệm sống cộng đoàn, ông Jean Vanier, người sáng lập cộng đoàn Arche – một cộng đoàn đã có mặt trên 103 quốc gia, đã khẳng định:
Cộng đoàn không đơn thuần là một nhóm người cùng chung sống và yêu thương nhau, nhưng còn là dòng chảy của sự sống: một trái tim, một tâm hồn, một tinh thần. Cộng đoàn gồm những con người yêu thương nhau tha thiết và cùng nhau hướng tới một niềm hy vọng. Chính điều này mang đến một bầu khí đặc biệt của niềm vui và của sự đón nhận, là những yếu tố làm nên căn tính của một cộng đoàn đích thức. […]. Bầu khí của niềm vui này có được tự do để trở thành chính mình trong một ý nghĩa sâu xa nhất. Chúng ta khám phá ra rằng mình được yêu mến vì chính chúng ta là như thế, chứ không phải do chúng ta khôn ngoan và khéo léo.[14]
Viễn tượng về những cộng đoàn lý tưởng luôn vẫy gọi và đồng thời thách thức mỗi chúng ta. Thật thế, để lớn lên và trưởng thành trong chính cộng đoàn tu trì và đồng thời góp phần xây dựng những cộng đoàn lý tưởng, người tu sĩ phải làm một cuộc vượt qua thực sự. Cuộc vượt qua đó bao gồm những kinh nghiệm đau thương về những giới hạn, yếu đuối và những tăm tối của nghèo nàn và ích kỷ trong buổi chiều tử nạn ảm đạm. Cuộc vượt qua đó đòi hỏi sự nỗ lực khám phá bản thân, đón nhận chính mình và đồng thời vượt qua mọi trở ngại để đến và đón nhận người khác hầu cùng nhau đón mừng ánh bình minh huy hoàng của buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh.
2 TU SĨ TRẺ LỚN LÊN TRONG TƯƠNG QUAN CỘNG ĐOÀN
Chứng kiến sự phát triển rầm rộ về cơ sở vật chất và “bội thu” về ơn gọi của các dòng tu tại Việt Nam hiện nay, nhiều người đã bày tỏ thái độ “vừa mừng vừa lo” và có người đã đặt ra những câu hỏi căn bản bày tỏ những trăn trở về phẩm chất của các tu sĩ trẻ. Có lẽ không quá đáng khi người ta hay dùng những từ ngữ như “gà công nghiệp,” “cá đối bằng đầu” hay “máy bộ” để diễn tả cung cách đoàn lũ của tu sĩ vì nhiều nơi người ta quá chú tâm đến con số mà lãng quên chất lượng. Qúi hồ tinh bất qúi hồ đa, chúng ta không thể chạy đua theo thành tích dựa trên những con số trong việc đào tạo tu sĩ.
Như đã nêu trên, vấn đề “chất lượng” tu sĩ trẻ trong giáo hội Việt Nam hiện nay còn nhiều điều phải bàn tới, tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn vì con người là một sinh vật có khả năng phản tỉnh. Mỗi khi xã hội có chiều hướng thiên về một phía nào cách thái quá, thì liền đó, xuất hiện những phản ứng ngược lại để tái lập thế quân bình của tâm hồn con người. Ý thức và tự ý thức dường như là hoạt động tự nhiên, thường trực và là một phần không thể thiếu trong tính cách của con người. Tự ý thức giúp mỗi người sống đúng phẩm giá con người và sống như một con người có một nhân vị và một nhân cách trưởng thành. Có thể nói đây là bước khởi đầu thiết yếu trong giải pháp cho lối sống thiên lệch, sống dựa, sống ké để vươn tới việc sống với và sống cho người khác. Tự ý thức về giá trị bản thân và trách nhiệm với xã hội, với người khác giúp con người nhận ra con người thực của mình và hướng đến một quyết định sống tích cực, sống có hình hài và sống có ý nghĩa hơn. Do đó, để người tu sĩ thực sự lớn lên trong tương quan với người khác và cộng đoàn, tiến trình đào luyện phải được khởi đi từ chính họ.
2.1 “Trước khi sống với người khác, tôi phải là chính tôi!”
Con người là một sinh vật có xã hội tính, mỗi người được sinh ra để sống cùng, sống với và sống cho người khác. Tự bản tính con người đã có khuynh hướng sống “hợp quần”, con người thực sự cần tới người khác để sống và sống xứng đáng như một con người. Hơn thế nữa, con người chỉ trở thành chính mình trong tương quan với người khác. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động hướng đến người khác đó phải phát xuất từ một chủ thể, chủ thể này cần thiết cho tương quan sống với người khác như chủ từ cần thiết cho một động từ. Mỗi người có nhu cầu tự khẳng định chính mình, tôi là tôi, một cái tôi độc đáo, cá biệt, bất khả phân chia. Và như thế, mỗi người một vẻ, từ ngoại hình cho đến tinh thần, không ai là một bản sao của ai và chẳng ai muốn làm một cái bóng của người khác hay bị chìm vào tình trạng vô danh. Mỗi người có quyền và có trách nhiệm trên chính những hành vi của mình, và trên hết, chịu trách nhiệm trên chính cuộc đời của mình. Tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng đã viết trong cuốn “Hạnh phúc trong tầm tay” rất rõ rằng: “Bạn là người thợ xây đang xây dựng đời mình, bạn xây như thế nào, bạn sẽ hưởng như thế ấy.” Như vậy, không ai khác mà là chính ta phải tự hoàn thành vận mệnh đời mình theo cách thế riêng của mình.
Để trở nên chính mình, trước hết phải ý thức về chính bản thân mình với những khả năng và giới hạn, tiếp đó chấp nhận bản thân để cuối cùng vươn lên một nhân cách trưởng thành trong tương quan với tha nhân.
2.1.1 Ý thức về chính mình
Ý thức là một khả năng đặc biệt của con người, nó làm cho con người vượt hẳn lên trên thế giới loài vật. Còn tự ý thức là một mức độ cao hơn của ý thức, là sự đào sâu, khám phá nội tâm để tự cải tạo và hoàn thiện bản thân. Cơ sở của tự ý thức, tự hoàn thiện là năng lực cảm nhận sự thật, trước hết là sự thật của cõi lòng mình. Nhìn thẳng vào sự thật bao giờ cũng đã là khó, nhìn thẳng vào lương tâm, tâm hồn mình càng khó khăn hơn. Đó là một cuộc đấu tranh quyết liệt cần cả sự hy sinh, lòng trung thực, thái độ dũng cảm và cả những ước muốn cao cả.
Tuy nhiên, “chỉ khi nào tôi ý thức về mình và chấp nhận chính mình hoàn toàn, tôi mới có thể hiến dâng con người đích thực của tôi cho Chúa Kitô. Nếu tôi là một thực thể nặng nề, chậm chạp, buồn chán, không có một diện mạo riêng biệt, sống một cuộc đời tầm thường hòa lẫn với đám đông, thì tôi không thể dâng hiến cho Chúa Kitô một nhân tính riêng biệt, nơi đó Người có thể sống một cách mới mẻ và độc đáo.”[15]
Trước hết, ý thức chính mình là một cái tôi độc đáo duy nhất bất khả thay thế để dám là chính mình, dám thể hiện cái độc đáo đó như một dự định hiện hữu của mình. Sống cái tôi độc đáo không phải là sống lập dị mà là biểu lộ thái độ tự lập, sống với con người thật của mình, khẳng định nhân cách của mình và sống cá tính của mình. Đi kèm với sự độc đáo của bản ngã là sứ mệnh độc nhất của mỗi người. Con người chỉ sống trọn vẹn đời mình khi nhận ra và quyết chí hoàn thành sứ mệnh cá nhân của mình. Đương nhiên, thực hiện sứ mệnh cá nhân không có nghĩa là làm những việc phi thường, nhưng là “làm mọi việc thông thường một cách độc đáo, với một tình thương đặc biệt, một ý thức trách nhiệm, một sự cam kết đặc biệt và theo đường lối riêng biệt của mình.”[16]
Kế đến, ý thức chính mình là một thể thống nhất không phân chia. “Bao lâu con người còn bị phân chia nơi chính mình, bao lâu dự định hiện hữu của nó còn lưỡng nghi phân đôi và gãy đổ, nó chưa phải là một nhân cách.”[17] Con người là một thực thể đơn nhất, bất khả phân chia, bất khả tương nhượng. Do đó, chỉ khi nào có thể thống nhất được con người bên trong và những biểu hiện bên ngoài của mình, con người mới duy trì được đơn nhất tính nơi con người mình và khi đó họ mới thực sự sở hữu một nhân cách trưởng thành.
Ý thức về một cái tôi độc đáo, đơn nhất và một sứ mệnh duy nhất tiên báo một điều: ta có những giới hạn, giới hạn trong chính cái độc đáo, đơn nhất của bản thân và cái duy nhất của sứ mệnh đó. Ý thức về giới hạn của bản thân mách bảo cho ta biết những gì mình có và không có, những gì mình phải làm, có thể làm và không thể làm, và do đó, ta cần đến người khác để sống và thăng tiến. Chính sự ý thức về giới hạn này mà con người xích lại với nhau, mở lòng ra với thế giới và người khác để giúp mình lớn lên và sống phong phú cuộc đời mình.
Trên hết, ý thức về chính mình là ý thức về giá trị bản thân, một ý thức căn bản và thiết yếu giúp con người có đủ khả năng và nghị lực để vươn lên và sống hạnh phúc. Giá trị bản thân hệ tại ở “cái tôi là”, một “giá trị nội tại”, phát xuất từ bên trong, chứ không phải do “cái tôi có”, những biểu hiện bên ngoài như khả năng, đạo đức, thông minh, ngoại hình hay tài sản tôi có. “Người có ý thức về giá trị bản thân cao không phải là người tự đề cao vì mình tài giỏi hay đức hạnh. Đó là người tự tin rằng mình là người xứng đáng để được hạnh phúc và thành công. Giá trị đơn giản nằm ở chỗ họ là con người. Họ biết quí trọng bản thân. Họ không phải luôn là người thành công vang dội, họ là người bình thường nhưng khi vấp ngã thì họ tự trỗi dậy.”[18] Xét về phương diện vật chất, con người chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ bao la, tuy nhiên, chính nó lại là một giá trị và một phẩm giá vô biên, bất khả xâm phạm mà chính người đó và tất cả những người khác phải tôn trọng một cách vô điều kiện. Ý thức về giá trị bản thân cũng bao hàm sự ý thức về một nhân vị có giá trị tối thượng, một hữu thể tự tại, bất khả phân chia, cá biệt và độc nhất vô nhị. Do đó, tôi được sáng tạo ra để là và để làm một cái gì đó mà không một ai khác được sáng tạo để là và làm cái đó. Điều cốt yếu là nhận ra rằng tôi thực sự cần thiết trong vị trí của tôi chứ không phải tôi giàu có hay nghèo nàn, được yêu mến hay bị ghét bỏ. Chỉ khi nào tôi nhận ra được con người thật của mình và sống chân thực với con người đó, tôi mới thoát khỏi sự chi phối có tính quyết định của ngoại giới đối với nhân cách và bắt đầu thống nhất giữa con người thật bên trong và những biểu lộ bên ngoài của tôi. Khi đã ý thức rõ về bản thân, tôi dễ đón nhận chính mình và tiến đến “thực hiện” một nhân cách trưởng thành.
2.1.2 Đón nhận chính mình
Mỗi người là một quà tặng vô giá, một kỳ quan có một không hai đồng thời là một hữu thể giới hạn trong tính duy nhất của sứ mệnh và sự độc nhất của bản thân. Khi đã ý thức về chính mình, về giá trị bản thân và những giới hạn vốn có trong con người mình, người ta vui vẻ đón nhận chính mình.
“Một nhân cách vững mạnh nhưng bình thản nhẹ nhàng, được xây dựng trên việc vui lòng chấp nhận sứ mạng độc nhất và giới hạn duy nhất của mình. Chỉ khi nào một người chấp nhận chính thực tại của mình thì mới thấy được bình an nơi chính mình. […]. Điều này không có nghĩa là người ấy trở nên kiêu hãnh; trái lại người ấy tôn trọng và chấp nhận nhiệm vụ độc nhất và giới hạn mà Chúa trao phó. Người ấy không tìm kiếm một sứ mạng khác, không ghen tương, thèm thuồng tài năng của người khác, chẳng nỗ lực tìm kiếm điều mình không thể có, không mù quáng bắt chước một con người nào khác.”[19]
Ngoài ra, chúng ta cũng không quên tự bản chất con người có sự yếu đuối và bao lâu chúng ta còn sống bấy lâu chúng ta còn gây ra những lỗi lầm. Yếu đuối của chúng ta có thể là sự sợ hãi, ước muốn và những thôi thúc từ nhu cầu thâm sâu trong con người mình. Từ những yếu đuối đó, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể thực hiện những hành động ti tiện và gây ra những lỗi lầm đáng tiếc. Sống giữa một cộng đoàn đa dạng về nhân cách, nhận thức, văn hóa và ngay cả thế hệ, chúng ta dễ sinh ra bảo thủ, ích kỷ, ganh tỵ, đố kỵ và đặc biệt chỉ trích nhau. Chấp nhận con người mình có những yếu đuối như thế để trước hết đón nhận chính mình như một hữu thể bất toàn đang vươn tới sự toàn thiện và đồng thời cảm thông với những giới hạn của tha nhân.
Sau cùng, mỗi người được sinh ra trong một hoàn cảnh và tình trạng bẩm sinh riêng biệt. Do đó, mỗi người mang trong mình những ưu khuyết điểm cần được chính họ ý thức và đón nhận như những món quá của cuộc sống. Trong tập Quà gởi em, linh mục Trần Duy Nhiên gởi đến các bạn trẻ những lời nhắn nhủ rất thực:
Khi đã nhận thấy được những ưu và khuyết điểm của mình, em không nên quá tự hào về ưu điểm. Xét cho cùng, những ưu điểm đó có thể là em không có công gì cả, hoặc nếu em có phát triển thì bất cứ ai có điều kiện bẩm sinh và hoàn cảnh thuận tiện như em cũng sẽ có ưu điểm đó.
Ngược lại, khuyết điểm của em cũng không có quyền gây cho em một mặc cảm nào: con người là nạn nhân của khuyết điểm mình; và phần lỗi của mình chưa chắc là phần quyết định. Cố nhiên em sẽ kiên trì sửa sai, nhưng dù sao đi nữa, em hãy chấp nhận bản thân và thông cảm cho chính mình.[20]
Ý thức, chấp nhận và đón nhận mình “như mình là” có thể là một xuất phát điểm hợp lý để tiến đến hình thành một nhân cách trưởng thành.
2.1.3 Một nhân cách trưởng thành
Cũng giống như “thành công là một hành trình chứ không phải là một điểm đến”, một nhân cách trưởng thành mà người viết muốn đề cập là một nhân cách đang vươn tới, đang lớn lên và đang thăng tiến chứ không phải là một cái gì đã hoàn tất mỹ mãn, đã đạt tới đỉnh cao. Ý thức về sự “có thể trở nên khác” thôi thúc con người sống cuộc đời mình như một dự phóng, mỗi lần dấn bước là một lần làm cuộc vượt thoát khỏi những giới hạn để tiến tới một tình trạng tốt hơn. Điều này đã được giáo sư tiến sĩ Adrian Van Kaam nhấn mạnh: “Không bao giờ được coi nhân cách như một sản phẩm đã hoàn thành, một gói các đức tính đáng quý được cất kỹ trong kho tàng. Nhân cách đích thực là phát triển, tăng trưởng tỏa lan. […]. Nó không phải là một tình trạng người ta đã hoàn thành một lần cho tất cả, nên bây giờ chỉ có việc là ngồi nghỉ. Người ta không bao giờ ngừng trở thành một nhân cách. Người ta không bao giờ có thể nói: “Như vậy đã đủ. Tôi đã hoàn thành nhân cách của tôi. Bây giờ tôi có thể hưởng thụ.” Lúc mà người ta nhìn nhân cách mình dưới nhãn quan đó, người ta không còn là một nhân cách nữa, bởi vì người ta đã mất sự cởi mở năng động, vốn là một đặc tính của đời sống nhân bản đích thực.”[21] Nhân cách mỗi người được hình thành theo dòng lịch sử cuộc đời của họ và đồng thời bao hàm cả những định hướng cho tương lai. Những hoàn cảnh sự kiện họ kinh qua góp một phần lớn hình thành nên con người họ lúc này, bên cạnh đó, dự định hiện hữu của họ lấp ló trong con người hiện tại.
“Bản chất năng động của nhân cách đích thực bao hàm một lịch sử và một định hướng cho tương lai. Chúng ta hiểu lịch sử ở đây như là sự hiện diện sống động của quá khứ riêng biệt của mỗi người trong đời sống và sinh hoạt của mình. Định hướng về tương lai bao hàm cái nhìn của họ trước tương lai, các lý tưởng và những sự mong chờ có tính cách thực tế. Nếu là một nhân cách đích thực, thì cả quá khứ lẫn tương lai đều hiện diện một cách sống động trong hoàn cảnh hiện tại.”[22]
Vậy, nhân cách con người được hòa quyện bởi một tiến trình lịch sử trong quá khứ của họ và những ý hướng và dự phóng của họ cho cuộc đời phía trước. Chiều kích lịch sử của đời người là điều hết sức cần thiết để họ có thể trở nên chính mình. Sử tính được trao cho con người như một điều khoản gắn liền với số vốn căn bản của cuộc sống làm người: khát vọng vươn lên để hoàn thành cuộc đời mình.
Tuy nhiên, không bao giờ có giải pháp sẵn cho mọi vấn đề cũng như không bao giờ có một lối sống hoàn hảo giành cho tất cả mọi người. Là một con người độc đáo, mỗi người có trách nhiệm hình thành, phát triển và thăng tiến nhân cách của họ theo cách thế của riêng họ. Vì thực ra, “không ai có thể dạy người khác sống cuộc đời của họ!”[23]. Con người có khả năng quyết định vận mạng của mình cách tự do và sáng tạo, và điều đó tạo nên những nhân cách cá biệt, không ai giống ai. Ý nghĩa cuộc đời mỗi người không phải do người khác muốn mình trở thành cái gì, nhưng là chính người đó, họ muốn sống trọn vẹn và triển nở cuộc đời họ thế nào. Con người có thể hoàn thiện nhân cách của mình hay không hệ tại việc họ có dám chọn lựa và tự quyết cho việc hình thành nhân cách của mình hay không. Trên nguyên tắc, một con người có thể trở nên khá hoàn hảo nếu anh ta sống theo một khuôn mẫu mà người khác trao cho, tuy nhiên, chừng nào không phải tự ý anh ta chọn lựa với đầy đủ ý thức và hiểu biết thì anh ta chưa có một nhân cách thực thụ. Trong đời sống cộng đoàn, mối tương quan đích thực chỉ có thể có được khi mọi người bình đẳng với nhau, khi không người nào đánh mất phẩm giá của mình, đồng thời, mỗi người phải tự do mở tâm hồn mình ra để đón nhận người khác.
Tự sâu thẳm tâm hồn con người có nhu cầu tự khẳng định mình, tự thiết kế cuộc đời mình theo một hình ảnh mà mình mong muốn. Vai trò của cá nhân quyết định việc hình thành và triển nở nhân cách, tuy nhiên, tiến trình trở nên chính mình của mỗi người cần được thực hiện trong cộng đoàn. Tự bản chất con người vừa là một hữu thể độc đáo riêng biệt vừa là một hữu thể tương quan, mở rộng ra cho tha nhân và cộng đoàn. Hai khuynh hướng đó không phải là đối nghịch nhau mà là bổ túc cho nhau. Một cộng đoàn đích thực sẽ không làm mất tính cách độc đáo của mỗi cá nhân, và mỗi cá nhân chỉ có thể hình thành nhân cách của mình trong sự liên đới yêu thương với người khác, tạo nên những cộng đoàn. Vậy, con người chỉ thực sự hoàn thành vận mạng đời mình và hoàn thiện nhân cách của mình trong tương quan với người khác.
2.2 Sống với người khác như một giao ước bản thân
2.2.1 Kinh nghiệm về tha nhân
Qua kinh nghiệm về các mối quan hệ với những người xung quanh, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng: tha nhân vừa có thể như người nâng đỡ vừa có thể như người đe dọa. Hai đứa trẻ trong một gia đình sẵn sàng nâng đỡ nhau khi cần nhưng cũng có thể tranh giành nhau một mẫu bánh hay sự âu yếm của cha mẹ. Bạn bè là nguồn an ủi tinh thần cho ta nhưng cũng có thể là mối đe dọa về thứ hạng, sức mạnh, tầm ảnh hưởng của ta.
“Kinh nghiệm về tha nhân như thế, cả hai khía cạnh, đều có thể có giá trị tích cực và tiêu cực, tuy thuộc vào phản ứng “tự do” của mỗi người. Kinh nghiệm được nâng đỡ có thể làm cho con người mở rộng tâm hồn hơn, biết yêu thương đón nhận người khác hơn; nhưng cũng có thể làm cho con người trở nên ỷ lại, lệ thuộc, yếu hèn hoặc có thái độ ích kỷ, muốn bắt người khác phải phục vụ cho sở thích của mình. Ngược lại kinh nghiệm bị đe dọa cũng có thể làm cho con người trở thành một pháo đài, luôn phòng thủ con người mình, hiếu chiến, tàn nhẫn, xét nét tha nhân…; và đồng thời kinh nghiệm này cũng có thể làm cho con người biết tự lập, biết xây dựng cuộc đời mình dựa trên tài năng của chính mình. Chẳng hạn, người ta có thể thấy những người, vì mồ côi từ bé, mà không biết yêu thương, tâm hồn cứng cỏi; và cũng có những người, vì mồ côi, mà lại luôn khao khát tình thương, muốn bày tỏ tình yêu thương đối với những người xấu số, yếu hèn, những đứa trẻ không có tình thương…”[24]
Từ kinh nghiệm về chính mình đến kinh nghiệm về tha nhân, con người có thể khám phá ra một chân lý khá quan trọng: mỗi người là một kỳ quan. Đứng trước sự phong phú đó con người vừa cảm thấy hứng thú khám phá cái mới nơi người khác vừa cảm thấy bị thách đố vượt thắng những đố kỵ để có thể đón nhận sự khác biệt. Tuy vậy, xã hội và cộng đoàn trở nên phong phú nhờ những khác biệt cá tính của các thành viên vốn được hình thành từ nhiều môi trường văn hóa và gia cảnh khác nhau.
2.2.2 “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh,” câu thành ngữ đơn sơ và quen thuộc nhưng chứa đựng ý nghĩa quan trọng trong tiến trình hình thành nhân cách con người. Mỗi người được sinh ra bởi những người cha, người mẹ khác nhau và lớn lên trong những gia cảnh cụ thể và bối cảnh xã hội nhất định. Hai yếu tố quan trọng liên quan đến tâm tính con người mà tiền nhân kinh nghiệm được ở đây là yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.
Thân xác con người như món quà đầu tiên mà con người đón nhận để làm “hành trang” trên bước đường thực hiện ý nghĩa một đời người. Nhưng có lẽ không ai chưa một lần kinh nghiệm tình trạng “lực bất tòng tâm”. Có nhiều lúc chúng ta đành bỏ lại bao ước mơ cao đẹp của mình chỉ vì những khuyết phạp trên thân xác. Một thương tật nhỏ có thể đánh bại ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá quốc gia của tôi. Thường chỉ những lúc có điều gì bất thường xảy ra cho thân xác mình thì người ta mới cảm nhận được rằng tình trạng thân xác có thể ảnh hưởng sâu xa và bén nhạy đến chính dự định hiện hữu của mình. Vậy, thân xác vừa là cách thức để con người hiện diện trên trần gian, tương quan với người khác, đồng thời là giới hạn gắn liền với thân phận mỗi người. Đón nhận một người khác là đón nhận tất cả con người, cả thân xác, tâm tư, tình cảm đã hình thành từ những môi trường họ sống, đặc biệt là gia đình.
Người ta thường ví gia đình như là trường học đầu tiên của mỗi người để nói lên tầm mức ảnh hưởng của môi trường gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người. Thật vậy, cho dù người ta có thay đổi môi trường sống bao nhiêu lần đi nữa, dấu ấn của gia đình đối với mỗi người dường như không thể xóa nhòa. Người sinh trưởng trong một gia đình êm ấm, được giáo dục kỹ lưỡng có cách hành xử khác với người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Khi một người nào đó gia nhập cộng đoàn, họ mang cả con người quá khứ và cả con người với một dự phóng tương lai nào đó của họ.
Vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nên “mỗi người trong cộng đoàn của bạn là một thế giới kinh nghiệm độc nhất vô nhị. Trong chính bản thân người đó một kinh nghiệm được xem như một buổi công diễn đầu tiên diễn ra cách đều đặn mà không một ai khác đã từng có hay từng kinh qua. Nói cụ thể hơn, người ấy đã có những thời điểm tiến triển cũng như những lúc đình trệ; những ràng buộc, cam kết cũng như những thỏa hiệp. Có khả năng chín phần mười những tiềm năng của người ấy chưa được khai phóng.”[25]
Nhiều khi những kinh nghiệm của họ là những kinh nghiệm đau thương đang cần được xoa dịu bởi sự cảm thông. “Càng ngày tôi càng khám phá ra có nhiều người đang phải mang những nỗi cô đơn sâu xa riêng. Họ mang vào cộng đoàn những trục trặc về tình cảm, cùng với những “tính xấu” – hậu quả của những đau khổ và sự thiếu hiểu biết.”[26] Tất cả những kỷ niệm hồng và những kinh nghiệm thương đau của mỗi người chi phối nhiều đến tâm tư, suy nghĩ và hành động của họ lúc này. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ bớt dò xét và lên án người khác, đồng thời vươn đến việc cảm thông và sống cho nhau nhiều hơn.
Ngoài những khác biệt về yếu tố di truyền và môi trường sống, các thành viên trong cộng đoàn còn có những khoảng cách về tuổi tác, nhận thức và ngay cả ngôn ngữ. “Người lớn tuổi, giới trung niên, giới trẻ, mỗi thế hệ có một cung cách sống, một nền giáo dục riêng, có những quan điểm riêng”[27] mà thế hệ khác không có và khó có thể thấu hiểu được hết. Khác biệt về khả năng và nhận thức cũng là một điều đương nhiên vì mỗi người đón nhận một môi trường giáo dục khác nhau và theo những cách thế riêng của họ. Nhiều khi cùng được đào tạo trong một môi trường nhưng khả năng nhận thức của mỗi người khác nhau nên sự tiếp nhận kiến thức cũng không bao giờ giống nhau. Ngoài ra, khác biệt dễ thấy nhất là khác biệt về ngôn ngữ. Giọng Nam nhẹ nhàng truyền cảm, giọng Trung mộc mạc đơn thành, giọng Bắc mỹ miều uyển chuyển. Lời văn miền Nam sổ sàng, miền Trung khô khan, miền Bắc đưa đẩy. Trên thực tế, những khác biệt này đã gây nhiều khó khăn trong đời sống cộng đoàn. Vậy, làm sao để chúng trở thành những bông hoa muôn sắc tạo nên sự phong phú cho cộng đoàn thay vì cản trở sự thăng tiến?
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, các thành viên trong cộng đoàn mang trong mình những trang sử đời với nhiều dấu ấn của không gian và thời gian, của những kỷ niệm hồng và cả những vết thương lòng không ai giống ai. Do đó, để xây dựng một cộng đoàn lớn mạnh, trước hết mỗi cá nhân cần đón nhận người khác với lòng tôn trọng, lắng nghe để thấu hiểu và yêu thương.
2.2.3 Học biết lắng nghe và thấu cảm
Con người là một hữu thể tương quan, và nhu cầu thâm sâu nhất của con người là yêu và được yêu, hiểu biết và được hiểu biết. Để nhu cầu đó được đáp ứng một cách thỏa đáng cần có sự chia sẻ và cảm thông chân thành giữa người với người. Sự chia sẻ đúng nghĩa phải là lời bày tỏ tâm tư chân thành từ tận đáy lòng. Đây chính là lúc ta mở lòng ra với người khác để cùng cảm thông chia sẻ. Vì lời chia sẻ phát xuất từ con tim nên cần được lắng nghe bằng cả tấm lòng.
Trên thực tế để lắng nghe và thật sự thấu hiểu một con người là một thách đố lớn. Trước hết, không dễ gì người ta có thể bày tỏ những kinh nghiệm sâu xa trong cuộc đời của họ, bởi vì, “khi tôi chia sẻ những cảm nghiệm của tôi chính là lúc tôi bộc lộ tâm hồn mình cho người khác. Khi tôi nói cho bạn về quá khứ của tôi hay là những tình cảm hiện thời tôi có thì đó chính là cách tôi nói cho bạn biết tôi là ai, bởi tôi đã nói cho bạn biết cách mà tôi kinh nghiệm cuộc sống. Trong mức độ nào đó, tôi đang cho bạn thấy một phần bản chất thực của tôi.”[28] Và khi một ai bộc lộ tâm hồn mình cho người khác là họ đã dám liều bởi vì sự chia sẻ của họ có thể không được lắng nghe, thậm chí bị phản đối hay chê cười. Về phía người nghe, chúng ta sẽ chẳng có khó khăn gì khi nghe một người khác trình bày một tư tưởng. Nhưng sẽ khó khăn cho chúng ta khi lắng nghe những tâm tình sâu lắng nhất của một người, nghĩa là lắng nghe và đón nhận cả con người thực của họ. Mỗi con người là một thế giới kinh nghiệm độc nhất vô nhị mà ta chưa thể hiểu thấu được, nên khi lắng nghe ta cần trao cho người ấy một tâm hồn tươi mới để cũng có thể đón nhận những kinh nghiệm mới. Được lắng nghe bằng một tình yêu chân thành và thái độ ân cần, người khác sẽ chia sẻ một cách thoải mái và chân tình hơn, đặc biệt khi họ cảm nhận được sự kính trọng sâu xa trong cách lắng nghe của ta. Điều này có thể được gọi là “sự lắng nghe sáng tạo”, vì nó làm phong phú cho cả người nghe lẫn người nói.
Từ việc lắng nghe đến sự thấu cảm là cả một chặng đường dài vì mỗi người là một thế giới khác biệt. Người Bắc không thể hiểu được tại sao người Nam quá phóng túng. Người già không thể hiểu tại sao thế hệ trẻ quá ư liều lĩnh và bồng bột. Người nông thôn không thể hiểu được tại sao người thành thị lạnh nhạt đến thế. Để vượt qua những khác biệt quá lớn giữa mình với tha nhân, ngoài việc ân cần lắng nghe với cả con tim chân thành, chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh, địa vị, tập quán, văn hóa và sự hiểu biết của họ. Làm được như thế, ta có thể hòa mình vào được trong thế giới kinh nghiệm của người nói một cách sống động hơn, và dĩ nhiên, chúng ta dễ nghe được âm thanh người ấy đã nghe, cảm được những gì người ấy đang cảm. Đó chính là những món quà, những hồng ân của cuộc sống mà không một thế lực có thể mang lại cho ta được.
Khi đã lắng nghe được tiếng nói từ con tim của người khác, thấu cảm được từng nhịp rung động của tâm hồn họ ta dễ dàng đón nhận con người thật của tha nhân và tiến đến gặp gỡ chính con người thật của họ trong “giao ước bản thân”.
2.2.4 Đón nhận người khác “như họ là” để sống giao ước bản thân
Trước hết trong mỗi người luôn tồn tại một phẩm giá bất khả xâm phạm, mà chính bản thân người đó và tất cả những người khác phải chấp nhận vô điều kiện. Đứng trước một con người, không ai có quyền cưỡng bức họ hành động ngược với lương tâm và xác tín riêng của họ. “Với tư cách là chủ nhân và chủ thể của quyền lợi cũng như nghĩa vụ, con người có một phẩm giá và một quyền tối thượng đòi hỏi phải được tôn trọng một cách vô điều kiện và phải được đối xử như nhân vị.”[29] Linh mục Antony de Mello nói rằng: “con người không tốt cũng không xấu. Nó là nó. Tốt hay xấu là do ta dán cho nó cái nhãn hiệu nào: thông minh hay dốt nát, đẹp hay xấu, hiền lành hay khó tính…” Trên thực tế, chúng ta thường nhìn người khác bằng quan niệm và thành kiến của riêng ta và dễ có xu hướng bắt người khác suy nghĩ theo lối nhìn của ta. Tệ hơn, chúng ta thường lấy bản thân ta làm thước đo, làm tiêu chuẩn để đánh giá người khác. Sâu xa ra, chính là ta không muốn tôn trọng cái thế giới riêng tư của người khác, cái thế giới mà chỉ có Thiên Chúa mới có quyền biết. Do đó, để tiến đến đón nhận và yêu thương tha nhân, trước hết ta phải tôn trọng mỗi người như một nhân vị cá biệt, độc đáo, bất khả tương nhượng.
Yêu là chấp nhận sự khác biệt. Một người yêu thương đích thực luôn tôn trọng, và hơn thế nữa, còn khuyến khích sự khác biệt và tính độc đáo của người mình yêu. “Một trong những khó khăn lớn nhất của đời sống cộng đoàn là đôi khi chúng ta ép buộc người khác sống không đúng với bản chất đích thực của họ. Chúng ta gán cho họ một hình ảnh lý tưởng và buộc họ phải chấp nhận. […]. Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta thường kỳ vọng quá nhiều về người khác. Chúng ta ngăn cản người khác khám phá và chấp nhận chính họ. Chúng ta kết án hoặc xếp loại họ một cách vội vã.”[30] Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, mỗi người là một kỳ quan có một không hai mà người khác chỉ có quyền chiêm ngưỡng thay vì xét đoán hay lên án. Tuy nhiên, chấp nhận sự khác biệt mới “chỉ là điều kiện sơ đẳng của mối giao tiếp giữa người và người.”[31] Chúng ta được mời gọi đến với nhau như chúng ta là để sống giao ước bản thân hầu kiến tạo và phát huy tính đa dạng và phong phú được tạo nên từ chính những khác biệt của mỗi người.
Giao ước bản thân là sự gặp gỡ đích thực giữa các nhân vị tự do, giữa các chủ thể. Mối giao hảo đó tạo nên một sự cộng sinh, làm phong phú hóa cho nhau và sẽ trở nên mối tương giao trọn vẹn trong tình yêu.
Trước hết, tôi chỉ thực sự gặp gỡ tha nhân khi nhìn nhận tha nhân như những con người bình đẳng, có tự do và trách nhiệm. Nhìn nhận tha nhân là một ngôi vị tự do, khi tôi đến với họ tôi không được đòi hỏi nhưng chỉ chờ đợi và hy vọng vào câu trả lời của họ. Đánh mất sự tự do và tự nguyện trong việc trao ban và đón nhận, giao ước chỉ còn là một sự ‘thuận mua vừa bán’ theo qui luật của sự vật. Sống giao ước bản thân bao hàm một hành vi tự nguyện dấn thân của tôi và một sự đáp trả tự do của tha nhân. Dấn thân tức là sẵn sàng, quên mình để đi bước trước đến với tha nhân, dám liều để thực hiện một cuộc thử nghiệm mới. Dấn thân sâu vào các mối tương quan không bảo đảm hoàn toàn sự thành công nhưng đó là điều cốt yếu đối với những ai muốn sống cuộc sống yêu thương, nghĩa là một cuộc sống không ngừng mở rộng con người mình ra để đi vào chiều kích và những địa hạt liên đới mới.
Thứ đến, sống giao ước bản thân là đi vào cuộc gặp gỡ con người thật của nhau, dám sống với khuyết điểm của mình và sẵn sàng đón nhận trọn vẹn con người của tha nhân. Đến với nhau như chúng ta là trở nên điều kiện tiên quyết để có thể thiết lập mối giao hảo thực sự giữa người với người. Thế nhưng, trong cuộc sống, đặc biệt là trong cộng đoàn nhà tu, người ta ít khi sống thật với con người của mình. Có lẽ do bị ảnh hưởng của chủ nghĩa duy danh, các tu sĩ không bao giờ tự cho phép mình tỏ ra là một con người yếu đuối với những hạn chế và khuyết điểm, trái lại, luôn khoác cho mình một cái mặt nạ “hoàn hảo”. Khi cái mặt nạ đó trở nên quen thuộc với chúng ta, chúng ta tự mãn về cái hình ảnh vọng tưởng đó và chưa bao giờ có ý định lột bỏ nó đi để có thể đến với người khác bằng con người thật của mình.
Chấp nhận sự yếu của mình và của người khác là đi ngược lại với tính tự mãn cố chấp. Đó cũng không phải là một sự chấp nhận buông xuôi, vô vọng. Điều quan trọng ở đây là chúng ta dám chấp nhận sự thật, không ảo tưởng. Chúng ta có thể lớn lên từ chính sự thật, chứ không phải từ những ảo tưởng chúng ta muốn hay người khác áp đặt cho chúng ta. Chỉ khi chúng ta ý thức sự thật về mình và về người khác với tất cả sự phong phú và nghèo nàn của mỗi người, […], thì chúng ta mới có thể cùng nhau xây dựng một cộng đoàn. Sức mạnh cuộc sống sẽ tuôn trào từ chính thực tại chúng ta là ai.[32]
Mỗi khi dám sống với khuyết điểm của mình, chúng ta dễ dàng chấp nhận những hạn chế của tha nhân và thực sự đón nhận họ một cách vô điều kiện. Một mối tương giao đúng nghĩa phải được thiết lập bởi những con người thật, chứ không phải bởi những cái mặt nạ.
Giao ước bản thân giữa “anh” và “tôi” làm nên một sự cộng sinh, một hiện hữu chung, một sự hiệp thông trong hữu thể của hai hiện hữu mà triết gia Gabriel Marcel gọi là “chúng ta”. Theo các nhà tâm lý, người ta đến với nhau, mến nhau không những vì sự tương đồng mà còn vì sự đối nghịch nhau. Sự tương đồng giúp họ hợp rơ trong công việc và là nguồn cảm hứng cho nhau để cùng thăng hoa, sự đối nghịch vừa bổ túc cho nhau trong lãnh vực còn hạn chế vừa kích thích sự khám phá cái mới nơi mỗi người. Chính những tương đồng và dị biệt đó làm phong phú cho nhau. Sâu xa hơn, con người không thể tự mình triển nở và hoàn thành một cách sung mãn cuộc đời mình mà không cân đến người khác. Chính trong tương quan con người được thỏa mãn những nhu cầu thâm sâu nhất trong tận đáy lòng mình, và đó là nguồn động lực lớn lao giúp con người triển nở và trở nên tràn đầy sức sống.
Hơn hết, sống giao ước bản thân là một cuộc gặp gỡ trọn vẹn trong tình yêu. Yêu thương là mở lòng ra cho tha nhân, tự hiến cho tha nhân, cam kết thuộc về nhau và nhìn nhận tha nhân như một ngôi vị. Điều này đã được Jean Vanier diễn tả rất rõ: “Yêu là lắng nghe người khác, quan tâm và đồng cảm với họ. Yêu là đáp trả tiếng kêu của người khác và những nhu cầu sâu xa nhất của họ. Yêu là đồng cảm – khóc với người khóc, vui với người vui. […]. Yêu là đang sống trong nhau và ẩn náu nơi nhau. […]. Yêu là mong muốn người khác trung thành với ơn gọi riêng biệt của họ và tự do yêu thương trong tất cả mọi chiều kích của cuộc sống.”[33] Với Gabriel Marcel, tình yêu bao hàm sự chờ đợi trong thái độ cầu khấn, van nài. “Cầu khấn là nhận ra sự độc đáo tuyệt đối không thể thay thế nơi anh, là xác định rằng anh không phải là một sự vật mà tôi có thể chiếm hữu, là nhìn nhận tôi không có những điều mà tôi yêu mến nơi anh, và tôi mong ước đạt tới những điều ấy. Trong sự cầu khấn van nài như thế, tôi sống những giờ phút xao xuyến nhất vì biết rằng câu trả lời của tha nhân vô cùng quan trọng đối với tôi.”[34] Chỉ trong tương quan tình yêu, con người mới có thể luôn chiều ý nhau, sống trọn vẹn cho nhau và ở đó con người trở nên tươi mới luôn luôn, vì chưng, tình yêu có năng lực sáng tạo sự sống. Quả vậy, trong tình yêu, chúng ta thiết lập giao ước bản thân với tha nhân để không chỉ sống với nhau mà còn sống cho nhau.
2.3 Vai trò cộng đoàn và đào tạo trong việc hình thành nhân cách tu sĩ
Ngoài nỗ lực cá nhân, cộng đoàn và đào tạo đóng một vài trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách của các tu sĩ trẻ. Những hạn chế của của bầu khí cộng đoàn tu trì hiện tại đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách các tu sĩ trẻ thì chính những phẩm chất của một cộng đoàn đúng nghĩa sẽ nâng đỡ họ lớn lên. Ở trên, người viết đã có đề cập một cộng đoàn lý tưởng phải trở nên như một gia đình, một trường dạy yêu thương và là một cứ điểm hoạt động tông đồ của tu sĩ. Muốn thế, bầu khí cộng đoàn cần được nung nấu bằng tình huynh đệ thể hiện qua việc quan tâm, chia sẻ, phục vụ trong yêu thương, sẵn sàng tha thứ, đón nhận và hết mình vì nhau. Cộng đoàn cần trở thành nơi mà tu sĩ cảm nhận được tình yêu, sự thấu hiểu và tự do tự nguyện thể hiện chính mình một cách triệt để. Ngoài ra, để tình huynh đệ cộng đoàn thêm mặn nồng thắm thiết và bền chặt, thiết nghĩ sự sẻ chia với nhau một mục đích chung, một sứ vụ cụ thể của cộng đoàn là điều không thể thiếu. Khi người ta chia sẻ với nhau những trách vụ người ta cảm thấy thuộc về nhau nhiều hơn, và những con người cùng hướng về một mục đích chung dễ đồng cảm với nhau và yêu thích đồng hành với nhau hơn. Tuy nhiên, để một buổi công diễn thành công cần một nhạc trưởng giỏi và bản nhạc hay. Nhà đào tạo và chương trình đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và tăng trưởng nhân cách tu sĩ trẻ.
Ý thức vai trò quan trọng của mình, nhà đào tạo cần sắm sẵn cho mình những kiến thức chuyên môn sư phạm cần thiết đồng thời nắm vững một số kỹ năng đồng hành tâm linh, hiểu tâm lý người trẻ và có khả năng đối thoại. “Có người cho rằng người phụ trách đào tạo trong tương lai phải làm sao vừa có tư cách của một “gu ru” vừa là người “huấn luyện viên thể thao”: hướng dẫn, gợi ý, khai mở, làm chứng nhân chứ không áp đặt, làm “công an”, làm thay hay bao che, buông lỏng…”[35] Ở đây người viết xin mở ngoặc, “làm chứng nhân” khác với “làm gương”. Làm chứng nhân nghĩa là dám sống với con người thật gồm những yếu đuối mỏng dòn của mình nhưng luôn thiết tha vươn lên nhằm hoàn thiện bản thân, còn làm gương là cố tạo một hình ảnh hoàn mỹ về mình trong mắt kẻ khác và thầm “bắt” người khác phải noi theo. Thực tâm mà nói, nhiều nhà đào tạo của chúng ta luôn cố sức làm gương mà ít ai dám làm chứng. Lối sống “làm gương” nơi những người hướng dẫn không góp phần tích cực vào việc trưởng thành nhân cách của các thụ huấn sinh. Những “tấm gương” đó quá cao và quá xa so với các thụ huấn sinh. Bên cạnh đó, những đoán xét chỉ dựa trên những chỉ tiêu bề ngoài làm cho họ không dám sống thật với con người của mình, không dám chia sẻ con người mình với cộng đoàn mà chỉ tìm cách che dấu những yếu đuối của mình dưới những cái mặt nạ hoàn hảo. Trên thực tế, để trở thành một nhà đào tạo hội đủ các yếu tố kỷ năng chuyên môn và phẩm chất cần thiết trong thời điểm hiện tại là điều khó, nhưng có lẽ việc trở nên một người hướng dẫn tận tụy với sứ vụ, có thái độ tin tưởng, cởi mở, bao dung và yêu thương lớp trẻ thì không quá sức đối với nhiều người. “Ơn gọi tu trì là một câu chuyện về tình yêu và về nỗi khát khao bước theo Đức Kitô. Nhiều thụ huấn sinh đã ở lại vì “cắn câu” tình yêu, chứ không phải đã khuất phục trước lý lẽ.”[36] Khi được yêu và được đón nhận, người ta sẽ sẵn sàng sống thật với chính mình đồng thời cố gắng vươn lên hoàn thiện bản thân.
Để đào tạo một thế hệ tu sĩ trẻ có đủ phẩm chất, trưởng thành nhân bản còn cần một chương trình đào tạo hướng đến yếu tố con người nhiều hơn. Định hướng đào tạo cần nhắm đến việc khuyến khích các thụ huấn sinh nổ lực khám phá bản thân và thể hiện mình một cách tròn đầy. Chương trình đào tạo phải giúp họ chấp nhận thực tế, trước hết là sự thực về bản thân mình. Những khoảng không gian và thời gian riêng là cần thiết để các bạn trẻ có cơ hội đối thoại với chính mình. Dường như chúng ta chỉ quan tâm đến những giờ cộng đoàn mà ít tạo bầu khí và thời gian riêng. Việc đòi hỏi quá nhiều nơi các tu sinh mới vào dòng bằng cách đưa ra thời khóa biểu chi chít những giờ sinh hoạt phải hoàn tất khiến họ không còn thời gian cho chính mình. Ngoài ra, hình thức lượng giá lại dựa trên những biểu hiện bên ngoài quá nhiều thay vì căn cứ vào nổ lực nội tại của từng người, theo từng mức độ khác nhau. Điều này gây ra tình trạng chạy trốn thực tế và không chấp nhận chính mình. Thái độ chấp nhận sự thật về chính mình là một khởi điểm cơ bản trong tiến trình phát triển lành mạnh. Và sau khi nhận ra và chấp nhận bản thân, con người cần mở rộng tâm hồn ra để đến với người khác. Đây là điểm mà chương trình đào tạo cần nhắm tới, vì khi người ta chưa có thái độ cởi mở, người ta chưa sống con người thật của mình. Khi chưa sống thật, người ta chưa sẵn sàng để phát triển. Bên cạnh việc khuyến khích thụ huấn sinh chấp nhận và sống thật với chính mình, chương trình đào cần tạo điều kiện để họ tự khám phá ơn gọi và sứ mệnh duy nhất của mình hầu phát huy tinh thần trách nhiệm về cuộc sống và chọn lựa của bản thân. Mỗi khi nhận ra được con người mình và xác tín ơn gọi của mình, người ta không còn giả vờ, không còn đóng kịch hay đeo mặt nạ mà dám đối diện với sự thật và quyết chí vươn lên không ngừng.
Tựu trung, thiện chí vươn lên sự trưởng thành nhân cách của các tu sĩ trẻ sẽ được thực hiện một cách thuận lợi và hứa hẹn có kết quả tốt đẹp khi được nuôi dưỡng bởi một cộng đoàn có hòa khí thương yêu huynh đệ, được hướng dẫn bởi những con người nhiệt huyết với một đường hướng đào tạo hợp lý.
KẾT LUẬN
Tiến trình thành nhân của một con người không thể được hoàn tất trong ngày một ngày hai mà là sự nổ lực phấn đấu cả một đời. Phải nổ lực phấn đấu vì con đường trước mặt là một chặng đương dài hứa hẹn nhiều thách đố lớn lao cần phải vượt qua. Lớn lên trong một truyền thống văn hóa khép kín và trọng danh dự, lại được đào tạo trong một bầu không khí đề cao tính kỷ luật luân lý và trong tinh thần duy ý chí, giới tu sĩ trẻ Việt Nam dễ rơi vào thái độ sợ hãi, nệ luật, vụ hình thức và hơn nữa, đánh mất chính mình để thỏa mãn kỳ vọng của người khác và ảo vọng của bản thân. “Lo sợ thay đổi, chống lại thay đổi hay né tránh là một thái độ rất người. Không phải loài rùa mới có mu cứng và thích ẩn mình dưới lớp mu an toàn đó. Tập quán và truyền thống là những cái mu êm đềm, mà con người thường ẩn nấp vào đó để chối từ mọi canh tân và thích nghi.”[37] Tuy nhiên, để trở thành một tu sĩ đích thực và có đời sống thiêng liêng phong phú, mỗi người cần vượt ra khỏi sự chi phối của ngoại cảnh để xây dựng cho mình một nền tảng nhân bản vững chắc. Không sớm thì muộn mỗi tu sĩ sẽ được “nâng lên” làm người hướng dẫn tinh thần, làm chứng tá đức tin cho người khác. Một người không dám là chính mình, tự dối lòng mình, không đủ can đảm sống thật với con người của mình thì không thể vươn lên một tầm cao mới để thực hiện mình trong sứ mệnh chứng tá được. Bắt đầu đã khó, bắt đầu lại sẽ càng khó hơn vì đã sẵn một lối mòn. Nhưng bắt đầu là để biến không thành có, để thực tế hóa ước mơ. Tiếng gọi lên đường thôi thúc mỗi người can đảm phá vỡ thế cầu toàn trong đời tu để bắt đầu sống lý tưởng dấn thân mình đã chọn.
Nổ lực cá nhân trong việc trưởng thành nhân cách vừa là trách nhiệm vừa là sứ mệnh của mỗi người. Tuy nhiên, vì con người luôn cần đến người khác để trở nên chính mình và triển nở nhân cách nên tương quan cộng đoàn là một môi trường cần thiết để tu sĩ trẻ lớn lên. Thiết nghĩ mỗi người chỉ thực sự trưởng thành và sống sung mãn cuộc đời mình khi hoàn tất sứ vụ của mình qua việc dấn thân sống với người khác như một giao ước bản thân. Sống với người khác như một giao ước bản thân trong cộng đoàn tu trì thực sự là một cuộc phiêu lưu chưa có hồi kết. Là một cuộc phiêu lưu vì sống giao ước bản thân là đi vào một cuộc thử nghiệm mới với những kinh nghiệm mới ở một thế giới hoàn toàn mới: tha nhân. Là mạo hiểm vì mỗi khi bước vào mối tương giao đó là một lần tôi đứng trước nguy cơ bị chối từ, bị phụ bạc. Và là một cuộc phiêu lưu chưa hoàn thành vì tha nhân không phải là một sự vật, tha nhân là một con người có sử tính và có tự do. Nhân cách không bao giờ nằm trong tính trạng đã đạt đến đỉnh cao, đã hoàn thành viên mãn, và như thế, mối giao hảo giữa các nhân cách cũng luôn ở trong tình trạng đang vươn tới, đang lớn lên và hướng đến sự trọn hảo. Tương quan giữa người với người như thế là mối tương quan hỗ tương cho nhau, luôn cọ xát, tác động qua lại lẫn nhau để cùng nhau vươn lên. Vậy, khi tôi dám quảng diễn con người thật của tôi ra trước tha nhân và đón nhận con người thật của họ để đi vào cuộc gặp gỡ nhau trong tình yêu là tôi đang cùng tha nhân lớn lên và triển nở nhân cách.
Trong khuôn khổ một bài tiểu luận mà người viết đã tham vọng tiếp cận một chủ đề khá lớn nên chi những góp nhặt khiêm tốn trong phạm vi tài liệu và thiện cận trong lối nhìn còn rất hạn chế trên nhiều phương diện. Ước mong những ai quan tâm đến giới tu sĩ trẻ ra sức nghiên cứu cách sâu rộng và khoa học để vấn đề căn bản và thiết yếu này được quan tâm đúng mức.
[1] Nguyễn Hồng Giáo, “Đừng vội hài lòng với nhiều ơn gọi,” tuần báo Công giáo & Dân tộc, số 1260, 2000, tr. 11.
[2] Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên (HCM: Đức tin & Văn hóa, 2005), tr. 322.
[3] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2001).
[4] Robert S. Feldman, Những điều trọng yếu trong Tâm lý học, Trung tâm dịch thuật dịch, (Hà Nội: Thống kê, 2003), tr. 661.
[5] Viện Ngôn ngữ học, Sđd.
[6] Jean Vanier, Thăng tiến cộng đoàn (Sydney: St. Paul Phublications, 1979), Nhóm Đa Minh Rosa Lima chuyển ngữ, tr. 96.
[7] Roret S. Feldman, sđd, tr. 450.
[8] Nguyễn Trọng Viễn, Triết học nhập môn, (HCM: Học viện Đa Minh, 1995), tr. 53.
[9] Nguyễn Thái Hợp, sđd, tr. 227.
[10] Bộ Tu sĩ, Đời sống huynh đệ cộng đoàn, số 8.
[11] Bộ Tu sĩ, sđd, số 20.
[12] Bộ Tu sĩ, sđd.
[13] Desmond O’ Donnell, Cộng đoàn dưới ánh sáng Lời Chúa, Simon chuyển ngữ, (2000), tr. 27-28.
[14] Jean Vanier, Thăng tiến…, tr. 28.
[15] Adrian Van Kaam, C.S.Sp., Religion and personality, (New York: Englewood Cliffs, 1964), Nhân cách tôn giáo, Ngô Văn Vững dịch, tr. 71-72.
[16] Adrian Van Kaam, sđd, tr. 72.
[17] Adrian Van Kaam, sđd.
[18] Adrian Van Kaam, sđd, tr. 70 – 71.
[19] Adrian Van Kaam, sđd, tr. 73-74.
[20] Trần Duy Nhiên, “Quà gởi em”, trong An-Phong, Nối lửa cho đời 03, tr.100.
[21] Adrian Van Kaam, sđd, tr. 78-79.
[22] Adrian Van Kaam, sđd, tr. 79.
[23] Trần Duy Nhiên, sđd, tr. 99.
[24] Nguyễn Trọng Viễn, sđd, tr. 95-96.
[25] Desmond O’ Donnel OMI, sđd, tr. 16.
[26] Jean Vanier, sđd, tr. 77-78.
[27] Trì Thị Minh Thúy, “Đời sống cộng đoàn”.
[28] Desmond O’ Donnell, sđd, tr. 12.
[29] Nguyễn Thái Hợp, Đạo đức học (HCM: Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2008), tr. 179-180.
[30] Jean Vanier, sđd, tr. 29-30.
[31] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh (Sài Gòn: Thời mới, 1968), tr. 290.
[32] Jean Vanier, sđd, tr. 35.
[33] Jean Vanier, sđd, tr. 17.
[34] Nguyễn Trọng Viễn, Triết học Hiện đại (HCM: Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2008), tr. 107.
[35] Nguyễn Thái Hợp, Để họ…, tr. 165.
[36] Nguyễn Thái Hợp, Để họ…, tr. 169 – 170.
[37] Nguyễn Thái Hợp, Bước theo Đức Kitô (Houston: Dấn thân, 2001), tr. 220.