Thursday, 18 October 2012

ĐÔI BẠN chân tình


Đây là lần thứ hai tôi mời em đi tham gia sinh hoạt với nhóm giới trẻ xa xứ. Lần trước tôi tốn tiền điện thoại lẫn nước bọt để cố thuyết phục em. Sự hiện diện của em làm tôi cảm thấy mình đã không ‘bỏ công’. Lần này tôi hý hửng báo tin cho em về chuyến làm công tác từ thiện của nhóm với mong đợi em sẽ hưởng ứng nồng nhiệt như hoặc hơn các bạn trẻ ‘bình thường’ khác. Tuy nhiên, câu trả lời của em làm tôi ‘xẹp hứng’: “Bữa trước tới ngồi thấy chán!” Tôi chưng hững trước câu nói rất ‘đơn sơ’ của em để rồi giờ đây ngồi lại mà gẫm, mà suy và viết cho em đôi dòng tâm sự.

Em!

Tôi chưng hửng, tôi xẹp hứng vì tôi mong đợi nơi em hơi nhiều chăng? Có lẽ không vì nếu em chỉ được như những bạn trẻ ‘bình thường’ khác thì tôi cũng đã không chưng hửng như thế. Hôm em tham gia với nhóm là một ngày đặc biệt: một cha người ngoại quốc rất dễ thương chia sẻ một đề tài khá mới lạ và hấp dẫn (Hồi Giáo không như ta từng nghĩ) khiến nhiều bạn tham gia ý kiến sôi nổi, ngoài ra còn có chia sẻ Lời Chúa và Thánh Lễ bằng tiếng Anh. Tôi tin câu nói của em là thật lòng vì thực ra vô thức của em nói chứ không phải em. Phản ứng của em sau khi thấy tôi tỏ vẻ thất vọng làm tôi nghĩ vậy.

Em! Một “nun to be” mà không một chút bận tâm đến những thao thức tâm tư của giới trẻ và cũng chẳng màng đến việc phục vụ chăm sóc người kém may mắn thì ... tôi thấy tôi chưng hửng không vô lý. Đặc biệt hơn, em chán cả việc chia sẻ Lời Chúa. Thực ra, theo tôi, trước tiên em đã chán Lời Chúa, lửa Tin Mừng đã tắt từ lâu trong em, kết quả là em bàng quan với nỗi đau của tha nhân và cũng không thiết tha gì với tương lai của những người trẻ quanh em – tương lai của xã hội và Giáo hội. Hình như những điều em thiếu lại đang âm ỉ trong lòng các bạn trẻ, bạn bè của em.

Tôi mời em 'nghía' lại một chút chặng đường em và bạn em đã đi qua. Nhà em và nhà bạn em cách nhau một cây cầu khỉ và mấy thửa ruộng bậc thang. Tiếng chuông nhà thờ cất lên thì nhà của em và nhà bạn em đều đung đưa theo. Bạn em bước ra cổng để đến nhà thờ cầu kinh thì em đã đứng chờ sẵn ở đó. Sau mỗi giờ kinh tối cả hai cùng ngồi lại lần thêm mấy chục hạt rồi thủ thỉ với nhau “hôm nay tau lần được năm chục, bảy chục,...”. Tôi còn nhớ lúc nào em cũng lần được nhiều hơn bạn em dù thời gian cũng chừng ấy. Hình ảnh hai đứa tranh nhau dắt một bà cụ qua đoạn đường trơn trượt từng làm tôi cay xè đôi mắt.

Thế rồi, khi hai người học xong lớp 9, em được cha xứ dắt vào nhà dòng ‘tu học’. Bạn em thầm nghĩ mình không thể đi tu vì gia đình mình đạo đức chẳng bằng ai và cũng không được cha xứ qua lại. Đôi bạn chia tay mà chẳng kịp nói với nhau một lời tâm tư, em mừng quá chăng? Em và bạn em tự cảm thấy có một sự xa cách nào đó, xa hơn khoảng cách từ nhà em đến nhà dòng.

Lên bậc đại học, cả hai cùng hội ngộ giữa một thành phố xô bồ đến nghẹt thở. Em sáng tối kinh lễ đầy đủ trong một cộng đoàn tu trì, còn bạn em cố gắng chu toàn mấy “kinh hằng ngày” sau một ngày bận bịu của một sinh viên và là một osin.

Bước vào cuộc đời, bạn em năng động tham gia nhóm sinh viên xa nhà với những sáng kiến tổ chức chương trình sinh hoạt, nào là hướng nội bằng việc học hỏi chia sẻ Lời Chúa, hướng đến với nhau bằng việc chia sẻ đời sống sinh viên, hướng ra với tha nhân bằng các hoạt động bác ái. Em vào đời với ý thức ngái ngủ: “Bữa trước ngồi thấy chán; Tuần này em phải đến thăm nhà một ân nhân rồi, họ lo cho em học hành mà.”

Cảm ơn em đã vô tình chia sẻ với tôi rất thực điều đó. Tuy nhiên, như tôi đã nói với em: đi tu mà chỉ chăm chút cho những mối quan hệ với cha bố, mẹ đỡ đầu và đại gia thì chưa đủ. Tôi khuyên em hãy thật lòng biết ơn những con người quảng đại hy sinh cho Giáo Hội qua việc giúp đỡ em. Riêng em, em hãy là một cầu nối, hãy là một sứ giả để hoa quả của lòng quảng đại đó được nở rộ nơi những con người cần đến hương hoa của tình người nhất. Tôi mong em giờ đây lại tranh nhau với bạn em để dắt những số phận tan vỡ khác bước qua những vũng lầy mới.

2 comments:

  1. Chuyện của người hay chuyện của ta... Phút chạnh lòng bắt gặp hình ảnh mình nơi bài viết. Có phải ta đang ngủ quên?

    ReplyDelete
  2. Ai viết đây nhỉ? Văn có chất thơ. Ý có trọng lượng! Ngưỡng mộ chút!

    ReplyDelete