Để hiểu tại sao chúng ta, những Kitô hữu Việt Nam,
những người đã được cải đạo cách đây không lâu, đã từng chứng kiến những gương
truyền giáo xã thân đến cùng vị chính chúng ta, lại thiếu lửa truyền giáo,
chúng ta phải hãy tìm hiểu tại sao các cố Tây ngày xưa lấy đâu ra nhiều lửa như
vậy? Những dữ kiện đó có thể sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về tình trạng thiếu lửa
nơi chúng ta.
Qua những sử liệu cùng với những lời kể của tiền
nhân, chúng ta không khỏi kinh ngạc về một tầng lớp giáo sĩ hăng say xông pha “trận
mạc” đến quên cả chính mình vì lý tưởng. Có những lúc người ta thấy cái chết
trước mắt nhưng họ vẫn một mực không chịu lùi bước, rồi có khi dường như lý tưởng
quá xa xăm, truyền giáo hằng ba bốn năm mà chẳng thấy một mún nào theo đạo,
nhưng họ chưa một lần nghĩ đến việc bỏ cuộc. Phải nói rằng có một năng lực nào
đó, một động cơ đặc biệt nào đó thúc đẩy họ kiên gan đến vậy.
Trước hết có lẽ đó là ước muốn đồng loại của mình được
cứu rỗi, nghĩa là được rửa tội như thánh Phanxicô Xavie nói khi viết thư bảo
các giáo sư ở các đại học Công giáo Phương Tây hãy ngưng giảng thuyết những điều
vô ích, để đến Trung Hoa hầu cứu được một số linh hồn khỏi lửa hỏa ngục. Có lẽ
đó là động lực mạnh mẽ nhất khiến họ vượt phong ba bão táp để đến những vùng xa
xôi hẻo lánh này. Bên cạnh đó, mỗi lúc người ta đã từ bỏ một thế giới an bình
thịnh vượng để đi đến một nơi thiếu thốn mọi thứ thì người ta không còn tìm kiếm
một điều gì hơn ngoài lý tưởng của mình.
Xét nguyên hai điều đó cũng đã thấy chúng ta thiếu cả
hai. Quan niệm đạo nào cũng tốt, cũng dạy điều thiện, cũng dẫn tới sự cứu rỗi
đã ăn sâu vào con người thời nay cùng với chủ thuyết tương đối và chủ nghĩa hòa
đồng tôn giáo. Cách nào đó chúng ta không thấy sự cấp thiết phải truyền giáo nữa.
Kế đến, phần đông những người “đi tu” nơi đất nước này đều xuất thân từ những
gia đình không mấy khá giả, hoặc ít ra họ đã ra khỏi nhà trước khi gia đình khá
lên đôi chút. Trong khi đó, bước vào nhà tu hay chủng viện, chúng ta nhận sự được
‘nâng niu’ khá tận tình từ nhiều phía, từ giáo hội, gia đình đến những người
hâm mộ. Nhờ đó, hầu hết chúng ta được lên đời và nảy sinh xu hướng “ngồi mát ăn
bát vàng” hầu bù lại quảng đời bị ‘thất đoạt’ trong một gia đình thiếu thốn. Với
‘tư thế’ đó chúng ta phải cố gắng đầu tư sức lực, sáng kiến để có thể ‘tranh thủ’
được ‘lòng mộ mến’ và sự ‘nâng niu’ của mọi người. Vì lẽ đó, xông pha truyền
giáo vào những nơi người ta coi ông cha là kẻ chuyên đi mê hoặc người khác, lắm
lúc người ta còn cho ăn vài cái bỉu môi hay mấy cục đất nung, là một việc hết sức
xa xỉ!
Di nhiên còn nhiều nguyên nhân và lý do làm ‘mất lửa’
truyền giáo nơi các tu sĩ, giáo sĩ Việt Nam, nhưng thiết nghĩ hai lý do có vẽ
đơn sơ trên cũng đã giải thích được phần nào tình trạng đáng buồn đó. Tìm được
nguyên nhân thì đã thực hiện được 50% tiến trình ‘chữa bệnh’, 50% còn lại xin nại
đến sự quảng đại đóng góp của người đọc.
Sg 28.02.2013
No comments:
Post a Comment