Saturday, 23 February 2013

Đọc Lời Chúa trong lịch sử



Đối với người Do Thái, đọc và nghiền ngẫm Lề Luật là phận vụ cao đẹp nhất vì qua đó họ đi vào mối liên hệ thân tình với Thiên Chúa: “Chớ gì sách Luật này đừng rời khỏi miệng ngươi; và ngươi sẽ suy gẫm sách Luật đó ngày đêm, để lo thi hành tất cả những gì viết trong đó; vì như thế ngươi sẽ được thịnh đạt trên đường đời, vì như thế ngươi sẽ thành công” (Gs 1,8). Việc suy gẫm Lời Chúa của người Do Thái gồm 3 yếu tố: Đọc thành lời; Ghi nhớ (thuộc lòng Thánh Vịnh chẳng hạn) và nghiền ngẫm (suy đi nghĩ lại). Ngoài ra việc đọc Lời Chúa trong văn hóa Do Thái còn mang chiều kích xã hội: đọc Lời Chúa nơi hội đường hay trong gia đình. “Một khi chăm chú đọc Lời Chúa, chúng ta sẽ nghe tiếng Bạn Chí Thánh gõ cửa. Cửa giống như tấm màn, mỗi lúc một trở nên trong suốt (Kn 6,12-15; Kh 3,20; Dc 5,2).”[1]

Trong thời Giáo Hội tiên khởi, các tín hữu tiếp tục truyền thống đã nhận lãnh từ trường dạy Do Thái. Tân Ước cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu, Đức Mẹ, các thánh Tông Đồ thực hành truyền thống này.
Nhiều giáo phụ ý thức rõ tầm quan trọng của Thánh Kinh và đã đề cập đến những hình thức đầu tiên của lectio divina. Thánh Cyprianô dành một chỗ đứng quan trọng cho việc đọc Lời Chúa: “Sit in manibus divina lectio,” nghĩa là “Anh em hãy luôn có sách Kinh Thánh trong tay”. Thánh Ambrôsiô viết: “ut divinae lectionis exemplo utamur,”[2] Để chúng ta dùng theo mẫu Kinh Thánh. Thánh Augustinô cho rằng: “aliter invenerit in lectione divina,”[3] tức là tìm thấy một cách khác trong Kinh Thánh. Vào thời các thánh Giáo Phụ, việc đọc Lời Chúa diễn ra trong bầu khí vô cùng trang trọng.
Kế đến, “Các thánh tu rừng không có kinh nguyện nào khác ngoài thực hành Lectio divina!”[4] Đan sĩ và là giám mục Philoxène de Mabbourg, người sống đồng thời với thánh Biển Đức, trình bày cho chúng ta quy luật “métanie” trước Phúc Âm: đặt tầm quan trọng nơi thị giác, với sự đóng góp của toàn thân thể. Các năng lực cảm nghiệm và trí thức đều được dùng trong lãnh vực thiêng liêng để được Thiên Chúa chiếm giữ:
- Khi “đọc” (lectio), mắt nhìn bản văn và tai nghe Lời Chúa
- Khi “suy gẫm” (meditatio), trí thông minh được tận dụng
- Khi “cầu nguyện” (oratio), tinh thần bày tỏ cùng Thiên Chúa
- Khi “chiêm ngắm” (contemplatio), Thiên Chúa bày tỏ cùng linh hồn.
Theo đó, việc đọc Lời Chúa thống nhất toàn hữu thể con người, bởi vì toàn hữu thể con người đều góp phần vào việc đọc Lời Chúa.
Bất chấp những khó khăn hay rối rắm trong Giáo hội thời Trung Cổ, việc đọc Kinh Thánh vẫn phát triển cách mạnh mẽ. Xin đơn cử vài khuôn mặt tiêu biểu:[5]
Thánh Bênađô (1090 – 1153) trú ngụ nơi Kinh Thánh: ngài cử động trong Kinh Thánh, sống trong Kinh Thánh, sống vì Kinh Thánh và muốn cho người khác cũng sống Kinh Thánh. Thánh nhân là người của Kinh Thánh cách tuyệt hảo.
Thánh nữ Gertrude (1256 - 1302) được chính Chúa Giêsu dạy cách thức đọc Lời Chúa theo các bước:
Bước 1. Đọc: “Đọc trình thuật cuộc Khổ Nạn”
Bước 2. Suy Xét: “Khảo sát với trọn lòng yêu mến”. Điều Chúa dạy Thánh nữ phải tìm kiếm trong Lời Ngài, chính là Tình yêu.
Bước 3. Viết: “Hãy viết Lời Ta”. Điều gì được viết ra thì được ghi vào trí nhớ và vào con tim. Khi việc đọc Lời Chúa trở nên khô khan thì cách đơn giản nhất là nên chép lại bản văn.
Bước 4. Giữ lại: “Hãy giữ lại Lời Ta”. Lc 2,19: “Phần Maria, Bà ghi nhớ tất cả những biến cố đó và suy gẫm chúng trong lòng”.
Bước 5. Lặp lại: “Hãy thường xuyên lặp lại trong con những lời Ta nói”.
Marie de l'Incarnation (Cát Minh, 1599 - 1672) kết nối động tác ngây ngất của Ngôi Lời vào nội tâm Ba Ngôi Thiên Chúa: ra khỏi chính mình để gặp gỡ người khác. Kinh nguyện Kitô là một đà tiến đến người khác: đó là cuộc sống của Ngôi Lời trong vòng tay Chúa Thánh Linh. Marie sống hôn ước với Ngôi Lời qua việc sống Lời Chúa; qua bí tích Lời Chúa, bà đến với Ngôi Lời. Nơi Marie, việc hiểu biết Lời Chúa phát xuất từ ba nguồn gốc - ba nơi gặp gỡ với Ngôi Lời qua Lời Ngài: Phụng vụ thánh, Bài giảng và việc đọc riêng Lời Chúa.

Cùng với Jean Monbaer (+ 1501), vào thế kỷ thứ 16, người ta bắt đầu hệ thống hóa việc đọc Lời Chúa với các đặc điểm:
-      Certa (nhất định): thời giờ và nơi chốn nhất định.
-      Attenta (chú ý): vừa đọc vừa chú ý đến chiều sâu của bản văn.
-      Devota (sốt sắng): linh hồn nói chuyện tâm tình với Chúa: l'oratio (cầu nguyện).
-      Sonora (âm giọng): đọc thành lời. Chúng ta tiếp nhận Lời Chúa như sứ điệp chứ không phải như bản văn.
-      Modesta (khiêm tốn): đọc ít nhưng nghiền ngẫm thật kỹ những gì đã đọc.


[1] P. Daniel Rougemont, “Việc đọc Lời Chúa”, http://lectiodivina.khatvong.org/, truy cập 22/12/2011.
[2] Ambrôsiô, De bono mortis, cap 1, par.2.
[3] Augustinô, Enarr. in psalmos, ps 36, serm.3,par.1.
[5] X. P. Daniel Rougemont, “Việc đọc Lời Chúa”, http://lectiodivina.khatvong.org/, truy cập 22/12/2011.

No comments:

Post a Comment