Saturday, 29 June 2013

“Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”

Ông thầy nào chẳng muốn mình có nhiều học trò, vị sư phụ nào chẳng muốn có nhiều đệ tử tòng sư học đạo. Hầu hết người ta tìm cách tự giới thiệu quảng cáo mình cho thật hay, thật ấn tượng. Thế mà có một vị thầy đã ứng xử khác người, ngược đời. Giảng dạy được một thời gian ngắn, có lắm kẻ phản đối nhưng cũng có một số người muốn theo, một trong số họ đã can đảm nói lên suy nghĩ của mình: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”.
Theo lẽ thường thì thầy sẽ vui mừng vì một người trẻ tuổi dám xả thân vì mình như vậy. Tuy nhiên, thầy làm chúng ta ngạc nhiên và có lẽ đã làm người thanh niên kia cụt hứng. Thầy trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Người ta bảo nắm kẻ có tóc chứ ai nắm kẻ trọc đầu, theo một người mà chỗ tựa đầu cũng không có thì tương lai sẽ đi về đâu.
Đi thêm một quảng, ngài nói với một người khác hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, nghĩa là hãy bỏ lại cha mẹ và gia đình, và hãy đi rao giảng về Nước Thiên Chúa.
Hai lời đề nghị quá sức tưởng tượng, bỏ cha mẹ và những gì thân thiết nhất để đi theo một người chẳng có lấy một chốn nương thân, chẳng có một bảo đảm nào cho tương lai. Nghe có vẻ quá lý tưởng, quá xa rới thực tế và có lẽ chẳng có ai theo. Thế mà cả hai ngàn năm nay có hàng tỷ con người bước theo ông Thầy kỳ dị đó. Hiên nay có khoảng 350.000 nhà truyền giáo trên khắp thế giới, họ đã bỏ nhà cửa, quê hương cùng những tiện nghi vật chất để đến những vùng rừng thiêng nước độc hầu Nước Thiên Chúa được mở rộng.
Họ phải vượt qua nhiều thử thách để có thể thực hiện lý tưởng đó:
Thứ nhất là thức ăn. Người ta nói món khoái khẩu của mình có thể là thuốc độc của kẻ khác. Quả vậy, chúng ta rất thích nước mắm, có người ăn cơm mà không có nước mắm thì không chịu nỗi. Nhưng các cha nhà con đã từng ở với những người châu phi kể rằng. Mấy ông cha châu phi nói “Nếu trên thiên đàng mà có nước mắm tớ sẽ không lên đó.” Con cũng đã một lần đối diện với những thức ăn lạ, khó nuốt. Khi con đi mục vụ trên Kotum, con thấy một điều rất lạ là người ta thích ăn cá ươn hơn cá tươi. Bắt được cá, người ta bỏ vào bao vứt ngoài nắng chờ chừng nào bốc mùi mới đem vào nấu ăn.
Thứ hai là ngôn ngữ. Nói được một ngôn ngữ mới đã khó, nói cho đúng càng khó hơn. Có một kinh nghiệm về học ngôn ngữ mà con còn nhớ mãi. Khi lên mục vụ ở Kotum vào hè năm 2010 cũng đã có một kinh nghiệm đau thương về ngôn ngữ. Con học được một câu hỏi thăm sức khỏe bằng tiếng Banar. Vừa xuống xe, ngay tại sân nhà dòng người dân tộc, con xổ câu tiếng dân tộc vừa học được ra. Tất cả những người ở đó đều cười rộ lên, còn con thì đỏ mặt tía tai. Sau đó mới hiểu rằng thay vì hỏi Sr có khỏe không thì con đã hỏi củ mỳ có khỏe không. Từ có con có biệt danh là ông thầy củ mỳ.
Thứ ba là tiện nghi. Hầu hết những điểm truyền giáo của dòng chúng con đều nằm trong rừng sâu hoặc sa mạc. Một cha trong dòng con đi truyền giáo ở Phi Châu kể rằng ngài phải đi xuồng 4 tiếng và đi bộ 7 tiếng mới tới nơi làm lễ. Một cha khác kể: Nơi cha ở ngày thì nóng mà đêm thì lạnh, phải đến 4 giờ sáng mới tắm được vì ban ngày trời nóng nên nước cũng nóng. Có một số sinh viên muốn đi tình nguyện ở đó hai tháng hè nhưng chưa một ai có thể ở được đủ một tuần. Lý do là trời quá nóng.
Kính thưa ÔBACE, nêu ra một vài nhân chứng như thế để chúng ta thấy rằng trong một thế giới tôn thờ vật chất, đua nhau hưởng thụ, vẫn còn có những con người dám dấn thân theo Đức Kitô, dám chấp nhận gian khổ để mưu cầu hạnh phúc cho người khác.
Còn đối với chúng ta, Tin Mừng cũng đòi hỏi chúng ta phải có thái độ đúng đắn với của cải và phải chú tâm đi tìm Nước Trời. Lẽ dĩ nhiên Chúa không muốn ai sống thiếu thốn, khổ cực bao giờ nhưng Ngài muốn cho chúng ta thấy rằng của cải vật chất có giới hạn của nó. Không phải có tiền mua tiên cũng được. Từ kinh nghiệm cuộc sống chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng, câu nói cửa miệng “có tiền mua tiên cũng được” quá hàm hồ. Vì chưng: Có tiền có thể mua được nệm ấm nhưng không thể mua được giấc ngủ ngon. Có tiền có thể mua được địa vị nhưng không mua được sự nể trọng. Có tiền có thể mua được máu nhưng không mua được sức khỏe. Có tiền có thể mua được ngôi nhà và xây được tường trong lũy ngoài chứ không thể mua được sự bình an trong tâm hồn.
Chắc hẳn nhiều người trong quý ÔBACE ngôi đây đã xem một bộ phim rất nỗi tiếng có tựa đề “Nhà giàu cũng khóc”. Ngay tựa đề phim cũng cho chúng ta thấy một chân lý rằng của cải vật chất, nhà cao cửa rộng không ngăn được những giọt nước mắt lăn trên gò má của những người giàu có.
Gần đây con đọc được một tác phẩm nổi tiếng của Tào Đình, một nhà văn Đài Loan. Trong tác phẩm đó, có một thanh niên rất thành đạt trong cuộc sống, là trưởng phòng một tổng công ty lớn. Tuy nhiên, một hôm anh ngồi lại và than thở: “Tôi cũng giống  như những thanh niên thành đạt khác ở thành thị, nghèo đến mức chỉ còn lại mỗi tiền bạc”. Vâng, khi đã tràn ngập của cải, anh ta nhận ra rằng tiền bạc không thể lấp đầy chỗ trống trong tâm hồn anh, chỗ trống đó chính là tình yêu thương, là lý tưởng sống.

Kính thưa ÔBACE, lý tưởng sống của người Kitô hữu là Nước Trời, con đường để đạt được lý tưởng đó là con đường yêu thương. Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng đừng quá lệ thuộc vật chất, tiền bạc, công việc mà quên lý tưởng đời mình, quên sống yêu thương. Amen.


No comments:

Post a Comment