Wednesday 12 July 2017

LẠI BÙA vs NGẢI

- Chào cha
- Chào bà
- Cha khoẻ không? 
- Khoẻ, bà khoẻ không?
- Khoẻ. Cha làm vườn à?
- Dạ, trồng cây gây rừng.
- Cha xong chưa?
- Bà nói sao?
- Cha trồng xong chưa, con muốn "chào" cha.

- Rồi! Bà vô nhà, con vô ngay đây.
......
Hôm nay chợ phiên, mọi người ăn mặc như đi lễ hội, bà cũng đang trong bộ đầm khá tươm tất. Nó khá hợp với dáng 'nông dân bất đắc dĩ của bà". Thực ra sinh ra ở vùng này thì dù là con vua cũng cũng chỉ sớm tối 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời'.
Nhìn khuôn mặt và vóc dáng bà, tôi đoán bà không là công chúa thì cũng có hơi hám nhà quan. Tuy nhiên, trong ánh mắt bà lộ rõ một sự lo lắng hay một nỗi sợ nào đó. 
Bà chào hỏi tôi lần nữa. Văn hoá ở đây quan trọng hoá quá mức nghi thức chào hỏi. Nếu một ngày gặp nhau 10 lần, họ chào nhau cả 10 lần và đều lặp lại những câu chào hỏi quen thuộc. Ngồi với nhau cả giờ đồng hồ, tám đủ chuyện, rồi nếu một trong hai người muốn "vô đề" mục đích buổi gặp măt, người đó phải chào và hỏi thăm sức khoẻ lần nữa trước khi mở lời.
- Chào cha
- Chào bà
- Cha khoẻ không? 
- Khoẻ, bà khoẻ không?
- Khoẻ.
- Nhìn bà có vẻ lo lắng.
- Con một thân một mình trồng được 3 sào millet. Lên được chừng này, rồi biến mất. Con gieo lại lần hai, lên được cả gang tay rồi lại tụt xuống. Trong khi không có con gì ăn cả. Hôm qua con ra xem thì người ta bỏ bùa chung quanh rẫy,
con không dám vô. Con lo quá giờ không biết làm sao.
Thấy tôi trầm tư, có lẽ bà nghĩ tôi đánh giá thấp đức tin của bà, bà nói tiếp:
- Nhưng dù sao con cũng tin Chúa. Một khi con đã theo Chúa, thì dù có gì xảy ra con cũng không bỏ Ngài. Nếu có gì con có thể bỏ cái rẫy đó, chứ không bỏ Chúa. Tuy nhiên, con bế tắc, không biết làm gì với cái rẫy đó. Họ đánh dấu + khắp nơi trong rẫy của con. Hay cha đến rẫy cầu nguyện trừ bùa cho con.
Tình huống mục vụ như vầy rất phổ biến ở đây, nhưng chúng tôi phải tuỳ người và tuỳ hoàn cảnh mà xử lý. Do đó, vừa nghe bà mở chuyện, tôi đã thầm nguyện xin Chúa soi sáng cho tôi giúp bà tìm lối ra.
Với sự mê tín vốn có từ ngàn xưa của người dân ở làng bà, thì sự hiện diện của Công Giáo trong vài năm với mạng lưới giáo lý viên còn quá non nớt không thể xoá bỏ niềm tin của họ vào thần thánh, ma vương quỉ lực và bùa ngãi ngay được. 
Điều giúp họ yên lòng nhất là nói cho họ biết: "dù thần lực của ma quỉ vẫn hoành hành, nhưng sức mạnh của Thiên Chúa vượt trên tất cả. Mỗi khi bà đã có đức tin, Chúa ở cùng bà thì bà không còn phải lo sợ nữa."
Nghe tôi nói, bà có vẻ vẫn còn lưỡng lự, nỗi lo sợ vẫn còn đó, bà nghẹn ngào: "Cha ra rẫy cầu nguyện cho con được không?"
Tôi biết là không thể vì tôi không muốn tạo tiền lệ để rồi không thể nào tiếp tục, vì địa bàn xứ tôi bằng một tỉnh nhỏ của Việt Nam và tình huống như vậy khá phổ biến. Ngoài ra, đó cũng không phải cách hay để đào tạo đức tin.
Lúc này hình ảnh Đức Giê-su chữa bệnh cho một người đầy tớ của viên đại đội trưởng từ xa hiện lên trong tôi. Tôi kể:
- Một hôm, trên đường đi Ca-pha-na-um, một viên đại đổi trưởng chạy đến gặp Đức Giê-su và xin Ngài chữa bệnh cho người đầy tớ của ông. Đức Giê-su nói Ngài sẽ đích thân đến cứu chữa nó. Nhưng  viên đại đội trưởng khiêm tốn nói, "Tôi không xứng đáng để Ngài ngự vào nhà, nhưng xin Ngài phán một lời và tên đầy tớ của tôi sẽ khỏi bệnh". Đức Giê-su đã khen ngợi đức tin của ông, bảo ông về và nói người đầy tớ của ông đã khoẻ lại. Ông về nhà và người đầy tớ của ông đã khoẻ hẳn.
Vậy, giờ con sẽ cầu nguyện cho bà, rảy nước phép lên đầu, lên chân của bà, rồi bà hãy về. Mai ra rẫy làm cỏ bình thường. Không còn gì phải sợ. Chúa bảo vệ bà.
Bà tỏ vẻ yên tâm hơn nhưng chưa chịu về. Ngay lúc đó, cậu giáo lý viên nhí, đang học lớp 4, gọi điện cho tôi báo có một bà bị người ta bỏ bùa trong rẫy, muốn gặp cha. Tôi nói tôi đã gặp, cầu nguyện và rảy nước phép trên bà. Em bảo tôi đưa cho bà chai nước phép về rảy lên rẫy mới được.
Tôi vâng lời giáo lý viên nhí của tôi đưa cho bà chai nước phép, bà vui mừng chào hỏi ra về. Ngang qua cái kho, bà quay lại nói: 'cho con xin mấy bao xin măng về 'chói' nhà...

1 comment:

  1. Thưa cha Petloan,

    Con là BTV web vanthoconggiao.net Xin cha cho phép con liên lạc với cha ạ.

    (email vanthoconggiao@gmail.com)

    Con cảm ơn cha.

    ReplyDelete