Friday 7 April 2023

CHỌN LỰA

 Cuộc sống của mỗi người được thêu dệt nên bởi những chọn lựa lớn nhỏ. Từ việc ăn gì mặc gì đến việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai, mỗi người đều cần có những lựa chọn cho mình. Từ việc “chọn bạn mà chơi” cho đến việc “tìm một con đường tìm một lối đi” thì “ngày qua ngày” mỗi người phải có những quyết định riêng. Từ việc chọn một tôn giáo đến việc chọn mức độ dấn thân cho tôn giáo đó đều đòi buộc những quyết định cá nhân. Và những lựa chọn trong cuộc sống quyết định vận mệnh của cá nhân và cả tập thể liên quan. Có lẽ cũng vì thế mà người xưa dạy “Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt, gây dựng cơ đồ


làm nên cơ nghiệp lớn”. Những người biết nhận định rõ thời thế và nhận ra sứ mệnh của bản thân đồng thời lựa chọn hành động đúng với đạo Trời mới được gọi là anh hùng hào kiệt. Như vậy, chọn lựa đóng vai trò quyết định trong đời sống của mỗi con người cũng như xã hội.

1. Đức Giê-su tự nguyện chết cho nhân loại tội lỗi
Lễ Lá khởi đầu Tuần Thánh suy niệm về một lựa chọn làm rúng động cả nhân thế và là hồi chuông cảnh tĩnh giúp con người nhìn lại những chọn lựa của mình, đó là cuộc khổ nạn của Đức Giê-su. Con Thiên Chúa lựa chọn chết cho con người tội lỗi (x. Rm 5,8). Ngài đã chọn lựa chết cho mọi người bất chấp việc họ vong ân bội nghĩa và ngay cả phản bội Ngài. Lựa chọn của Ngài dường như làm đảo lộn mọi quy chuẩn trong xã hội.
Giữa một xã hội “Mạnh được yếu thua, lấy vũ lực làm thước đo công lý”, Ngài chọn “xỏ gươm vào bao, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ phải chết vì gươm”. Trong khi Phê-rô sợ hãi rồi chối bỏ Chúa, Giu-đa tham lam nên phản bội Ngài, các môn đệ đan tâm bỏ trốn, Ngài vẫn chọn sống lý tưởng “Không tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.” Giữa một đám đông bị “Cuốn theo chiều gió” để trở mặt với Ngài một cách nhanh chóng, Ngài vẫn một mực chọn “Vâng theo ý Cha,” mắt đau đáu hướng về đồi Gôn-gô-tha. Trong khi Phi-la-tô ích kỷ chỉ lo cho bản thân, nhát sợ phủi tay trước bản án bất công, Ngài ngoái cổ nhìn số phận đáng thương của Giê-ru-sa-lam và an ủi họ. Trong một xã hội “Mắt đền mắt, răng đền răng - Ăn miếng trả miếng” Ngài chọn “Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ làm hại mình” để xin Chúa Cha tha cho những kẻ hành hình Ngài. Tóm lại, mặc dù thế nhân tội lỗi thù ghét và loại trừ Ngài, Ngài vẫn chọn yêu họ và thí mạng vì họ. Trong khi thế giới đang chìm đắm trong ghen ghét và bạo lực thì Ngài đã nhóm lên ngọn lửa yêu thương những mong hóa giải hận thù. Thần học gia Karl Rahner giải thích về mầu nhiệm thập giá rằng sự căm ghét độc ác trong tội lỗi đã thực sự bùng cháy tiêu tan khi được tiếp xúc với tình yêu Thiên Chúa. Với tình yêu tự hiến trên thập giá, Chúa Ki-tô biến các tội nhân thành những thánh nhân. Chúng ta hãy để thân phận tội lỗi của chúng ta được tình yêu Thiên Chúa chạm vào và chữa lành trên con đường nên thánh.
2. Chúa Giê-su ý thức hoàn toàn khi lựa chọn chết cho chúng ta.
Chúa Ki-tô thấu tỏ sự bội bạc và ngay cả ác ôn của con người, nhưng Ngài vẫn quyết định thi thố tình yêu của Ngài cách trọn vẹn nhất khi hiến dâng chính mình để làm giá chuộc muôn người. Lựa chọn đi vào cuộc khổ nạn là một lựa chọn với toàn bộ ý thức hầu hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa để sinh ơn cứu độ cho nhân loại tội lỗi. Henry Newman xác quyết rằng Chúa Ki-tô “quyết tâm chịu đựng nỗi đau của cuộc khổ nạn của Ngài thay cho người khác... Ngài đã quyết tâm... với sức mạnh của mình; Ngài đã không làm điều đó nửa vời.” Ngài đã hiến dâng chính mình một cách trọn vẹn vì Ngài yêu thương nhân loại một cách trọn hảo. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng viết: “Đức Giêsu đón nhận cái chết tự nội tâm Người và biến nó thành một cử chỉ yêu thương. Xem bề ngoài đó là chuyện tàn bạo dữ dội – việc đóng đinh vào thập giá – nhưng bên trong là hành vi yêu thương tận hiến toàn vẹn.” (Youcat 210).
Đành rằng Chúa Giê-su chịu khổ hình vì yêu thương nhận loại lầm than, nhưng “Trong khi đang chết mòn trên thập giá, tôi có chỗ trong lòng Ngài không?” (Karl Rahner). Hay nói khác đi, tình yêu của Ngài trong cuộc khổ nạn xa xưa ấy có vượt qua không gian và thời gian để đến với tôi ở đây và bây giờ trong cuộc đời ngắn ngủi này không? Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy “Trước kia, hiện nay cũng như sau này, không có một ai mà Đức Kitô không chịu khổ nạn cho” (số 605). Còn thánh Phao-lô tuy chưa từng gặp Chúa Giê-su khi Ngài còn sống cuộc đời nhân thế nhưng đã khẳng định “Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi.” (1Tm 1,15). Ngài cũng nói thay cho chúng ta rằng: “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.” (Rm 5,8). Như vậy, mỗi người trong chúng ta phải xác tín chắc chắn một điều rằng: “Chúa Ki-tô yêu tôi và hiến mình vì tôi!” Tình yêu tự hiến của Ngài không phải là một thực tại xa xa hay là những gì đã qua, Ngài yêu tôi ở đây và lúc này.
3. Chọn chết đi cái tạm thời để sống đời đời
Suy niệm về chọn lựa tự hiến của Chúa Ki-tô, chúng ta được mời gọi mở lòng ra cho tình yêu Ngài nung nấu hầu đến lượt mình cũng chọn lựa hiến dâng chính mình cho Ngài. Suy ngắm những chọn lựa của Chúa Ki-tô trong cuộc thương khó, chúng ta cũng ý thức những chọn lựa trong đời sống của chúng ta. Tất cả những chọn lựa của Chúa Giê-su đều hướng đến một sứ vụ duy nhất là mặc khải tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Do đó, những lựa chọn trong cuộc sống của chúng ta cũng cần phải qui hướng về việc làm sáng tỏ tình yêu vô biên của Thiên Chúa, vì “Sứ vụ của Ngài là sứ vụ của chúng ta.”
Khi lựa chọn cây thập giá để làm phương tiện diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta từ bỏ mọi sự và ngay cả chính bản thân, chọn vác thập giá mình mà theo Ngài. (x. Mt 16,24). Như vậy, lựa chọn cũng chính là từ bỏ, hay từ bỏ để lựa chọn. Từ bỏ chính mình để lựa chọn Thiên Chúa. Từ bỏ xác thịt để lựa chọn Thần Khí. Từ bỏ làm tôi tiền của để lựa chọn làm môn đệ Chúa Ki-tô. Từ chối sống cho chính mình để lựa chọn sống cho Thiên Chúa. Từ bỏ tội lỗi để sống trong ân sủng. Như vậy, từ bỏ không chỉ để mất mát, thua thiệt, nhưng để đạt được một cái gì cao cả hơn. Từ bỏ không phải là chọn sống yếu nhược, đóng vai kẻ thua cuộc nhưng là chọn theo đuổi một khát vọng sống dồi dào và một khát khao chiến thắng toàn diện, bằng con đường tình yêu tự hiến. Linh mục Canisius Niyonsaba trong khảo luận về sự từ bỏ đã viết: “Từ bỏ tất cả mọi sự là biểu tượng của cái chết để được sự sống. (…) Từ bỏ tất cả mọi sự là mong muốn của những người muốn sự hiện hữu của họ được đầy tràn, của những người tìm kiếm cuộc sống viên mãn.” Hay như thánh Phao-lô khẳng định: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6,8). Chúng ta chết đối với tội lỗi để sống cho Thiên Chúa. Như vậy, theo Chúa Ki-tô là chọn chết đi cái tạm thời để sống vì sự đời đời.
Kết
Ngược lại sự kỳ vọng của các môn đệ và sự mong chờ của Ít-ra-en, Đức Ki-tô đã chọn con đường khổ nạn để cứu nhân độ thế. Như vậy, bước theo Đức Giê-su, chúng ta không chỉ cùng chung chia với Ngài niềm vui bước vào thành thánh giữa tiếng hoan hô của đoàn người đông đảo, nhưng còn chia sẻ nỗi cô đơn tủi nhục cùng những cực hình trên con đường hướng đến đỉnh đồi Gôn-gô-tha. Hay nói khác đi, sống đạo không chỉ trung thành với Chúa trong những ngày an bình vui vẻ, nhưng còn những lúc bị hiểu lầm, bị bỏ rơi, khước từ, bị đối xử bất công. Để lựa chọn trong hoàn cảnh an yên có lẽ không khó, nhưng để quyết định trong lúc sóng gió thì cần một sự dấn thân quyết liệt. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta cách quyết liệt trên cây khổ giá để cứu chuộc chúng ta, chúng ta cũng phải dấn thân trọn vẹn cho Ngài trong mọi cảnh huống của cuộc đời để được ơn cứu độ và để danh Chúa được rạng rỡ vinh quang.
Pet. Hoàng Văn Loan, SVD
(Trích từ “Lời Sống 2023” do Học Viện Ngôi Lời biên tập)

No comments:

Post a Comment