Thánh nữ Faustina, người đã được Chúa mặc khải về Lòng Chúa Xót Thương vào đầu thế kỷ 20 vừa rồi, cho chúng ta một câu trả lời thật đơn sơ. Ngài đã được chính Chúa hiện ra và mặc khải ba việc làm để có thể cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa: thỉnh cầu Lòng Chúa Xót Thương – thực hành Lòng Chúa Xót Thương – tín thác vào Lòng Chúa Xót Thương.
Là người Kitô hữu, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã nghe và ngay cả
thuộc nằm lòng hết những chi tiết về cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu
Kitô. Việc Đức Giêsu chịu chết và sống lại là nền tảng nói lên ý nghĩa niềm tin
của chúng ta. Quả vậy, như thánh Phaolô đã nói: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao
giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… nếu
Đức Ki-tô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em
vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr 15,14.17).
Chúng ta tin vào sự Phục Sinh không chỉ vì một vài bằng chứng như ngôi
mộ trống, lời kể của mấy người phụ nữ hay chứng từ của các Tông Đồ, mà hơn thế
nữa, vì những chứng nhân đã dám liều mất mạng sống mình để nói với thế giới một
sự thật rất to, rất quan trọng rằng: Đức Giêsu Kitô, Vua các vua, Chúa các chúa
và Chúa của mỗi một người chúng ta đã sống lại! Blaise Pascal, một thiên tài
toán học, đã nói rằng ông tin chắc chắn vào các Tông Đồ vì họ dám đánh đổi mạng
sống của mình cho sự thật họ rao giảng. Quả vậy, không ai đi chết cho một điều
mà mình biết rằng nó không thật. Không ai thí mạng sống vì một người mà chính
họ biết đó là tên bịt bợm.
Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hỏi “sự thật đó quan trọng đến đâu, liên
hệ như thế nào đến cuộc đời của các Tông Đồ mà họ dám sẵn sàng hy sinh tất cả
để bảo vệ như vậy?; Họ chỉ cần nói khác đi, hoặc thực hiện chính sách “im lặng
là vàng” là xong ngay. Làm vậy ‘có chết thằng tây nào đâu’! Đằng này, họ đã cao
rao rằng Đức Giêsu đã phục sinh để rồi bị bỏ tù. Rồi vừa mới tọt ra khỏi cửa
nhà giam, họ lại tiếp tục bô bô cái miệng: Đức Giêsu đã sống lại, Đức Giêsu đã
sống lại! Đứng trước thế lực quan quyền, những người có thể thủ tiêu họ dễ như
trở bàn tay mà họ cứ ‘ung dung như vại’, thẳng thừng thách thức: “các ông nghĩ coi vâng lời Thiên Chúa và
vâng lời người phàm, đằng nào phải, đằng nào quấy?” Với thái độ khẳng khái
và cứng rắn bảo vệ chân lý như thế, các Tông Đồ đã lần lượt bị các chức sắc tôn
giáo và chính quyền bỏ tù và giết chết.
Chúng ta trở lại câu hỏi căn bản ở trên: sự thật Đức Giêsu phục sinh
quan trọng thế nào đối với cuộc đời của các Tông Đồ mà các ngài sẵn sàng chịu
bao khổ hình và cuối cùng bị mất mạng như thế?
Ít nhất có hai lý do chính sau: thứ nhất, các Tông Đồ đã cảm nghiệm
được tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho họ và cho nhân loại
thông qua Đức Giêsu Kitô: “Thiên Chúa yêu
thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, để những ai tin vào Con Của Người
thì không phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Thứ hai, họ muốn
thi hành sứ mạng của Đức Giêsu phục sinh: “như
Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em đi”. Hai lý do này liên hệ chặt chẻ
với nhau. Cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, lòng họ dạt dào
niềm vui sướng, hạnh phúc đã vỡ òa trong tâm hồn họ, họ không thể im lặng được
nữa. Niềm vui Phục Sinh tuôn trào trong tâm hồn các ngài và các ngài cảm thấy
cần phải rao truyền niềm vui đó cho mọi người, để muôn người cũng nếm cảm được
niềm vui Phục Sinh, cảm nghiệm được tình yêu thật lớn lao mà Thiên Chúa đã dành
cho mỗi người.
Tuy nhiên, để nếm cảm được tình Chúa, để cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương,
mỗi chúng ta phải làm gì? Thánh nữ Faustina, người đã được Chúa mặc khải về
Lòng Chúa Xót Thương vào đầu thế kỷ 20 vừa rồi, cho chúng ta một câu trả lời
thật đơn sơ. Ngài đã được chính Chúa hiện ra và mặc khải ba việc làm để có thể
cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa: thỉnh cầu Lòng Chúa Xót Thương
– thực hành Lòng Chúa Xót Thương – tín thác vào Lòng Chúa Xót Thương.
Thỉnh cầu lòng Chúa xót thương nói lên niềm khao khát tình thương
của Chúa. Thánh Augustinô đã nói, chúng ta sẽ gặp được Chúa, cảm nhận được tình
thương của Người trong chính niềm khao khát đó. Lời kinh trong chuỗi Lòng Chúa
Thương Xót “Xin Chúa thương xót chúng con
và toàn thế giới” là phương thế tốt để cầu xin sự thương xót của Thiên
Chúa.
Cầu nguyện thôi chưa đủ, chúng ta phải thực hành lòng thương xót
Chúa qua những công việc nhiều lúc rất bình thường nhỏ bé hàng ngày như chào
hỏi nhau, giúp người quét rác, thăm người láng giềng, chia sẻ với người nghèo.
Vì chưng như thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục 2006 viết: “Chính khi dấn thân phục vụ
anh em, chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa một cách dễ dàng hơn. Hay như trong
thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, đức Bênêđictô đã nói: “Chỉ có việc phục vụ tha
nhân mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Ngài đã yêu tôi như thế
nào” (số 18).
Việc thứ ba là Tín thác vào
Lòng Chúa xót thương. Cuộc sống này có lúc lành ít dữ nhiều, chúng ta dễ dàng
chán nãn và buông xuôi nếu không biết tín thác vào Chúa. Chúng ta tin tưởng
rằng Thiên Chúa sẽ hành động theo cách của Ngài và trong mọi hoàn cảnh Ngài sẽ
dẫn lối đưa đường chúng ta để chúng ta không rơi vào khổ đau và thất vọng. Làm
được như thế, chúng ta sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa như thánh nữ
Faustina đã từng cảm nghiệm: “Lạy Chúa Giêsu, khi con được đắm
chìm vào Ngài, nếu so sánh với Ngài, mọi sự chỉ là không.
Đau khổ, chống đối, nhục nhã, thất bại, và hoài nghi trên đường con đi, tất cả
chỉ như viên đá lửa làm làm bùng lên ngọn lửa tình yêu con
dành cho Ngài mà thôi (Nhật ký số 57).
Cảm nghiệm được rằng Chúa xót thương mỗi một chúng ta, cuộc sống
của mỗi chúng ta sẽ biến đổi, sẽ được phục sinh như các Tông Đồ xưa. Mọi nỗi sợ
hãi trong cuộc sống sẽ tan biến, thay vào đó là niềm vui Phục Sinh, là can đảm
ra đi rao truyền Lời Chúa cho những người chung quanh.
petloan@
No comments:
Post a Comment