Một
trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Mỹ, Úc và một số nước phát triển khác, là
cuốn “Chúa ơi, Anna đây”. Cuốn sách đó kể lại câu chuyện một cô bé tên là Anna.
“Một hôm cô bé nói với bạn: “Mình không
đi học giáo lý nữa đâu! Ở đó, thầy cô cứ nhốt TC vào trong những cái hộp nhỏ
xíu à! TC thì không bé như thế đâu.””
Vâng, nhiều khi chúng ta cũng đã từng nhốt TC vào
trong những suy nghĩ hẹp hòi nhỏ bé của chúng ta. Cũng như Abraham, chúng ta
nghĩ rằng chúng ta nhân từ hơn TC. Trong bài đọc I, có lẽ Abraham nghĩ rằng TC
sẽ hành động một cách nóng vội, thiếu khoan dung, nên ông đã mở lời kêu xin
Ngài tha thứ cho thành Sođôma. Ông đã kèo nài với TC từ 50 người xuống 40, 30,
20 rồi đến 10 người. Mới nghe chúng ta tưởng rằng TC sẽ từ chối, nhưng không,
không một chút do dự, TC đã chấp nhận tất cả những lời thỉnh cầu của Abraham. Chúng
ta thấy TC đã quá nhân từ với thành Sôđôma, nhưng, chúng ta cũng có thể đặt vấn
đề: tại sao Abraham không tiếp tục kèo nài thêm? Câu trả lời là: có lẽ lòng
nhân từ của con người thì có hạn! Có lẽ Abraham nghĩ rằng TC nhân từ đến thế là
hết mức rồi. Thế nhưng, tình thương của TC thì vô biên, lòng nhân từ của Ngài
thì vô giới hạn. Bài đọc II trích thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôxê cho
chúng ta thấy rõ điều đó: “TC đã ban ơn
tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng
ta, vì làm cho chúng ta bị kết án. Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh
nó vào thập giá”.
Như vậy, qua bài đọc I và bài đọc II, chúng ta có thể
rút ra hai điều: Thứ nhất, lòng nhân từ
của TC thì vô biên, Ngài sẵn sàng tha thứ cho tất cả những lỗi lầm thiếu
sót của chúng ta. Do đó, chúng ta đừng bao giờ thất vọng hay buông xuôi vì bản
thân hay gia đình mình chưa tốt, còn quá nhiều yếu đuối, tội lỗi. Thứ hai, chúng ta ý thức về sứ mạng làm một người
công chính để cứu những người khác trong gia đình, trong lối xóm, trong
thành phố này. Chỉ cần 10 người công chính đã có thể cứu một thành phố lớn như
Sôđôma thì với bao nhiêu quý ÔBACE ngồi đây có thể cứu được cả một đất nước,
với điều kiện, mỗi người chúng ta cố gắng trở thành người công chính. Quý ÔBACE
cứ tưởng tượng chỉ cần một cột thu lôi nhỏ xíu bằng dây thép trên nóc nhà, có
thể cứu cả tòa nhà lớn, như nhà thờ hay nhà giáo lý của chúng ta đây, khỏi sét
đánh. Cũng vậy, mỗi người chúng ta cũng đều có thể trở thành cột thu lôi cứu
cho cả gia đình khỏi cơn thịnh nộ của TC bằng cách trở thành người Kitô hữu tốt,
trở thành một người công chính.
Tuy nhiên, đến đây chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào
để trở thành một người công chính? Thưa khái niệm người công chính trong Kinh
Thánh được hiểu như là người biết nghe lời Chúa. Và để có thể nghe lời TC thì
phải cầu nguyện. Thế nhưng, lâu nay chúng ta vẫn cầu nguyện luôn mà đâu mấy khi
nghe được tiếng Chúa! Hôm nay Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta cách cầu nguyện để
có thể gặp Chúa và nghe được tiếng Chúa.
Ngài dạy chúng ta khi cầu nguyện phải thân thưa với
Chúa một cách thân tình: “Cha ơi! Ba ơi!” Từ Abba – Ba ơi ở đây là một tiếng
gọi thân thương, ngọt ngào của một người con đối với cha mình. Như vậy, cầu
nguyện là như một cuộc trò chuyện tâm tình giữa hai cha con. Trong cuộc trò
chuyện đó, người con bày tỏ tất cả nỗi lòng của mình với cha. Trước hết, là
nguyện cho những gì cha ưu tư được thành toại. Kế đến, người tâm tư với cha về
hiện tại, quá khứ và tương lai của mình. Cha
ơi! Cuộc sống hiện tại lắm bấp bênh, lúc đói lúc no, xin cha cho con lương thực
hằng ngày. Quảng đời quá khứ thơ dại bao lỗi lầm, đã nhiều lần con làm phiền
lòng cha, xin cha tha thứ. Tương lai phía trước lắm cạm bẫy, lành ít dữ nhiều,
xin cha canh chừng, hướng dẫn, đừng để con sa chước cám dỗ, rơi vào vũng lầy
tội lỗi mà hư mất, cha ơi! Trước những lời tâm tình như thế người cha nào
lại không động lòng. Thật vậy, nếu chúng ta cầu nguyện đúng cách, nghĩa là xem
TC như là một người Cha thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của chúng ta và thân thưa
với Ngài một cách thân tình như thế thì chúng ta sẽ gặp được Ngài, sẽ nghe
tiếng Ngài đáp trả, và Ngài sẽ làm cho chúng ta toại nguyện.
Tuy nhiên, lắm lúc chúng ta cầu nguyện cho xong chuyện,
đọc cho đủ giờ, tụng cho hết kinh. Miệng đọc mà lòng không suy. Thân tại mà tâm
bất tại. Lời cầu nguyện thì có mà tâm tình chẳng thấy đâu. Câu chuyện sau cho
chúng ta thấy rõ điều đó:
Có
một ông vua vào rừng săn bắn. Chiều xuống, khi tới giờ cầu nguyện, ông trải tấm
thảm trên mặt đất, rồi hướng về phía tây và phủ phục cầu nguyện.
Giữa
lúc ông đang chìm đắm trong sự cầu nguyện, thì có một người đàn bà hối hả chạy
vào rừng. Số là chồng bà đã ra đi từ sáng sớm mà đến giờ này vẫn chưa thấy trở
về. Bà ta sợ có điều chi không lành xảy đến cho chồng nên vội chạy vào rừng để
tìm kiếm. Trong cơn hốt hoảng, bà ta không nhìn thấy có người đang phủ phục cầu
nguyện. Bà bước qua người ấy mà không hề hối hận để nói lên lời xin lỗi.
Nhà
vua cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, nhưng ông cũng gắng gượng để tiếp tục cầu
nguyện. Khi ông cầu nguyện xong thì người đàn bà cũng trở lại chỗ cũ, cười nói
vui vẻ bên cạnh ông chồng. Bà cuống quýt khi nhận ra rằng người mà bà đã bước
qua trong cơn hốt hoảng chính là nhà vua. Nhà vua cho gọi người đàn bà đến và
ra lệnh trị tội vì đã tỏ ra bất kính đối với ông.
Thế
nhưng, không một chút sợ hãi, bà đã nói như sau:
-
Tâu bệ hạ, thần bị cuốn hút trong sự suy nghĩ về người chồng đến độ đã không
nhìn thấy bệ hạ, nên đã bước qua. Hạ thần nghĩ rằng, bệ hạ đang cầu nguyện, thì
tâm trí của bệ hạ cũng phải cuốn hút trong sự suy nghĩ về Thượng đế, lẽ nào bệ
hạ còn lòng trí biết đến hạ thần và những cử chỉ nhỏ nhoi của hạ thần.
Nhà vua lấy làm xấu hổ vì sự
việc xảy ra. Ông nhìn nhận rằng: Tuy không phải là một bậc thầy trong đạo,
nhưng người đàn bà này đã dạy cho ông về sự chuyên tâm trong việc cầu nguyện.
No comments:
Post a Comment