Saturday 13 July 2013

ĐƯỢC PHẦN TA XÓT XA MẶC NGƯỜI?


           Trong một thời gian dài, đường hướng giáo dục của Việt Nam chúng ta bị coi là quá nặng lý thuyết, xa rời thực tế. Do đó, gần đây, trong chương trình giáo dục, đặc biệt qua các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh vào lớp 10 và đại học, những chủ đề thiết thực với cuộc sống được quan tâm nhiều hơn. Đề thi khối C vừa rồi có câu: Hãy phân tích mặt tích cực và tiêu cực của câu tục ngữ “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Thiết nghĩ mặt tích cực có lẽ chẳng có gì đáng nói, còn mặt tiêu cực thì quá nhiều thứ để nói. Ăn cổ thì nhớ đi sớm để ăn được phần ngon, chỗ ngồi tốt, còn lội nước thì chớ dại đi đầu, lỡ bị nước cuốn trôi hay sập hầm thì bỏ mạng. Câu tục ngữ trên thể hiện một quan niệm sống theo chủ nghĩa Mắc-kê-nô (mặc kệ nó).  Sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi. Được phần ta xót xa mặc người.


            Tuy nhiên trong một xã hội như thế vẫn còn rất rất nhiều người sống vì người khác. Trong mỗi dịp thi đại học nhiều người vẫn nhắc đến tấm gương của em Nguyễn Xuân Tiến, sinh viên đại học Sư phạm Đà Nẵng. Năm 2007, Tiến một mình từ vùng đất Quảng Trị đầy nắng gió vào Tp HCM thi đại học. Cũng năm đó, mẹ Tiến nhập viện do tái phát bệnh tim bẩm sinh, các bác sĩ đầu ngành tim mạch của bệnh viện Trung ương Huế đều lắc đầu. Nhờ một nhà hảo tâm giúp đỡ, mẹ Tiến qua cơn nguy kịch và Tiến quyết định tiếp sức mùa thi như một cách tri ân cuộc đời. Bốn năm năm nay, Nguyễn Xuân Tiến làm đủ mọi việc từ chụp ảnh dạo, quét sơn thuê, phụ hồ... tích góp từng đồng để thuê phòng trọ nấu cơm miễn phí cho sĩ tử và phụ huynh trong các kỳ thi đại học.
          Câu chuyện trên phần nào nói lên hai chiều kích của dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay: mỗi người chúng ta cần được cứu chữa đồng thời chúng ta cũng được mời gọi để lên đường cứu chữa người khác. Trước hết, nạn nhân bị tấn công bị lột sạch và bị đánh đập nửa sống nửa chết là hình ảnh nhân loại, là hình ảnh mỗi người chúng ta. Vì tội nguyên tổ và tội riêng của mỗi người, chúng ta bị tước đoạt những ân huệ Chúa ban và phải mang những thương tích do tội lỗi gây ra.
          Tuy nhiên, chính Thiên Chúa đã lên đường để chăm sóc tạo vật bị thương của Ngài. Thiên Chúa, dù rất xa cách chúng ta, đã trở thành người thân cận của chúng ta qua Đức Giêsu. Ngài đổ dầu lên vết thương chúng ta và chữa lành chúng ta bằng các bí tích, rồi Ngài đem chúng ta tới quán trọ là Hội thánh, ở đó, Ngài bố trí sự lo lắng cho chúng ta và cũng trả trước cho cái giá của sự lo lắng đó. Cái giá mà Ngài đã trả trước cho sự chữa lành của chúng ta là chính mạng sống của Ngài! Ngài đã phải mang những thương tích mà chúng ta được chữa lành (x. 1Pr 2,24). Ngài đã chết để chúng ta được sống.
          Chiều kích thứ hai của dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay là: mỗi người chúng ta cũng trở nên người thân cận lên đường để chữa lành cho tha nhân. Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi của nhà thông luật ở đầu bài Tin Mừng: “làm sao để có sự sống đời đời?”.
          Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể hỏi: muốn trở nên người thân cận của người khác thì phải làm gì? Làm như thế nào? Chúng ta cùng nghe câu trả lời của Đức Giêsu: Ông lại gần, đổ dầu và rượu lên vết thương, băng bó lại, đặt người ấy lên lưng lừa, đưa về quán trọ mà săn sóc. Đây là 7 hành động của một tình người trọn vẹn. Số 7 trong Kinh Thánh là một con số trọn vẹn, đầy đủ và đẹp. Tuy nhiên, tình yêu Kitô giáo không chỉ dừng lại ở tình người. 7 hành động của người Samari ngày hôm sau thể hiện một tình bác ái hoàn hảo. Tin Mừng ghi: “Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có chi phí thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn trả lại” (Lc 10,35). Đây là biểu hiện của một tình yêu vô điều kiện, không giới hạn, không ngại hy sinh, tình yêu mà Đức Giêsu đã thể hiện ở trên thập giá để hoàn trả lại cho chúng ta địa vị làm con Thiên Chúa.
          Tình yêu Kitô giáo đòi hỏi một tình người trọn vẹn và một tình bác ái hoàn hảo. Cách thức để thực hành tình yêu đó là trở nên người thân cận của người khác. Tôi phải chủ động để trở nên người thân cận với mọi người, dù bất kỳ ai. Việc trở nên người thân cận xuất phát từ lòng bác yêu thương của tôi, được xây nền trên lòng mến Chúa. Lòng bác ái yêu thương này không giới hạn về “sắc tộc, màu da, giai cấp”. Tình yêu Kitô giáo không ngại hy sinh, không sợ phiền hà, không sợ tiêu hao mất mát, miễn sao được người anh em trở thành người thân cận với tôi.
          Không nói đâu cho xa, chính trong giáo xứ của ÔBACE, cha xứ, các ông các bà trong các đoàn thể, các bạn giới trẻ, giáo lý viên đã trở nên người thân cận của gần 1000 thí sinh và phụ huynh trong ba đợt thi đại học – cao đẳng này. Tất cả mọi người đã bất chấp sự mệt nhọc, phiền hà, tốn kém để đón nhận những người chân ướt chân ráo lần đầu tiên lên thành phố. Thiết nghĩ sự quảng đại này của giáo xứ sẽ khơi lên niềm hy vọng cho nhiều người không còn niềm tin vào cuộc sống. Sự hy sinh của quý ÔBACE chứng minh cho thế giới thấy rằng cuộc đời này thật đẹp, thật đáng sống vì tình yêu thương vẫn luôn hiện diện. Sự rạng rỡ, vui tươi và hạnh phúc trên nét mặt của những người lo công tác tiếp sức mùa thi đã làm chứng về một chân lý mà Tin Mừng hôm nay nhắc đến: con đường để đạt đến sự sống đời đời là trở nên người thân cận của người khác.
          Rồi đây các em sẽ ra đi mang theo những tình cảm quý báu của giáo xứ và nhiều em cũng sẽ trở thành những người thân cận của nhiều người khác như chuyện em Nguyễn Xuân Tiến ở trên. Ước mong rằng quý ÔBACE sẽ tiếp tục thể hiện tình yêu Kitô giáo trong cuộc sống của mình để tình yêu tiếp tục lan toả, để tình người tiếp tục nở nụ đơm bông và để tình Chúa sinh hoa kết trái trong lòng mọi người. Amen.



No comments:

Post a Comment