Monday 15 September 2014

Thánh Lễ Giá Bao Nhiêu?


(gây rối thắc mắc)
Em gửi cho tôi những dòng chan chứa nước mắt gợi nhớ cho tôi về đôi mắt đẹp hút hồn của em. Gặp em một lần thoáng qua, thú thật lúc đầu tôi ngợ rằng em muốn hớp hồn tôi. Tuy nhiên, kinh nghiệm hơn một năm làm việc ở nhà mồ
côi gợi cho tôi một điều nên tôi không dám mở lời hỏi em câu hỏi cửa miệng: “Ông bà cụ khỏe cả không?”.
Giờ thì đã rõ. Tôi có thể đọc ra trong những dòng chia sẻ của em hai dòng lệ. Một dòng lệ đau buồn vì sự mất mát quá lớn. Mồ côi cha từ bé, mẹ là biển cả và là bầu trời. Cuối cùng, biển cả cũng về với bầu trời để lại em chơi vơi. Thực ra nỗi buồn đã có chút nguôi ngoai, nhưng hôm nay, em tủi quá nên buồn rười rượi. Sau một năm em muốn cùng bà con trong xứ cầu nguyện cho mẹ nhân ngày giỗ đầu mà cũng không được. Do đó, một dòng lệ thất vọng tuôn ra để rồi em ồ ạt hỏi tôi một loạt câu hỏi. ‘Thánh Lễ giá bao nhiêu?’, ‘Linh mục có quyền ra giá bỏng lễ không?’, ‘Tiền lễ để làm gì?’, ‘Xin lễ từ xa được không?’ … Nhưng câu hỏi làm tôi ấn tượng nhất là câu hỏi đầu tiên ‘Thánh Lễ giá bao nhiêu?.
Để phá vỡ bầu không khí nặng nề và cũng là để phần nào trả lời những câu hỏi của em, tôi xin kể em nghe hai mẫu chuyện thực tế.
Sau Thánh Lễ ở một giáo xứ tại Sài Gòn, tôi xin mọi người cầu nguyện cho tôi trên bước đường truyền giáo sắp tới. Ra khỏi nhà thờ, một bà cụ dí vào tay tôi 50k nói, ‘tội nghiệp cha, tôi tin rằng ông nhà tôi lên thiên đàng rồi, nhưng tôi muốn xin lễ để giúp cha, qua bên đó nghe nói nghèo lắm.” Tôi thưa, “Họ nghèo hơn ta nhưng con hy vọng họ cũng giàu tình nghĩa như bà.” Tôi không nói được gì thêm khi nhận ra rằng bà là một trong những người được cha xứ và ban bác ái tới nhà thăm và trợ cấp hàng tháng. Có thể nói đây là bỏng lễ ‘béo’ nhất mà tôi từng nhận được vì nó bao gồm bởi một tài sản và một tấm lòng.
Mấy ngày trước khi lên máy bay, tôi được một người quen tốt bụng dẫn tới gặp một người không quen cũng tốt bụng ‘để được giúp đỡ’. Sau mươi phút con cà con kê, chủ nhà vô đề trước và đưa cho tôi một phong bì dày. Tôi nói trong sự cởi mở: “Theo luật thì khi nhận bỏng lễ với số tiền nhiều hơn một ý lễ bình thường linh mục phải hỏi ý người xin về số ý lễ”. Bà nói “Chỉ có 3 triệu cha muốn dâng bao nhiêu lễ tùy ý.” Tôi bảo “Vậy sao được, con muốn biết ý bà”. Ông bạn tốt bụng của tôi nhanh nhảu bảo: “Cha cứ làm 20 lễ, một lễ 150k”. Có lẽ có hiểu biết chút nên chủ nhà bảo “Cha làm cho con 10 lễ thôi, năm sau nếu có thể con xin nữa. À, nhưng tiền bạc gửi sao?”. Tôi nói lúc đó cần phải LIÊN LẠC TRỰC TIẾP rồi tiền bạc sẽ có người tới nhận và chuyển. Một lần nữa tôi cảm động trước tấm lòng cũng của một người vừa giàu của vừa giàu lòng. Tôi cũng rất cảm ơn người bạn tốt bụng của tôi, vừa đơn sơ vừa nhiệt tình.
Xin lỗi em vì sự dong dài, giờ tôi sẽ  trả lời trực tiếp câu hỏi của em “Thánh Lễ giá bao nhiêu?”. Thứ nhất, tôi xin nói ngay rằng Thánh Lễ thì vô giá, không ai có thể mua hay đổi chác gì được, nhưng vì để linh mục có thể chi tiêu trong những nhu cầu thiết yếu, Giáo Hội cho phép linh mục nhân “bỏng lễ” và dâng lễ cầu nguyện cho người ‘xin lễ’.
Kế đến, linh mục KHÔNG CÓ QUYỀN RA GIÁ BỎNG LỄ, nhưng Giáo Hội dạy ‘nếu nhận được bỏng lễ dưới 10 đô la thì trong điều kiện cho phép, linh mục có thể gộp nhiều lễ lại cho đủ 10 đô la rồi làm. Nhờ đó linh mục có thể xoay xở được trong điều kiện khó khăn.
Nên nhớ mỗi ngày một linh mục chỉ được nhận một bỏng lễ và phải dâng lễ đó. (Riêng các linh mục dòng thì tùy quy định của dòng. Vd: Tỉnh dòng Ngôi Lời Việt Nam quy định mỗi cha được nhận 5 bỏng lễ một tháng, 25 bỏng lễ còn lại nộp cho nhà dòng. Đương nhiên ngài phải dâng cả 30 lễ). Nếu không thể dâng hết các lễ giáo dân xin trong vòng một năm thì phải chuyển về Tòa giám mục hoặc chuyển cho linh mục khác dâng. Trong trường hợp đó, ngầm hiểu rằng các linh mục cũng có quyền chọn ý lễ để dâng hoặc chuyển.
Tiền lễ được dùng vào các nhu cầu cá nhân như điện thoại, đi lại, đồ dùng, … không lẫn lộn với tiền dâng cúng, xây dựng hay các công việc chung.
Tu mà nói toàn chuyện tiền bạc, đời quá phải không? Nhưng tôi nghĩ điều đó rất phải lẽ vì Đức Giê-su đã nói “làm thợ thì đáng được trả công.” Ở những vùng khó khăn, thì đó là nguồn sống của các linh mục, còn ở nơi khá giả thì lắm lúc các ngài cũng không màng tới. Tu mà lị!
Tôi may mắn được biết một số cha xứ không nhân bỏng lễ mỗi khi dâng lễ cưới và lễ tang cho giáo dân. Các ngài thường trao lai bì thư và nói “Coi như quà mừng đám cưới” hay “cho tui phúng điếu”. “Đúng là vui với kẻ vui khóc với người khóc” như thánh Phao-lô đã dạy. Một tháng bớt tiêu xài năm ba trăm ngàn vì những lý do đẹp như thế có lẽ không quá tay. Tôi cũng được biết có một cha xứ cứ đến ngày giỗ của bất cứ ai trong xứ là dâng lễ cho họ, dù con cháu có xin lễ hay không. Mẫu gương mục tử nhân lành!
Cảm ơn em vì nhờ câu chuyện của em mà tôi nhớ lại những câu chuyện cảm động và những mẫu gương sáng ngời. Tôi nguyện được đưa vào gói hành trang đời linh mục của tôi.
Trở lại câu chuyện của em tôi thực sự buồn vì tình cảnh lại đến mức như thế. Ai cũng muốn cùng bà con thân thuộc cầu nguyên cho người thân quá cố, nhất là cha mẹ của mình trong những dịp đặc biệt. Nhưng tôi không nghĩ mọi gia đình đều có thể có trên 1 triệu để được dâng lễ tại giáo xứ (nếu không thì lễ sẽ được chuyển về tòa giám mục hoặc cho linh mục khác) theo gợi ý của cha xứ em. Những gợi ý hoặc qui định như thế hay tương tự là cách vòi tiền giáo dân vì tư lợi hay nói rõ ra là cách mại thánh rất điệu.
Tôi không biết cha xứ của em và tôi cũng không muốn biết. Tôi chưa từng đặt chân đến mảnh đất quê em và cũng không mường tượng được nó ở đâu, giàu hay nghèo, nhưng tôi biết chắc nhà em không giàu, anh em của em cũng không khá giả. Bằng chứng là em khóc thật nhiều. Khóc vì tủi! Mẹ em tần tảo một thân một mình nuôi con, hy sinh không tiếc một cái gì cho con cái. Em theo tiếng gọi của Chúa sống đời dâng hiến để cầu nguyện cho mẹ và người thân. Ngoài điều đó, em tự nhận thấy mình chưa giúp mẹ được gì cả. Thế mà giờ đây, em muốn đền đáp một việc nho nhỏ nhưng cũng không được. Hơn nữa, em cảm thấy tội nghiệp cho anh chị và đứa em. Tất cả mang tiếng là bất hiếu! Không thấy tổ chức đám dỗ đã đành, lễ cũng không thấy xin. Mấy anh em  chắt bóp lắm cũng chỉ được 500.000 (bằng một nữa ngày công thấp nhất của cha xứ) bỏ phong bì xin lễ với hy vọng cha xứ hiểu hoàn cảnh và thương tình. Nhưng chờ hoài chẳng thấy tăm hơi. Em trở lại nhà dòng mà lòng nặng trĩu. Chọn đời tu nên em hiễu lễ nào, ai dâng và dâng ở đâu cũng giá trị như nhau, nhưng nghĩ đến anh chị và đứa em là em không cầm được hai dòng lệ. Trong tâm trạng đó em đã viết cho tôi những dòng tâm sự này.
Cảm ơn em đã chia sẻ với tôi để tôi tự nhắc nhở mình và cũng cảm ơn em đã cho phép tôi tóm tắt câu chuyện của em và chia sẻ với mọi người. Hy vọng đọc giả sẽ cầu nguyện cho mẹ em, gia đình em và những người có hoàn cảnh tương tự. Cầu nguyện để mọi người biết trên hết mọi sự còn có Chúa. Đừng vì một ai mà bỏ Chúa, Chúa buồn! Đồng thời cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi và anh em linh mục chúng tôi, ‘xin chớ để chúng tôi sa chước cám dỗ.’ Amen.
                                                                                                 Nkwatia, Ghana, 14th September, 2014.
                                                                                                                    Pet. Loan, SVD

No comments:

Post a Comment