Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo; Muôn trăng sao Chúa đã an bài; Thì con người là chi mà Chúa cần nhớ đến; Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? What is mankind that you are mindful of them, Human beings that you care for them?
Thursday, 31 July 2014
Văn hoá & Hội nhập Văn hoá
Khái niệm văn hoá
Hạn từ văn hóa mang nhiều nghĩa khác nhau, tuy thuộc văn cảnh và phạm vi đối tượng mà người nói nhắm tới. Nếu hiểu theo nghĩa rộng, văn hóa bao gồm nhiều phạm trù khác nhau như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lối sống, ...
Viện Ngôn ngữ học đưa ra một định nghĩa khá ngắn gọn: “Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử.” Với Công đồng Vatican II, “chữ ‘văn hóa,’ theo nghĩa tổng quát, chỉ tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác.” (GS 53b). Dựa vào khái niệm này và tài liệu của Hervé Carier, P. Gomez định nghĩa “Văn hóa là cách thể cá biệt qua đó, một con người hoặc một dân tộc sống các quan hệ của mình với thiên nhiên, với đồng bào và với các dân tộc khác, với chính mình và với Thượng Đế, đeer nhờ đó họ thành tựu trong bản chất con người.” Nói chung, văn hóa là một phạm trù rộng lớn bao hàm gần như toàn bộ đời sống con người và xã hội.
Thế nào là hội nhập văn hoá?
Hội nhập văn hóa không còn là một vấn đề mới vì đã được nhiều nhà chuyên môn lưu tâm và đã có những nghiên cứu khá bài bản. Do đó, khái niệm về hội nhập văn hóa cũng rất phong phú tùy vào điểm nhấn của mỗi tác giả. Trong giáo hội, Công đồng Vatican II khẳng định Thiên Chúa đã nói theo văn hóa riêng của từng thời đại (x. GS 58a) để ám chỉ vấn đề hội nhập văn hóa. Thuật ngữ này đã được dùng trong các văn kiện chính thức của Giáo hội từ năm 1974. Ý nghĩa hiện hành của từ ngữ này bắt nguồn từ Mầu nhiệm Nhập Thể: Con Thiên Chúa làm người để Lời của Thiên Chúa nhập thể vào ngôn ngữ loài người, được diễn tả bằng ngôn ngữ con người, qua Đức Giêsu. Đức Gioan Phaolô II đưa ra một định nghĩa thần học về hội nhập văn hóa: đó là “sự hội nhập của Tin Mừng vào trong những nền văn hóa bản xứ và đồng thời là việc các nền văn hóa ấy đi vào trong đời sống của Hội thánh.” Như vậy, có một hoạt động song hành trong thể thức này: một sự xâm nhập của Tin Mừng vào một môi trường văn hoá xã hội và một sự giới thiệu người dân của môi trường này, cùng với nền văn hóa của họ, với Giáo Hội. Kết quả là, có một sự hỗ tương trong việc làm phong phú hóa và cải tiến giữa nền văn hóa điạ phương và đức tin Công Giáo. Nguyễn Chính Kết đưa ra một định nghĩa có tính cụ thể hơn: “Hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo là đưa sứ điệp Kitô giáo vào trong nền văn hóa của dân tộc bằng cách diễn tả sứ điệp Kitô giáo một cách thích ứng với nền văn hóa đó, đồng thời hoàn chỉnh nền văn hóa đó theo tinh thần Kitô giáo.” Theo ông, hội nhập văn hóa là một cuộc hội thoại hai chiều giữa đức tin và văn hóa: một đằng là thích ứng sứ điệp Kitô giáo với văn hóa của dân tộc lãnh nhận sứ điệp, mặt khác là làm cho nền văn hóa đó nên hoàn thiện hơn. Trong việc loan báo Tin Mừng, hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo là rao giảng sứ điệp đó một cách thích ứng với nền văn hóa hay những yếu tố văn hóa của từng dân tộc để có thể phúc âm hóa nền văn hóa đó, làm cho nền văn hóa đó thấm nhuần tinh thần Tin Mừng. Một khía cạnh quan trọng mang tính tích cực khác trong việc hội nhập văn hóa là rút từ những tập quán, truyền thống, lẽ khôn ngoan và nền đạo lý của dân tộc tất cả những sự phong phú và những gì có thể góp phần vào việc tuyên xưng vinh quang của Tạo Hóa, làm rạng ngời ân sủng của Đấng Cứu Thế và vào việc tổ chức tốt đẹp đời sống Ki-tô hữu (x. AG 22). Tóm lại, có thể nói hội nhập văn hóa có nghĩa là đi sâu vào chính trọng tâm và gốc rễ của các nền văn hoá của một dân tộc để giúp họ khám phá những hạt mầm chân lý đã được Thiên Chúa gieo vãi ở đó, đồng thời hội nhập sứ điệp Tin Mừng vào tầng lớp sâu thẳm nhất của con người và các sắc dân làm cho họ bị đánh động sâu xa bởi sứ điệp đó.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment