Tuesday 28 July 2015

Xin Chúa đừng cho chuyện đó xảy ra!


- Peter Loan đọc được tiếng Twi rồi.
- Nó làm tớ shock.
- Đọc được và hay nữa chứ.

- Vì không muốn ngày nào cũng đứng làm "bình hoa" nên con mò qua nhờ ông từ nhờ dạy cho mấy chữ đọc trong thánh lễ.
- Hay! Tớ nghĩ tỉnh dòng Ghana cần có ý tưởng 'triết học' như vậy. Nhiều anh em chỉ đứng đó như bình hoa chứ chẳng làm gì.

- Chắc phải nói tỉnh dòng chuyển bài sai cho em về vùng này mới được, em học Twi được nhanh đó.
- Con không muốn làm 'kẻ xuất gia bỏ chạy' khi chưa một ngày thực hiện bài sai. Con nhận bài sai cách nay mấy tháng nhưng chưa biết chỗ đó nằm dọc hay ngang. Mà ngôn ngữ thì đi đâu cũng phải học.

Ghana có 67 ngôn ngữ thuộc 3 nhóm khác nhau: Gur, Mande, Kwa. Các thứ tiềng cùng nhóm có nhiều điểm giống nhau nhưng họ có thể không hiểu nhau. Tuy tiếng Anh được chọn làm ngôn ngữ giao dịch và bắt buộc trong các trường học hầu xoá bỏ sự xung đột bộ lạc nhưng trên thực tế chỉ những người có học mới nói được tiếng Anh. Đa số các giáo xứ ngay ở thủ đô cũng dâng lễ bằng tiếng địa phương. Do đó, mỗi lần đi đâu đồng tế, tôi đều đứng làm bình hoa. Nếu dự lễ mà không đồng tế thì như 'chó coi TV'. Lần này đi học lái xe, ở lại cả tháng, tôi quyết định học chút để đọc trong Thánh Lễ cho đỡ chai mặt.
Thực tình mà nói, học ngôn ngữ không bao giờ là chuyện dễ, ít ra là với tôi. Đến giờ giảng tiếng Anh còn lớ ngớ, huống chi học thêm thứ tiếng khác. Giờ mới thấy ngưỡng mộ một số ít các nhà truyền giáo xưa học được tiếng Việt và cả tiếng dân tộc. Và cũng có thể cảm thông với các vị khác, vì phần lớn họ không thể học và nói tiếng Việt khá.
Trong tỉnh dòng Ghana này, có vài chục nhà truyền giáo nhưng chỉ có hai người có thể giảng lễ bằng tiếng địa phương. Hai cha đó có lợi thế là đến từ đất nước nói tiếng Anh nên không phải vật vã với tiếng Anh như tôi bây giờ.
Nơi tôi sắp về mục vụ người ta sử dụng 3 thứ tiếng, trừ tiếng Anh. Tiếng Dagbani ở trung tâm, tiếng Konba ở các làng, tiếng Konkomba trong phụng vụ. Vậy chỉ học để làm lễ và chào hỏi thôi thì cũng phải hết một năm. Điều này đồng nghĩa với việc tôi sẽ làm con nít một năm, sau đó hy vọng thành trẻ con và không biết khi nào thành người lớn. Có lẽ không bao giờ.
Do đó có lẽ sẽ không tránh khỏi chuyện giảng đầu này người ta hiểu đầu kia. Như vị giám mục ngày xưa phát âm tên đức cha Điền thành đức cha Điên và đức cha Ngữ thành đức cha Ngu. Thôi thì phó cho Chúa. Tin rằng có Chúa kéo cổ họ lại, nếu không thì xuống hoả ngục cả đám. Lỡ mà xuống dưới chắc cha con cãi nhau, không biết người giảng sai hay người nghe lộn. Xin Chúa đừng cho chuyện đó xảy ra. Amen.


No comments:

Post a Comment