Tuesday 24 November 2015

ĐẠI HỌC CHỮ TO

(Bài sẽ dc đăng sớm)



Cơm chưa ăn thì gạo còn đó.

Xưa nay tôi vẫn than thân trách phận rằng mình kém may măn vì không được đi mẫu giáo. Ở mẫu giáo người ta có nhiều hoạt động, trò chơi bổ ích giúp trẻ hoà nhập xã hội nhanh và vững vàng. Có lẽ vì lý do đó mà tôi rụt rè, ít nói, nhát gái và bị coi là ông bụt cho đến cuối năm lớp 11. Tôi chưa thật sự rõ lý do làm tôi 'phát bệnh' nói nhiều và tự tin 'quá cố',
ý lộn, quá đáng! Phải chăng vì được may mắn làm thành viên đội thi Kính Vạn Hoa và mang chiến thắng về cho trường?
Tuy nhiên, trong đời tôi vẫn tự cảm thấy mình thiếu một cái gì đó. Tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học chữ to (trường mẫu giáo), cái mà bao trẻ khác đều trải qua với bao kỷ niệm khó quên (tôi tưởng tượng thế và có lẽ đúng). Tôi chỉ nhớ ngày đầu tôi chui vào lớp 1, cảm thấy muốn khóc vì lạ lẫm nhưng không dám vì đã lớn.
Lớn lên tôi tham gia nhiều trò chơi, sáng tác, chế biến rồi có sách trò chơi do nhà nước xuất bản nữa, nhưng tôi chưa bao giờ chơi và dám chơi trò chơi của mẫu giáo như Máng trượt, Bập bênh, Lồng bóng nhựa...
Phần nữa chữ tôi xấu, một phần do tôi vụng nhưng có lẽ phần nào do tôi không được học mấy chữ to to kia mà bắt đầu với chữ nhỏ.
Hôm nay nhận được cuốn sách với những con chữ to như quả trứng gà. Mừng hết lớn! Mừng vì đây là một trong vài cuốn sách hiếm hoi được viết bằng thứ ngôn ngữ mà tôi đang học và vì nhìn vào mấy con chữ to tướng tôi nhặt được cảm giác trở về tuổi thơ. Ý Chúa thật nhiệm mầu! Tôi đã có cơ hội bù đắp khoảng trống đời tôi. Chỉ cần tìm cơ hội tham gia trò chơi với trẻ con nữa là hoàn hảo!?!
Sau khi cảm ơn rối rít, tôi bắt đầu với những nguyên âm đơn quen thuộc rồi đến những nguyên âm và phụ âm đôi tôi chưa từng gặp trong đời như aa, ee, ii, gb, kp, ny ... Rồi cứ thế à ê suốt ngày. Già rồi nên miệng tôi không được linh hoạt như trẻ con, do đó, một số người lớn bỏ cuộc, chỉ trẻ con là kiên nhẫn và trung thực. Tôi gọi chúng là những người thầy ngôn ngữ đích thực! À ê với chúng tôi có cảm giác mình đang được ngồi trong lớp mẫu giáo. Hả hê với các em tôi như quên đi sự xấu hổ của một kẻ chậm tiêu. Tỉ tê với trẻ tôi được là chính tôi, không kiểu cách, bỏ khách sáo lễ nghi.
Có lẽ vì thế mà Chúa nói 'ai không trở nên như trẻ nhỏ thì không được vào nước trời'. Trẻ con thì đơn sơ, chân thành, thẳng thắn, trung thực và kiên nhẫn. Học với người lớn, tôi nói sai, họ không cười, chỉ bảo nói lại, vài lần không được thì cho qua và thầm nghĩ 'đồ bất khả dạy'! Còn với trẻ con thì khác, tôi nói sai nó sẽ cười vào mặt tôi một cách vui vẻ, tưởng rằng tôi làm trò rồi tiếp tục bắp tôi lặp lại đến lúc đúng thì thôi với ý nghĩ 'tất cả đều có thể'. Vì chính chúng đã từng biến những điều không thể thành có thể. Trẻ không ngán nói thật to, rõ, gằn từng tiếng để tôi lặp lại. Không như người lớn, nói lí nhí, kết hợp quá nhiều âm một lần và dạy những câu nói cao siêu với ý nghĩ tôi cũng như họ. Có lẽ vì lý do này mà giang hồ hay nói '70 học 71', chứ không nói 70 học 100, dù 100 là hoàn hảo. Trẻ con cũng đang học nói nên chúng có cách dạy dễ cho người học tiếp nhận nhất. Vậy cùng một lúc tôi được trở về tuổi thơ và học cái đại học chữ to mà tôi đã bỏ lỡ.
Ý Chúa thật nhiệm mầu. Khi cuộc đời này lấy đi của bạn một cơ hội nào đó hay chính bạn vụng về bỏ lỡ nó, thì Chúa sẽ có cách bù đắp cho bạn. Cơm chưa ăn, gạo còn đó, Chúa luôn 'để dành' cho chúng ta những cơ hội để chữa lành những vết thương hay khoả lấp những mất mát trong đời. Chúng ta chỉ việc nhận ra và chớp lấy khi Ngài ngỏ ý.
Liên hệ như thế có vẻ xa xăm, nhưng với tôi, nó lại rất gần và rất thực vì tôi luôn coi việc không được học mẫu giáo là một tổn thất trong đời, và giờ đây lỗ trống ấy phần nào được khoả lấp. Và tôi tin đó là ý Chúa!

No comments:

Post a Comment