Saturday 5 May 2012

Chúng ta nhốt TC vào trong những cái hộp nhỏ xíu à!!



“Mình không muốn đi học giáo lý nữa, ở đó cô giáo làm cho Thiên Chúa nhỏ đi. (...) Tụi mình đã nhốt Thiên Chúa vào trong những cái hộp bé xíu à. Thiên Chúa thì to lắm cơ!” Đó là một câu nói của Anna, một cô bé 7 tuổi trong cuốn sách: “Thưa Chúa! Anna đây!”. Đây là cuốn sách rất nỗi tiếng ở Mỹ và cả bên Âu châu, có đến hơn 2 triệu bản đã được bán ra trong một vài năm. Cô bé này có những trực cảm rất đặc biệt về Thiên Chúa, dường như em đã tiếp xúc được với Thiên Chúa một cách nào đó và em đã nói: “Tụi mình đã nhốt Thiên Chúa vào trong những cái hộp bé xíu.”


Có khi chúng ta cũng đang ‘nhốt’ Thiên Chúa vào trong những cái hộp nhỏ bé của chúng ta mà chúng ta không hay biết. Thừa hưởng một lối dạy giáo lý xưa cũ với những lời đe dọa “Chúa phạt, Chúa phạt”, chúng ta dễ hình dung ra rằng Thiên Chúa là một ông già râu tóc bạc phơ chuyên ngồi đếm tội nhân gian. Luôn được khuyến khích tích trữ công đức cho đời sau, nhất là phong trào đọc kinh này kinh  nọ bao nhiêu lần thì được bao nhiêu ngày ân xá, chúng ta tưởng Thiên Chúa chỉ là một đốc công chuyên ngồi chấm điểm cho chúng ta.

Khác xa với những suy nghĩ thiện cận đó của chúng ta, Lời Chúa hôm nay phác họa chân dung của một vị Thiên Chúa nhân từ, gần gũi, sẵn sàng tha thứ và đón nhận ngay cả những người tội lỗi đầy mình. Thiên Chúa trong bài đọc 1 đã tha thứ cho vua Đavít, đúng hơn là Ngài đã tha thứ cho một tên sát nhân, một kẻ ngoại tình chỉ vì ông đã nói  một câu duy nhất: “Tôi đắc tội với Đức Chúa.” Đương nhiên chúng ta biết rằng đằng sau câu thú tội đó là một tấm lòng thành thật thống hối ăn năn. Đức Giêsu trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã sẵn sàng đến nhà một người Pharisiêu, hạng người mà Ngài thường lên án là bọn giả hình, mồ mả tô vôi. Ngài lên án thái độ của họ nhưng Ngài không loại bỏ họ. Đặc biệt hơn, Ngài tha thứ cho một người phụ nữ tội lỗi, một người bị người đời khinh dễ, kết án và loại trừ. Không những tha thứ cho chị, Ngài còn chúc chị đi bình an. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, “ra đi bình an” ở đây không chỉ có nghĩa là ra đi với tâm trạng an tâm, yên ổn, thoải mái, thanh thản, mà chủ yếu là ra đi mang theo sự sống sung mãn, ơn cứu độ. Ở đây chúng ta gặp thấy sự trùng hợp giữa ý tưởng cứu độ trong bài Tin Mừng và ý tưởng công chính hóa trong bài đọc 2 - thư gửi tín hữu Ga-lát. Thánh Phaolô khẳng định rằng: “chúng ta được nên công chính nhờ tin vào Đức Giêsu chứ không phải nhờ làm những điều Luật dạy.” Nói như thế không có nghĩa là coi nhẹ việc làm những điều Luật dạy. Nhưng đúng hơn phải nói Luật giúp sống lương thiện, nhưng chính đức tin mới hoán đổi thân phận con người từ thân phận tội nhân trở thành con Thiên Chúa, thành người công chính. Còn Đức Giêsu thì nói rằng: “Đức tin của chị đã cứu chữa chị”, quả thật, chính đức tin và lòng khiêm tốn đã cứu rỗi người phụ nữ tội lỗi ấy với ý nghĩa nhờ chị đã tin vào quyền năng của Đức Giêsu. Như vậy, về phía con người tội lỗi chúng ta, điều kiện quyết định để được cứu độ là thật lòng thống hối và tin vào Đức Giêsu, còn về phía Thiên Chúa thì như chúng ta đã thấy, Ngài sẵn sàng tha thứ và cứu độ bất cứ ai, dù đó là những người đã lỗi phạm nặng nề như Đavít và người phụ nữ trong Tin Mừng.

Quả thật, Thiên Chúa thì vĩ đại hơn tất cả những gì chúng ta thường nghĩ về Ngài. Nói chung, chúng ta chưa dám tin rằng Thiên Chúa thì vĩ đại, tình yêu của Ngài thì bao la, sự rộng lượng của Ngài thì vô bờ bến. Trên thực tế chúng ta thường lấy bụng mình mà đo lòng Chúa, rồi gán cho Ngài những điều không phải là Ngài. Đễ dễ hiểu, tôi xin kể cho ông bà anh chị em nghe một câu chuyện có lẽ rất quen thuộc nhưng nó mang một ý nghĩa khác nữa mà đôi khi chúng ta không để ý thấy. Chuyện kể rằng có một cậu bé gây ra một lỗi lầm rất lớn với cha mình, cậu sợ đến nỗi không dám về nhà trong một thời gian dài. Ngày qua ngày, cậu rât muốn về nhà xin ơn tha thứ của người cha già, tuy nhiên, cậu rất sợ bị từ chối, cậu không tin rằng cha cậu sẽ tha thứ cho cậu. Nhưng lòng mong muốn được về nhà thôi thúc cậu, cậu bèn viết thư cho mẹ, nhờ mẹ nói với cha rằng nếu cha sẵn sàng tha thứ cho cậu thì xin cha hãy treo lên cành cây trước nhà một miếng vải trắng, để khi câu đi tàu lửa qua đó thì sẽ nhìn thấy và sẽ về nhà. Ngày hôm sau, cậu ngồi trên xe lửa mà lòng nôn nao hết sức, câu luôn tưởng tượng rằng cành cây trống không, nhìn hoài mà chẳng thấy miếng vải nào. Gần đến nhà, cậu không đủ tự tin để nhìn lên cành cây đó, cậu bèn nhờ một cụ già ngồi cạnh nhìn giùm. Và lạ lùng thay cụ già reo lên: không phải một cành cây có treo một miếng vải trắng mà là tất cả các cành cây đều có một miếng vải trắng. Quả thật, cậu bé đã nghĩ sai về người cha của mình và có lẽ chúng ta cũng từng dùng lòng bàn tay đong nước biển, lấy gang tay đo chín tầng trời khi nghĩ về Thiên Chúa theo những suy nghĩ hẹp hòi của chúng ta như ông Simon Pharisiêu.

Ngược lại với suy nghĩ hẹp hòi của chúng ta, người phụ nữ trong Tin Mừng đã tin tưởng chạy đến với Đức Giêsu bất chấp mọi sự cản trở. Về phía Đức Giêsu, vì yêu thương Ngài đã tha thứ cho người phụ nữ tội lỗi, và vì được tha thứ, người phụ nữ đã yêu mến Đức Giêsu thật nhiều. Như vậy, yêu thương dẫn đến tha thứ, tha thứ dẫn đến yêu thương. Cảm nhận được tình yêu và sự tha thứ, người phụ nữ tội lỗi đã có những hành động, cử chỉ rất thực tình lại vừa táo bạo. Thực tình như những giọt nước mắt thống hối ăn năn và táo bạo như mái tóc buông xõa bất kể lễ giáo và sự đàm tiếu nghi kỵ từ miệng người đời.

Ngược hẳn với tâm tình khiêm tốn ăn năn của người phụ nữ tội lỗi, chúng ta cũng như ông Simon thường hay lên án kẻ khác, nhất là những người mà chúng ta coi là tội lỗi hơn chúng ta. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ông Pharisiêu không sai khi cho rằng người đàn bà kia là người tội lỗi, và ông cũng không quá đáng khi trách Đức Giêsu để cho người đàn bà đó quá thân mật với mình như thế. Cái đáng trách nhất nơi ông là không biết nhìn vào chính mình để nhận ra thiếu sót của mình. Nói chung, ông không thấy mình cần đến sự tha thứ. Đây là lý do tại sao ông không yêu mến Đức Giêsu. Những người Pharisiêu nói chung không cảm thấy mắc nợ Chúa vì họ nghĩ rằng mình đã chu toàn mọi Lề Luật và chính Thiên Chúa nợ họ. Chúng ta thấy rõ điều này trong Tin Mừng Luca ở chương 18, chỗ nói về người Pharisiêu vô đền thờ cầu nguyện, ông không nhận thấy tội lỗi của mình mà chỉ thấy tội của người khác. Thánh Augustinô nói rất chí lí về điều này rằng: “Kẻ nào càng ít để ý đến tội mình thì càng xoi mói tội của người khác. (...). Họ không lo sửa sai mà chỉ lo cắn xé”. Điều này khá dễ hiểu, khi chúng ta nghĩ rằng mình đạo đức, chu toàn luật lệ, làm được nhiều việc cho giáo xứ, có giúp đỡ người nghèo, chúng ta dễ có thái độ coi khinh và nói xấu người khác. Việc kết án kẻ khác chỉ là hậu quả của việc chúng ta kiêu căng không nhìn thấy thiếu sót của mình. Có lẽ tội nặng nhất là không nhận tội mình. Quả thật, thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng: “Việc người có tội không cảm thấy buồn rầu thống hối làm mất lòng Chúa còn hơn chính tội lỗi nữa.” Chúng ta cũng tìm thấy điều này trong Tin Mừng qua thái độ của Đức Giêsu đối với người phụ nữ và ông Simon hay đối với hai người vào đền thờ cầu nguyện.
Cũng như người Pharisiêu chúng ta ít khi nhìn nhận tội lỗi của mình và không thấy cần được tha thứ, vì thế chúng ta không cảm nhận được ơn tha thứ, và vì thế chúng ta chưa yêu mến Chúa nhiều như người phụ nữ trong Tin Mừng. Thật vậy, tính tự kiêu tự mãn ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa. Để phá tan bức tường ngăn cách này, trước hết chúng ta phải chân thành nhìn nhận những khuyết thiếu của chúng ta và tin tưởng vào sự quảng đại tha thứ của Thiên Chúa.
Tóm lại, Tin Mừng hôm nay phác họa cho chúng ta chân dung của một vị Thiên Chúa “to” hơn, vĩ đại hơn những điều chúng ta đã từng được dạy hay nghĩ tưởng về Ngài. Do đó, chúng ta không nên lấy bụng mình đo lòng Chúa để rồi bi quan về những yếu đuối và tội lỗi của mình. Ngoài ra, noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng hãy tỏ lòng nhân từ thương cảm và tha thứ cho những người lỡ bước sa chân. Những trường hợp lỡ lầm sa vào các tệ nạn xã hội như say sưa nghiện ngập, vướng phải SIDA, ... có lẽ không thiếu trong địa bàn giáo xứ chúng ta. Tôi đang giúp một vài trường hợp các em nữ lỡ lầm, bị chính gia đình đuổi đi, bơ vơ vào thành phố HCM một thân một mình rất tội nghiệp. Những trường hợp đó đáng thương hơn là đáng trách. Đức Giêsu đã có thái độ cảm thông tha thứ và đón nhận thay vì xa lánh và kết án người phụ nữ tội lỗi và chắc chắn Ngài cũng muốn chúng ta có thái độ như thế với những người xung quanh chúng ta.


No comments:

Post a Comment