Sunday 20 May 2012

TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM


                                     HIỆN TRẠNG VÀ KHÓ KHĂN


1.  Kitô giáo đã bị Âu hoá trước khi vào Việt Nam


Lật lại những trang đầu của lịch sử Kitô giáo, chúng ta thấy rằng trước khi được truyền bá sang Á châu, Kitô giáo đã được truyền bá khắp đế quốc Rôma, là trung tâm của châu Âu thời đó. Có thể nói vào thời đó Kitô giáo trở thành tôn giáo của châu Âu vì chưng, các vị lãnh đạo Giáo Hội, các nhà thần học, các giáo phụ, các nhà chú giải Kinh Thánh, v.v... hầu hết là người Âu Châu. Do đó, mặc khải và sứ điệp của Đức Kitô đã được suy tư, nghiền gẫm, giải thích và diễn tả theo cung cách văn hóa Âu Châu, trong não trạng và lề lối suy tư của người Âu Châu. Đương nhiên, cung cách đó, lề lối và não trạng đó rất khác với cung cách, lề lối và não trạng của người Á châu.
Đặc điểm của tư duy Tây Phương là thiên về lý trí, lý luận biện biệt với luật mâu thuẫn, tam đoạn luận, phủ định, loại tỷ, biện chứng pháp và khoa học thực nghiệm. Trong khi đó, tư duy Đông Phương thiên về trực giác với cái nhìn tổng hợp, nhất quán, trung dung, chú trọng vào sự biến chuyển và quan niệm “dịch” của vũ trụ.[1] Với một thời gian dài, Kitô giáo sống trên đất Âu châu, người ta đã khoác lên nó chiếc áo văn hóa Tây Phương khá lộng lẫy, đến nỗi nhiều người lầm tưởng đó là nền văn minh Kitô giáo. Thế rồi, Kitô giáo mang luôn cả chiếc áo đó bước qua lục địa Á châu với một niềm kiêu hãnh và mặc cảm tự tôn to lớn. Linh mục giáo sư Nguyễn Hữu Đăng nhận định:

Những sinh hoạt tôn giáo, những cử hành phụng tự, những nề nếp tổ chức giáo đoàn… xem qua thì có vẻ trang trọng uy nghi, nhưng thực chất chỉ là đua đòi mô phỏng những phong tục lễ hội, thậm chí cả tệ đoan nữa, của những nền văn hóa dù tự xưng hay được mệnh danh là Kitô giáo, song vẫn là xa lạ, có khi còn là kỳ quái đối với nếp sống văn hóa truyền thống Việt Nam. Ở đây chúng tôi nghĩ tới những tổ chức Rước kiệu, lễ Tấn phong, Truyền chức, Khánh thành, Hành hương, những kiểu kiến trúc Thánh đường, những mẫu ảnh tượng, những bài “thánh ca” và những lối trình diễn… hiện đang ăn khách rộng rãi nhưng thật ra hoặc chỉ là những lễ nghi di tích từ thời Phong kiến Trung Cổ, hoặc là mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật của thời Phục Hưng (thế kỷ XVI – XVII) phóng túng lãng mạn, hoặc là những nét thời trang mượn cảm hứng không mấy lành mạnh trong sáng của phong trào nhạc rock, nhạc pop… và các mô hình tôn giáo mệnh danh là New Age (Thời Đại Mới).[2]

Do đó, một thực trạng không thể tránh khỏi đó là có những khập khiểng trong việc truyền bá Tin Mừng và tâm thức tôn giáo của người bản địa. Đi từ ngoài vào, chúng ta có thể nhận thấy lối kiến trúc các cơ sở tôn giáo của chúng ta quá xa lạ, nếu không muốn nói trái ngược hẳn với tâm tình tôn giáo của người Việt. Đa số các công trình xây dựng của Ki-tô giáo thì đồ sộ, nguy nga tráng lệ, sừng sững giữa một không gian rộng lớn và sáng láng, trong khi đó người Việt vốn thích sự trầm mặc, khiêm tốn, nhẹ nhàng, ấm cúng và gần gủi với con người và hoà điệu với thiên nhiên. Có thể nói đa số hình thức, sinh hoạt tôn giáo của người Việt xưa nay phát xuất từ nhu cầu cuộc sống thực tế, vì vậy, họ thích những gì cụ thể, gần gủi và thiết thực cho cuộc sống. Trong khi đó, những điểm giáo lý, cách trình bày sứ điệp Tin Mừng quá ư thuần lý và nặng về luật lệ của Tây Phương đã không đi vào tâm thức và cuộc sống của họ một cách sâu sắc như các hình thức tín ngưỡng khác. Điểm lợi thế đặc biệt liên quan đến việc cử hành phụng vụ, đặc biệt là thánh lễ mà chúng ta chưa tận dụng được là nét văn hoá qua bữa ăn trong văn hoá Việt Nam. Đối với người Việt Nam, bữa ăn là nơi chia sẻ cả niềm vui lẫn nỗi lo của mỗi gia đình, và qua đó thể hiện tình hiệp nhất của mọi người. Thánh lễ là một bữa ăn, một bàn tiệc thánh nhưng quả là quá xa lạ với người Việt vì nghi lễ quá trang trọng và được cử hành trong một không gian quá thiếu không khí linh thiêng và đoàn tụ.

2.  Mặc cảm tự tôn của Kitô giáo


Sự khập khiểng lớn nhất, rõ nhất mà ta có thể nói là một sai lầm trong công cuộc truyền bá Tin Mừng vào đất Việt là mặc cảm tự tôn, kiêu hãnh về nền “văn minh Kitô giáo”, về tính ưu việt và phổ quát của mình để rồi coi mọi tín ngưỡng và tôn giáo bản địa là mê tín, thấp kém và chủ trương xoá sạch để thay thế bằng Kitô giáo. Tác giả Trần Văn Đoàn nhận xét một cách mạnh mẻ: “Nếu các vị thừa sai tiên khởi như thánh Phaolô, và các tông đồ khác (như thánh Tôma sang truyền giáo tận Ấn Ðộ, thánh Gioan vùng Tiểu Á, vân vân) đã phải cố gắng học ngôn ngữ bản xứ, thì có một số nhà truyền giáo ở Việt Nam cả đời cũng không nói được tiếng Việt, nhưng vẫn là chủ chăn (giám mục), chăn nuôi một đàn “chiên” ngoan đạo theo đúng nghĩa của một “đàn chiên ngoan ngoãn, hiền lành, biết vâng lời.” Nếu các vị thừa sai như Phanxicô Xaviê, Matteo Ricci, Roberto de Nobili, Michaele Ruggieri, Alexandre de Rhodes đã cố gắng học hỏi văn hóa của dân bản xứ, và biết kính trọng các nền văn hóa này theo đúng câu “nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc,” thì rất nhiều nhà truyền giáo về sau không thèm để ý, bởi vì họ cho chúng ta là man di mọi rợ.”[3] Điều này đã dẫn đến nhiều hậu quả không đáng có, “mà hậu quả nghiêm trọng nhất là đời sống văn hóa, tinh thần của cả dân tộc Việt Nam bị xâm phạm, đảo lộn, và cùng với nó là tình trạng phân rẽ giữa đạo và đời, ...”[4] Điều này đã vô tình tạo nên một hố ngăn cách giữa công giáo với lương dân và với các tôn giáo khác, khiến chúng ta không thể đối thoại cách chân thành với họ được.

Có thể nói cản trở lớn nhất khiến người ta khó có thể đối thoại một cách chân thành và đúng đắn là mặc cảm tự tôn. Trên thực tế, đón nhận một cung cách truyền giáo như thế, nhiều Kitô hữu mặc nhiên và tiên thiên cho rằng tôn giáo của mình có giá trị hơn hẳn các tôn giáo khác, vì tôn giáo của mình là do Con Thiên Chúa, cũng chính là Thiên Chúa sáng lập. Do đó, người Kitô hữu thường cho rằng mặc khải của Kitô giáo là viên mãn, nghĩa là hoàn toàn đầy đủ mọi chân lý về Thiên Chúa, tức Thực Tại Tối Hậu, không còn thiếu gì nữa. Niềm kiêu hãnh đó khiến họ khó lòng thấy được những chân lý siêu việt trong các tôn giáo, vốn được diễn tả khác với những chân lý Kitô giáo. Thiết nghĩ các tín hữu của tôn giáo khác cũng có những niềm tự hào rằng tôn giáo mình là đúng và tốt hơn hết. Giáo sư Nguyễn Chính Kết chia sẻ: “Khi tìm hiểu về Phật giáo, tôi thấy hầu hết các tu sĩ và cư sĩ Phật giáo tôi gặp đều cho Phật giáo là tôn giáo cao nhất. Họ cho rằng so với Phật giáo, Kitô giáo chỉ là thứ tôn giáo dành cho những bậc sơ cơ, tương tự như pháp môn Tịnh Độ của Phật giáo vậy. Pháp môn này cũng chủ về đức tin và cầu vào tha lực như Kitô giáo.”[5] Cũng như chúng ta, họ hiểu được cái lý tự hào của mình, chứ không thấy và hiểu được cái lý tự hào của người khác. Ai cũng có lý do để tự hào về tôn giáo mình là đúng và hay nhất, có như thế họ mới theo chứ. Tuy nhiên, tự hào mà không hiểu biết chắc chắn rồi sinh ra tự kiêu và coi rẻ người khác thì đã đi ngược lại chủ trương của Tin Mừng. Việc Chúa Giêsu giáng sinh và tỏ mình ra cho dân ngoại chứ không tỏ mình cho dân Do Thái cảnh tĩnh những người tự cho rằng chỉ những người có tôn giáo chân chính như mình mới có thể gặp được Thiên Chúa hay được cứu rỗi. Vậy, việc có tôn giáo chân chính dường như không quan trọng bằng chính mình có thao thức đi tìm chân lý như các vị đạo sĩ Đông phương hay không. Chính Đức Kitô đã nói: “Từ Phương Đông Phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị tống ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc và nghiến răng” (Mt 8,11-12).

Lý do sâu xa của tình trạng mạc cảm tự tôn là sự lầm lẫn giữa Chân Lý đích thực và phương tiện diễn đạt Chân Lý. “Và càng tự hào, thì họ lại càng xa Chân Lý. Đó là cái bẫy, là hòn đá vấp phạm mà Thiên Chúa dành cho những kẻ tự hào tự tôn. Chân Lý đích thực chỉ làm cho người ‘cảm nếm’ được nó trở nên khiêm nhường hơn, gần gũi với mọi người hơn, chứ không bao giờ làm họ tự hào kiêu căng, xa cách tha nhân hơn. Đó là tính chất của Chân Lý.”[6]

Lược qua một vài thí dụ về tình trạng hội nhập văn hóa trong công tác truyền thông Tin Mừng như thế để thấy rằng cho đến nay, kết quả của việc Phúc Âm hóa còn quá giới hạn, thậm chí tiêu cực vì nó làm cho những người còn xa lạ với Tin Mừng và Giáo hội lại càng cảm thấy xa lạ hơn. Có thể nói lý do chính yếu nằm ở chổ vị Thiên Chúa mà người Việt được rao giảng quá xa lạ: Đức Kitô mắt xanh mủi lỏ mà các nhà truyền giáo mang chỉ hợp với người Âu châu, sứ điệp Tin Mừng được trình bày bởi một hệ thống giáo lý thuần lý và chặt chẻ nhưng thiếu sinh động, không sát thực tế cuộc sống và chưa tương thích với tâm thức người Việt.



[1] X. Đường Thi, Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo, (Tủ sách Đàm đạo Tôn giáo), tr. 28 – 60.
[2] Nguyễn Hữu Đăng, “Suy nghĩ về trình đồ hội nhập văn hóa của người Kitô hữu Việt Nam”, truy cập ngày 28/12/2010, lambich.net.
[3] Trần Văn Đoàn, “Sát nhập – Hội nhập và Bản cách hóa,” (Washington D.C.: Viện Triết học và Tôn giáo Việt Nam, 2001), truy cập 24/03/2011, http://vibiwebsite.com/VIBI_W/?p=1408.
[4] Nguyễn Văn Kiệm, Sự du nhập của đạo Thiên Chúa Giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII – XIX, (Hà Nội: Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, 2000), tr. 119.
[5] Nguyễn Chính Kết, “Những ngăn trở trong việc đối thoại tôn giáo”, truy cập ngày 21/10/2010, simonhoadalat.com.
[6] Nguyễn Chính Kết, Sđd.

No comments:

Post a Comment