Wednesday 2 May 2012

Nền tảng Kinh Thánh và thần học về hội nhập văn hoá


Nền tảng Kinh Thánh

 


Khi nói đến hội nhập văn hóa trong Kinh Thánh, người ta thường nhắc đến những dữ kiện trong Tân Ước, tuy nhiên, ngay trong Cựu Ước hội nhập văn hóa đã được áp dụng một cách linh hoạt và rõ nét. Chúng ta thấy rằng vì hội nhập văn hóa mà các Tông đồ phải nại đến một ‘công đồng Giêrusalem’ để giải quyết luật cắt bì, tuy nhiên, chính điều luật căn bản này dân Chúa cũng đã vay mượn từ một tục lệ rất xa xưa của dân Babilon và mặc cho nó một ý nghĩa tôn giáo: dấu hiệu giao ước giữa Thiên Chúa và dòng họ Ap-ra-ham.
Về ngôn ngữ, rõ nhất là bản dịch LXX, sau đó đến bản Hy-lạp của sách Huấn Ca, các dịch giả này nhắm đến việc truyền đạo cho người Hy-lạp nên đã cố gắng ‘hội nhập văn hóa’ bằng việc diễn dịch và ngay cả thêm bớt từ ngữ sao cho phù hợp với độc giả mới. Đặc biệt hơn, chính Thiên Chúa đã ‘hội nhập văn hóa’ khi Ngài lượng sức con người để mặc khải một cách tiệm tiến, từ một Thiên Chúa nhất thần đến một Thiên Chúa độc thần, từ một Vị Thẩm Phán nghiêm khắc đến một Đấng Bảo Trợ[1] hay một người Cha độ lượng.


Trong Tân Ước, có vô số chứng cứ về việc hội nhập văn hóa. Đơn cử như sự khác nhau giữa Tin Mừng Luca và Mátthêu: Luca viết Tin Mừng cho dân ngoại nên mang đậm nét Hy-lạp, còn độc giả của Mátthêu là người Do-thái nên bản văn Tin Mừng của ngài mang đậm nét Do-thái. Ví dụ, trong việc viết gia phả, Mátthêu cố gắng chứng Đức Giêsu là con vua Đa-vít, còn Luca chỉ muốn cho độc giả ông thấy rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Cha J. Dupont cho rằng thánh Luca tỏ ra rất quan tâm đến dư luận, vinh dự: “Sự nhạy cảm đối với tất cả những gì liên quan đến dáng vẻ bề ngoài đó, chắc chắn là do ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp mà Luca đã hấp thụ. Con người Hy-lạp hình như không thấy lý tưởng nào xứng hợp cho mình hơn là được dư luận quần chúng tán dương.”[2] Như đã nhắc đến ở trên, để Tin Mừng được loan báo rộng rãi và đúng đắn, các Tông đồ đã phải tranh luận gay go trong công đồng đầu tiên của Kitô giáo để đi đến quyết định: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là không ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, không ăn tiết, thịt loài động vật không cắt tiết và tránh gian dâm” (Cv 15, 28-29). Đây là một bước tiến rất quan trọng để Giáo hội có thể thanh thản đi tới các dân ngoại, mặc dù mới chỉ là một bước rụt rè và chập chững, vì vẫn chưa thực sự giải thoát Tin Mừng khỏi luật lệ Cựu Ước. Thánh Phaolô tỏ ra cương quyết hơn khi đưa ra nguyên tắc nền tảng về hội nhập văn hóa của Kitô giáo: “Do-thái với người Do-thái, Hy-lạp với người Hy-lạp,” và ngài đã quyết định “trở nên mọi sự cho mọi người” (1Cr 9,22). Và trên hết, việc hội nhập văn hóa phải được xây dựng trên nền tảng vững chắc và khuôn thước của Mầu Nhiệm Nhập Thể.

Nền tảng thần học về hội nhập văn hóa


Tin Mừng hội nhập vào các nền văn hóa đặt nền tảng trên mầu nhiệm Nhập Thể vì chưng tự bản chất Kitô giáo là đạo nhập thể và nhập thế. Con Thiên Chúa đã trút bỏ vinh quang của một vị Thiên Chúa để mặc lấy thân phận phàm nhân, sinh ra trong bầu không khí Cựu Ước, lớn lên trong nền văn hóa Do Thái, thì trong tiến trình hội nhập văn hóa, Tin Mừng cũng muốn trở thành một lời cụ thể trong và cho mỗi nền văn hóa như thế. Thực ra trong khi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã vượt qua những hạn chế của lề luật Cựu Ước và những nguyên tắc cứng ngắc của các đầu mục Do-thái hầu đem Tin Mừng đến cho mọi đối tượng thuộc nhiều nền văn hóa. Từ đó sứ điệp Tin Mừng được loan báo một cách mạnh mẽ và rộng khắp hơn.

Trước hết, qua biến cố Ngũ Tuần với việc dân chúng nghe các Tông đồ nói thứ tiếng của họ, chính Thiên Chúa đặt nền tảng cho mọi công cuộc loan báo Tin Mừng: những người được kêu gọi đón nhận đức tin không bị buộc phải từ bỏ ngôn ngữ hay văn hóa của mình để gia nhập Hội Thánh, như các tân tòng Do-thái giáo, nhưng Ngài muốn được tôn vinh và chúc tụng bằng mọi thứ ngôn ngữ, mọi nền văn hóa. Như thế sự đa dạng đa năng giữa các chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô mới hiển thị rõ nét (x. 1Cr 12,12-13), cũng như công trình của Chúa Giê-su và Thần Khí của Người là qui tụ về một mối những con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi được biểu hiện cách minh bạch (x. Ga 11,52).[3] Sau thời các Tông Đồ, các Giáo phụ như Giustinô, Clêmentê, Origène, Ambrôsiô, ... đã nỗ lực suy tư tìm cách thích nghi Tin Mừng với nền triết học và văn hóa Hy-lạp. Các ngài đã sử dụng triết học, ngôn ngữ và cả phong tục cũng như lễ nghi của xã hội Hy-La để trình bày Tin Mừng cho họ. Thánh Basiliô khuyên các bạn thanh niên nên bắt chước con ong biết hút lấy những nhị hoa ở các nền văn minh Hy-La để làm phong phú cho đời sống đạo của mình. Thánh Clêmentê khám phá ra “mầm Ngôi Lời” nơi triết học Hy-lạp và cho rằng nó có giá trị khai mở đối với chân lý mặc khải. Thiên Chúa đã mặc khải cho dân Do-thái qua Cựu Ước thì cũng ban cho người Hy-lạp triết học để nhờ đó họ có thể đến với Ngài. Thánh Justinô cho rằng không chỉ có các tiên tri nhưng cả những triết gia cũng mang trong mình hạt giống của Lời và ngài coi những người sống theo chỉ dẫn của Lời là Kitô hữu: “Những ai đã sống hoặc đang sống theo Lời đều là những Kitô hữu.”[4]

Công đồng Vaticano II nhấn mạnh và khẳng định rằng chỉ có một sứ điệp duy nhất của Đức Kitô, một đức tin duy nhất truyền lại từ các Tông đồ, nhưng có nhiều cách thức diễn tả, khai triển khác nhau sao cho phù hợp với bối cảnh văn hóa của mỗi vùng miền. Công Đồng nói: “Các nhà thần học được mời gọi luôn tìm kiếm những phương thức thích ứng hơn để truyền thông giáo lý cho người đương thời: vì một đằng là kho tàng đức tin và các chân lý, một đằng là phương thức diễn đạt kho tàng đó, miễn sao giữ vững ý nghĩa và nội dung” (GS 62). Như vây, giáo hội đã phân biệt rõ ràng giữa kho tàng đức tin gồm các chân lý bất biến với các phương thức diễn đạt có thể rất khác nhau của các chân lý ấy. Hơn thế nữa, giáo hội đã chân nhận rằng “Các định chế, luật pháp, những lối suy tư và cảm nghĩ của người xưa truyền lại, không phải lúc nào cũng phù hợp với tình thế hiện tại” (GS 7). Thật vậy, “từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ, nhân loại đã bước sang một quan niệm động và tiến hóa hơn. Do đó phát sinh ra những vấn đề phức tạp hết sức mới mẻ đòi phải có những phân tích và tổng hợp mới” (GS 5). Trước một bối cảnh thế giới như thế, việc hội nhập văn hóa không phải chỉ là một việc được phép hay nên làm, mà là một việc phải làm.





[1] Đấng Bảo Trợ được dịch từ từ Goel trong tiếng Híp-ri (nghĩa là người thân thuộc gần nhất, có trách nhiệm bảo lãnh cho một người không còn cha mẹ trong mọi trường hợp).
[2] J. Dupont, Tám mối phúc thật, Thiện Cẩm dịch, (Tp. HCM: Tủ sách Đại kết, 1992), tr. 78.
[3] X. Lời Chúa cho mọi người, (bản dịch và phần chú thích của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ).
[4] Justinô, Hộ giáo, trích lại trong Giáo Trình Giáo Phụ Học của Lê Văn Chính (ĐCV thánh Giuse: 2009), tr. 54.

No comments:

Post a Comment