(Chia sẻ của Lm. Giuse Võ Công Tiến, GX Bưng Kè, GP Bà Rịa- Vũng Tàu)
Tin Mừng Lc 5,1-11
Một hôm, đám đông chen lấn nhau đến sát bên Người để nghe Lời Thiên Chúa, mà người thì đang đứng bên bờ hồ Ghen-nê-xa-rét. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Để tìm một vài ý tưởng cho bài chia sẻ trong Thánh lễ Tạ Ơn mừng Tân Linh mục hôm nay, tôi đã thử gõ vào ô tìm kiếm của trang mạng Google bốn từ này: Linh mục là ai?, và chỉ trong vòng 1/8 giây, tôi đã nhận được câu trả lời: “Chúng tôi có 3.340.000 lời giải đáp cho câu hỏi của bạn!”…
Thôi thì đủ cả!
Không kể câu trả lời của những người không có niềm tin vào Chúa hay những kẻ đối nghịch; có thật nhiều những câu trả lời đến từ những người có niềm tin và yêu mến Thiên chức Linh mục: có những thảo luận cao sâu, có những suy niệm đầy cảm xúc, có những bài ca bay bổng, những vần thơ với những ngôn từ và hình ảnh lung linh: Linh mục, vị đại diện Chúa Ki-tô, là Chúa Ki-tô thứ hai, là Thầy Cả Đời Đời, là người của Thiên Chúa, là người của Giáo Hội, là người của con người… “Linh mục, người là ánh sáng trần gian, là muối mặn cho đời, là hiện thân Chúa ta, là Hồng ân Chúa Cha… Linh mục, người là thang nối trời cao, người là suối ơn dạt dào, người là của lễ hiến dâng, người là tấm bánh trao ban, người là một bài ca cho hiển danh Chúa ta…”. 3.340.000 câu trả lời tìm thấy trong 1/8 giây quả là nhiều, nhưng trộm nghĩ, chúng chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi vì hằng ngày vẫn có hàng vạn hàng vạn câu trả lời của chính hàng vạn con người đã và đang sống đời Linh mục. Họ phải trả lời cho chính mình, cho tha nhân và cho Thiên Chúa câu hỏi: Linh mục, người là ai?
Giữa mênh mông của huyền nhiệm, những chia sẻ tiếp theo đây chỉ là những cảm nghiệm đơn sơ, những gợi ý suy tư. Câu trả lời xin dành cho mọi người, cho những ai muốn từ những gợi ý này để suy nghĩ sâu hơn và xa hơn. Xin khởi đi từ đoạn Tin Mừng vừa nghe.
Tin Mừng vừa gợi lên trong tâm trí chúng ta một hình ảnh thật cảm động: Trên chiếc thuyền đầy cá, Si-mon Phê-rô đang quỳ mọp bên chân Chúa Giê-su và thưa trong run rẫy: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. (Phê-rô không trốn chạy mà lại xin Chúa tránh xa mình). Còn Chúa Giê-su - hẳn là - với ánh mắt trìu mến, nụ cười bao dung, ân cần cúi xuống nâng Phê-rô dậy và nói: “Đừng sợ. Từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta”. Xin được tiếp tục chia sẻ một vài cảm nghiệm.
1. Cảm nghiệm về sự bất xứng của con người:
a) Thân phận tội lỗi: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”
Đó là cảm nghiệm đầu tiên của con người khi đối diện với Thiên Chúa. Đó là nỗi ngại ngùng lớn lao nhất của con người khi được mời gọi lãnh nhận thánh vụ. Ngôn sứ Isaia đã phải kêu lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế..” (Is 6,5)
Càng nhận thức rõ được về Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng nhận thấy mình tội lỗi bấy nhiêu. Linh mục hẳn phải là người nhận thức rõ về Thiên Chúa, bởi thế họ không thể không nhận rõ thân phận tội lỗi của mình. Đã thế, cái bản chất hay phạm tội của con người lại không được cất đi cho Linh mục trong ngày truyền chức. Làm sao không run sợ khi lãnh nhận và thi hành sứ vụ Chúa trao? Chắc hẳn trong chính kinh nghiệm này, mà Thánh Phao-lô đã phải thốt lên: “Kho tàng quý giá ấy, chúng tôi chứa đựng trong những bình sành” (2Cor 4,7)
b) Thân phận yếu đuối: Linh mục là người nối dài cuộc đời của Chúa Giê-su nơi trần thế, là người mà bằng cả cuộc sống của mình, làm cho Đức Ki-tô như hiện diện cách hữu hình giữa lòng nhân loại. Thế mà có dễ dàng gì đâu, để người Linh mục mặc lấy những tâm tình của Đức Ki-tô, để hành xử như Đức Ki-tô hành xử! Bởi vì luôn luôn vẫn còn đó, nơi họ, những khuynh hướng, những ước muốn dẫu rất người, nhưng lại là những cản trở cho đời Thánh Hiến. Cha Michael Quoist đã bày tỏ nỗi niềm với Chúa qua lời kinh của mình rằng:
“Con đã dâng cho Chúa tất cả vì Chúa cần đến con. Nhưng lạy Chúa, dâng như thế thật là khó:
- Thật là khó, khi con đã hiến dâng thân xác con cho Chúa, nhưng thân xác ấy cũng muốn dành cho kẻ khác.
- Thật là khó, khi con phải yêu thương mọi người mà không dám giữ lại một ai cả.
- Thật là khó, khi con bắt tay một người mà không thể cầm họ lại
- Thật là khó, khi con khơi được một tình thương nhưng rồi phải dâng nó lên Chúa
- Thật là khó, khi con phải luôn ban phát mà không được tìm cách lãnh nhận.
- Thật là khó, khi con phải sống một mình: một mình trước mặt mọi người, một mình trong thế giới, một mình với đau khổ, một mình giữa tội lỗi, một mình trước cái chết…”
c) Thân phận bất tài, vô dụng: Mang trong mình sự yếu đuối tinh thần đã thế, người Linh mục còn mỏng giòn trong thân xác, kém cõi về tài năng. Sứ mạng Chúa trao ví thử Ngũ Hành Sơn đang chực đè bẹp những ai lãnh nhận:
- “Lạy Thầy, chúng con vất vả thâu đêm mà chẳng được gì” (Lc 5,5)
- “Lạy Thầy, xin cứu chúng con, chúng con chết mất” (Mt 8,25)
-“ Thưa Thầy, chúng con kiếm đâu ra bánh cho ngần ấy người ăn?!” (Mt15,33)
- “Thưa Thầy, tại sao chúng con không trừ được thứ quỷ này?” (Mt17,19)
Đó là kinh nghiệm ngàn đời của những môn đệ Chúa. Đó sẽ là kinh nghiệm của cả cuộc đời Linh mục trong khi cặm cụi với sứ vụ, giữa biển đời giông tố và trước muôn vàn nhu cầu của đoàn chiên.
Chẳng thế mà, đã có người thốt lên lời thoái thác khi Chúa gọi đến tên. Như Mô-sê ngày xưa đã tranh đấu với Chúa: “Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con…, con không phải là người biết ăn nói.” (Xh 4,10) và “Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con…, xin Chúa sai ai làm môi giới thì sai.” (Xh 4,13). Hay như ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã thốt lên trong cơn hoảng sợ: “Ôi lạy Chúa, con chỉ là trẻ nít…” (Gx 1,6). Hay hẳn là đã có những môn đệ hôm nay đang lao đao trong cơn cám dỗ muốn thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, chiều nay, con muốn đặt trước Chúa đơn từ nhiệm của con”.
2. Câu trả lời của Chúa:
a. Thế mà, đã gọi là Chúa vẫn gọi:
“Hãy theo Thầy!” (MT 9,9). Như đã nói trong sách Isaia: “Ta là Đức Chúa, ta đã gọi đích danh ngươi.” (Is 42,6). Hoặc như đã nói cùng Ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ Mẹ, ta đã biết ngươi”. (Gr 1,5)
Chúa đã biết trước thân phận của người Linh mục, nhưng Ngài vẫn chọn gọi, để lời quả quyết: “Chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16) trở thành một hồng ân nhưng không được trao tặng.
b. Bởi nếu như:
- Người môn đệ bối rối vì thân phận tội lỗi của mình ư?
“Đừng sợ. Từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta” (Lc 5,10)
“Các con đã được sạch nhờ Lời Thầy đã nói với các con”
- Người môn đệ lao đao vì sóng gió biển đời ư?
“Có Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27)
- Người môn đệ boăn khoăn trước nhu cầu lớn lao của đoàn chiên ư?
“Anh em cứ bảo họ ngồi xuống!” (Ga 6,10)
- Người môn đệ bất lực trước sức mạnh của sự dữ ư?
“Đem lại đây cho Thầy” (Mc 9,19)
Trước nỗi lo sợ muôn mặt của người môn đệ. Chúa Giê-su lên tiếng bảo:
“Đừng sợ, có Thầy ở với con!” Vì “Ơn Thầy đủ cho con, và sức mạnh của thầy biểu lộ trong sự yếu đuối của con.” (2Cor 12,9)
Lời Chúa đem lại sức mạnh cho người môn đệ, để “Dựa vào lời Thầy” người môn đệ giăng buồm thả lưới. Không còn phải lo sợ, trái lại, người môn đệ học lấy tâm tình của Thánh Phao-lô: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi.” (2Cor 12,9). Việc của người môn đệ là vứt mọi sự mà theo Thầy. Linh mục là như thế chăng?
Có một cảm nghiệm thật hay xin tặng riêng Tân Linh mục hôm nay, cảm nghiệm của Thánh Gio-an kim khẩu, Ngài nói: “Hỡi Linh mục, Ngài là ai? Ngài không phải bởi ngài, vì ngài bởi hư vô. Ngài không phải cho ngài, vì ngài là trung gian dẫn tới Thiên Chúa. Ngài không thuộc về ngài, vì ngài sống cho một mình Thiên Chúa. Ngài không phải là của ngài, vì ngài là tôi tớ của mọi người. Ngài không phải là ngài vì ngài là một Ki-tô khác. Thế thì ngài là ai vậy? Chẳng là ai cả, nhưng lại là tất cả!”. “Chẳng là ai cả, (trong cá thể mình) nhưng lại là tất cả (trong sứ vụ Chúa trao)”. Amen
Lm. Giuse Võ Công Tiến, GX Bưng Kè, GP Bà Rịa- Vũng Tàu
bài giảng của anh năm nì.Lm. Giuse Võ Công Tiến, GX Bưng Kè, GP Bà Rịa- Vũng Tàu
ReplyDelete