Tuesday 17 December 2013

Học biết lắng nghe và thấu cảm

                  Con người là một hữu thể tương quan, và nhu cầu thâm sâu nhất của con người là yêu và được yêu, hiểu biết và được hiểu biết. Để nhu cầu đó được đáp ứng một cách thỏa đáng cần có sự chia sẻ và cảm thông chân thành giữa người với người. Sự chia sẻ đúng nghĩa phải là lời bày tỏ tâm tư chân thành từ tận đáy lòng. Đây chính là lúc ta mở lòng ra với người khác để cùng cảm thông chia sẻ. Vì lời chia sẻ phát xuất từ con tim nên cần được lắng nghe bằng cả tấm lòng.

Trên thực tế để lắng nghe và thật sự thấu hiểu một con người là một thách đố lớn. Trước hết, không dễ gì người ta có thể bày tỏ những kinh nghiệm sâu xa trong cuộc đời của họ, bởi vì, “khi tôi chia sẻ những cảm nghiệm của tôi chính là lúc tôi bộc lộ tâm hồn mình cho người khác. Khi tôi nói cho bạn về quá khứ của tôi hay là những tình cảm hiện thời tôi có thì đó chính là cách tôi nói cho bạn biết tôi là ai, bởi tôi đã nói cho bạn biết cách mà tôi kinh nghiệm cuộc sống. Trong mức độ nào đó, tôi đang cho bạn thấy một phần bản chất thực của tôi.”[1] Và khi một ai bộc lộ tâm hồn mình cho người khác là họ đã dám liều bởi vì sự chia sẻ của họ có thể không được lắng nghe, thậm chí bị phản đối hay chê cười. Về phía người nghe, chúng ta sẽ chẳng có khó khăn gì khi nghe một người khác trình bày một tư tưởng. Nhưng sẽ khó khăn cho chúng ta khi lắng nghe những tâm tình sâu lắng nhất của một người, nghĩa là lắng nghe và đón nhận cả con người thực của họ. Mỗi con người là một thế giới kinh nghiệm độc nhất vô nhị mà ta chưa thể hiểu thấu được, nên khi lắng nghe ta cần trao cho người ấy một tâm hồn tươi mới để cũng có thể đón nhận những kinh nghiệm mới. Được lắng nghe bằng một tình yêu chân thành và thái độ ân cần, người khác sẽ chia sẻ một cách thoải mái và chân tình hơn, đặc biệt khi họ cảm nhận được sự kính trọng sâu xa trong cách lắng nghe của ta. Điều này có thể được gọi là “sự lắng nghe sáng tạo”, vì nó làm phong phú cho cả người nghe lẫn người nói.

Từ việc lắng nghe đến sự thấu cảm là cả một chặng đường dài vì mỗi người là một thế giới khác biệt. Người Bắc không thể hiểu được tại sao người Nam quá phóng túng. Người già không thể hiểu tại sao thế hệ trẻ quá ư liều lĩnh và bồng bột. Người nông thôn không thể hiểu được tại sao người thành thị lạnh nhạt đến thế. Để vượt qua những khác biệt quá lớn giữa mình với tha nhân, ngoài việc ân cần lắng nghe với cả con tim chân thành, chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh, địa vị, tập quán, văn hóa và sự hiểu biết của họ. Làm được như thế, ta có thể hòa mình vào được trong thế giới kinh nghiệm của người nói một cách sống động hơn, và dĩ nhiên, chúng ta dễ nghe được âm thanh người ấy đã nghe, cảm được những gì người ấy đang cảm. Đó chính là những món quà, những hồng ân của cuộc sống mà không một thế lực nào có thể mang lại cho ta được.

 



[1] Desmond O’ Donnell, sđd, tr. 12.

No comments:

Post a Comment