Wednesday, 18 December 2013

Tĩnh tâm gt Gxứ Tân Phước: TC MUỐN CỨU TÔI TRONG SỰ TRẦN TRUỒNG CỦA TÔI


            Các bạn trẻ thân mến,

Gần đây nạn quấy rối tình dục đã lan tràn và gây chấn động mạnh ở nhiều nơi. Trước tình cảnh đó, đã có nhiều sáng kiến được đề nghị. Sau vụ một nữ sinh bị hãm hiếp tập thể trên xe buýt, phụ nữ Ấn Độ được khuyến cáo không để chân trần hoặc mặc váy ngắn ra đường. Trước xu hướng ngày càng nhiều học sinh mặc váy ngắn đến trường, một cuộc biểu tình kêu gọi nữ sinh nên mặc váy quá đầu gối đến trường và nơi công cộng đã được tổ chức ở Cămpuchia. Vài năm gần đây, phụ nữ Việt Nam có sáng kiến dùng một cái váy dài che cái váy ngắn khi mặc váy ra đường.

            Có một nghịch lý ở đây là, người phụ nữ vừa muốn người khác nhìn mình với ánh mắt ‘trầm trồ’ nhưng lại cảm thấy xấu hỗ trước những cái nhìn thèm muốn của người khác. Ai cũng muốn phô diễn vẻ đẹp trời phú trước người khác, nhưng
không ai muốn người khác biến mình thành một đồ vật để thỏa mãn dục vọng của họ. Tuy nhiên, thật lạ lùng, đã có một thời con người không xấu hỗ trước mặt nhau và không nhìn nhau bằng ánh mắt ‘muốn ăn tươi nuốt sống’ nhau.

  1. Tình trạng thánh thiện nguyên thủy của con người (Clip vườn địa đàng: TC dẫn Adam – Evà đi dạo)

Kinh Thánh ghi “Ông bà trần truồng mà không xấu hỗ trước mặt nhau” (St 2,25). Quả vậy, họ nhìn nhau bằng ánh mắt thánh thiện, nhìn ra những giá trị cao đẹp và phẩm giá không bị tổn thương bởi những ánh mắt. Họ cũng không xấu hỗ trước mặt Thiên Chúa khi Ngài dẫn họ đi giới thiệu vườn địa đàng. Adam và Evà trần truồng tung tăng trước mặt Thiên Chúa mà không có một mặc cảm, sợ hãi hay xấu hỗ nào. Họ thật sự thánh thiện, trong trắng vô ngần, họ chưa phạm tội.

  1. Ý thức thân phận trần trụi, khố rách áo ôm của con người (Clip Chử Đồng Tử trốn tránh dân làng và đoàn tùy tùng của Tiên Dung).

Người ta bảo “Nghèo xơ nghèo xác, nghèo nát mồng tơi, ngheo rơi nước mắt, nghèo thắt cả lưng quần” nhưng gia đình Chử Đồng Tử lưng quần cũng không có mà thắt, vì hai cha con chỉ có một cái khố vải, phải thay đổi cho nhau dùng mỗi khi đi ra ngoài. Một hôm cha Chử bệnh nặng, trước khi chết trăn trối cho con nên giữ khố mà dùng thay vì dùng mai táng cho cha. Nhưng khi cha Chử chết, Chử không nỡ nên mặc nên chôn cha với cái khố duy nhứt, vì vậy chàng không có gì để che thân. Trần truồng đói rét, Chử thường sống ở các bụi lau dọc bờ sông, xa các nơi có cư dân và câu cá mà sống. Lau và lách là loại cây có lá rất sắc, tương tượng lưỡi dao, nếu không cẩn thận đụng phải sẽ bị cắt da chảy máu. Sông nước là môi trường không an toàn vì lũ lụt bất ngờ, nhiều sinh vật nguy hiểm sinh sống. Thế mà Chử chấp nhận đối diện tất cả những rủi ro đó chỉ để tránh ánh mắt con người. Con người trốn tránh nhau vì xấu hỗ. Người ta không dám giáp mặt nhau khi trần truồng!

-          (Clip Adam – Eva sa ngã, kết lá vả che thân và trốn tránh Thiên Chúa) Adam – Evà kết lá vả che thân và trốn tránh ánh mắt Thiên Chúa.

Con người luôn mặc cảm và xấu hỗ về thân phận trần trụi hay “khố rách áo ôm” của mình. Người ta thường tránh những người bị tiếng là biết ‘tỏng tòng tong’ suy nghĩ người khác. Ít ai dám thổ lộ mọi dục vọng ước muốn hay tội lỗi của mình, vì chưng chúng thường chẳng trong sáng lắm. Một giấc mơ rất phổ biến là mơ thấy mình trần truồng giữa chốn đông người. Khoa giải mã giấc mơ giải thích rằng người có giấc mơ như vậy là người đang làm hay suy tính một điều gì đó mờ ám, sợ người khác phát hiện. Nỗi lo bị khám phá ra sự thật đó thể hiện trong giấc mơ. Quả vậy, với thân phận làm người, ai cũng có những lỗi lầm yếu đuối riêng, không muốn người khác nhòm ngó và chính mình cũng không muốn nhìn thẳng vào nó. Nhìn thẳng vào sự thật đã khó, ‘ngắm ngía’ sự thật đời mình còn khó hơn vì nó xoáy vào nỗi đau của tâm hồn. Vết thương lòng dường như đã lành khi được bao phủ bởi lớp da công việc và lớp bụi thời gian. Nhưng không, nó còn mưng mủ bên trong, máu vẫn âm ỉ chảy. Đau đớn lắm khi khám phá ra rằng tâm hồn mình vấy lắm bùn nhơ. Tuy nhiên, chỉ khi nào chúng ta dám trở về với chính mình, đối diện với con người thật của mình, gặp gỡ cái tôi to tướng của mình, chúng ta mới thực sự hoán cải và mới có thể gặp Chúa. Và Chúa muốn gặp chúng ta trong cảnh trần trụi, khố rách áo ôm đó. Chúa không thích gặp xã giao bên ngoài mà muốn gặp con người thật, con người đầy tội lỗi của chúng ta.

  1. Thiên Chúa muốn gặp con người trong sự trần trụi, khố rách áo ôm của họ

(Clip Thiên Chúa gọi Adam – Evà ra khỏi bụi cây)

Gia-cóp là một con người lắm tham vọng và đầy mưu mô. Lúc nhỏ ông dùng bát cháo để đổi lấy chức trưởng nam của Exau. Lớn lên ông lập mưu, lừa cả người cha đang hấp hối để được chúc lành hầu được kế nghiệp cha. Thủ đoạn của ông đã giúp ông đạt được tham vọng, nhưng chưa một ngày ông cảm thấy yên lòng. Sợ người anh trả thù ông đã dùng nhiều đàn chiên bò đi trước làm quà. Ông nghĩ quà cáp sẽ làm nguôi lòng Exau. Tuy nhiên, ông vẫn chưa dám gặp mặt anh mình. Đêm cuối, cái đêm định mệnh của đời ông (ông nghĩ thế), ông đã phải ‘đấu vật’ với chính mình suốt đêm. Cuộc đấu không cân sức, ông luôn luôn bị thua. Nhưng ông đã không bỏ cuộc, đến sáng, người đánh vật với ông bảo: “buông ra vì trời sáng rồi, ta phải đi.” Ôm chặt lấy chân người đó, ông đáp: “nếu ngài không chúc phúc cho con, con sẽ không buông tay.” Đấng đó đành phải chúc phúc cho ông. Và ông đã tự tin để gặp anh mình.

Gia-cóp đã dám đối diện với chính mình, với sự thật đời mình, dù rất khó khăn. Và nhờ gặp được chính mình, ông đã gặp Chúa. Gặp Chúa rồi, ông can đảm ra đi gặp người anh mình. Nhờ trở về với chính mình, ông đã gặp Chúa và gặp tha nhân, và cuối cùng ông đã trở thành tổ phụ của Ít-ra-el dân Chúa.

Nhân vật thứ hai cũng trong Cựu Ước đã có một cuộc hoán cải ‘ngoạn mục’ là Đavít. Khi nghe ngôn sứ Nathan kể chuyện một người giàu có có cả hàng ngàn hàng vạn bò bê, nhưng nhà có khách không chịu bắt con nào để đãi mà qua bắt con chiên cái duy nhất của người nghèo bên cạnh, vua liền đùng đùng nổi giận bảo: “Thắng khốn đó thật đáng chết, nó phải đền gấp bốn con chiên cái vì nó đã làm điều đó và đã không có lòng thương xót” (2Sml 12,6). Nhưng ngôn sứ Na-than bảo: “Kẻ đó chính là ngài”. Thay vì nổi giân hay chạy tội, ông đã hối hận, ăn chay nằm đất. Ông nói với Nathan: “Tôi đã đắc tội với Đức Chúa” ( 2Sm 12,13). Chúng ta thấy rằng trước khi hoán cải vua Đa-vít nghĩ người khác sai, người khác thiếu lòng thương xót mà không hề soi lại lòng mình. Tuy nhiên, khi nghe Lời Chúa phán qua miệng ngôn sứ Na-than, ông đã thay đổi cách nhìn. Thay vì nhìn xoi mói người khác, xem có ai làm gì sai không, xem họ có thực thi lòng thương xót không, thì ông quay lại nhìn mình, đối diện với chính mình, và ông đã nhận ra con người thật của mình, một con người nhuốc nhơ, tội lỗi: thằng khốn đó chính là tôi!

Nhờ biết soi gương lòng mình, biết nhìn nhận sự thật đời mình, đối diện với sự trần truồng, trơ trẻn của mình, ông đã gặp được Chúa. Và nhờ đó, ông đã được Đức Chúa thứ tha. Đức Chúa phán qua miệng Nathan: “Về phía Đức Chúa, Đức Chúa đã tha thứ tội cho ngài và ngài không phải chết.”

Bài Tin Mừng hôm nay nói về sự hoán cải của người Do-thái. Tin Mừng Lu-ca còn nói rõ hơn từng đối tượng tìm đến với Gioan để chịu phép rửa. Họ nói: Chúng tôi là người thu thuế, là những người chuyên tham ô, chuyên lường gạt đồng bào, chúng tôi phải làm gì? Chúng tôi là quân nhân, thường ức hiếp dân lành, chúng tôi phải làm gì? Họ muốn hoán cải, muốn chuyển hướng đi của cuộc đời. Chúng ta thấy trong câu hỏi của họ có hai yếu tố: chúng tôi là ... và chúng tôi phải làm gì? Trước hết họ tự xưng họ là ai, là hạng người nào, phạm những lỗi lầm gì và sau đó họ muốn biết họ phải làm gì.

Thánh Phêrô, Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội cũng đã từng phản bội Thầy mình. Thế nhưng, ông đã biết tội mình mà khóc lóc. Phêrô đã dám đối diện lỗi lầm của mình để ăn năn, để hoán cải và ngài đã được Chúa đón nhận, và hơn thế nữa, trao cho

Chẳng có ai vô tôi và cũng không ai công chính hoàn toàn cả. Do đó, chúng ta phải trở về với chính mình, biết mình là ai mới có thể hoán cải, và đổi đời được. Mỗi người chúng ta phải nhìn vào chính mình, xem mình là ai trước khi hỏi Chúa con phải làm gì. Ví dụ: con là sinh viên, con phải làm gì? Con là y sĩ, con phải làm gì? Con là công nhân, con phải làm gì? Con là người bán vé số, con phải làm gì? Rồi thực tế hơn nữa: con hay lười biếng, con phải làm gì? Con thường gian lận, con phải làm gì? Con thích thoọc gậy bánh xe người khác, con phải làm gì? Con ham mê nhục dục, con phải làm gì? Con hay buôn dưa lê, nói xấu bạn bè, con phải làm gì?

Sau khi đặt cho mình những câu hỏi căn bản, liên hệ trược tiếp đến con người thật của mình, bạn hãy nhớ rằng: THIÊN CHÚA MUỐN GẶN BẠN TRONG SỰ TRẦN TRUỒNG TRƠ TRẺN ĐÓ CỦA BẠN, hay nói khác hơn, THIÊN CHÚA MUỐN GẶP CON NGƯỜI THẬT CỦA BẠN & CỨU CON NGƯỜI ĐÓ thay vì CÁI MẶT NẠ BÊN NGOÀI!

No comments:

Post a Comment