Wednesday 2 March 2016

CỦA CHUNG

-                      Bánh mỳ ai dzậy?
-              - Em
Nàng đặt vội bịch bánh mỳ lên đùi tôi rồi bạch vú cho con bú. Thấy lạ tôi hỏi khéo ‘Bánh mỳ của ai đây’, nhưng lạ hơn khi nàng trả lời gọn lỏn ‘Của em!’ và không tỏ dấu hiệu gì gọi là ‘hiểu ý’ tôi. Tôi đành ngồi ôm cục bánh mỳ trong suốt chặng đường dài trên chuyến xe đò chật như nêm. Vì quá nóng nực tôi phải loay hoay treo nó lên ngay trước mặt mình. Tuy nhiên, tôi phải trông chừng nó cùng cái mặt của tôi trên tuyến đường gập ghềnh. Thật sự tôi cảm thấy khó chịu khi phải ‘ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng’ như thế nhưng vì thương ‘mẹ dại con thơ’ nên đành làm ngơ cho được việc.
Một lúc sau, không biết vô tình hay hữu ý, nàng để đầu đứa trẻ ngã trên tay tôi nhễ nhại mồ hôi. Tôi thích ngắm trẻ con, đặc biệt khi chúng ngủ. Trong vài phút tôi không thể rời mắt khỏi đứa trẻ. Nhưng tôi nhanh chóng liếc đi chỗ khác khi chợt nhận ra bên cạnh khuôn mặt đứa trẻ là cặp núi đôi căng phồng trần trụi và cũng nhễ nhại mồ hôi của nàng.
Một lúc sau, vì quá mỏi tay, tôi tế nhị:
-        Con em ngủ à?

Lại một lần nữa nàng đáp gọn lỏn nhưng lễ phép:
-        Dạ!
Vô vọng vì không thể khơi gợi sự chú ý của nàng về sự bất bình của tôi, tôi miên man suy nghĩ.
Mới đầu nàng bắt tôi giữ bịch bánh mỳ nặng trịch, sau đó lại thêm cái đầu thằng nhỏ. Tôi từ luống cuống đến loay hoay rồi bấm bụng chịu đựng nhưng nàng coi như chẳng có gì xảy ra. Qua cách nói chuyện, xem ra nàng cũng không thuộc hạng sỗ sàng hay thiếu tế nhị, ngược lại, khá lịch thiệp, nhỏ nhẹ và ra dáng con nhà đài các. Vậy tại sao? Tại sao nàng không hiểu ý tôi? Tại sao nàng ngang nhiên bắt tôi làm thằng khờ ‘khôn nhà dại chợ’ như thế?
Về tới nhà tôi tính thắc mắc cùng chủ nhà, một ngươi khá thông hiểu văn hóa, phong tục tập quán ở đây. Nhưng không may người tôi gặp lại là ‘cu bọ’ – thằng bé nấu cơm cho tôi. Như thường lệ, em nấu nhiều gấp ba lần phần ăn của tôi. Sẵn dịp tôi nhắc:
-        Tớ ăn như mèo, cậu nấu nhiều dữ?
-        Con nấu luôn cho mấy đứa nhỏ trong nhà.
-        Tụi nó có mẹ nó lo. Bữa nào cậu cũng cho tụi nó ăn tụi nó bỏ cơm nhà. Phí!
-        Da đen chúng con là vậy, nấu cơm mà không cho con nít trong nhà ăn là không coi được.
-        Nhưng mà … À thôi, cậu làm sao đó cho coi được …
Tôi thật sự bất bình nhưng đành ngậm bồ hòn vì tôi biết tranh luận với phụ nữ và trẻ em thường rất tốn nước bọt mà kết quả chẳng tới đâu vì họ suy nghĩ bằng trái tim và hành động bằng cảm xúc chứ không lô-gích kiểu đàn ông.
Tuy nhiên hai chữ ‘con nít’ đánh thức tiềm thức ngái ngủ của tôi. Khi tham gia khóa ‘Nghịch giao Văn hóa’ tôi vừa ngủ vừa nghe giáo sư nói rằng “Con nít ở Châu Phi là ‘của chung’ của mọi người chứ không riêng gì cha mẹ nó, nên ai cũng phải có ‘trách nhiệm’ với chúng. Do đó, người ta thường sinh rất nhiều con và số con cái biểu hiện sự phong nhiêu và thành toại của một gia đình”
Một gia đình thường có đến 20-30 đứa con nít, vì thường các anh em trai lấy vợ rồi ở chung một nhà, và một người đàn ông có thể có đến 3-4 bà vợ. (Như ba của ‘cu bọ’ của tôi có đến 5 bà vợ và 57 người con.) Tuy nhiên, bất cứ ai nấu nướng gì, dù nhiều hay ít, cũng phải cho tất cả con nít ăn. Bạn đọc có thể thắc mắc ‘của đâu cho đủ’, nhưng mọi vấn đề đều có giải pháp, do đó, thói tục này mới tồn tại qua nhiều thế hệ đến thế. Tỉ dụ, trong gia đình có 10 bà vợ và có 30 đứa con nít. 10 bà sẽ có 10 bếp nấu nướng khác nhau. Bà nào nấu xong trước sẽ bới cho chồng mình và phần còn lại chia ra khoảng 2-3 tô cho con nít. Thường thì tất cả sẽ tranh nhau ăn vì con nít háu đói, nhưng mỗi đứa may ra thì được một nắm. Những bà khác cũng làm tương tự và cuối cùng thì em cũng no vì được ăn nhiều lần, dù mỗi lần chỉ một nắm.
Trong trường hợp của tôi, tôi là một ông chồng chung thủy vì chỉ có một ‘cu bọ’ làm vợ, và ‘vợ’ tôi cũng phải cho con nít ăn như các bà vợ khác. Không có ngoại lệ. Hết thắc mắc!
Còn trường hợp đi xe với người phụ nữ trẻ kia cũng được lý giải bằng nguyên lý: “Con nít là ‘của chung’”. Bước lên xe và được ngồi cạnh một người không ‘tay bồng tay bế’, nàng thản nhiên ‘bắt’ tôi chia sẻ ‘trách nhiệm’. Mới đầu là bịch bánh mỳ và sau đó là cái đầu thằng nhóc. Thằng nhóc là ‘của chung’. Tôi mang bánh mỳ và đỡ cái đầu, nàng nâng cái thân và cặp giò. Vậy là công bằng. Ai cũng nhễ nhãi mồ hôi.

(còn tiếp: phần II sẽ nói về nguồn gốc và ảnh hưởng của não trạng ‘CỦA CHUNG’ trong đời sống; trong phần III, người viết sẽ mạo muội so sánh não trạng ‘của chung’ với não trạng tư nhân hóa thái quá trong xã hội hiện đại; phần cuối sẽ là một vài suy tư thần học khiêm tốn về chủ đề này).

No comments:

Post a Comment