Em là cô gái Phương Tây
Đến đây bỏ lại đông đầy yêu thương
Anh là trai xứ Đông Phương
Gửi thân đất lạ đoạn trường lênh đênh
Phi Châu điểm hẹn trang tình
Nồng nàn ghép nối chúng mình nên đôi
Nên đôi nhưng chẳng sánh đôi
Anh lên xứ núi em hồi bến xuôi
Bến xuôi em dựng tình người
Núi cao anh giảng nước trời đẹp thay
(Tamale 18/09/2015. Cảm hứng chia tay cô gái người Pháp, thuộc hội giáo dân truyền giáo, sau khoá học Phong tục tập quán cho các nhà truyền giáo trẻ. Họ đã tổ chức 'lễ cưới' cho chúng tôi khi phải chia tay em sớm).
Có lẽ cần trọn một ngày để nói về hai từ "vợ" và "chồng" trong văn hoá của vùng đất tôi đang ở.
Trước hết, người ta từng nghĩ người da trắng không dựng vợ gã chồng như họ. Lý do là vì những người da trắng đầu tiên sống với họ là lính lác, sỹ quan và các tu sỹ - linh mục. Lính lác và sỹ quan thì không mang vợ con ra trận còn tu sỹ - linh mục thì không có vợ con để mang theo. Do đó, họ từng nghĩ rằng người da trắng chỉ toàn đàn ông và không bao giờ có vợ. Nhiều nơi, họ chỉ gặp các tu sỹ - linh mục nên họ nghĩ 'đã là da trắng thì phải là các cha cố (linh mục) thôi'. Cho nên, gặp bất cứ ai da trắng họ cũng gọi 'cha' (fa-đà).
Thứ đến, cho đến bây giờ có nhiều người chưa thiể phân biệt được đàn ông da trắng và đàn bà da trắng. Có lần tôi đã kể rằng tôi bị nghi là đàn bà và họ đòi xem vú tôi. Lý do chỉ vì đầu tóc. Tôi không để tóc dài như phụ nữ Việt Nam mà chỉ quên cắt sau vài tháng. Nhưng với họ như vậy là dài và chỉ đàn bà con gái mới để tóc như vậy.
Tiếp theo, họ từng hiểu lầm các xơ và các cha là vợ chồng. Sau một thời gian truyền giáo "các cha áo trắng" (white fathers - Missionaries of Africa) mời "các xơ áo trắng" (white sisters - MSOLA) qua cùng truyền giáo. Thế là họ họ kháo nhau: "À, rốt cuộc họ cũng đem vợ qua". Nhưng họ vẫn chưa hiểu được tại sao vợ chồng mà lại ở khác nhà. (Lúc đầu các xơ ở trong khuôn viên nhà xứ cùng với các cha nhưng ở khác nhà và cách nhau vài trăm mét). Không nhịn được sự tò mò, nhiều lần họ trèo lên cây ngồi rình suốt đêm xem các 'ông chồng' có mò qua hú hí với các 'bà vợ' không. Lại một phen kinh ngạc. 'Vợ chồng chi lạ, không hú hí cũng chẳng con cái'.
Từ đó, cứ gặp người da trắng là họ 'gửi vợ' hoặc 'gửi chồng' bằng cách chỉ vào con cái họ, dù các em chỉ mới 2,3 cho đến 15,16 tuổi, và nói với các cha hoặc các xơ "lấy nó đi, vợ cha đ / chồng xơ đó". Đương nhiên chẳng ai dám phạm tội tảo hôn, cái tội mà mình luôn kêu gọi từ bỏ. Dần dà thành quen, cả hai bên lấy việc gán vợ - kết chồng đó làm trò vui. Và rồi các cha có rất nhiều vợ và các xơ có rất nhiều chồng nhưng đêm về thì một thân một mình. Đúng là 'lắm mối tối nằm không'.
Chưa hết, câu chuyện truyền giáo đó ăn sâu vào đời sống và trở thành nét văn hoá. Người ta dễ dàng gọi nhau là vợ chồng, bạn bè để thiết lập mối quan hệ kinh tế và xã hội. Tôi là chồng của bà bán rau vì tôi hay ghé mua mấy bó rau giềnh. Xơ Tê-rê-xa là vợ ông Mô-sê lé vì xơ hay thuê ông cuốc vườn. Như vậy, tôi cần mua bao nhiêu thứ thì sẽ có bấy nhiêu vợ...
Mối quan hệ bạn bè cũng tương tự. Rất thân thiện và cũng rất vụ lợi. Cũng gần như ta quen Tây vậy thôi. Trước hết là để loè mình có bạn sang, sau là để mong được giúp đỡ. Âu đó cũng là lẽ thường tình. Người nghèo luôn mong được giúp đỡ, luôn cầu phép mầu. Gẫm cho kỹ thì bạn và tôi cũng không xa chỗ đó bao nhiêu. Ai lúc nhỏ chẳng mê chuyện cổ tích "Cô bé lọ lem", "Đồng Tử - Tiên Dung", ... và tất cả những câu chuyện kể về những sự đổi đời chóng vánh nhờ may mắn gặp được các hoàng tử, công chúa giàu có hay ông bụt bà tiên tốt bụng.
Tôi nghĩ chẳng có gì sai trái trong những ược vọng rất con người đó. Đặc biệt khi Chúa vẫn đặt để trong lòng các hoàng tử công chúa hay ông bụt bà tiên bằng xương bằng thịt những tấm lòng vàng sẵn sàng nâng đỡ nhau giữa cảnh đời mênh mông.
Cuối cùng, tôi muốn cùng họ xin Chúa thêm sức, cầu Mẹ hộ phù hầu mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn để thay thế đổi thời.
No comments:
Post a Comment