Tôi lấy được vợ, tôi thôi nhà thờ”.
Chào gia đình Nazareth,
Tôi và chồng tôi cưới nhau được gần 1 năm, hiện chúng tôi chưa có con và sống rất hạnh phúc. Chồng tôi là một người ngoại đạo, trước khi cưới đã rửa tội và chúng tôi đã làm lễ cưới. Trước khi cưới anh ấy hứa sau này sẽ đi lễ với tôi mỗi chủ nhật và các lễ trọng. Cưới xong anh vẫn thường xuyên đi lễ cùng tôi nhưng anh không tin Chúa, không tin đạo, nên đi lễ chỉ là vì tôi. Tôi yêu cầu anh ấy đọc kinh cầu nguyện cùng tôi, làm dấu trước khi ăn cơm, và xưng tội... nhưng anh ấy không làm theo và nói mình theo đạo nào cũng chỉ cần mình sống tốt là được.
Và đúng như lời anh ấy nói, anh ấy là 1 người rất tốt bụng, thương vợ, yêu gia đình, hiếu thảo với ba mẹ cả 2 bên, sống mẫu mực, siêng năng, chịu khó...Nói chung tôi rất yêu chồng vì tất cả những lý do đó. Nhưng cứ mỗi lần nhắc đến vấn đề tín ngưỡng chúng tôi lại giận nhau, tôi yêu cầu anh ấy theo đạo nghiêm túc, anh ấy trả lời: nếu anh theo mà miễn cưỡng như vậy thì không thật lòng, anh luôn nói với tôi tại sao bên công giáo mình lại bất công, ví dụ yêu nhau thì bắt buộc người kia phải bỏ đạo họ đang theo và rửa tội mới được cưới. Sau những câu hỏi như vậy tôi thấy anh ấy cũng có phần đúng, vì con người mình trưởng thành rồi có lý tưởng sống rồi thì khó tin vào 1 điều gì không rõ ràng, và thuộc về tín ngưỡng, nên tôi chỉ biết nói: cái này em đã nói rõ với anh trước khi cưới rồi chứ ko phải bây giờ mới nói. Vì vậy anh ấy chỉ có đi lễ cùng tôi mà không rước lễ, xưng tội hay cầu nguyện gì hết. Hiện nay nếu không nhắc đến vấn đề tôn giáo thì chúng tôi rất hạnh phúc, nhưng cứ nhắc đến lại giận nhau mấy ngày nên nhiều khi tôi muốn buông xuôi mọi chuyện. Chúng tôi có kế hoạch sinh con vào năm tới, và anh ấy cũng đồng ý sinh con ra sẽ rửa tội và hoàn toàn theo ý nguyện của đứa bé. Nhưng tôi rất lo liệu con tôi sau này có yêu Chúa hay không, vì tôi nghĩ 1 đứa bé nếu có được lựa chọn sẽ thích chơi hơn là đọc kinh, cầu nguyện, đi lễ...
Mong nhận được sự tư vấn và lời khuyên từ gia đình Nazareth, tôi thấy rất mệt mỏi. Thậm chí có khi tôi doạ anh ấy là nếu không theo đạo nghiêm túc sẽ chia tay, nhưng anh ấy biết tôi rất yêu anh ấy và luật công giáo cấm ly hôn nên anh ấy không lo lắng điều đó.
Kính mong gia đình Nazareth cầu nguyện cho chúng tôi.
Chân thành cảm ơn,
Mina Kitty
Đáp:
Kitty mến,
Khi bước chân vào đời sống hôn nhân với một người khác tôn giáo, là chấp nhận một trong hai hệ quả thường xảy ra:
“Lạy Đức Chúa Trời Ban Ngôi,
Tôi lấy được vợ, tôi thôi nhà thờ”.
Đây là một kinh nghiệm thông thường mà nhiều người đã gặp phải. Cha mẹ nàng bắt ép chàng phải vào đạo thì mới cho cưới nàng với nhiều lý do, nhưng nhiều nhất vẫn là “mặt mũi”, sợ mang tiếng với họ hàng, với mọi người rằng gia đình mình không đạo đức, rằng để cho con gái lấy chồng ngoại đạo…
“Vỏ quít dầy có móng tay nhọn”. Vào đạo thì vào sợ gì ai. Và thế là sau khi đã đạt được mục đích rồi thì “đạo ai nấy giữ”, nhiều khi còn tệ hơn nữa: “đạo cô có cái gì hay mà bắt tôi phải theo”…
Cũng có những trường hợp, sau khi trở thành người Công Giáo, người chồng cùng vợ sốt sắng sống đạo và tạo lập một gia đình hạnh phúc. Trường hợp này chỉ xảy ra khi người chồng thật sự cảm nhận được lý do mình theo đạo. Cảm nghiệm được điều mà mình tìm kiếm và hạnh phúc với chọn lựa của mình, dĩ nhiên, động lực tình yêu cũng là một trong những động lực trong quyết định trở thành người Công Giáo.
Tuy nhiên, dù là hệ quả nào đi nữa, đời sống đạo hạnh của người vợ vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn trên đời sống hôn nhân, trên đời sống vợ chồng, và trong việc giáo dục con cái sau này. Tôi nói đây là đạo đức thật lòng, trưởng thành và bằng hành động, chứ không phải thứ đạo đức tình cảm và hình thức. Nhờ lòng đạo đức và kiên trì trong hy sinh, những người vợ này cũng đã chinh phục được chồng chấp nhận sự trở về và cùng nhau sống đạo sốt sắng, xây dựng hạnh phúc gia đình và giáo dục con cái.
Sau đây cũng xin chuyển đến Kitty một số gợi ý của những người giầu kinh nghiệm trong đời sống tâm linh và gia đình. Hy vọng đây là những câu trả lời thiết thực giúp ý kiến để Kitty giải quyết được những khúc mắc hiện nay trong đời sống hôn nhân.
Bình an,
Trần Mỹ Duyệt
1.
Mina Kitty mến,
Nếu là chồng của Kitty, tôi chắc cũng đối xử như vậy. Vì thế... đừng ép anh ấy nhé, kẻo sinh tội ra thì hỏng bét. Thôi thì như thế này, tôi đề nghị một vài biện pháp:
1. Yêu và chiều chồng gấp đôi:
Từ nay không thèm đụng tới vấn đề tôn giáo nữa. Kỳ lạ lắm, một khi anh ấy thấy cô quan tâm tới anh ấy thì bỗng có một ngày đẹp trời nào đó, anh ấy bỗng muốn tìm hiểu một cách rất nghiêm túc về Đạo của mình.
Kinh nghiệm xương máu của tôi đấy. 10 năm đầu chung sống tôi chia sẻ lời Chúa cho bà xã.. như nước đổ đầu vịt. Nhưng từ khi tôi biết quan tâm nhiều gập đôi, gấp ba... thì bà xã bắt đầu quan tâm tới Lời Chúa mà tôi chia sẻ.
2. Viết nhật ký tình yêu:
Khoảng một tuần rồi để trên bàn làm việc của anh ấy. Trong đó khen ngợi tình yêu của anh ấy dành cho mình, cảm ơn mối quan tâm của anh ấy; đặc biệt là thán phục đức tình cao quý của anh ấy, bảo đảm anh ấy sẽ mềm lòng. Và bắt đầu thơ qua thơ lại như ngày còn yêu nhau.
3. Thêm vào đó, không thể thiếu. đó là âm thầm cầu nguyện cho anh ấy:
Với một con tim thổn thức yêu thương, đầy dịu dàng không phải cầu nguyện cho anh ấy đi lễ, đọc kinh… mà cầu nguyện cho anh ấy và Kitty ngày càng yêu nhau nhiều hơn.
4. Nếu có khóa Nazareth thì mời anh ấy tham dự cho biết thôi:
Quan trọng là phải nói thật khéo, nhẹ nhàng, dụ anh ấy đi thử cho biết, không hề ép.
Anh chị yêu nhau, tốt lắm tới 98 % rồi. Chỉ cần một lối chìn chung, một tiếng nói chung nữa là hòan toàn 100%. Nếu có lối nhìn chung rồi thì tự nhiên vấn đề được giải quyết tốt đẹp.
Vài hàng tâm tình với Kitty,
Khổng Nhuận
2.
Kitty thân mến!
Vợ chồng là một “lựa chọn”, là một thách đố lớn lao của người Kitô giáo trong thời kỳ đương đại. Thời kỳ mà giá trị của li dị và sống ngoài hôn nhân đến mức báo động; thời kỳ mà giá trị của gia đình, của nền tảng xã hội bị lung lay bởi sự hưởng thụ, ích kỷ và tục hóa của con người.
Người Công giáo bước vào hôn nhân như là một niềm tin phó thác, vì chân trước khi quen nhau thì mắt mở lớn để mà “lựa chọn” nhưng sau khi lấy nhau rồi thì nhắm mắt lại mà chấp nhận người phối ngẫu của mình như Thiên Chúa chấp nhận con người luôn là phản bội vậy!
“Yêu nhau vạn sự chẳng nề,
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.
Chúc mừng Kitty có một gia đình rất ư là hoàn mỹ theo như lời Kitty kể về chồng và gia đình mình, chỉ có điều là anh ấy rất bướng khi phải theo sự sắp đặt về tâm linh của mình từ người vợ. Điều này cũng đúng thôi vì “tự ái đàn ông” mà , Kitty hãy cầu nguyện nhiều cho anh ấy hơn là những cuộc cãi vả làm rạn nứt tình cảm vợ chồng không đi đến đâu. Hãy dùng những gương sáng đạo đức nói thay cho chính mình. Đưa ra những ưu tư nếu như sau này trong lãnh vực giáo dục cả hai cha mẹ có cùng một lối nhìn, một tôn giáo.
Mến chúc Kitty luôn là hình ảnh yêu thương, thánh thiện trong lòng đấng lang quân, và qua hình ảnh này một Thiên Chúa của “Tình yêu” sẽ sống dậy trong trái tim của anh ấy mà Kitty không cần phải thổn thức và đau khổ.
Biết Văn
3.
Chị Mina Kitti,
Tôi đã đọc đi đọc lại bài viết của chị nhiều lần mới rút ra được một vài nhận xét nho nhỏ nêu sau:
- Anh không tin Chúa nên chỉ tin Chúa vì tôi.
Câu nói của anh rất trung thực, vì mới trở thành người Công Giáo khi mới lấy chị chưa đầy một năm nên chưa thích nghi được với cuộc sống mang trên người một tín ngưỡng mới, với nhiều điều kiện, nghi thức bắt buộc, nên anh chưa thể có niềm tin vào Chúa như người Công Giáo bình thường như chúng ta được, và rất ái ngại.
“Mình theo đạo nào cũng chỉ cần mình sống tốt là được”. Câu nói của anh rất đúng đối với cuộc sống bình thường của một con người, nhưng đã là người Công Giáo ngoài sống tốt, lại còn phải giữ các điều Chúa và Hội Thánh dậy. Nhưng điều quan trọng là phải có niềm tin nơi Chúa, sống theo lời Chúa, thì mới là người chồng tốt thực sự.
“Tôi rất yêu chồng vì tất cả những lý do đó.” Chị nên duy trì tình yêu này với thời gian, vì anh là người có nhiều tính tốt như chị đã kể trên,nhưng trong cuộc sống Chị phải sống như thế nào sẽ xin được góp ý sau.
Bên Công Giáo mình lại bất công, ví dụ yêu nhau thì bắt buộc người ta phải bỏ đạo họ đang theo và rửa tội mới đươc cưới.
Câu nói của anh đã sai vì anh không nắm vững luật Giáo Hội bây giờ là cho phép, một người không Công Giáo kết bạn với một người Công Giáo (trong nhà thờ) ,đó là Phép Chuẩn.
Nếu không nhắc đến vấn đề Tôn Giáo thì chúng tôi rất hạnh phúc.
Nhưng nếu không có Chúa, chắc chắn anh chị sẽ không tìm được hạnh phúc đích thực đâu vì sẽ có những sự va chạm trong cuộc sống.
“Con tôi sau này có Yêu Chúa hay không?” Xin chị đừng quá lo xa trong vấn đề này vì nó hoàn toàn phụ thuộc phần lới ở nơi chị (trước và sau khi sinh cháu bé ) “Cha mẹ là nhà giáo đầu tiên” của con mình. “Dậy con từ thuở còn thơ”.
“Tôi dọa anh ấy là, nếu không theo Đạo nghiêm túc, sẽ chia tay”. Không bao giờ chị nên dọa anh như vậy, vì biết chắc là anh không lo lắng điều này, nhưng chị nên biềt rằng trong Giáo Phận có Tòa án hôn phối để tháo gỡ những cặp hôn nhân trong những trường hợp đặc biệt.
Vậy sau đây là những góp ý:
- Trước hết chị nên cầu nguyện ngày đêm, xin Chúa giúp sức cho chị ơn chịu đựng, chấp nhận hòan cảnh sống hiện tại, đồng thời xin Chúa soi sáng mở lòng trí anh hiểu biết và tin vào Chúa.
- Trong cuộc sống hàng ngày chị nên lúc nào cũng dễ thương, làm gương phần đạo đức cho anh thấy, như trước khi đi ngủ, chị rủ anh đọc kinh, nếu không được thì anh nằm nghe chị đọc cũng được nhưng rất sốt sáng...
- Hai anh chị nên tìm gặp một cha, xin ngài khuyên bảo và giúp đỡ cho (Cha thân quen hay cha thuộc Cộng Đoàn ).
- Chị nên khéo léo rủ anh đi tham dự các buổi tĩnh tâm trong các Mùa Phục Sinh và Giáng Sinh...
- Nếu có thể được mời anh chị tham dự khóa Nazareth sắp tới đây....thì thật tuyệt vời.
Xin Chúa chúc lành cho anh chị.
Phương Nhiệm
4.
Tôn giáo là một “nhu cầu tâm linh” mà con người cần có. Trước khi là người tôn giáo, chúng ta cần phải là người “nhân bản”. Người nhân bản với: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Khi nói và làm điều gì, chúng ta cần ý thức và rõ ràng: Lý do, cách thể hiện, và hậu quả của hành động. Người ngày nay, có tự do, ý thức, chúng ta không để mình “bị cưỡng ép”. Vì bị cưỡng ép sẽ dẫn đến sống “hai mặt”, không trung thực và tự do nảy sinh ra mâu thuẫn.
Sống trong gia đình, điều quan trọng là giúp nhau và cùng nhau tạo dựng hạnh phúc. Thái độ sống dẫn đến “xung khắc” sẽ không làm cho chúng ta hạnh phúc. Do đó, cần ý thức và tôn trọng nhau thực sự.
Với những giá trị “nhân bản”, chúng ta cũng đạt được điều đó.
Với những ý thức “tôn giáo”, chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc ở mức độ cao.
Chúc anh chị “vun xới” tổ ấm của mình, đừng để vì những chuyện “nhỏ nhất thiếu hiểu biết” mà đi đến tan vỡ.
Xin Thánh Gia cầu bầu và chúc lành cho anh chị.
Lm. Giáo Sư TĐT
5.
Vấn đề này chỉ giải quyết được, khi người vợ đích thực làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.
Người chồng theo đạo để lấy vợ mà thôi, chứ không hề có niềm tin vào Chúa. Hơn nữa, lại không thấy lẽ đạo biểu hiện nơi người vợ. Do vậy, người vợ phải trở nên muối, men, sống đạo tích cực, mới có thể lôi cuốn người chồng nhận ra chân lý. Mọi việc tốt lành sẽ xảy ra, sau khi người chồng hoán cải, biến chuyển và trở nên Kitô hữu thực thụ.
Anh Bình
6.
Khi mình lấy vợ hay chồng khác Đạo là mình đã chấp nhận làm việc truyền giáo. Đừng nên nản lòng hay sợ mất mặt với bạn bè khi vợ hoặc chồng mình chưa Tin Chúa.
Khi mình thực sự muốn bạn đời mình tin Chúa yêu Chúa thì mình phải sống thật xứng đáng là con Thiên Chúa. Siêng năng viếng Thánh Thể và cầu nguyện mỗi ngày. Siêng năng lần hạt Mân Côi. Hãy tin vào Chúa soi sáng và Phó Thác hoàn toàn vào Chúa và Đức Mẹ.
Xin góp qua kinh nghiệm gia đình em trai tôi:
- Em trai con sau 9 năm lấy nhau em dâu con ngỏ ý muốn vô Đạo
Câu trả lời:
- Em vô Đạo vì em cảm nghiệm cuộc sống thật sự con Thiên Chúa của chồng em.
- Em muốn vô Đạo vì em muốn cả hai vợ chồng cùng 1 Đạo để dậy dỗ con cái tốt hơn.
- Em muốn vô Đạo vì em muốn cả hai vợ chồng cùng 1 Đạo để dậy dỗ con cái tốt hơn.
Cẩm Nhung
(Trích từ Cộng Đoàn Gia Đình Chúa)
No comments:
Post a Comment