Monday 3 December 2012

Tin và ...


Cựu Ước là một cuốn sách của lời hứa. Dân Ít-ra-el là dân của chờ đợi và ngóng trông. Lịch sử dân Chúa là một mùa vọng dài đằng đẳng. Tất cả những sự mong chờ, ngóng đợi cũng như lời hứa đều có một điểm chung: đó là không chắc chắn, còn nằm sự mờ tối, chưa rõ ràng, chưa thể thấy bằng mắt, bắt bằng tay. Có một câu đố vui: “Cái gì luôn ở trước chúng ta mà chúng ta không bao giờ thấy?”. Đó là tương lai. Tổ Phụ của những kẻ tin ra đi mang theo lời hứa của Đức Chúa mà không biết mình đi đâu, không biết tương lai của mình như thế nào, chẳng biết nơi đó có tốt hơn nơi chôn nhau cắt rốn của mình không? Nhưng ông đã ra đi với gói hành trang là niềm hy vọng vào lời hứa của Đức Chúa. Dân Ít-ra-el bỏ miền Ai-cập ra đi, đi theo một vị lãnh đạo có một cuốn lý lịch không mấy sáng sủa: ông có cái tên trùng với một vị anh hùng trong truyền thuyết của chế độ cờ sờ ở đất nước chúng ta: Lượm! Thế nhưng chưa thành anh hùng thì đã là một tay sát nhân và phải trốn chui trốn nhủi khắp nơi. Ngoài ra, cái quan trọng của một nhà lãnh đạo là khiếu ăn nói, nhưng ông cũng khuyết luôn phần này: ông bị tật nói lắp.
Hàng ngàn người Ít-ra-el bỏ công ăn việc làm, nhà cửa, dẫn đàn con nheo nhóc đi theo một con người như thế chỉ vì một lời hứa, một niềm hy vọng vào Đức Chúa của họ.
Tiên tri I-sai-a trong bài đọc thứ nhất một lần nữa khơi gợi lên trong lòng dân Ít-ra-el niềm hy vọng lớn lao, nhưng cũng lại là bằng một lời hứa. Ngày ấy, Đức Chúa sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người và sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc. Một viễn tưởng hết sức sáng sủa được để diễn tả bằng lối văn khải huyền thực sự làm dấy lên trong lòng biết bao thế hệ It-ra-el niềm khát khao cháy bỏng. Khát khao ngày ấy sẽ đến, ngày Đức Chúa viếng thăm và cứu chuộc dân Người.

Và ngày ấy đã đến, niềm vui đã vỡ òa, lời hứa đã trở thành hiện thực, người ta sẽ không còn nói ngày ấy - ngày ấy nữa, mà kháo nhau hôm nay cơ sự đã xảy ra thế này: kẻ câm nói được, người què đi được, người mù nhìn thấy được, chúng tôi đã chứng kiến tận mắt và đã hết sức kinh ngạc. Và như lời tiên tri I-sai-a đã tiên báo, Ngài đã đãi chúng tôi một bữa tiệc, tất cả chúng tôi đã ăn no nê.

 Kính thưa... Thái độ của tổ phụ Ap-ra-ham và của dân Ít-ra-el quả thật đã chứng tỏ một niềm tin mãnh liệt, họ ra đi như thế là tham gia vào một vụ đánh cược lớn: được ăn cả ngã về không. Tuy nhiên, bài Tin Mừng cho thấy họ đã được Chúa lau khô dòng lệ và đãi một bữa tiệc no nê. Niềm tin của họ đã được bù đắp.

Phần tôi, tôi cũng đang sở hữu những lời hứa, lời hứa về thời cánh chung, thời mà mọi khát vọng sâu thẳm nhất của con người sẽ được thỏa mãn. Tuy nhiên, để lời hứa đó trở nên hiện thực cho tôi, và để khi ngày ấy đến niềm vui của tôi cũng sẽ vỡ òa, chính Thiên Chúa sẽ hiện thực hóa ước mơ của tôi, nhất thiết tôi phải có thái độ giống với Ap-ra-ham và dân Ít-ra-el trong Cựu Ước.

Ap-ra-ham ra đi theo lời Đức Chúa mà không biết mình đi đâu về đâu. Dân Ít-ra-el bỏ tất cả để đi theo một tên tội phạm mà không rõ đất hứa là có thật hay chỉ là mộng tưởng. Lịch sử minh chứng rằng họ đã lựa chọn đúng và lời hứa có vẻ mông lung đó đã trở thành hiện thực cho họ. Phần tôi, tôi cũng đang hành trình trong đêm tối của đức tin. Tôi tin vào một tương lai mà tôi chưa thấy tỏ tường, tôi hy vọng vào một cuộc sống mà phần đa xã hội này không màng tới. Tuy nhiên, tôi có tin và hy vọng thật vào Chúa hay không? Thánh Giacôbê đã cho tôi biết: “Đức tin không việc làm là đức tin chết”. Tôi không hành động theo đức tin thì chứng tỏ đức tin của tôi hữu danh vô thực. Còn phải hành động như thế nào thì các môn đệ của Đức Giêsu đã cho tôi hay: “Chúng con có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.” Đức Giêsu đã nhận lấy phần bánh và cá ít ỏi đó để biến thành thức ăn của cả chục ngàn người. Vậy, tôi phải bắt đầu ngay với những gì tôi đang có: khả năng, thời gian và lòng nhiệt huyết. Dù chúng rất nhỏ bé và tầm thường, nhưng qua bàn tay Thiên Chúa, chúng sẽ phát huy hiệu quả mà tôi không thể ngờ tới.

Để kết thúc, xin chia sẻ với cộng đoàn một thông điệp từ cư dân mạng, thông điệp đã từng đánh động tôi, hy vọng nó cũng để lại một âm vang nhỏ nào đó nơi anh em:

Sao phải đợi một nụ cười mới trở nên thật xinh tươi?

Sao phải đợi đến lúc cô đơn mới nhận ra giá trị của một người bạn?

Sao phải đợi thất bại mới nhớ đến một lời khuyên?

Sao phải đợi một nỗi đau rồi mới nhớ đến lời ước nguyện?

Sao phải đợi được yêu rồi mới đem lòng yêu người ?

Sao phải đợi có thật nhiều rồi mới chia sẻ một chút?

Sao phải đợi có thời gian mới đem sức mình ra phục vụ?

Bạn ơi, sao phải đợi?

Bởi có thể rằng bạn không biết bạn sẽ phải đợi đến bao giờ.

No comments:

Post a Comment