Có một thực tế ngược đời là hầu như Kitô hữu ở lục địa nào cũng ‘tạo’ cho mình một Đức Kitô gần gủi với họ, trừ quê hương của Ngài – Á Châu. Có vẻ khó hiểu nhưng chúng ta cũng có thể nêu lên vài lý do.
Trước hết, có lẽ người Á Châu không thích lắm khái niệm nhập thể. Đạo Phật là đạo tồn tại lâu đời nhất ở miền đất này, họ có chủ trương xuất thế. Ngoài ra, ở một lục địa được xem là cái nôi của nhiều tôn giáo lớn, nhiều truyền thống tâm linh, thì việc thần thánh hóa, hay ít ra ‘xa lạ hóa’ vị thần của mình là điều dễ hiểu. Chúng ta biết rằng trên thực tế có hai dạng tôn giáo: tôn giáo tự nhiên và tôn giáo siêu nhiên. Trong tôn giáo tự nhiên, con người nỗ lực đi tìm Thượng Đế, cố gắng để tự siêu thăng, tự giải thoát mình, bằng cách hòa tan mình vào trong Đấng Vô Biên. Ngược lại, trong tôn giáo siêu nhiên, Thượng Đế đích thân đến với con người, tự mặc khải mình cho con người, hầu dẫn đưa con người về với Ngài. Thế mà, người Á Châu từ lâu đã sống trong bầu không khí của tôn giáo tự nhiên, họ coi Thượng Đế là một Đấng nào đó rất cao cả, giữ một khoảng cách với con người. Như vậy, họ không muốn có một Thiên Chúa da vàng mủi tẹt như họ là đúng lý.
Thứ đến, khi đón nhận Kitô giáo, người Á Châu nhận thấy giáo lý của nó hay, hay ở chỗ có nhiều điểm giống với các tôn giáo chung quanh họ và lại gần gủi với con người. Tuy nhiên, khi theo thì tâm thức tôn giáo của họ còn đó, nhãn quan về một vị thần vẫn tồn tại trong họ, khó có thể xóa nhòa. Họ chấp nhận một Thượng Đế làm người là khá lắm rồi, nói chi đến chuyện coi vị Thượng Đế đó cũng có vóc dáng ‘tầm tầm’ như họ.
Ngoài ra, hoàn cảnh lịch sử cho thấy rằng các nước Tây Phương là những nước tiến bộ hơn, đi trước Á Châu về văn minh, khoa học, kinh tế,... Nói chung, nhìn một người Tây, chúng ta thường phải ngước lên, thứ nhất vì nó cao, thứ hai vì nó hơn ta mấy thứ vừa kể. Cũng không lạ gì khi người Việt chúng ta thường tự nhận: “Việt Nam ham to” hay nói rõ ra rằng: người Việt vọng ngoại. Thiết nghĩ những công dân khác của lục địa này cũng có ‘sở thích’ tương tự.
Trong một bối cảnh cả bề ngoài lẫn bề trong như thế, người Á Châu chưa sẵn sàng thay một Đức Giêsu mắt xanh mủi lọ bằng một anh Giêsu da và mủi tẹt. Dù không ý thức, nhưng người ta vẫn muốn giữ một khoảng cách nào đó với Ngài, tựa như giữ khoảng cách giữa họ với các vị thần trong các tôn giáo Đông Phương hay giữa người dưới với Bề Trên trong khổng giáo vậy.
No comments:
Post a Comment