Wednesday 9 January 2013

GẶP GỠ CHÍNH CHÚA

             Tôi muốn gặp chính Ngài, chiếm được Ngài. Để được như thế, nhất thiết tôi phải vượt qua những vai trò mà người ta đặt cho Ngài. Tôi thấy không có danh hiệu nào diễn tả đủ vềNgài. Mọi vai trò hoặc danh hiệu đều đặt Ngài vào trong một giới hạn nào đó. Chúng có nguy cơ làm mờ đi sự phong phú vô biên của Ngài. Có thể tôi quá tham lam nhưng tôi muốn gặp một Đấng mà ở nơi Ngài tôi không còn ước mong gì hơn nữa. Tôi muốn chính sự gặp gỡ đó mang lại cho tôi sự đầy đủ, no thỏa chứ không phải những ân huệ.

Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa là mầu nhiệm chính trong đạo mà mọi giáo hữu đều phải tin. Tôi cũng không nghi ngờ gì. Tuy nhiên, dường như niềm tin đó chẳng mang lại cho tôi một sự khác biệt nào. Cụ thể hơn, Thiên Chúa có Ba Ngôi hay không không can hệ gì đến đời sống của tôi nhiều lắm. Tôi tin có Thiên Chúa, Ngài sáng tạo, hiện diện và quan phòng. Giáo Hội dạy cho tôi biết Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc, Chúa Thánh Thần làm công việc thánh hóa và hướng dẫn. Giáo huấn này rút ra từ Mặc Khải Thánh Kinh, mặc dù không phải tất cả đều được tìm thấy một cách minh nhiên.

Thần học đã bàn cãi vấn đề này quá nhiều. Dù Mầu Nhiệm đã được tuyên bố nhưng vẫn mở ngỏ cho những đầu óc suy tư và trí tưởng tượng phong phú của con người. Thú thật tôi không hứng thú với những vấn đề “đau não” đó. Nó từng cho tôi một cảm giác khô khan, cứng ngắc về một vị Thiên Chúa. Thực ra không phải chỉ một mình Mầu Nhiệm này. Những qui tắc giáo lý, luật lệ trong nhà đạo khiến tôi có cái cảm giác ngột ngạt. Tôi không thể gần gủi một Thiên Chúa với nhiều tên gọi khác nhau, mặc dù chúng cho thấy các “vai trò” rõ ràng của Ngài.

Tôi không muốn tiếp cận với một người qua chức năng của họ. Điều này chỉ cần thiết cho một cơ cấu xã hội, để giải quyết công việc. Nó không dẫn đến một tương quan nội tại. Nó chỉ dừng lại trên phương diện công việc, công tác, công bằng và công cán. Đến với một người để tương giao, để có thể đi vào trong nhau, để yêu nhau thì không nhất thiết phải biết người đó làm nghề gì, đảm nhiệm trách vụ nào. Những kiến thức, bằng cấp, chức phận, nhiệm vụ không có giá trị quyết định trong tương quan giữa hai người yêu nhau. Nếu có bất kỳ một điều gì xen vào giữa tình yêu của hai người thì tình yêu đó không thật đủ nữa. Nó trở thành một sự trao đổi đơn thuần theo kiểu thuận mua vừa bán hay lợi dụng lẫn nhau.

Do đó, tôi cũng không muốn đến với một Thiên Chúa chỉ vì Ngài là Đấng tác tạo tôi, Cứu Chuộc tôi, hiến thánh và dẫn lối cho tôi. Đến với Ngài để được cứu, để khỏi lạc đường và để được làm thánh. Nghe có vẻ thực dụng quá không?
 

Tôi không muốn đến với ai đó mà chỉ để nhận, dù điều tôi nhận được rất cao quí và thiêng liêng. Buồn và thất vọng đến mức chán sống, tôi toan nghĩ đến việc quyên sinh. Nhưng may thay, tôi nhớ đến bạn. Tìm đến bạn, được bạn lắng nghe và chia sẻ, tâm hồn tôi như được hồi sinh. Tôi ra về lòng tràn ngập niềm vui và hy vọng. Bạn đã cứu vớt tôi! Tôi cảm thấy an tâm vì có bạn như chỗ dựa trong cuộc sống. Bạn cũng sẵn sàng chào đón tôi mỗi khi tôi cần đến bạn. Tôi hạnh phúc vì điều đó lắm nhưng vẫn thấy thiếu một điều gì đó trong mối tương quan này.

Mọi thứ trong cuộc sống này đều bất toàn nhưng tôi biết có một Đấng có thể lấp đầy những khoảng trống mà thế giới này bỏ ngõ. Tôi không muốn khi tương quan với Ngài tôi cũng cảm thấy thiếu như khi gặp gỡ người bạn tốt của tôi. Tôi không muốn gặp Ngài chỉ để “được” dù điều đó cần thiết cho tôi đến đâu đi nữa. Tôi không muốn gặp một Đấng chỉ có vai trò mang tới cho tôi một điều gì đó. Nếu gặp Ngài chỉ để nhận lãnh, để biến đổi, để được nâng lên một “tầm cao mới”, thì tôi giới hạn mối tương quan giữa tôi với ngài vào mối quan hệ cho – nhận. Như vậy, tôi lại đi vào vòng luẫn quẫn của kiếp nhân sinh vì tương quan với Ngài cũng chẳng hơn gì tương quan với một người bạn tốt hay với một vị ân nhân lớn.

Tôi muốn gặp chính Ngài, chiếm được Ngài. Để được như thế, nhất thiết tôi phải vượt qua những vai trò mà người ta đặt cho Ngài. Tôi thấy không có danh hiệu nào diễn tả đủ về Ngài. Mọi vai trò hoặc danh hiệu đều đặt Ngài vào trong một giới hạn nào đó. Chúng có nguy cơ làm mờ đi sự phong phú vô biên của Ngài. Có thể tôi quá tham lam nhưng tôi muốn gặp một Đấng mà ở nơi Ngài tôi không còn ước mong gì hơn nữa. Tôi muốn chính sự gặp gỡ đó mang lại cho tôi sự đầy đủ, no thỏa chứ không phải những ân huệ.

Tựu trung, chỉ có chính Thiên Chúa mới làm “no thỏa cõi lòng” chứ không phải một ân huệ nào ngoài Ngài. Một sự gặp gỡ với Thiên Chúa thì vượt lên trên mối tương quan giữa Đấng Tạo Thành và thọ tạo, giữa Đấng Cứu Chuộc và kẻ được cứu vớt, giữa Đấng Thánh Hóa và người được hóa thánh. Như vậy, đến một mức độ tương quan nào đó, khái niệm Ba Ngôi Vị không còn cần thiết nữa. Hạn từ đặc cử hay sứ vụ quan trọng trong giai đoạn giúp người ta có một cái nhìn cụ thể về một vị Thiên Chúa, nhưng nếu giản lược Thiên Chúa vào trong những vai trò cụ thể đó thì chính chúng ta làm “nghèo nàn hóa” nhãn quan của mình về Thiên Chúa.

No comments:

Post a Comment