Monday 6 August 2012

Vai trò cộng đoàn và đào tạo trong việc hình thành nhân cách tu sĩ

 

Ngoài nỗ lực cá nhân, cộng đoàn và đào tạo đóng một vài trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách của các tu sĩ trẻ. Những hạn chế của của bầu khí cộng đoàn tu trì hiện tại đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến việc hình thành nhân cách các tu sĩ trẻ thì chính những phẩm chất của một cộng đoàn đúng nghĩa sẽ nâng đỡ họ lớn lên. Một cộng đoàn lý tưởng phải trở nên như một gia đình, một trường dạy yêu thương và là một cứ điểm hoạt động tông đồ của tu sĩ.
Muốn thế, bầu khí cộng đoàn cần được nung nấu bằng tình huynh đệ thể hiện qua việc quan tâm, chia sẻ, phục vụ trong yêu thương, sẵn sàng tha thứ, đón nhận và hết mình vì nhau. Cộng đoàn cần trở thành nơi mà tu sĩ cảm nhận được tình yêu, sự thấu hiểu và tự do tự nguyện thể hiện chính mình một cách triệt để. Ngoài ra, để tình huynh đệ cộng đoàn thêm mặn nồng thắm thiết và bền chặt, thiết nghĩ sự sẻ chia với nhau một mục đích chung, một sứ vụ cụ thể của cộng đoàn là điều không thể thiếu. Khi người ta chia sẻ với nhau những trách vụ người ta cảm thấy thuộc về nhau nhiều hơn, và những con người cùng hướng về một mục đích chung dễ đồng cảm với nhau và yêu thích đồng hành với nhau hơn. Tuy nhiên, để một buổi công diễn thành công cần một nhạc trưởng giỏi và bản nhạc hay. Nhà đào tạo và chương trình đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và tăng trưởng nhân cách tu sĩ trẻ.
1.      Nhà đào tạo lý tưởng là một “nhạc trưởng” giỏi
Ý thức vai trò quan trọng của mình, nhà đào tạo cần sắm sẵn cho mình những kiến thức chuyên môn sư phạm cần thiết đồng thời nắm vững một số kỹ năng đồng hành tâm linh, hiểu tâm lý người trẻ và có khả năng đối thoại. “Có người cho rằng người phụ trách đào tạo trong tương lai phải làm sao vừa có tư cách của một “gu ru” vừa là người “huấn luyện viên thể thao”: hướng dẫn, gợi ý, khai mở, làm chứng nhân chứ không áp đặt, làm “công an”, làm thay hay bao che, buông lỏng…”[1] Ở đây người viết xin mở ngoặc, “làm chứng nhân” khác với “làm gương”. Làm chứng nhân nghĩa là dám sống với con người thật gồm những yếu đuối mỏng dòn của mình nhưng luôn thiết tha vươn lên nhằm hoàn thiện bản thân, còn làm gương là cố tạo một hình ảnh hoàn mỹ về mình trong mắt kẻ khác và thầm “bắt” người khác phải noi theo. Thực tâm mà nói, nhiều nhà đào tạo của chúng ta luôn cố sức làm gương mà ít ai dám làm chứng. Lối sống “làm gương” nơi những người hướng dẫn không góp phần tích cực vào việc trưởng thành nhân cách của các thụ huấn sinh. Những “tấm gương” đó quá caoquá xa so với các thụ huấn sinh. Bên cạnh đó, những đoán xét chỉ dựa trên những chỉ tiêu bề ngoài làm cho họ không dám sống thật với con người của mình, không dám chia sẻ con người mình với cộng đoàn mà chỉ tìm cách che dấu những yếu đuối của mình dưới những cái mặt nạ hoàn hảo. Trên thực tế, để trở thành một nhà đào tạo hội đủ các yếu tố kỷ năng chuyên môn và phẩm chất cần thiết trong thời điểm hiện tại là điều khó, nhưng có lẽ việc trở nên một người hướng dẫn tận tụy với sứ vụ, có thái độ tin tưởng, cởi mở, bao dung và yêu thương lớp trẻ thì không quá sức đối với nhiều người. “Ơn gọi tu trì là một câu chuyện về tình yêu và về nỗi khát khao bước theo Đức Kitô. Nhiều thụ huấn sinh đã ở lại vì “cắn câu” tình yêu, chứ không phải đã khuất phục trước lý lẽ.”[2] Khi được yêu và được đón nhận, người ta sẽ sẵn sàng sống thật với chính mình đồng thời cố gắng vươn lên hoàn thiện bản thân.
2.      Chương trình đào tạo như là một bản nhạc hay
Để đào tạo một thế hệ tu sĩ trẻ có đủ phẩm chất, trưởng thành nhân bản còn cần một chương trình đào tạo hướng đến yếu tố con người nhiều hơn. Định hướng đào tạo cần nhắm đến việc khuyến khích các thụ huấn sinh nổ lực khám phá bản thân và thể hiện mình một cách tròn đầy. Chương trình đào tạo phải giúp họ chấp nhận thực tế, trước hết là sự thực về bản thân mình. Những khoảng không gian và thời gian riêng là cần thiết để các bạn trẻ có cơ hội đối thoại với chính mình. Dường như chúng ta chỉ quan tâm đến những giờ cộng đoàn mà ít tạo bầu khí và thời gian riêng. Việc đòi hỏi quá nhiều nơi các tu sinh mới vào dòng bằng cách đưa ra thời khóa biểu chi chít những giờ sinh hoạt phải hoàn tất khiến họ không còn thời gian cho chính mình. Ngoài ra, hình thức lượng giá lại dựa trên những biểu hiện bên ngoài quá nhiều thay vì căn cứ vào nổ lực nội tại của từng người, theo từng mức độ khác nhau. Điều này gây ra tình trạng chạy trốn thực tế và không chấp nhận chính mình. Thái độ chấp nhận sự thật về chính mình là một khởi điểm cơ bản trong tiến trình phát triển lành mạnh. Và sau khi nhận ra và chấp nhận bản thân, con người cần mở rộng tâm hồn ra để đến với người khác. Đây là điểm mà chương trình đào tạo cần nhắm tới, vì khi người ta chưa có thái độ cởi mở, người ta chưa chưa thể sống con người thật của mình. Khi chưa sống thật, người ta chưa sẵn sàng để phát triển. Bên cạnh việc khuyến khích thụ huấn sinh chấp nhận và sống thật với chính mình, chương trình đào cần tạo điều kiện để họ tự khám phá ơn gọi và sứ mệnh duy nhất của mình hầu phát huy tinh thần trách nhiệm về cuộc sống và chọn lựa của bản thân. Mỗi khi nhận ra được con người mình và xác tín ơn gọi của mình, người ta không còn giả vờ, không còn đóng kịch hay đeo mặt nạ mà dám đối diện với sự thật và quyết chí vươn lên không ngừng.
Tựu trung, thiện chí vươn lên sự trưởng thành nhân cách của các tu sĩ trẻ sẽ được thực hiện một cách thuận lợi và hứa hẹn có kết quả tốt đẹp khi được nuôi dưỡng bởi một cộng đoàn có hòa khí thương yêu huynh đệ, được hướng dẫn bởi những con người nhiệt huyết với một đường hướng đào tạo hợp lý.



[1] Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên, (HCM: Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2008),  tr. 165.
[2] Nguyễn Thái Hợp, Để họ…, tr. 169 – 170.

2 comments:

  1. Cam on bai viet rat thuc te va sau sac.
    Cho minh dem ve nha de lau lau doc nhe.
    Thanks

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn bạn vì đã chiếu cố, được chia sẻ với người khác là một niềm vui

    ReplyDelete