Wednesday 28 November 2012

KHÔNG AI CÓ THỂ DẠY NGƯỜI KHÁC SỐNG CUỘC ĐỜI CỦA HỌ

Gần đây, trước tình trạng “quá quắt” trong cách hành xử của tuổi học đường, người ta bàn nhiều về việc đào tạo nhân cách cho giới trẻ. Nhấn mạnh nhiều đến việc đào tạo nhân cách cho tuổi trẻ cũng có thể dẫn đến ý thức cho rằng người trưởng thành rồi thì không cần rèn luyện nhân cách nữa. Vì chưng, “không ai có thể dạy người khác sống cuộc đời của họ!”. Con người có khả năng quyết định vận mạng của mình cách tự do và sáng tạo, và điều đó tạo nên những nhân cách cá biệt, không ai giống ai. Như vậy, liệu việc đào tạo nhân cách vẫn còn cần thiết ở tuổi trưởng thành?
Cũng giống như “thành công là một hành trình chứ không phải là một điểm đến”, một nhân cách trưởng thành mà người viết muốn đề cập là một nhân cách đang vươn tới, đang lớn lên và đang thăng tiến chứ không phải là một cái gì đã hoàn tất mỹ mãn, đã đạt tới đỉnh cao. Ý thức về sự “có thể trở nên khác” thôi thúc con người sống cuộc đời mình như một dự phóng, mỗi lần dấn bước là một lần làm cuộc vượt thoát khỏi những giới hạn để tiến tới một tình trạng tốt hơn.
Điều này đã được giáo sư tiến sĩ Adrian Van Kaam nhấn mạnh: “Không bao giờ được coi nhân cách như một sản phẩm đã hoàn thành, một gói các đức tính đáng quý được cất kỹ trong kho tàng. Nhân cách đích thực là phát triển, tăng trưởng tỏa lan. […]. Nó không phải là một tình trạng người ta đã hoàn thành một lần cho tất cả, nên bây giờ chỉ có việc là ngồi nghỉ. Người ta không bao giờ ngừng trở thành một nhân cách. Người ta không bao giờ có thể nói: “Như vậy đã đủ. Tôi đã hoàn thành nhân cách của tôi. Bây giờ tôi có thể hưởng thụ.” Lúc mà người ta nhìn nhân cách mình dưới nhãn quan đó, người ta không còn là một nhân cách nữa, bởi vì người ta đã mất sự cởi mở năng động, vốn là một đặc tính của đời sống nhân bản đích thực.”[1]
Nhân cách mỗi người được hình thành theo dòng lịch sử cuộc đời của họ và đồng thời bao hàm cả những định hướng cho tương lai. Những hoàn cảnh sự kiện họ kinh qua góp một phần lớn hình thành nên con người họ lúc này, bên cạnh đó, dự định hiện hữu của họ lấp ló trong con người hiện tại.
“Bản chất năng động của nhân cách đích thực bao hàm một lịch sử và một định hướng cho tương lai. Chúng ta hiểu lịch sử ở đây như là sự hiện diện sống động của quá khứ riêng biệt của mỗi người trong đời sống và sinh hoạt của mình. Định hướng về tương lai bao hàm cái nhìn của họ trước tương lai, các lý tưởng và những sự mong chờ có tính cách thực tế. Nếu là một nhân cách đích thực, thì cả quá khứ lẫn tương lai đều hiện diện một cách sống động trong hoàn cảnh hiện tại.”[2]
Vậy, nhân cách con người được hòa quyện bởi một tiến trình lịch sử trong quá khứ của họ và những ý hướng và dự phóng của họ cho cuộc đời phía trước. Chiều kích lịch sử của đời người là điều hết sức cần thiết để họ có thể trở nên chính mình. Sử tính được trao cho con người như một điều khoản gắn liền với số vốn căn bản của cuộc sống làm người: khát vọng vươn lên để hoàn thành cuộc đời mình.
Tuy nhiên, không bao giờ có giải pháp sẵn cho mọi vấn đề cũng như không bao giờ có một lối sống hoàn hảo giành cho tất cả mọi người. Là một con người độc đáo, mỗi người có trách nhiệm hình thành, phát triển và thăng tiến nhân cách của họ theo cách thế của riêng họ. Vì thực ra, “không ai có thể dạy người khác sống cuộc đời của họ!”[3]. Con người có khả năng quyết định vận mạng của mình cách tự do và sáng tạo, và điều đó tạo nên những nhân cách cá biệt, không ai giống ai. Ý nghĩa cuộc đời mỗi người không phải do người khác muốn mình trở thành cái gì, nhưng là chính người đó, họ muốn sống trọn vẹn và triển nở cuộc đời họ thế nào.
Con người có thể hoàn thiện nhân cách của mình hay không hệ tại việc họ có dám chọn lựa và tự quyết cho việc hình thành nhân cách của mình hay không. Trên nguyên tắc, một con người có thể trở nên khá hoàn hảo nếu anh ta sống theo một khuôn mẫu mà người khác trao cho, tuy nhiên, chừng nào không phải tự ý anh ta chọn lựa với đầy đủ ý thức và hiểu biết thì anh ta chưa có một nhân cách thực thụ. Trong đời sống cộng đoàn, mối tương quan đích thực chỉ có thể có được khi mọi người bình đẳng với nhau, khi không người nào đánh mất phẩm giá của mình, đồng thời, mỗi người phải tự do mở tâm hồn mình ra để đón nhận người khác.
Tự sâu thẳm tâm hồn con người có nhu cầu tự khẳng định mình, tự thiết kế cuộc đời mình theo một hình ảnh mà mình mong muốn. Vai trò của cá nhân quyết định việc hình thành và triển nở nhân cách, tuy nhiên, tiến trình trở nên chính mình của mỗi người cần được thực hiện trong cộng đoàn.
Tự bản chất con người vừa là một hữu thể độc đáo riêng biệt vừa là một hữu thể tương quan, mở rộng ra cho tha nhân và cộng đoàn. Hai khuynh hướng đó không phải là đối nghịch nhau mà là bổ túc cho nhau. Một cộng đoàn đích thực sẽ không làm mất tính cách độc đáo của mỗi cá nhân, và mỗi cá nhân chỉ có thể hình thành nhân cách của mình trong sự liên đới yêu thương với người khác, tạo nên những cộng đoàn. Vậy, con người chỉ thực sự hoàn thành vận mạng đời mình và hoàn thiện nhân cách của mình trong tương quan với người khác.




[1] Adrian Van Kaam, C.S.Sp., Religion and personality, (New York: Englewood Cliffs, 1964), Nhân cách tôn giáo, Ngô Văn Vững dịch, tr. 78-79.
[2] Adrian Van Kaam, sđd, tr. 79.
[3] Trần Duy Nhiên, “Quà gởi em”, trong An-Phong, Nối lửa cho đời 03, tr. 99.

No comments:

Post a Comment