Vatican II chưa một lần
dùng thuật ngữ “hội nhập văn hóa”, nhưng đã có những ám chỉ khá sát thực về vấn
đề này.[1]
Công đồng khuyến khích Phúc Âm hóa các nền văn hóa nhưng đồng thời cũng khẳng
định “văn hóa có quyền được tôn trọng và được hưởng một quyền bất khả xâm phạm
nào đó” (GS, 59b). Để hội nhập văn hóa một cách sâu sát với thực tế hơn, Công
đồng chủ trương: “Trong những vùng rộng lớn cùng chung một nền văn hóa, cần
phải thúc đẩy việc suy tư thần học... để nhờ đường lối hành động đó, đời sống
Kitô giáo sẽ được thích nghi với tinh thần và đặc tính của từng nền văn hóa,
những truyền thống đặc thù và những đặc tính riêng của từng dân tộc” (AG, 22b).
Sau Vatican II, do khủng
hoảng về quan niệm hoạt động truyền giáo, thần học truyền giáo đã xuất hiện
nhiều luận đề mâu thuẩn với nhau từ việc giữ nguyên hiện trạng đến chủ trương
ngưng hẳn việc truyền giáo,[2] do
đó, các nhà truyền giáo đã cố gắng giải đáp vấn nạn này bằng nhiều cách thế,
trong đó nổi bật hơn hết là việc đối thoại và hội nhập văn hóa. Ngay khi Công
đồng đang diễn ra, Đức Phaolô VI đã công bố Ecclesiam suam (1964) với chủ ý đề
cao việc “đối thoại”. Đặc biệt Evangelii Nuntiandi (1975) nhấn mạnh đến việc
đem Tin Mừng đến cho mọi nền văn hóa. Trong Ut unum sint (1995), Đức Gioan
Phaolô II coi việc đại kết là điều kiện thiết yếu trong công tác truyền giáo
(x. số 98). Còn trong
Pastores dabo vobis số 55, ngài nói đưa đức tin hội nhập vào văn hóa và Tin
Mừng hóa văn hóa là hai việc song hành. Ngoài ra, các tông huấn Ecclesia in
Africa (1995, Ecclesia in Asia (1999) cũng như tông huấn về Châu Mỹ (1999) đều
nhấn mạnh đến việc hội nhập văn hóa trong công tác loan báo Tin Mừng. Cũng
trong thời kỳ sau Vatican II, xuất hiện dạng “Truyền giáo học từ dưới lên,” lấy
thực trạng bối cảnh xã hội, tôn giáo, chính trị, ... nơi môi trường truyền giáo
làm khởi điểm, do đó, các suy tư thần học mang sắc thái “nhân chủng học” nhiều
hơn là “thần học.”[3]
Ở đây, người viết muốn nói thêm về vấn đề suy tư thần
học truyền giáo theo xu hướng hội nhập văn hóa sau Vatican II tại Á Châu. Năm
1974, thượng Hội đồng Giám mục Á Châu (THĐGMAC) họp tại Taipei đã chọn “Công
cuộc rao giảng Tin Mừng và Châu Á ngày nay” làm chủ đề để nhấn mạnh yếu tố
không gian và thời gian cụ thể hầu công việc truyền giáo vừa hợp thời vừa tương
thích với tâm thức người bản địa. Các ngài chủ trương cần phải mặc Á Đông tính
cho công tác truyền giáo tại Á Châu, nghĩa là đối thoại với dân nghèo, với các
nền văn hóa và các tôn giáo bạn. “Để có thể tìm thấy được một “kiểu Á đông”
trong phương cách truyền giáo, thì các Giáo hội địa phương phải được bản xứ hóa
thật sự.”[4]
Kể từ những năm 1970, hầu hết các văn kiện của THĐGMAC và các văn phòng đặc
nhiệm đều nhắc đến công tác hội nhập văn hóa và cổ võ những giá trị thuần túy Á
Châu như tinh thần chiêm niệm, thái độ coi trọng kinh nghiệm thực tại hơn lý
thuyết, đối xử hòa thuận và cảm thương mọi người cũng như hòa điệu với thiên
nhiên. Nổi bật hơn hết là công tác đối thoại liên tôn vì Á Châu được xem là cái
nôi của hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới. Để thực hiện công tác này,
HĐGMAC dựa vào nguyên tắc thần học sau: Thần Khí hằng hoạt động khắp mọi nơi,
trong mọi lương tâm và nơi mọi tôn giáo.
Trên nguyên tắc, Giáo hội luôn trung thành với truyền
thống riêng và ý thức sứ mệnh phổ quát của mình, không bị ràng buộc bởi một nền
văn hóa nào, nhưng Giáo hội có thể hòa mình với nhiều hình thức văn hóa khác
nhau (x. GS, 58c). Hơn nữa, “Sứ vụ loan báo Tin Mừng cho thời đại đa phức tôn
giáo và đa văn hóa hôm nay đòi hỏi chúng ta phải tích cực dấn thân đối thoại
với con người thời đại, với các trào lưu tư tưởng, với các tôn giáo và các nền
văn hóa.”[5] Nói theo ngôn ngữ của Đức Gioan Phaolô II thì giữa “Tin Mừng
hóa” và “hội nhập văn hóa” có một mối tương quan hai chiều và không thể thiếu
một yếu tố nào. Một mặt, “Tin Mừng không ngừng thanh luyện và nâng cao phong
hóa các dân tộc. Nhờ thiên ân, Tin Mừng phong phú hóa, từ bên trong, những phẩm
tính thiêng liêng và những đặc tính của mỗi dân tộc và mỗi thời đại. Tin Mừng
củng cố, bổ túc và tái tạo chúng trong Đức Kitô” (GS, 58). Mặt khác, Tin Mừng
cần được diễn tả bằng những chất liệu và âm sắc độc đáo của mỗi nền văn hóa. Theo các Giám mục Á châu,
“văn hóa là không gian sống trong đó con người đến với Tin Mừng, mặt giáp mặt.
Nếu đích thực văn hóa là thành quả của cuộc sống và hoạt động của một nhóm
người, thì những con người thuộc nhóm đó cũng được uốn nắn một phần bởi nền văn
hóa trong đó họ đang sống [...]. Từ viễn tượng đó, ta nhận thức rõ hơn tại sao
Tin Mừng hóa và hội nhập văn hóa tương quan với nhau cách tự nhiên và mật
thiết. Tin Mừng và công cuộc loan báo Tin Mừng chắc chắn không đồng nhất với
văn hóa. Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa đến với những con người gắn bó sâu xa với
một nền văn hóa, và do đó, công cuộc xây dựng Vương Quốc không tránh khỏi việc
vay mượn các yếu tố rút ra từ các nền văn hóa nhân loại”[6].
Trong thông điệp “Bách chu niên”, Đức Gioan Phaolô II nêu rõ mối tương quan hỗ
tương giữa đức tin với văn hoá như sau: “Ta hiểu biết con người một cách trọn
vẹn hơn nếu đặt con người vào bối cảnh văn hoá của họ, bằng cách lưu ý đến ngôn
ngữ, lịch sử của họ, quan điểm của họ trước các biến cố nền tảng của đời sống,
chẳng hạn như việc chào đời, tình yêu, lao động và cái chết. Trọng tâm của mọi
nền văn hoá là thái độ của con người trước huyền nhiệm lớn lao nhất: mầu nhiệm
Thiên Chúa. Từ căn bản, các nền văn hoá khác nhau là những cách thức khác nhau
để đối diện với vấn đề ý nghĩa cuộc sống của mỗi người”[7].
Năm 1982, trong văn thư thành lập “Hội Đồng Giáo hoàng về Văn hóa”, đức Gioan
Phaolô II nhấn mạnh về mối tương quan giữa Tin Mừng và văn hóa: “Một đức tin mà
chưa biến thành văn hóa, là đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thực sự
suy tư, chưa sống một cách chân thành.”
Đã rõ, mối tương quan giữa công cuộc loan báo Tin Mừng
và hôi nhập văn hóa thật khăng khít, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: phải hội nhập
đến mức nào, đánh giá giá trị chân lý trong văn hóa như thế nào? Phải hiểu thế
nào về vai trò cứu độ của các tôn giáo? Các sách thánh của các tôn giáo có chứa
đựng mặc khải của Thiên Chúa hay không? Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa đã hạ cố
gặp gỡ con người, hòa mình vào một nền văn hóa cụ thể và chấp nhận cung cách
phụng tự, những thói tục của xã hội đương thời, tuy nhiên, cũng không ngừng phê
bình, thanh luyện và cải thiện nền văn hóa đó. Tác giả F. Gomez nhận xét:
“Những nền văn hóa khác nhau có thể nêu bật – chứ không lệch lạc bóp méo đi –
những khía cạnh khác nhau của hình ảnh Thiên Chúa là con người, và trở thành
mỗi trường để kế hoạch cứu độ thành tựu.”[8]
Riêng vấn đề các tôn giáo khác, Đức Giêsu và các thánh sử không đưa ra một lập
trường rõ ràng, tuy nhiên, dựa vào Thánh Truyền, Giáo hội có những định hướng
cho các nhà thần học tiếp tục suy tư. Giáo hội minh nhiên và mạnh mẽ bênh vực quyền
tự do tôn giáo (x. AG 3) đồng thời dạy rằng bất cứ ai cũng có thể nhận ra tiếng
Thiên Chúa qua tạo vật (AG 36c) cũng như qua tiếng nói lương tâm và được cứu
rỗi trong đời sống cụ thể của mình. Giá trị của các tôn giáo hệ tại những yếu
tố cấu thành, tức chân lý và ân sủng, những yếu tố nói lên việc Thiên Chúa đang
hoạt động trong chúng (x. AG 9). Quả thật đây là vấn đề không thể trả lời một
cách dứt khoát theo kiểu trắng với đen song chỉ hơn kém thế này thế kia. Các
tôn giáo với những nghi thức và sách thánh của họ là những khí cụ cứu độ nhưng
theo một cách thức tiến hành, với mức độ tác động và ở một bình hiện hiệu lực
khác hẳn với Kitô giáo.[9]
[1] X.
GS số 58, 59, 60, 62; AG.
[2] X.
Pelipe Gomez, Truyền Giáo Học, Antôn
& Đuốc Sáng (2003),, tr. 26.
[3] X.
Luis J. Luzbeta, The Church and Cultures,
New Prespectives in Missiological Anthropology (Orbis Books: 1988).
[4] X.
Pelipe Gomez, sđd, tr. 30.
[5]
Nguyễn Thái Hợp, “Léopold Cardière và Hội nhập văn hóa,” truy cập 23/01/2011,
simonhoadalat.net.
[6] Gioan Phaolô II, Giáo Hội tại Á châu, số
21.
[7]
Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 24.
[8] F.
Gomez, Sđd, tr. 170.
[9] X.
F. Gomez, Sđd, tr. 118.
No comments:
Post a Comment