Wednesday, 11 February 2015

TẾT đến nói CHUYỆN ĂN

Bữa ăn trong văn hoá Việt Nam không đơn thuần là thoả mãn nhu cầu sinh tồn của con người nhưng còn thể hiện một nét văn hoá đặc biệt.
(Dâng lễ ngồi tại xứ cũ của cha Trương Bữu Diệp, ở Cawmpuchia 2014)

Bữa cơm gia đình thường được dọn trên một cái mâm nhỏ, hình tròn, mọi người ngồi quây quần rất ấm cúng. Xung quanh mâm cơm không có kiểu ngồi theo lớp lang hay có một vị trí độc tôn mà chỉ có một vị trí đặc biệt đi kèm với một nhiệm vụ đó là
bên nồi cơm để xới cơm, giành cho người mẹ hoặc người chị lớn. Trong mâm cơm không có những khẩu phần riêng như trên bàn ăn của người Tây Phương nhưng mỗi thứ chỉ để chung trong một tô hoặc một dĩa. Thức ăn cũng đã được thái nhỏ sẵn để dễ dàng chia cho mọi người. Như vậy, mỗi người có thể có khẩu vị khác nhau, người thích ăn món này, người thích ăn món khác, nhưng vì là ăn chung nên mọi người chỉ có thể dùng chung những món ăn trên bàn mà không bao giờ đòi hỏi cho riêng mình món ăn mình thích. Hơn nữa, kẻ ngồi vào mâm cơm luôn phải biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng,” không đòi ăn thêm khi cơm không còn hoặc thức ăn đã hết, đồng thời biết nhường cho nhau từng miếng ăn.
Mâm cơm thể hiện tình trạng kinh tế của gia đình, yếu tố gắn liền với con người Việt Nam, nên người ngồi bên mâm cơm cùng nhau chia sẻ sự thăng trầm của hoàn cảnh gia đình. Qua những đặc nét về bữa ăn trên, chúng ta có thể thấy rằng, qua bữa cơm, người Việt chia sẻ với nhau những gì là căn bản nhất của cuộc sống hằng ngày cùng những tâm tình sâu xa. Mâm cơm không chỉ là qui tụ các thành viên gia đình để “ăn cho no cho béo” mà còn là nơi thể hiện cụ thể tình yêu thương hiệp nhất của gia đình, qua đó mọi người quan tâm lo lắng cho gia đình và cho nhau.
Ở đây chúng ta có thể thấy nét tương đồng giữa bữa cơm gia đình Việt Nam và nghi lễ bẻ bánh trong giáo hội tiên khởi. Thánh Phaolô dạy: "Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần vào một tấm bánh" (1 Cor 10, 16-17). Cử chỉ bẻ bánh thể hiện rõ ràng giá trị và tầm quan trọng của dấu hiệu hiệp nhất của mọi người trong cùng một tấm bánh, và của dấu hiệu yêu thương trong việc mọi người cùng chia với nhau tấm bánh duy nhất.
Chia sẻ thức ăn, biểu hiện cho sự sống, cũng như tâm tình, đại diện cho đời sống tinh thần, trong bữa ăn của người Việt thể hiện sự hiệp thông sâu sắc giữa các thành viên. Ước mong rằng qua việc cử hành bí tích Thánh Thể hay còn gọi là Bữa Ăn của Chúa trong các cộng đoàn công giáo chúng ta kiến tạo, nung nấu và làm triển nở tình yêu thương, cảm thông, chia sẻ và hiệp thông giữa các thành viên. Từ đó, đạo Công Giáo luôn xứng với cái tên Đạo Yêu Thương mà lương dân chân tình đặt cho từ xưa.


(Tài liệu tham khảo: Thiện Cẩm, Tiếng hát mỗi dòng sông, (2003). Toan Ánh, Con người Việt Nam, (NXB Trẻ, HCM: 2005). Và một số tài liệu khác.)

1 comment:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete