Tuesday 26 April 2016

Những VỊ LÃNH ĐẠO TINH THẦN ở giáo xứ tôi



Họ cưới hai – ba vợ, theo hoặc chấp nhận những hủ tục như hứa hôn, tảo hôn, sát tế, ma chay … như là chuyện đương nhiên. Trong số các giáo lý viên, có vài người có hơn một vợ, họ sống chung một nhà, sinh con đẻ cái như thói thường ở đây.

Họ là ai?
Họ là Phao-lô thời đại – đi rao giảng – thành lập, thăm viếng và cũng cố các cộng đoàn Ki-tô hữu.
Họ vừa là thầy dạy vừa là nhà lãnh đạo tinh thần của hơn 35 cộng đoàn Ki-tô giáo trên địa bàn rộng hàng ngàn cây số vuông. Họ là giáo lý viên và là người cử hành phụng vụ ở các giáo điểm.

Họ ‘lái xe riêng đi họp’ trên tỉnh – trung tâm giáo xứ - hàng tháng, gặp gỡ chuyện trò, học tập và ăn uống với ‘người ngoại quốc’. Mỗi tháng một lần họ đạp xe vượt vài chục cây số để đi học cách lãnh đạo và cử hành phụng vụ Lời Chúa cho cộng đoàn. Một cha người In-đô và tôi đang cố gắng chia sẻ với họ để họ có thể giúp dân sống Lời Chúa trong điều kiện và môi trường của mình.
Nhưng họ cũng là…
Họ là những người không biết đọc ngay cả tiếng mẹ đẻ của mình. Ngoài một vài giáo viên làng và một số ít may mắn được cắp sách đến trường vài năm, họ mù chữ toàn tập!
Họ cưới hai – ba vợ, theo hoặc chấp nhận những hủ tục như hứa hôn, tảo hôn, sát tế, ma chay … như là chuyện đương nhiên. Trong số các giáo lý viên, có vài người có hơn một vợ, họ sống chung một nhà, sinh con đẻ cái như thói thường ở đây.
Chưa tới 5 người nghĩa là chưa được 10 % trong số họ đã được rửa tội. Một số vì tình trạng gia đình, số còn lại vì chưa hiểu biết giáo lý. Những câu hỏi hoặc cách lập luận của các vị lãnh đạo tinh thần này có thể so sánh được với các tình huống trong phim “Đến Thượng Đế Cũng Phải Cười”. “Sao cha không cấp sách lễ cho chúng con làm lễ như các cha? Làm lễ mà không được bẻ bánh và ăn bánh thấy thiếu thiếu!”; “Có phải la hét càng to thì càng được Chúa nghe lời không? Sao không bắc loa trời mà hét như bên hồi giáo?”; “Cha mẹ cha đẻ ra cha, mà cha không chịu sinh con đẻ cái, rứa coi không được!” …
Tình cảnh có vẻ u ám quá, tuy nhiên, tôi có thể nhìn thấy được sự khát khao học hỏi và tâm tình tôn giáo hằn sâu trong tâm tư, cuộc sống của họ. Họ luôn đặt Chúa, hay ‘các chúa’ vào trung tâm cuộc sống. Có khi nào các bạn bắt đầu công việc hàng ngày của mình bằng một lời nguyện thầm chưa? Tôi học được điều này khi đi ra rẫy thu hoạch mỳ với ba thanh niên và hai đứa con nít, xin chia sẻ với các bạn.
Ra đến rẫy, ôi hăng hái cầm cuốc lên thì một bạn kêu lại và đề nghị cầu nguyện chung, nói “cha hăng quá nên quên”. Tôi ngớ người! Tôi học tiếng bản địa chưa tới đâu nên một bạn tự nguyện cầu nguyện tự phát. Khi kết thúc, các em tự động tập trung lại như một thói quen, rồi một em khác đứng ra cầu nguyện tự phát trong tâm tình tạ ơn.
Ở đây, khi có dịp phải chơi sang, chúng tôi không uống nước đóng chai, mà uống nước đóng bịch. Tôi lại một lần nữa ngớ người khi đang họp, cầm bịch nước lên uống, bị một giáo lý viên chọc nách nhắc ‘cha quên làm dấu’. Túm lại, với họ, dù bắt đầu ăn, uống bất cứ thứ gì, dù rất nhỏ, nhỏ như cái kẹo, họ cũng làm dấu, vì “ngay cả con gà khi uống tùng ngụm nước cũng ngước mặt lên trời và tạ ơn Thượng Đế!” Không phải như chúng ta “Cơm hai, khoai một, cháo đừng”, và mắc cỡ khi làm dấu chỗ đông người.
Thế thì tâm trí chứa đầy kiến thức về Chúa như chúng ta và cuộc sống bao quanh bởi Chúa như họ, cái nào ‘trọng’ hơn? Chắc hẳn bạn đồng ý với tôi rằng họ nên học hỏi nhiều hơn để tâm trí có đủ kiến thức về Chúa và chúng ta cần thực hành nhiều hơn để cuộc đời tràn ngập Chúa!

No comments:

Post a Comment