Tuesday 18 April 2017

Triết lý truyền giáo:

                                                          ĐẾN VỚI – ĂN CÙNG và NGỦ CHUNG

Mệt mỏi gặp gió mát, tôi thăng đường ngay! Vừa bắt đầu mơ thì nghe ‘cái giường’ rung rung. Lén nhìn qua thì, ôi! Mơ được, ước thấy! Sao bở ăn quá vậy! Cô vợ trẻ đẹp của ông chồng già nhà tôi nằm ngay cạnh tôi. Tôi lúng túng! Vì sợ hay mừng? Sợ! Sợ đàn bà à?



Một trong những điều làm tôi khó chịu khi ở đất khách là bị hỏi quá nhiều lần “Ở đó bây giờ mấy giờ rồi?”. Ở cái đất này chúng tôi lấy mặt trời làm đồng hồ, mà mặt trời thì thích trò trốn tìm. Mây, bụi và sương mù thường làm tôi lúng túng khi bị hỏi giờ. Có người hỏi một lần là nhớ luôn cách tính giờ - bên này thua Việt Nam 7 tiếng! Rồi không hỏi nữa. Số này rất ít. Phần nhiều người ta hỏi giờ chỉ để hỏi hay để bắt đầu một cuộc hội thoại hoặc đôi khi bí không biết hỏi gì. Kẻ Đông, người Tây lắm lúc cũng không biết nói chuyện gì ngoài vài câu hỏi bâng quơ và vài phản ứng bàng quang. Bâng quơ và bàng quang là phải vì dù có nói, có chia sẻ,
bằng lời rồi hình ảnh, thì mức độ cảm nhận cũng chỉ dừng lại ở sự tưởng tượng.
Tôi còn nhớ mấy năm trước khấn trọn, tôi về quê ăn tết giữa lúc thời tiết khá đẹp (không lạnh) cho đến lúc đi. Rồi năm tập hai ở lại ăn tết ‘nhạt’ ở Sài Gòn. Và khi đã được khấn trọn và phó tế, tôi chuẩn bị về quê ăn tết. Nghe ở nhà báo là trời rét như cắt, tôi chẳng có một cảm nhận gì. Lý do là vì nhiều năm rồi tôi không trải qua sự giá lạnh ở quê tôi. Về đến nhà, tắm xong đi ngủ tôi mới cảm nhận được thực sự cái rét đậm – rét hại mà tôi đã nghe đi nghe lại trên tivi cũng như từ người khác trong nhiều năm qua. Tôi thiết nghĩ, những người ở miền Nam sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được cái lạnh cóng người ở miền Bắc, mặc dù họ từng nghe đài báo và cả hình ảnh sống động trên tivi.
Từ đó, tôi ít khi hy vọng rằng người ta có thể cảm nhận, cảm động và cảm thông với những người sống trong môi trường hoàn toàn khác với họ. Cũng vì thế tôi nhớ mãi câu nói của Đức Giêsu, được đức giám mục giáo phận nơi tôi đang truyền giáo nói với tôi khi tôi mới qua Ghana “Đến mà xem”! Trùng hợp thay, hơn một năm sau tôi nhận được bài sai về địa phận xa nhất đó của Ngôi Lời.
Tôi đã đến và đã xem thấy rồi cảm nhận. Tuy nhiên, để viết, để kể cho người khác cảm nhận được thì tôi thua. Điều này làm tôi càng xác tín hơn vào triết lý mục vụ mà Đức Giêsu đã khơi lên (“đến mà xem”) rồi được hai môn đệ đáp trả (họ đã đến và ở lại với Ngài) mà tôi tạm gọi là triết lý ĐẾN VỚI – ĂN CÙNG và NGỦ CHUNG.
Đến với, ăn cùng, ngủ chung thì mới cảm được cái họ cảm và có thể giúp họ cảm được cái mình cảm. Đến với thì dễ, ăn cùng hơi khó nhưng ngủ chung thì có lẽ không thể?.
Ăn chung
Có người chỉ nhìn thấy người da đen là nhợn rồi, còn nói gì đến chuyện ngồi gần rồi ngửi mùi. Thế mà nhà truyền giáo phải bốc tay chung thố thức ăn, chấm cả tay vào tô nước chấm là tô đồ ăn duy nhất, rồi xơi. Nhìn người ta mút mấy ngón tay ngon lành, xong nhìn lại tô nước chấm. Bao nhiêu người mút tay xong lại nhúng tay vào đó, mút tiếp. Có người hỏi, sao cha không cẩm muổng nĩa qua mà ăn. Xin thưa, muốn ăn muỗng nĩa thì qua châu Âu mà truyền giáo!
Ăn chung là vậy còn ngủ chung thì sao?
Ngày đầu tiên tôi về bản Bunbon ở là một ngày đầu mùa nóng, cái nóng cháy da. Tôi thở không được trong căn phòng nhỏ, lợp tôn với cái cửa sổ chỉ đủ để đứa con nít lò mặt vô xem ‘người ngoài hành tinh’ đang làm gì, tôi đành ra ngủ dưới gốc xoài trên mấy cây gỗ nhỏ xếp lại làm nơi nghỉ mát của gia đình. Mệt mỏi gặp gió mát, tôi thăng đường ngay! Vừa bắt đầu mơ thì nghe ‘cái giường’ rung rung. Lén nhìn qua thì, ôi! Mơ được, ước thấy! Sao bở ăn quá vậy! Cô vợ trẻ đẹp của ông chồng già nhà tôi nằm ngay cạnh tôi. Tôi lúng túng! Vì sợ hay mừng? Sợ! Sợ đàn bà à? Không! Thích thì có. Nhưng thích rồi để đó thôi. Tôi sợ cái mà người đời rất sợ. SỢ MIỆNG ĐỜI! Chỗ tôi nằm lại ngay đường người ta đi gánh nước. Nhưng sao lại lúng túng? Vì tiến thoái lưỡng nan. Mấy người đừng nghĩ bậy nhé. Tiến ở đây không có nghĩa là quay qua người ta, mà là tiếp tục ngủ chung một ‘giường’. Còn thoái là đứng dậy vô phòng nằm chảy mỡ dưới mấy tấm tôn.
Đường nào cũng chết! Nằm tiếp thì sợ mang tiếng NGỦ CHUNG VỚI VỢ NGƯỜI TA, mà dậy đi thì sợ mang tiếng KỲ THỊ MÀU DA CHỦNG TỘC! Từ chết đến chết!
Tuy nhiên, tôi đã không chết và cũng không mang tiếng ngủ chung với vợ người ta dù thực sự hôm đó tôi nằm chung với vợ người ta. Đương nhiên là tôi không ngủ. Người ta hay nói ‘không ngủ’ thì mới sinh tội chứ ‘ngủ chung’ thì sao nên tội được. Nhưng hôm đó, nhờ ‘thức chung’ mà tôi hiểu ra được đôi điều.
Trước tình huống khó xử trên, tôi quyết định tiếp tục nằm như không có chuyện gì xảy ra. Một lúc sau tôi quyết định gỡ rối. Tôi ngồi dậy nhẹ nhàng hết sức có thể. Nhưng những thanh gỗ gập ghềnh đã làm cô thức giấc. Động tác vừa ngáp, vừa vươn vai vừa chào làm vẻ bên ngoài sắc sảo của cô giảm hẳn trong mắt tôi. Tuy nhiên, chúng tôi bắt đầu câu chuyện cách vui vẻ. Và qua câu chuyện thì tôi mới nhận ra là tôi đã tranh giường ngủ trưa của vợ chồng cô. Cô còn nói, việc ngủ chung như vậy là bình thường và nếu chồng cô về thì phải nằm gần hơn nữa.
Từ đó, chúng tôi phải ngủ chung. Tôi quyết định nới rộng cái ‘giường’ ra một chút để khỏi đụng chạm khi trở người. Có thể có người thắc mắc sao tôi không làm riêng một cái ‘giường’ khác, hay ngay cả làm dưới gốc cây khác. Tuy nhiên, theo văn hóa ở đây, làm như vậy là một sự xúc phạm lớn. Sự phân biệt chủng tộc là một điều hết sức nhạy cảm trên mảnh đất Phi Châu này. Họ sợ người khác nghĩ là họ thấp kém và bị xa lánh. Điều này liên quan đến những kinh nghiệm đau thương của họ trong quá khứ. Họ từng bị người da trắng bắt làm nô lệ, coi như đồ vật hay súc vật. Hình ảnh đó còn quá rõ nét trong họ. Do đó, các nhà truyền giáo dấn thân sống với họ và như họ để tôn trọng và giúp đỡ họ thì họ rất lấy làm lạ. Lúc đầu họ bán tín bán nghi, nhưng rồi, như cha thánh Giuse Frainademezt từng viết “có một thứ ngôn ngữ mà ai cũng hiểu, đó là ngôn ngữ tình yêu”. Mình cứ yêu, họ sẽ hiểu!
Chính sự gần gủi như việc ăn cùng – ngủ chung đó đã thay đổi hình ảnh người da trắng trong họ, đồng thời cũng thay đổi luôn hình ảnh Thiên Chúa trong họ. Họ từng nghĩ rằng Thiên Chúa là một người hay nổi giận, mỗi lần bụng sôi sùng sục là y như có chuyện không lành. Họ cho rằng tiếng sấm là tiếng phát ra từ bụng các vị thần khi họ bị đau bụng. Và mỗi lần như thế thì các vị thần nỗi giận và khạc ra lửa (sét) đốt cháy các cây cổ thụ hoặc nhà cửa, đôi khi cả con người và súc vật. Do đó, họ phải giết súc vật để tế lễ các vị thần nhằm làm họ nguôi giận.
Nhưng giờ đây, qua sự dạy dỗ và đặc biệt là đời sống của các vị truyền giáo, họ đã dần nhận ra một khuôn mặt khác của Thiên Chúa. Ngài là một người Cha, hằng yêu thương săn sóc họ, ngay cả nhiều khi họ còn sai lỗi. Giờ đây, họ không cần phải lấy máu chiên bò để rảy lên mình hầu mong được xóa bỏ tội lỗi nữa, vì Con Thiên Chúa đã lấy chính máu của Ngài để tẩy rửa họ.

Tính ra việc ĐẾN VỚI – ĂN CÙNG và NGỦ CHUNG cũng được việc phết!

2 comments:

  1. cảm ơn cha đã cho con biết về cuộc sống của con người nơi vùng Phi Châu khô cằn.
    Con rất ngưỡng mộ cha, con vẫn luôn ước mình được theo chân những nhà truyền giáo như cha đóng góp 1 phần nhỏ của mình trong công việc truyền giáo nơi những vùng xa xôi như thế.
    Chúc cha sức khỏe,niềm vui và bình an

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn Dieu Nguyen đã có lời khích lệ. Ước mong rằng một ngày này đó Dieu Nguyen sẽ hiện thực hoá mơ ước của mình.
      Hẹn gặp trên con đường nhỏ Giê-su.

      Delete