Friday, 11 June 2021

YÊU - ĐỂ HIỂU ĐIỀU KHÔNG THỂ HIỂU

(Lễ Kính Thánh Tâm 2021)



Tình yêu là đề tài hấp dẫn nhất nhưng cũng phức tạp nhất. Do đó, có rất nhiều người tham vọng định nghĩa hay tìm cách giải thích tình yêu nhưng cho đến nay thì chưa có câu định nghĩa hay cách giải thích nào làm thoả mãn trí hiểu con người. Tình yêu rất thực tế và gắn liền với con người nên ai cũng yêu, từ trẻ đến già, nhưng cũng hết sức trừu tượng nên mọi diễn tả về tình yêu đều vụng về, khiếm khuyết. Đặc biệt xã hội hiện đại tôn sùng đồng tiền và sự hưởng thụ tối đa đã làm nhiễu sống 'tình yêu' khiến chúng ta càng rối hơn. Nhiều lúc chúng ta không hiểu người ta đang yêu nhau hay người ta đang làm gì khác!
Tôn sùng Trái Tim của một Đấng đã yêu hết tình, hết mình, yêu cho đến cùng, chết rồi còn lấy máu và nước để tẩy rữa những nhơ uế của nhân loại, trước hết chúng ta nhìn lại xem xã hội chúng ta đã lạm dụng tình yêu và lạm dụng nhau như thế nào. 
1. Tình yêu vị kỷ
Đây là tình yêu lấy mình làm trung tâm, mọi người và mọi thứ chỉ để phục vụ cho nhu cầu bản thân. Thực ra đây không phải là yêu mà là lạm dụng. Tác giả của tình yêu này thường là các chàng họ Sở, thích diễn viên Hàn Quốc 'Quất Xong Zong', hay 'đánh quả - thả giống' và rút lẹ. Họ cũng có thể là những người lạm dụng sự tin tưởng và tình yêu của người khác để chiếm đoạt những gì họ muốn, họ thích. Tình yêu này nhằm làm thoã mãn nhu cầu bản thân. Nó có thể vô hại như yêu nghệ thuật, yêu phong cảnh thiên nhiên để thoã mãn óc nghệ thuật. Nó cũng có thể tai hại khi lấy mình làm trung tâm để bắt người khác phải phục vụ và làm cho mình vui thú.
Một triết gia đã nói nếu bạn nhìn thấy tôi mà bạn vui thích, sung sướng là bạn không yêu tôi mà bạn đang yêu chính mình. Chúng ta không thể dùng người khác như là phương tiện để thoã mãn bản thân. Đó không phải yêu mà là lạm dụng.
2. Tình yêu trao đổi.
Trong cuộc sống không ai cho không ai cái gì cả. Cục đất ném qua cục chì ném lại. Có qua có lại mới toại lòng nhau. Quá sòng phẳng, không còn chỗ cho tình yêu.
Chuyện kể rằng Na-ru-din tới một ngôi làng nọ, dù không ai biết anh ta nhưng mọi người đã đón tiếp và giúp đỡ anh ta một cách rộng rãi. Người thì mang cho anh đôi giày, người cho anh cái áo, người khác xin việc cho anh. Quá hạnh phúc, anh định cư và cưới vợ. Nhưng rồi đến ngày áo anh cũ, giày anh rách, anh đi sắm. Anh ngạc nhiên khi những người cho anh áo, tặng anh giày ngày anh mới tới giờ lại chém anh gấp đôi giá bình thường. Về nhà hỏi vợ, vợ anh bảo dân làng rất tốt bụng nhưng nhớ rất dai và tính sổ rất giỏi. Na-ru-din bảo 'vậy ở đây không ai cho không ai cái gì cả đúng không?'. Suy nghĩ một lúc vợ anh bảo: "có, người ta đã tặng em cho anh mà không đòi hỏi gì cả!" Tưởng rằng Na-ru-din đã chịu thua, ai ngờ, anh ta bảo: "người ta sẽ bắt anh trả cho họ những đứa con." Bó tay!
Lần kia một cuộc hội thoại được chụp lại và đăng lên facebook thu hút nhiều sự quan tâm. Trong cuộc hội thoại hai người phụ nữ mới cưới chồng đã mạt sát nhau một cách thẫm tệ vì hai phong bì đám cưới không 'cân', người thứ nhất đi đám 500k, người thứ hai đi lại 200k. Ngao ngán!
Hầu hết trong các mối tương quan, con người với ý thức rõ ràng hay không rõ ràng đều muốn được đền đáp những tình cảm, sự giúp đỡ tinh thần hay vật chất mình đã giúp họ. Hoặc ít ra mình tốt cũng để được tiếng tốt, được ca tụng.
Có thể nói tình phụ tử và mẫu tử, vốn được coi là thiêng liêng cao quý nhưng cũng mang hơi hám của tình yêu trao đổi. Ai lại không muốn con cái mình biết ơn mình và đền đáp ân tình. Điều đó thể hiện rõ khi mình đối diện với sự bội nghĩa vong ân. Mình bất bình khi con mình bất hiếu, thiếu chăm lo lại cho mình. Tuy nhiên, nói qua thì cũng phải nói lại, vì thực chất sự báo hiếu sẽ chẳng thấm vào đâu so với những hy sinh của cha mẹ. Và tình cha nghĩa mẹ cao tựa núi thẳm tựa sông, không ai dò thấu.
Thế nên người đời mới bảo chỉ khi làm cha làm mẹ mới hiểu được tình mẹ cha. Và hôm nay chúng ta đang tìm hiểu tình Chúa. Nếu áp dụng nguyên tắc phải làm cha làm mẹ mới hiểu tình mẹ cha thì phải đến khi nào làm Chúa hay nói đúng hơn là lên thiên đàng mới hiểu thấu tình Chúa.
3. Để biết điều vượt quá sự hiểu biết.
Với kinh nghiệm bản thân, thánh Phaolo đã ý thức được tình yêu cao vời khôn ví của Chúa Ki-tô nên đã cầu nguyện "để anh em nhận biết tình yêu của Đức Ki-tô, là tình yêu vượt quá sự hiểu biết". Có thể nói để thấu hiểu được tình yêu của Thiên Chúa hay chính Thiên Chúa, tự sức con người không thể làm được. Tuy nhiên, qua dòng lịch sử Thiên Chúa đã yêu thương mặc khải cho loài người một cách tiệm tiến phù hợp với khả năng của con người để con người dần dà nhận biết điều vượt quá sự hiểu biết của con người: tình yêu Thiên Chúa.
a. Như mẹ hiền nuôi dưỡng con thơ
Bài đọc 1 phác hoạ cho ta hình ảnh một Thiên Chúa nghiêng mình xuống săn sóc dân người như mẹ hiền nuôi nấng con thơ. Người yêu thương, bồng ẵm, ôm ấp vào má, đút cho ăn, tập đi. Hình ảnh đó thất đẹp, thật cảm động, nhưng Ít-ra-en nào đâu có biết. Y như một đứa trẻ vô tâm, dân Chúa cứ mãi rông chơi, để cho "trái tim Chúa thổn thức và ruột gan Chúa bồi hồi." Người mẹ nào không thổn thức, người cha nào không bồi hồi khi đối diện một sinh linh bé nhỏ, dễ bị tổn thương, dễ hư mất trước sống gió và cạm bẫy của cuộc đời. 
Tin Mừng diễn tả Chúa Giê-su như Mục Tử nhân lành. Hai chữ nhân lành còn bao hàm ý nghĩa dịu dàng và duyên dáng của một người phụ nữ, một người mẹ và đó cũng là hai phẩm chất cần thiết của một người chăn chiên. Dịu dàng duyên dáng để nhẹ nhàng săn sóc các con chiên non mới sinh và chăm lo cho các con chiên đau yếu.
Như vậy, Kinh Thánh không những diễn tả Thiên Chúa như một người Cha giang cánh tay mạnh mẽ che chở bảo bộc dân người, mà còn phác hoạ một Thiên Chúa dịu dàng duyên dáng như một người mẹ đang nuôi dưỡng vỗ về con thơ.
b. Tình phu thê không hề lay chuyển
Ngôn sứ Hô-sê là người đầu tiên dùng cuộc hôn nhân của mình để diễn tả mối tình của Thiên Chúa với dân It-ra-en. Thiên Chúa đã bắt ông đi cưới một cô gái điếm làm vợ. Ông đã cưới và đã rất mực yêu thương cô, tuy nhiên, ngựa quen đường cũ, dù đã có con với Hô-sê, cô vẫn tiếp tục đi khách. Cô nói: "Tôi đi theo các tình nhân của tôi, chính họ cho tôi bánh và nước, cho len, cho vải, cho dầu ăn, cho thức uống". Bị phản bội một cách công khai và trắng trơn, ông vẫn một mực yêu thương cô hết lòng, một mực muốn cùng cô thổ lộ tâm tình.
Hôn nhân của Hô-sê có tính biểu tượng, nói lên tình yêu ngang trái nhưng sắt son của Thiên Chúa đối với dân người. Dân It-ra-en đã bỏ Chúa để đàng điếm với thần dân ngoại. Thiên Chúa đã yêu thương "cưới" họ về, yêu thương săn sóc, nhưng chứng nào tật nấy, họ đã năm lần bảy lượt bỏ Chúa để đi hoang, ngủ lang với tà thần. "Chúng thỉnh ý khúc gỗ của mình, và xin cây gậy của mình mặc khải cho; vì thói đĩ điếm làm cho chúng lầm lạc, chúng bỏ Thiên Chúa mà đi làm điếm."
Thiên Chúa muốn giáng phạt họ, muốn trút giận trên đầu họ vì thói đàng điếm, nhưng rồi, đứng trước đứa con chính mình đã nuôi nấng, bồng ẵm, và săn sóc, Thiên Chúa đã chạnh lòng. "Hỡi Ep-ra-im, ta từ chối ngươi sao nỗi! Hỡi It-ra-en, Ta trao nộp ngươi sao đành!" ... " Trái tim Ta thôn thức, ruột gan Ta bồi hồi"! "Ta sẽ không buông theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không tiêu diệt Ep-ra-im nữa, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm".
Thiên Chúa yêu thương dân Ngài ngay khi họ đang còn là tội nhân, Ngài không bao giờ mệt mỏi vì tha thứ cho họ, chỉ có họ không còn muốn xin Ngài tha thứ nữa thôi.
c. Thập giá, đỉnh điểm của tình yêu
Dường như mọi nỗ lực của Thiên Chúa trong Cựu Ước và cả ba năm giảng dạy của Chúa Giê-su chưa thể diễn tả rõ được khuôn mặt trung thực của Thiên Chúa tình yêu. Bằng chứng là khi Chúa Giê-su đến dân Do Thái đã từ khước Ngài, các Tông Đồ là những người thân tín cũng tỏ ra ù ù cạc cạc, chẳng hiểu Thầy mình chút nào. Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, khi nghe Chúa Giê-su tiên báo về cuộc khổ nạn đang đón đợi Ngài, thay vì cảm thông chia sẻ thì các ông lại đi xin làm tể tướng này tể tướng nọ, rồi ghen tức nhau vì hai cái ghế hai bên Chúa khi Chúa lập quốc.
Mặc khải về Thiên Chúa tình yêu sẽ không trọn vẹn và có thể đi vào quên lãng nếu thiếu thập giá. Thập giá là đỉnh điểm của mạc khải và cũng là tột cùng của yêu thương. Qua thập giá Ngài tuôn đổ máu và nước từ cạnh sườn bị đâm thủng và từ trái tim bị xuyên qua để chữa lành loài người tội lỗi cả xác lẫn hồn. Từ thập giá Ngài xin tha cho những kẻ đã giết Ngài và Ngài cũng sẵn sàng tha cho chúng ta là những kẻ đang giết Ngài.
Tương truyền rằng, người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Chúa bị vảy cá trong mắt và khi nước và máu từ cạnh sườn Chúa bắt ra đã bay vào mắt anh ta và anh ta đã được chữa lành. Chuyện có thật hay không không quan trọng nhưng nó diễn tả một niềm tin rằng Chúa không những tha thứ cho kẻ thù mà còn chữa lành họ. Điều này nhắc tôi nhớ đến một người đã có một sáng kiến tha thứ cho kẻ thù hết sức đặc biệt. Cách nay khoảng 15 năm, con ông đang ngồi chơi cùng bạn tại một sườn dóc ở gần đỉnh đèo Hà Lan. Một chiếc xe máy từ trong đám sương mù lao tới cướp mất mạng sống của đứa con trai của ông. Thay vì bỏ chạy, chàng trai trạc tuổi con ông đã ôm lấy xác chết mà khóc. Nghe hung tin, ông chạy ra, đau lòng vì đứa con đã không còn. Nhưng hình ảnh người giết con mình ôm xác con ngồi khóc thực sự đánh động ông. Ông xin với cảnh sát để chàng trai khỏi chịu án tù nhưng không được. Sau đó ông đã nhận chàng trai người đồng bào đó làm con nuôi và nhiều lần thăm nuôi trong tù. Khi ra tù, cậu đã chạy ngay tới nhà ông để tỏ lòng biết ơn.
Thiết nghĩ việc tha thứ là một chuyện nhưng quan trong hơn là giúp kẻ thù chữa lành vết thương. Việc ông nhận người cướp mạng con mình làm con là một phép chữa lành.
Câu chuyện thật trên có thể là một nét chấm phá nói lên tình yêu bao la khôn dò khôn thấu của Thiên Chúa qua mầu nhiệm thập giá. Xin dùng lời thánh Phao-lô cầu nguyện mà xin cho chúng ta được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn, được xây dựng vững chắc trên đức ái, để chúng ta đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình yêu của Đức Ki-tô, là tình yêu vượt quá sự hiểu biết. (X. Ep 3). Amen. 
(Tĩnh tâm năm Học Viện Triết 10/6/2021)

No comments:

Post a Comment