Saturday, 19 October 2013

Giảng lễ Tạ Ơn

 



Hôm nay là khánh nhật truyền giáo và là lễ tạ ơn của một nhà truyền giáo, cho nên ta có lý do để nói về truyền giáo. Mà nói về truyền giáo thì không thể không nói đến lệnh truyền truyền giáo“Làm sao mà truyền giáo, nếu không được sai đi?” (Rm 10,15). Do đó, xin cộngđoàn cùng nhìn lại một số lệnh truyền truyền giáo hay một số lần sai đi của Đức Giêsu, xem có gì hấp dẫn, đặc biệt khôngvà đi theo những lệnh truyền đó thì được gì – mất gì?

1. Một tương lai “lỏng lẻo”

Một lần kia, sau khi nghe Đức Giêsu giảng, một chàng thanh niên trẻ, có lẽ trẻ hơn cha Long, lon ton chạy theo Đức Giêsu vừa thở hỗn hển vừa thưa: “Thầy! Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo!” Theo lẽ thường,


 ông thầy nào mà nghe được vậy chắc sướng rân cả người và hứa hẹn đủ điều! Thế nhưng, Đức Giêsu làm chúng ta shock, Ngài nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ. Con Người (là tui đây) không có chỗ tựa đầu!” (Mt 8,20). Hứa kiểu đó ai mà dám theo! Thế nhưng, hơn hai ngàn năm qua, có hàng triệu con người đã đi theo ông Thầy kỳ dị, không có chỗ tựa đầu đó. Và hiện nay, có hơn 350.000 chiến sĩ truyền giáo khắp nơi trên thế giới, chưa kể cha Long và anh em chúng con đây. Họ chấp nhận cảnh không chỗ tựa đầu.

2.      Một gói hành trang ‘trống rỗng”

Thời gian này, anh em chúng con đang chuẩn bị một số thứ để mang theo khi đi truyền giáo. Nào là áo quần, giày dép, mì tôm, ... Thế nhưng, sáng nay đọc lại Tin Mừng Luca, con buồn khi thấy Đức Giêsu nói với các Tông Đồ rằng: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng mang hai áo” (Lc 9,3). Ai trong quí vị ở đây là ‘tín đồ’ của mì tôm thì xin ghé Mission House của chúng con ăn hộ. Ăn xong còn được khuyến mãi thêm đôi dép lào. Thầy Giêsu không cho mang theo!

3.      Một sự từ bỏ triệt để

Một lần khác, cũng sau khi nghe Đức Giêsu giảng, có rất đông người theo, Ngài quay lại phán một câu làm bá quan văn võ ‘xẹp hứng’: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi” (Lc 14,26). Thiết nghĩ sau câu nói này chắc hẳn nhiều người bỏ cuộc, đặc biệt các ông. “Thôi, đi làm vài ve vui vẻ về với vợ cho rồi! Theo ‘... cha’ này, vợ con ai ôm!” Thế nhưng hôm nay, vẫn có nhiều người sẵn sàng từ bỏ cha mẹ, quê hương ... vợ con thì chắc chắn không có để dứt bỏ rồi, để đi truyền giống (í lộn) truyền giáo khắp nơi trên thế giới. Cha Long có vợ chưa? Có thì cũng bỏ luôn đi nhé! Sư Phụ bảo vậy!

4.      Và một kết cục ‘thê thảm’

Một hôm, Đức Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo, Ngài bảo: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi.” Intro hay, lệnh truyền ngắn gọn. Dừng ở đó là được rồi. Ai dè, Ngài bồi thêm:Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3). Chúng ta cứ tưởng tượng, một con chiên con đi vào giữa bầy sói dữ, thì số phận sẽ ra sao? Từ chết đến...? (Ai nói ‘đến bị thương’ đó? Làm gì có bị thương!) Từ chết đến chết! Và đúng như vậy, lễ kính các thánh Tông Đồ toàn là màu đỏ thôi! Không biết sau này lễ giỗ cha Long thì màu tím hay màu đỏ. Điều đó “hạ hồi phân giải” ha!

Kính thưa cộng đoàn, lược qua một vài lệnh truyền truyền giáo của Đức Giêsu, chúng ta thấy rằng Đức Giêsu là một vị thầy kỳ dị, nếu không muốn nói là lập dị và Ngài có những lệnh truyền hết sức lạ lùng, ngược đời và khó nuốt.



Sự ngược đời và khó nuốt đó các nhà truyền giáo hôm nay vẫn phải đối diện. Nhìn thoáng qua chúng ta cũng có thể thấy những khó khăn trước mắt mà nhà truyền giáo có thể gặp phải. Nào là ngôn ngữ, văn hóa, khí hậu, thức ăn, tiện nghi, ... Tất cả đều mới lạ và khó nuốt như các lệnh truyền của Thầy Giêsu vậy!

Thứ nhất là ngôn ngữ. Nói được một ngôn ngữ mới đã khó, nói cho đúng càng khó hơn, cho nên dễ gây hiểu lầm. Vào năm 1961, sau khi đi dự lễ phong chức giám mục của đức cha Nguyễn Khắc Ngữ và đức cha Nguyễn Kim Điền về, một giám mục người Pháp đã nói với linh mục đoàn trong giáo phận rằng: “Mùng cho giao họi Viết Nàm vua có hai đúc cha mói: đúc cha Ngu và đúc cha Điên. Đúc cha Ngu thì thòng minh, đúc đô, đúc cha Điên thì sang suốt, kiền đinh.”(Đức cha Ngu thì thông minh, đức độ còn đức cha Điên thì sáng suốt, kiên định.) Cả hội trường cười rầm lên mà đức giám mục chẳng hiểu ‘mô tê’ gì. Có nhiều sự hiểu lầm nguy hiểm trong ngôn ngữ. Ví dụ truyền giáo mà hiểu lầm qua truyền giống thì rách việc. Nhiều người cầu toàn, chọn giải pháp ‘bưng tai, bịt miệng’. Riết rồi thành câm điếc. Không chừng cha Long qua Brazil sẽ được đổi biệt danh: ‘Long sân khấu’ thành ‘Long câm điếc’. Đôi khi nhà truyền giáo rơi vào cảnh ‘cô đơn giữa đám đông’.

Thứ hai là thức ăn. Người ta nói “Món khoái khẩu của mình có thể là thuốc độc của kẻ khác.” Quả vậy, chúng ta rất thích nước mắm, có người ăn cơm mà không có nước mắm thì không chịu nỗi. Nhưng các cha Châu Phi nói “Nếu trên thiên đàng mà có nước mắm tớ sẽ không lên đó.” Chúng ta thích ăn cá tươi, còn một số dân tộc ở ngay Việt Nam chúng ta đây lại thích ăn cá có mùi ‘thum thủm’ hơn. Nhập gia tùy tục, không ăn như họ thì vác xác về xuôi mà truyền giáo!

 Thứ ba là tiện nghi. Hầu hết những điểm truyền giáo của dòng chúng con đều thuộc vùng phải gọi là “vùng sâu của vùng xa”, do đó, tiện nghi chắc chắn là khó khăn. Nhiều vùng không có điện. Còn internet và điện thoại thì thiếu, hoặc nếu không thiếu thì yếu! vv & vv.

 Đó là một vài khó khăn trước mắt mà nhà truyền giáo nào cũng phải trải qua. Làm một nhà truyền giáo là chấp nhận lội ngược dòng, sống ngược đời, vì chưng, truyền giáo là đi theo một Đấng chẳng giống ai và thực hiện những lệnh truyền không đụng hàng. Tuy vậy, đó là cách thức truyền giáo đúng nghĩa và hữu hiệu. Đức giáo hoàng Phanxicô trong Thông điệp nhân ngày Thế Giới Truyền Giáo 2013 đã nhấn mạnh rằng điều quan trọng là đời sống chứng tá của chúng ta, vì chúng sẽ gợi lên những câu hỏi như vào thời kỳ đầu của Giáo Hội: tại sao họ sống như thế? điều gì thúc đẩy họ? Các tín hữu trong giáo hội tiên khởi đã khiến những người chung quanh phải thắc mắc, phải đặt câu hỏi. Rồi đây cha Long cũng sẽ ra đi theo sứ vụ truyền giáo, đến những vùng “chó ăn đá, gà ăn cát”, ở đó, cha Long được mời gọi trở nên những dấu chấm hỏi cho cuộc đời: tại sao đẹp trai, hay hát và hát hay như cha Long lại đến cái ‘xó xỉnh’ này làm gì? Điều gì thúc đẩy cha từ bỏ những tiếng vỗ tay rần rần từ khán phòng để qua đây, trở thành một kẻ vô danh? Chắc hẳn, cha Long cũng mường tượng trước được phần nào những khó khăn mà cha có thể gặp phải. Thế nhưng có lẽ cha đã bị quyến rủ bởi những lệnh truyền ngược đời của Đức Giêsu và đã bị Ngài hớp hồn, nên cha đã ‘phớt lờ’ những rào cản đó để bước tới hầu mang Tin Mừng đến cho muôn dân. Hy vọng rằng tình nồng đừng chóng phôi phai để cha Long có thể hiện thực hóa những lệnh truyền của Thầy Giêsu.
Kính thưa cộng đoàn, một phút suy tư, đôi lời tâm sự, xin cộng đoàn đón nhận và đồng hành cùng chúng con, đặc biệt là cha Long, trên con đường sứ vụ truyền giáo đầy chông gai. Dẫu biết rằng chúng con mọn hèn, yếu đuối, dễ sa ngã, bỏ cuộc nhưng chúng con vẫn tin tưởng và khẳng khái bước đi, vì chúng con biết rằng “Chúa đang cùng con bước một, hai, ba.” Và ngoài ra, chúng con tin rằng quý vị đang bước đi cùng chúng con trong ý nguyện, lời kinh. Amen.

No comments:

Post a Comment