Friday 20 July 2012

Mẫu rập khuôn trong nhà tu


(NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO TU SĨ TRẺ HÔM NAY)

 

Theo từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, “rập khuôn” có nghĩa là “làm hoàn toàn theo một kiểu có sẵn nào đó một cách máy móc, không suy nghĩ vận dụng một cách thích hợp và có sáng tạo.”[1] Theo giáo sư Robert S. Feldman, “mẫu rập khuôn là một sơ đồ trong đó niềm tin và kỳ vọng về thành viên trong một nhóm được duy trì hoàn toàn trên cơ sở tư cách thành viên của mình trong nhóm ấy.”[2] Mỗi khi nghe nói về một ai đó bằng những câu như: ‘anh ấy người Bắc,’’ ‘cô ấy người Nam,’ ‘con điếm,’ ‘thằng tu xuất’, hầu hết mọi người đều có những ấn tượng cá nhân về con người đó và chúng ta dễ dàng xếp họ vào một ‘hạng’ hay nhóm người kèm theo một số tính chất đặc trưng. Khi những mẫu rập khuôn tiêu cực được áp dụng, chúng tạo ra sự phân biệt và có khả năng dẫn đến việc loại trừ lẫn nhau. Bên cạnh đó, khi bị người khác duy trì một mẫu rập khuôn về mình, người ta thường có những hành vi phù hợp với mẫu rập khuôn đó. Vậy, con người vừa là tác giả vừa là nô lệ cho mẫu rập khuôn.

Thành kiến và mẫu rập khuôn trong nhà tu

Thành kiến là những ý kiến đã ăn sâu thành nếp trong tâm trí con người. Thành kiến về một nhóm kéo dài sẽ dẫn đến mẫu rập khuôn về nhóm đó. Đời sống Ki-tô giáo ở Việt Nam, được truyền bá từ Tây phương vào khoảng thế kỷ XVI, vẫn còn giữ nguyên bầu khí của thời Trung cổ, kéo theo đó là lối tu trì trước Công đồng Vatican II. Do đó, trong tâm thức của nhiều người, hình ảnh người tu sĩ phải luôn đạo mạo, nghiêm trang, lời ăn tiếng nói đậm màu ‘thánh thiêng,’ còn các cộng đoàn tu trì thì phải kín cổng cao tường, tách biệt khỏi thế gian, khi cần ra ngoài thì phải đi theo nhóm hay ít ra cũng phải tuân thủ “luật thiên thần”, tức là đi đâu cũng đi hai người. Các công tác mục vụ bên ngoài chỉ nên làm theo kiểu “đánh du kích”, xong việc thì rút lẹ, dính dáng, liên lụy, bày tỏ cảm xúc là ‘điều chẳng nên’! Công tác mục vụ xưa nay vẫn quanh quẩn: dạy giáo ly, hướng dẫn thiếu nhi Thánh Thể, phụ trách ca đoàn, coi nhà trẻ, hướng dẫn giới trẻ. Hình ảnh người tu sĩ đã bị đồng hóa với các vai trò mà họ đảm nhận. Mặc tu phục ra đường không còn là sự đòi buộc khắt khe ở nhiều hội dòng, tuy nhiên, trang phục thường ngày của các tu sĩ thì không lẫn vào đâu được, đặc biệt là trang phục của các nữ tu.
Người đời đã ngây thơ ụp lên cho tu sĩ những “cái khuôn” như thế, còn tu sĩ thì gồng mình chấp nhận và dần dà ngoan ngoãn và vui vẻ rập theo một cách đáng thương. Tự gò mình vào những cái khuôn ‘hoàn hảo’ như vậy khiến người tu sĩ hầu như hoàn toàn đánh mất dấu ấn cá nhân trong cung cách sống và những công việc mình làm. Họ sống như người khác muốn và làm theo những gì người khác mong đợi. Và như thế, họ đã tự đánh mất chính mình trong những gì người ta nói và chỉ vì những gì người ta đánh giá.

Đào tạo tu sĩ và mẫu rập khuôn

Chúng ta dễ nhận thấy mẫu rập khuôn rất đặc trưng trong các cộng đoàn tu trì ở Việt Nam là một lớp người hiền lành, ngoan ngoãn, đập đi hò đứng, đùn đẩy, ỉ lại, không dám đứng ra lãnh trách nhiệm về mình - một lối khiêm nhường tội nghiệp. Có thể nói đó là những “sản phẩm” tiêu biểu từ môi trường đào tạo và không khí nhà tu của chúng ta hiện nay. Lối hành xử quen thuộc và được ưa chuộng trong các nhà đào tạo “trên bảo sao dưới làm vậy” đã làm cho mỗi cá nhân cũng như cộng đoàn mất hẳn sức sống và mất luôn nhân cách. Ngay từ đầu vào, nhà đào tạo đã cẩn trọng lựa chọn những ứng sinh hiền lành dễ bảo, không thích đặt vấn đề, không cần sáng tạo. Đa số các cộng đoàn đào tạo tập trung nỗ lực vào đời sống kỷ luật sao cho thật trật tự, nề nếp, ổn định hơn là đào tạo sự trưởng thành. Vừa bước vào nhà dòng, người thỉnh sinh được trao một thời khóa biểu chi chít những giờ giấc sinh hoạt. Trách nhiệm của thụ huấn sinh đó là tham gia đầy đủ các giờ chung và chu toàn các công tác được giao trong sinh hoạt chung của cộng đoàn. Người lãnh trách nhiệm đào tạo thường mong muốn nề nếp cộng đoàn mình luôn ổn định, không có gì nổi cộm hay trục trặc. Một cộng đoàn lấy vào luật lệ làm thước đo và sẵn sàng áp dụng mọi hình thức kỷ luật chỉ để nhắm đến sự ổn định, xuôi chảy, không gì sai chạy sẽ sớm trở thành một cộng đoàn vô hồn, tồn tại một cách tẻ nhạt và thiếu sức sống.
Được ‘sản xuất’ từ những cái lò với bầu không khí ô nhiểm như thế, các tu sĩ dường như dĩ nhiên trở thành “cá mè một lứa”, rập khuôn và ‘khờ người’ ra như người ta vẫn nói. Chúng ta rất thường nghe những câu nhận xét hết sức chân tình, thực tế mà cũng rất đau lòng về các tu sĩ, đại loại như: ‘nhìn chú hiền hiền,’ ‘lù đù như thầy tu,’ ‘hiền như ma sơ’. Đó là cái Mẫu rập khuôn mà chúng ta đang quảng diễn cùng thế gian. Còn chăng cái chức năng là nguồn an ủi và chổ dựa tinh thần cho mọi người của tầng lớp tu sĩ khi họ thiếu trưởng thành và quá xa rời cuộc sống như thế? Giá như dưới mắt người đời, người tu sĩ luôn là những con người có thái độ bình thản, khoan thai nhưng rất nhạy cảm với nhân tình thế thái, dám nghĩ, dám làm và có khả năng sưởi ấm những tâm hồn giá buốt và xoa dịu những vết thương lòng đang rướm máu khắp nơi.
Để được như thế, thiết nghĩ cần rà soát và có thể chấn chỉnh lại đường hướng đào tạo của chúng ta. Nhiệm vụ của đào tạo là giúp thụ huấn sinh trưởng thành nhân bản và tâm linh, đầy ý thức về bản thân, về sứ vụ của mình chứ không phải cài lệnh cho những cái máy và bắt chúng vận hành đúng qui tắc theo các phương trình sẵn có.



[1] Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 2001).
[2] Robert S. Feldman, Những điều trọng yếu trong Tâm lý học, Trung tâm dịch thuật dịch, (Hà Nội: Thống kê, 2003), tr. 661.

No comments:

Post a Comment