Friday 13 July 2012

"Tôi có một GIẤC MƠ"

Martin Luther King, Jr._giải thưởng Nobel hòa bình, người đã đấu tranh vì người da đen, chống lại sự phân biệt chủng tộc, đã có một câu nói rất nổi tiếng: TÔI CÓ MỘT GIẤC MƠ. Và giấc mơ của ông đã được thực hiện sau khi ông qua đời. Khó khăn lớn nhất của ông không phải là việc chống lại người da trắng nhưng là việc thuyết phục người da đen nhận ra rằng họ sinh ra không phải để làm nô lệ, và việc giúp họ giành lấy quyền con người bằng phương pháp bất bạo động. Xin trích dân ở đây bài viết tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp của vị thánh thế kỷ 20 của người Mỹ, bên cạnh đó cũng gởi đến đọc giả một clip ý nghĩa: Giấc mộng đẹp kèm theo bài hát mang tựa đề trùng với câu nói nỗi tiếng trên của Martin Luther King. (pet)




Martin Luther King, Jr. (viết tắt MLK; 15 tháng 1 năm 1929 – 4 tháng 4 năm 1968) là mục sư Baptist, nhà hoạt động dân quyền Mỹ gốc Phi, và là nhà quán quân Giải Nobel Hoà bình năm 1964. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động. King được nhiều người trên khắp thế giới ngưỡng mộ như một anh hùng, nhà kiến tạo hoà bình và thánh tử đạo. Mười bốn năm sau khi bị ám sát, chính phủ Mỹ ban hành đạo luật thiết lập Ngày lễ Martin Luther King để tôn vinh ông.Xuất thân

King sinh tại Alanta, Georgia, con đầu của Mục sư Martin Luther King, Sr. và bà Alberta Williams King. Sau khi rời Đại học Morehouse (dành riêng cho người da đen) với văn bằng cử nhân năm 1948, King đến Chester, Pennsylvania, theo học tại Chủng viện Thần học Crozer và tốt nghiệp với học vị Cử nhân Thần học (Bachelor of Divinity) năm 1951. Sau khi bị Trường Thần học thuộc Đại học Yale từ chối, King theo học tại Đại học Boston và nhận văn bằng Tiến sĩ chuyên ngành Thần học Hệ thống (Systematic Theology) năm 1955.

King kết hôn với Coretta Scott. Hôn lễ được cha ông cử hành tại nhà của cha mẹ cô dâu ngày 18 tháng 6 năm 1953.


Đời tranh đấu

Năm 1954, King nhận chức quản nhiệm (pastor) Nhà thờ Baptist đại lộ Dexter, tại Montgomery, Alabama. Giáo đoàn qui tụ giới giàu có, trí thức và những người có nhiều ảnh hưởng trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi, nên khi bùng nổ cao trào tẩy chay xe buýt - đột ngột khởi phát sau khi một phụ nữ da đen, Rosa Park, bị bắt giữ vì từ chối nhường chỗ ngồi trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng theo qui định của “
Luật Jim Crow” – King được xem là một trong số những người thủ giữ vai trò lãnh đạo cuộc tẩy chay. Ngày 30 tháng 1 năm 1956, nhà riêng của King bị đánh bom, một đám đông giận dữ tụ tập trên con đường trước ngôi nhà, tự vũ trang với dao, súng, gậy gộc, đá và chai lọ. Song King nói với họ:

Đừng hốt hoảng, đừng làm bất kỳ điều gì trong sự giận hoảng! Ai có vũ khí, xin hãy đem về, ai không có vũ khí, xin đừng thủ đắc chúng. Chúng ta không thể giải quyết vấn nạn này bằng những vụ bạo động trả đũa... Chúng ta phải yêu thương những người anh em da trắng bất kể họ đã làm gì đối với chúng ta. Chúng ta phải hành động để họ biết rằng chúng ta yêu họ. Lời dạy của Chúa Giê-xu vẫn còn vang vọng đến hôm nay: Hãy yêu kẻ thù mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình[1]. Đó là điều chúng ta phải làm. Chúng ta phải lấy tình yêu thương mà đáp trả lòng thù hận.

Cuộc tẩy chay kéo dài 381 ngày. Trong khi cuộc tẩy chay đang tiến triển, King bị bắt giữ cho đến khi Tối cao Pháp viện phán quyết rằng các qui định phân biệt chủng tộc trên các tuyến xe buýt trong tiểu bang là vi hiến.

Sau cuộc tẩy chay, King tích cực hoạt động cho kế hoạch thành lập Hiệp hội Các nhà lãnh đạo Cơ Đốc miền Nam (SCLC) năm 1957 với mục đích thiết lập một bộ khung cho tiến trình kiến tạo một thẩm quyền tinh thần và tổ chức mạng lưới các nhà thờ của người da đen vào Phong trào Phản kháng Bất bạo động nhằm tranh đấu cho sự bình đẳng trong quyền dân sự. King tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình trong tổ chức này cho đến khi ông mất. Nguyên tắc bất bạo động của Hiệp hội bị chỉ trích bởi những người trẻ tuổi cực đoan và bị thách thức bởi Ủy ban Hợp tác Bất bạo động Sinh viên (SNCC), lúc ấy dưới quyền lãnh đạo của James Foreman.

Thành viên của SCLC phần lớn đến từ những cộng đồng da đen có liên hệ với các nhà thờ Baptist. King theo đuổi triết lý bất phục tùng dân sự theo phương pháp bất bạo động được sử dụng thành công tại Ấn Độ bởi Mohandas Gandhi, ông ứng dụng triết lý này vào các cuộc phảng kháng được tổ chức bởi SCLC. King nhận ra rằng các cuộc phản kháng bất bạo động có tổ chức nhằm chống lại hệ thống kỳ thị tại các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ, được biết với tên Jim Crow, sẽ thu hút sự chú ý rộng rãi của các phương tiện truyền thông. Họ sẽ tìm đến để tường thuật cuộc đấu tranh giành sự bình đẳng và quyền bầu cử cho người da đen. Thật vậy, những bài tường thuật trên báo chí và những đoạn phim được chiếu trên truyền hình về cuộc sống thường nhật của người da đen miền Nam, đầy ắp sỉ nhục và luôn bị tước đoạt, cũng như tình trạng bạo động cùng những hành vi quấy nhiễu và ngược đãi do người kỳ thị gây ra cho người biểu tình, dấy lên một làn sóng đồng cảm lan tỏa rộng khắp, là nhân tố quyết định đem Phong trào Dân quyền Mỹ vào điểm tập chú của công luận để trở thành một trong những điểm nóng của nền chính trị Hoa Kỳ trong những năm đầu của thập niên 1960.

King tổ chức và dẫn đầu các cuộc biểu tình tranh đấu cho người da đen quyền bầu cử, quyền được đối xử bình đẳng và các quyền dân sự căn bản khác. Những quyền này đã được ghi trong luật pháp Hoa Kỳ khi Luật về Quyền Dân sự được thông qua năm 1964 và Luật về Quyền Bầu cử được thông qua năm 1965. Do có những quyết định chính xác khi chọn phương pháp và địa điểm để tổ chức các cuộc phản kháng cùng chiến lược phối hợp tốt, King và SCLC đã ứng dụng thành công các nguyên tắc bất bạo động. Tuy nhiên, đôi khi các cuộc đối đầu lại biến thành những vụ bạo động như những diễn biến xảy ra cho phong trào phản kháng tại Albany từ năm 1961 đến 1962, khi sự chia rẽ bên trong cộng đồng người da đen cùng đối sách cứng rắn và khôn khéo của chính quyền địa phương đã vô hiệu hóa mọi nỗ lực từ phong trào. Điều tương tự cũng xảy ra cho phong trào tại

Birmingham vào mùa hè năm 1963 và tại St. Augustine, Florida năm 1964.
Diễu hành đến Washington

Martin Luther King, Jr. đọc diễn văn Tôi Có một Giấc mơ tại Cuộc Diễu hành vì Quyền Công dân ở Washington, D.C.King, đại diện cho SCLC, có mặt trong số các nhà lãnh đạo đến từ các tổ chức khác nhau giúp tổ chức Cuộc Diễu hành đến Washington vì Việc làm và Tự do năm 1963.

Tại đây, họ đưa ra những thỉnh cầu như chấm dứt tình trạng kỳ thị chủng tộc tại trường công, ban hành các đạo luật bảo vệ dân quyền, bao gồm luật cấm phân biệt màu da trong tuyển dụng, bảo vệ người đấu tranh cho dân quyền khỏi sự bạo hành của cảnh sát cũng như ấn định mức lương tối thiểu, và quyền tự trị cho Hạt Columbia, khi ấy đang ở dưới quyền cai trị của một uỷ ban của Quốc hội.

Cuộc diễu hành là một thành công vang dội. Hơn 250 ngàn người thuộc các chủng tộc khác nhau đến tham dự, đám đông trải dài từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln đến National Mall và bao kín bờ hồ sóng sánh nước. Cho đến khi ấy, đây là cuộc tụ tập lớn nhất trong suốt lịch sử của thành phố Washington, D.C.. Tại đây, King đã dẫn dắt đám đông lên đến các cung bậc cao của xúc cảm khi ông đọc bài diễn văn Tôi có một giấc mơ (I Have a Dream). Cùng với bài Diễn văn Gettysburg của Tổng thống Abraham Lincoln, Tôi có một giấc mơ được xem là một trong những diễn từ được yêu thích nhất và được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông nói,

Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày khi đất nước này trỗi dậy để sống theo ý nghĩa thật của niềm xác tín của chính mình: "Chúng ta tin rằng chân lý này là đầy trọn, ấy là mọi người sinh ra đều bình đẳng". Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con của nô lệ và con của chủ nô sẽ ngồi lại cùng nhau bên bàn ăn của tình huynh đệ. Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày vùng đất hoang mạc Mississippi, bức bối vì hơi nóng của bất công và áp bức, sẽ chuyển mình để trở thành ốc đảo của tự do và công bằng. Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày bốn con nhỏ của tôi sẽ sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bằng màu da, mà bằng tính cách của chúng. Hôm nay, tôi có một giấc mơ...

Bài diễn văn đã đi vào lịch sử và làm tên tuổi của King được biết đến trên toàn thế giới.

Suốt những năm tháng đấu tranh, King thường xuyên viết và đi khắp nơi để diễn thuyết, dựa trên kinh nghiệm lâu dài của của một nhà thuyết giáo. Thư viết từ Nhà tù Birmingham năm 1963 là bản tuyên ngôn cảm động về sứ mạng của ông đấu tranh cho sự công chính. Ngày 14 tháng 10 năm 1964, King trở thành nhân vật trẻ tuổi nhất được trao Giải Nobel Hoà bình. Ông được chọn vì những thành quả trong nỗ lực lãnh đạo phong trào phản kháng với mục tiêu đấu tranh nhằm chấm dứt các định kiến về chủng tộc tại Hoa Kỳ.

Martin Luther King hội kiến với Tổng thống Lyndon B. Johnson.

King và SCLC, với sự hợp tác của SNCC, tổ chức một cuộc diễu hành từ Selma đến thủ phủ Montgomery vào ngày 25 tháng 3 năm 1965. Một nỗ lực trước đó vào ngày 7 tháng 3 đã thất bại khi bùng nổ bạo động giữa đám đông và cảnh sát với những người biểu tình. Ngày ấy được gọi là ngày Chủ nhật đẫm máu. Chủ nhật đẫm máu là ngả rẽ quan trọng trong nỗ lực dành sự ủng hộ của công chúng cho Phong trào Dân quyền. Sau lần hội kiến với Tổng thống Lyndon B. Johnson, King muốn dời cuộc diễu hành đến ngày 8 tháng 3, nhưng nó vẫn được tiến hành mà không có ông. Những đoạn phim ghi lại hình ảnh tàn bạo của cảnh sát được phát sóng toàn quốc đã giúp dấy lên sự phẫn nộ của công chúng.

Cuối cùng, cuộc diễu hành được ấn định vào ngày 25 tháng 3 với sự đồng ý và ủng hộ của Tổng thống Johnson, từ cuộc diễu hành này mà Willie Ricks đã ghi dấu thuật ngữ "Sức mạnh Da đen" (Black Power) trong lòng công chúng.
Những Thách thức khác

Martin Luther King diễn thuyết tại Nhà thờ Washington Temple.

Từ năm 1965, King bắt đầu bày tỏ sự nghi ngờ của mình về vai trò của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Ngày 4 tháng 4 năm 1967 – một năm trước khi mất – King phê phán mạnh mẽ vai trò của nước Mỹ trong cuộc chiến. Ông cho rằng cuộc chiến đã làm suy yếu phong trào đấu tranh cho dân quyền và phá hoại các chương trình xã hội trong nước.

King cũng nói về sự cần thiết phải có thay đổi tận gốc rễ đời sống kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ. Càng đến gần những ngày cuối của đời mình, ông càng bày tỏ nhiều hơn quan điểm chống chiến tranh và mong ước được nhìn thấy các nguồn tài nguyên được tái phân phối sao cho giảm thiểu sự bất công trong các lĩnh vực kinh tế và chủng tộc.

Năm 1968, King và SCLC tổ chức “Chiến dịch cho Dân nghèo” với mục tiêu trình bày các vấn đề về công bằng trong kinh tế. Chiến dịch được đẩy lên cao điểm trong một cuộc diễu hành tại Washington, D.C., đòi hỏi trợ giúp về kinh tế cho các cộng đồng nghèo nhất tại Hoa Kỳ.

Ngày 3 tháng 4 năm 1968 khi nói chuyện với một đám đông đang phấn chấn, lời của King như một lời tiên tri:

Tôi không quan tâm điều gì đang xảy ra... người ta đang bàn tán về những lời đe dọa - những người anh em da trắng sẽ làm gì tôi... Giống mọi người, tôi muốn được sống lâu. Trường thọ là điều quí báu, nhưng hiện nay tôi không quan tâm đến nó. Tôi chỉ muốn tuân phục ý Chúa. Ngài cho phép tôi leo lên đỉnh núi, nhìn về phía xa, và tôi đã thấy Đất Hứa. Có thể tôi sẽ không đến đó cùng với anh em. Nhưng đêm nay tôi muốn anh em biết rằng, chúng ta, như là một dân tộc, sẽ tiến vào Đất Hứa. Đêm nay tôi thấy mình hạnh phúc. Tôi không lo lắng gì nữa. Tôi không sợ hãi ai nữa. Mắt tôi đã ngắm xem sự vinh hiển của Chúa. ”

Nhiều người tin rằng, đêm hôm đó, King đã đọc điếu văn cho chính mình.
Ám sát

Khách sạn Lorraine, địa điểm King bị ám sát, hiện là Viện bảo tàng Dân quyền Quốc giaKing bị ám sát vào chiều tối hôm sau, ngày 4 tháng 4 năm 1968, vào lúc 6 giờ 01 phút, khi ông đang đứng trên ban công của khách sạn Lorraine tại Memphis, Tennessee, sắp sửa rời khách sạn để dẫn đầu một cuộc diễu hành ủng hộ liên đoàn công nhân vệ sinh của người da đen tại Memphis. Vài người bạn đang ở bên trong, nghe tiếng súng vội chạy ra ban công để thấy King đã bị bắn vào hàm. Bốn ngày sau, Tổng thống Johnson công bố một ngày quốc tang than khóc cho cái chết của nhà lãnh đạo phong trào dân quyền. Ba trăm ngàn người đã tìm đến để tham dự tang lễ của ông.

James Earl Ray nhận tội và bị kết án, nhưng một ngày sau đó lại phản cung.
Di sản

Sau khi chết, danh tiếng của King càng tăng cao, trở nên một trong những tên tuổi được kính trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, và nhiều người bắt đầu ví sánh ông với Abraham Lincoln; theo nhận xét của họ, cả hai đều là những nhà lãnh đạo có công thúc đẩy sự tiến bộ về nhân quyền nhằm chống lại tình trạng nghèo khổ tại một quốc gia đang bị phân hoá vì chính vấn nạn này – và vì vậy, cả hai đều bị ám sát.

Sau cái chết của King, Coretta Scott King tiếp bước chồng để trở thành nhà hoạt động đấu tranh cho dân quyền và công bằng xã hội. Trong năm Martin Luther King bị ám sát, Bà King thiết lập Trung Tâm King nhằm mục đích bảo tồn các di sản của ông và cổ xuý tinh thần bất bạo động trong đấu tranh cũng như lòng khoan dung trên toàn thế giới.

Năm 1980, ngôi nhà thời thơ ấu của King ở Atlanta cùng các tòa nhà lân cận được công bố là Di tích Lịch sử Quốc gia Martin Luther King, Jr. Ngày 2 tháng 11 năm 1983, tại Vườn Hồng Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Ronald Reagan ký sắc lệnh thiết lập ngày lễ liên bang tôn vinh King. Ngày lễ Martin Luther King được cử hành lần đầu tiên ngày 20 tháng 1 năm 1986, vào ngày thứ Hai thứ ba của tháng 1 mỗi năm; như vậy ngày lễ sẽ là những ngày kế cận với ngày sinh của King (15 tháng 2). Ngày 17 tháng 1 năm 2000, lần đầu tiên Ngày lễ Martin Luther King được tổ chức trên toàn thể 50 tiểu bang của nước Mỹ.

Năm 1998, Hội Ái hữu Alpha Phi Alpha được sự ủy thác của Quốc hội Hoa Kỳ thành lập tổ chức gây quỹ thiết kế Đài Tưởng niệm Quốc gia Martin Luther King. King là thành viên danh tiếng của Hội Ái hữu Alpha Phi Alpha (ΑΦΑ), đây là hội ái hữu liên đại học đầu tiên của người Mỹ gốc Phi được đặt tên theo bảng chữ cái Hi văn. King sẽ là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được lập đài tưởng niệm trong khu vực thuộc công viên quốc gia National Mall, và là nhân vật thứ hai không phải là tổng thống Hoa Kỳ được vinh danh theo cách này.

Phần mộ của Martin Luther King và vợ, Coretta Scott King tại Trung tâm King.King là một trong mười thánh tử đạo thế kỷ 20 được tạc tượng trên Great West Door của Điện Westminster tại Luân Đôn.

Ngoài Giải Nobel Hòa bình năm 1964, King được Ủy ban Do Thái Hoa Kỳ trao tặng Huân chương Tự do Mỹ vì những đóng góp đặc biệt “cho sự thăng tiến các nguyên tắc tự do của con người”.

Đến năm 2006, có hơn 730 thành phố trên khắp nước Mỹ đặt tên ông cho những đường phố của họ. Năm 1986, Quận King, tiểu bang Washington được đặt tên để vinh danh ông. Trung tâm hành chính thủ phủ Harrisburg của bang Pennsylvania là tòa thị chính duy nhất của Hoa Kỳ mang tên ông.
Để tưởng nhớ King, một con đường ở Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh được đặt theo tên ông

Năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter truy tặng King Huân chương Tự do của Tổng thống.

Theo một cuộc thăm dò của Gallup, King đứng thứ hai trong danh sách những nhân vật được ngưỡng mộ nhất trong thế kỷ 2.

Một cuộc thăm dò thực hiện bởi tạp chí TIME cho thấy King được xếp ở vị trí thứ sáu trong danh sách Nhân vật Thế kỷ.

King được chọn vào số Những người Mỹ vĩ đại nhất của mọi thời đại (đứng thứ ba), thực hiện bởi Kênh truyền hình Discovery và AOL.


Hạnh phúc không phải là cảm giác khi tới đích.
Hạnh phúc được tìm thấy trên từng chặng đường đi.

No comments:

Post a Comment