Sunday, 16 September 2012

THẦN HỌC VỀ CHỨC LINH MỤC THEO DÒNG LỊCH SỬ


Mặc dầu trong thời đầu của Giáo hội, thừa tác vụ linh mục dường như ít được coi trọng, hay đúng hơn, núp dưới bóng chức vụ giám mục, nhưng theo dòng lịch sử thần học về chức linh mục luôn nhận được một sự ưu ái hết sức đặc biệt của Giáo hội và các nhà thần học. Bằng cách nhìn lại những suy tư căn bản về căn tính và sứ vụ của linh mục trong các chặng đường lịch sử Giáo hội, người viết muốn tìm hiểu thần học về chức linh mục trong câu nói “đời sống và thừa tác vụ linh mục là sự nối dài đời sống và hoạt động của chính Đức Kitô”.


1.    Thời các Giáo phụ

a.    Vai trò tư tế của linh mục. Thực ra vai trò tư tế của linh mục trong hai thế kỷ đầu khá mờ nhạt vì họ chỉ được ngồi hàng ghế danh dự bao quanh giám mục khi các ngài cử hành Thánh Lễ. Theo thánh Cypriano, chỉ trong những trường hợp cần thiết, các linh mục có thể xin phép giám mục để cử hành nghi thức hòa giải, cũng như cử hành Thánh Lễ. Tuy nhiên, kể từ thế kỷ thứ 3, các linh mục cũng có thể dâng Thánh Lễ, chúc lành cho giáo dân và của lễ họ dâng, rao giảng và chủ tọa cộng đoàn, cử hành bí tích rửa tội và giao hòa cho hối nhân.[1] Thánh Gioan Kim Khẩu trong cuốn "De Sacerdotio" coi linh mục như là người dâng hy lễ, được thánh hóa và thánh hiến để phục vụ Chúa qua việc phụng tự và mục vụ. Khi được thánh hiến và thi hành thừa tác vụ linh mục, các linh mục tham dự vào vai trò trung gian duy nhất, chức vụ tư tế đời đời và chức Mục Tử nhân lành của Đức Kitô.

b.    Vai trò lãnh đạo của linh mục. Thánh Grégoire de Nysse nói rằng sau khi được phong chức linh mục, các ngài được trao nghĩa vụ và quyền hạn rất lớn: “Quả vậy, mới hôm qua thôi, và trong thời gian trước đây, người còn là một kẻ trong đám đông, một kẻ trong dân chúng, thế mà bỗng nhiên người trở thành nhà lập pháp, đấng chủ tọa, vị tôn sư dạy cách sống đạo, kẻ công bố các mầu nhiệm bí ẩn.[2] Ngoài ra, trong lời nguyện đặc biệt dành riêng cho việc phong chức linh mục có đoạn: “...xin ban Thần Khí ân sủng và Thần Khí cố vấn để ngài bước vào hàng ngũ linh mục và cai quản dân Người với tâm hồn trong sạch...”. Điều này nói lên rằng ngoài hàng ngũ giám mục, các linh mục cũng có vai trò cai quan trong cộng đoàn, đặc biệt vai trò này được nhấn mạnh trong thời các giáo phụ, nhất là kể từ thế kỷ thứ 3. Linh mục đoàn được đặt vào vị trí các Tông Đồ, đồng thời có những lời kêu gọi phải vâng phục các ngài bên cạnh các giám mục. Vậy, vai trò chủ yếu của các linh mục trong cộng đoàn là lãnh đạo mặc dù quyền lãnh đạo cao hơn và bao quát thuộc về các giám mục. Linh mục thường được giao cho việc lãnh đạo và giảng dạy một cộng đoàn giáo xứ nào đó trực thuộc giám mục. Được xem như những người kế vị các Tông Đồ, các linh mục cũng mô phỏng lại đời sống và tác vụ mà các Tông Đồ đã sống và thực hành theo gương Đức Giêsu Kitô mục tử. Trong vai trò là mục tử, các linh mục cần làm nổi bật các nhân đức: bác ái mục tử, khó nghèo, thanh khiết, khôn ngoan, hiền hậu, tinh thần cầu nguyện. Thánh Augustino trong "De civitate Dei" và "Confessiones" khuyên linh mục phải nên thánh qua việc phục vụ Giáo hội, và việc phục vụ phải bắt nguồn từ tình yêu.

c.     Tính tông truyền của chức linh mục. Đời sống và thừa tác vụ của các linh mục có giá trị nối dài đời sống và hoạt động của Đức Kitô không chỉ vì nó họa lại những việc Người đã thực hiện và tham gia vào những chức vụ của Người, nhưng hơn nữa nhờ tính tông truyền của chức vụ này. Thánh Clémente trong thư gởi tín hữu Côrintô chương 44 nói “... do được biết rõ từ trước, các ngài chỉ định những vị trên đây, và chỉ thị là sau khi họ chết, phải có những người cần mẫn khác để tiếp nhận chức vụ của họ.” Thánh Irênê vào cuối thế kỷ thứ 2 và Tertulianô đầu thế kỷ thứ 3 đã có những khẳng định mạnh mẽ bào chữa cho tính tông truyền trong Giáo hội. Theo đó, các giám mục phải do các Tông Đồ hoặc các đấng kế vị các ngài truyền lại, còn linh mục cũng cần được các giám mục như thế truyền chức đồng thời họ phải hiệp thông với giám mục.

Tựu trung, chúng ta có thể thấy rằng cũng như chức giám mục, chức linh mục trong thời các giáo phụ đặt nền tảng trên ý định của Thiên Chúa, có nguồn gốc từ Chúa Kitô và được các Tông Đồ truyền lại. Qua nghi thức đặt tay và lời nguyện xin ơn Thánh Thần do giám mục tiếp nối các Tông Đồ thực hiện, các linh mục được đặt lên để phụ giúp các giám mục coi sóc dân thánh với nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và quản trị hầu phục vụ cho sự hiệp nhất của Hội Thánh. Như vậy, đời sống và tác vụ của linh mục thời này không những mô phỏng lại những nét đặc trưng trong đời sống và sứ vụ của Đức Kitô nhưng còn tiếp nối đời sống và sứ vụ đó.

2.    Thời Trung Cổ

Thần học bí tích thời kỳ này có một bước phát triển nhảy vọt, số bí tích được ấn định, chất liệu và mô thức bí tích cũng được xác định, những vấn đề liên quan đến hiệu năng của bí tích được đào sâu. Trong chiều hướng đó, chức linh mục với bản chất của nó đặc biệt được giáo quyền cũng như các nhà thần học lưu tâm. Qua đó, sự tiếp nối giữa đời sống và thừa tác vụ linh mục với đời sống và hoạt động của Đức Kitô cũng được làm rõ.

a.      Vai trò trung gian và tư tế của linh mục. Vào thế kỷ 12, việc đào tạo linh mục được Giáo hội chú trọng, đặc biệt là khía cạnh thần học, mục vụ và đạo đức. Trong khi đó, sang thế kỷ 13, những suy tư thần học nhấn mạnh tới bản chất của chức linh mục nhiều hơn là đời sống của họ. Trong bối cảnh đó, khi bàn về chức linh mục, các nhà thần học cho rằng bí tích truyền chức biến đổi linh mục và làm cho linh mục có khả năng hành động nhân danh Đức Kitô. Tham gia vào vai trò trung gian của Đức Kitô, linh mục trở nên dụng cụ của Người để ban ơn thánh bí tích. Theo thánh Tôma Aquinô, “nhiệm vụ đặc trưng của linh mục là làm người trung gian giữa Thiên Chúa và con người, và ngài lý giải: “Một đàng, linh mục kéo xuống trên dân các thực tại thần linh; và đàng khác, linh mục dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện của dân, và cách này hay cách khác đền bồi cho Thiên Chúa về các tội lỗi dân đã phạm” (STh III, q. 22, a. 1). Như vậy, thánh nhân gián tiếp xác nhận rằng linh mục tham dự vào vai trò trung gian duy nhất của Đức Giêsu Kitô trong tác vụ của mình.

Khác với quan niệm thượng tôn chức giám mục của thời kỳ trước, công đồng Tridentinô coi chức linh mục như là điểm cốt yếu của bí tích Truyền chức. Công đồng khẳng định một cách mạnh mẽ tính chất phụng tự tư tế của thừa tác vụ linh mục. Nghi thức truyền chức linh mục bao gồm việc trao chén thánh với rượu và đĩa thánh với bánh cho thấy vai trò tư tế được đề cao mạnh mẽ trong giai đoạn này. Trong chương 1, công đồng xác định rõ nguồn gốc chức tư tế mới: “Chức tư tế này do Chúa là Đấng Cứu Độ chúng ta thiết lập; các Tông Đồ và các đấng kế vị các ngài trong chức tư tế đã được trao ban quyền năng thánh hiến, dâng tiến và phân phát Mình và Máu của Người, cùng với quyền tha thứ và cầm giữ tội lỗi: đó là điều Kinh Thánh cho thấy rõ và là điều truyền thống Giáo hội Công giáo lúc nào cũng truyền dạy.” Với một đoạn văn ngắn như thế, công đồng đã cho chúng ta thấy rằng chức tư tế mà các linh mục đang mang xuất phát từ Đức Kitô, được truyền lại từ các Tông Đồ. Thánh Tôma cho rằng ấn tích của bí tích Truyền chức khởi từ “sự tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô”. Do đó, khi thực hành chức tư tế này, các linh mục thực sự tiếp nối thừa tác vụ tư tế thánh của Đức Kitô.

b.      Đời sống linh mục. Về đời sống linh mục, thời kỳ này xuất hiện nhiều phong trào linh đạo cổ võ sự thánh thiện linh mục với nhiều hình thức khác nhau. Ở Bắc Âu, người ta đề cao việc nên thánh của linh mục qua việc bắt chước các nhân đức của Chúa Giêsu. Có nơi đặt nặng việc nên thánh qua thực hành chức vụ linh mục như giảng dạy, ban bí tích và làm việc tông đồ, đặc biệt quan tâm đến người kém may mắn. Vào thế kỷ 17, trường phái linh đạo của Pháp với những khuôn mặt như Pierre de Berulle, Jean Eudes, Francois de Sales, Louis Marie Grignion de Montfort, ... quan niệm rằng linh mục là người tham dự vào bản thể, hoạt động và nội tâm của Đức Kitô nhập thể, tử nạn và Phục sinh. Linh mục bắt chước Đức Kitô hướng lên Chúa Cha để tìm hiểu chương trình cứu độ, hướng đến nhân loại để cứu độ họ và hướng về bản thân để dâng hiến mình làm hy lễ. Tựu trung, linh mục tham dự vào chính Đức Kitô tư tế và hy lễ để hoàn thiện đời sống mình.[3]

Mối tương quan trong đời sống và thừa tác vụ của linh mục và Đức Kitô ngày càng được chú trọng và đào sâu trong giáo hội. Thế nhưng, có thể nói rằng không thời nào thần học có cái nhìn đầy đủ hơn thời hiện đại khi nói về bản chất của chức linh mục, đặc biệt trong tương quan với Đức Kitô.

3.    Thời Hiện Đại

Trong phần này, người viết xin lược qua một vài tác phẩm của các nhà thần học và một số văn kiện của Giáo hội về chức linh mục, đặc biệt dừng lại nhiều hơn ở Công đồng Vaticano II và tông huấn Pastores Dabo Vobis để làm nỗi rõ thần học về chức linh mục trong câu nói: “Đời sống và thừa tác vụ linh mục là sự nối dài đời sống và hoạt động của chính Đức Kitô” (PDV 18).

a.    Linh mục là đại diện Đức Kitô. Nhìn chung, thần học hiện đại ưu tiên suy cứu về thừa tác vụ linh mục dưới lăng kính Kitô học. Karl Rahner trong tác phẩm “Giáo hội và Bí tích” (1960) đã nói về tầm quan trọng của các thừa tác vụ trong Giáo hội. Chúng bảo đảm cho sự liên tục của Giáo hội từ khi nhận lãnh trách nhiệm nơi Đức Kitô. “Giáo hội chỉ là Giáo hội khi sở hữu, nghĩa là cũng truyền lại, các nhiệm vụ mà Đức Kitô đã trao phó cho mình, cùng các quyền năng gắn liền với các nhiệm vụ, những quyền năng phục vụ Giáo hội.”[4] Joseph Ratzinger lập luận rằng Đức Giêsu đã ý thức sứ mạng được sai đi của mình, Người luôn tự hiểu mình là người được sai đi để đại diện cho một Đấng khác. Từ đó, ngài đưa ra một nguyên tắc trong cơ cấu gốc của thừa tác vụ trong Kitô giáo. Cơ sở cho cơ cấu đó là việc được kêu gọi đến với Đấng mà chính bản thân là Lời gọi của Thiên Chúa, là “Ngôi Lời”. Từ lăng kính Kitô học đó, ngài khẳng định yếu tố căn bản của thừa tác vụ linh mục là đại diện cho Chúa Kitô. “Thừa tác vụ, xét theo cơ cấu, là việc đại diện, việc đứng thay cho người khác, nghĩa là thay cho Đức Giêsu Kitô. (...) Linh mục trong Kitô giáo vẫn chỉ là người đại diện, nói năng và hành động không phải cho mình, mà là cho Đấng đã và đang đại diện cho hết thảy chúng ta.[5] Vậy, linh mục theo cái nhìn của Karl Rahner và Joseph Ratzinger là người đại diện cho Chúa Kitô, lãnh trách nhiệm và quyền năng từ Người qua bí tích Truyền chức được lưu truyền từ các Tông Đồ, để thay Người hoạt động trong Giáo hội và vì Giáo hội.

Giáo huấn của Giáo hội thời hiện đại luôn nhấn mạnh đến sự tương quan chặt chẻ giữa cuộc sống và thừa tác vụ của linh mục với đời sống và hoạt động của Chúa Kitô. Với thông điệp Mediator Dei (1947), đức Pio XII khẳng định rằng khi cử hành bí tích Thánh Thể, linh mục có vai trò ưu tiên so với giáo dân là đại diện cho Đức Kitô và hành động như hiện thân của Người: “... Linh mục đại diện bản thân Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô trong tính cách Người là Đầu của tất cả các chi thể và Người tự hiến chính mình vì họ; do đó linh mục tiến lên bàn thờ là trong tư cách thừa tác viên của Đức Kitô, ...”.

b.    Linh mục nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Theo nhận định của đức cha Bùi Văn Đọc, khởi điểm thần học về chức linh mục của Công đồng Vaticanô II là khởi điểm Giáo hội học, nhưng thực ra cũng là khởi điểm Kitô học.[6] Thực vậy, về đời sống, các linh mục được mời gọi noi gương Chúa Giêsu, Đấng coi của ăn của Người là làm theo thánh ý Đấng đã sai Người. Chương 3 trong “Sắc lệnh về Đời sống và Sứ vụ Linh mục” nêu ra những nguyên tắc và những chỉ dẫn cụ thể về đời sống của linh mục trong Giáo hội. Đặc biệt là linh mục của Chúa Kitô, các ngài được kêu mời trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong nghĩa vụ sống thánh thiện. Đức Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm “thánh thiện, trong sạch, vô tội, tách biệt khỏi kẻ có tội” (Dt 7,26) trở nên mẫu mực mà mỗi linh mục phải theo đuổi. Đặc biệt các ngài cũng phải hiến thân cho những người các ngài phục vụ vì “Chúa Kitô, Đấng Chúa Cha thánh hóa, thánh hiến và sai xuống trần gian “đã hiến thân cho chúng ta hầu cứa chúng khỏi mọi tội ác và thanh tẩy một dân đáng được Người chấp nhận và nhiệt thành với mọi việc lành” (Tt 2,14), và như thế qua khổ nạn vào vinh quang”. Trên hết, các ngài phải luôn nổ lực để tiến đến việc kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô bằng đời sống thánh thiện để có thể nói như thánh Phaolô: “dù tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà thực ra Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) (x. PO 12). Nhờ những phương thế tìm thấy nơi Đấng là nguyên ủy của mình, các linh mục nếm cảm một cách ý vị hơn “những sự phong phú không thể khám phá hết được của Chúa Kitô” (Eph 3,8). Như vậy, qua nghĩa vụ sống thánh thiện bằng cách trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, các linh mục họa lại đời sống thánh thiện của chính Người trong thời đại của các ngài.

c.     Thừa tác vụ linh mục nối dài hoạt động Chúa Kitô. Còn xét trên phương diện hoạt động hay thực hành thừa tác vụ linh mục, Công đồng dạy rằng các linh mục liên kết với giám mục cũng được tham dự vào quyền bính mà Chúa Kitô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người. Nhờ ơn thánh chức, các ngài nên giống Chúa Kitô Linh Mục và có quyền thay mặt Chúa Kitô mà hành động (x. PO 2). Những hoạt động của Chúa Kitô ở trần gian xoay quanh ba nhiệm vụ: tư tế, ngôn sứ và mục tử. Giờ đây linh mục được tham dự vào quyền bính của Người để có thể chu toàn cách tốt đẹp các nhiệm vụ mà Người đã trao phó qua các Tông Đồ. Công đồng Tridentinô đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ tư tế của các linh mục, còn Công đồng Vaticanô II cân bằng trách vụ này với nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng. Làm như thế, Vaticanô II muốn làm cho thừa tác vụ linh mục ngày càng đi sát với những hoạt động của Chúa Kitô hơn. Về nhiệm vụ thánh hóa, các linh mục “khi đã tham dự đặc biệt vào chức Linh Mục của Chúa Kitô, thì trong lúc cử hành các việc thánh, các ngài hành động như những thừa tác viên của Người, Đấng không ngừng thi hành Chức vụ Linh Mục trong Phụng Vụ, nhờ Thánh Thần Người, để mưu ích cho chúng ta” (PO 5). Về nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa, các linh mục được mời gọi bước theo chân Đức Giêsu Kitô Đấng đã mang Lời Thiên Chúa xuống thế gian hầu cứu rỗi nhân loại. Chính Lời Thiên Chúa có sức mạnh qui tụ Dân Chúa, nhưng chính các linh mục là người rao truyền Lời đó. Hoạt động chính của Chúa Kitô ở trần gian là rao giảng Tin Mừng, vậy linh mục là người thừa hành của Người cũng phải coi sứ mạng này là sứ mạng chính yếu của mình. Công đồng dạy “các linh mục mắc nợ với mọi người về việc thông truyền cho họ chân lý Phúc Âm mà các ngài đã nhận được nơi Chúa” (PO 4). Ngoài ra, những người lãnh nhận thừa tác vụ linh mục thi hành chức vụ Chúa Kitô là Đầu và là Chủ Chăn theo phận vụ mình, để cùng với giám mục quy tụ dân Chúa vào trong một gia đình duy nhất của Thiên Chúa hầu nhờ Chúa Kitô mà dẫn đưa họ về với Chúa Cha (x. PO 6). Tất cả những chỉ dạy dành cho linh mục của Công đồng Vaticano II trên đây giúp họ đi đúng quỷ đạo tiếp nối công trình mà Chúa Kitô đã xây dựng qua đời sống và hoạt động của Người.

d.    Linh mục nối dài đời sống và hoạt động của Đức Kitô. Trên đây, chúng ta đã lược qua một số tài liệu trong lịch sử thần học nói về mối tương quan có tính kế thừa và tiếp nối trong đời sống và sứ vụ của linh mục với đời sống và hoạt động của Chúa Kitô. Giờ đây, khi tìm hiểu Pastores Dabo Vobis, người viết chỉ muốn lược qua một số ý cơ bản chứ không muốn nhắc lại nhiều, vì chưng bài viết này chỉ muốn giới hạn đề tài trong tính lịch sử của nó. Ngoài ra, vấn đề này đã được trình bày rất rõ ràng và chi tiết, đặc biệt trong các số 15, 16, 17, 18, và tông huấn này cũng đã được phân tích nhiều trong các tài liệu hiện đại. Số 15 của tông huấn cho biết “các linh mục được mời gọi nối dài sự hiện diện của Đức Kitô, Vị Mục Tử duy nhất và tối cao, bằng cách noi theo lối sống của Người và bằng cách làm sao cho mình như thể được Người xuyên thấu ngay giữa đàn chiên được giao phó.” Còn số 16 cho ghi: “Do sự kiện linh mục thông phần vào việc “xức dầu” và vào “sứ vụ” của Đức Kitô, linh mục có khả năng nối dài kinh nghiệm, lời nói, hy lễ và hoạt động cứu độ của Người trong Giáo hội.” Như vậy, qua việc được thánh hiến nhờ bí tích Truyền chức, linh mục được thông dự vào sự hiến thánh và sứ vụ của Đức Kitô và trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Do đó, các linh mục vừa có năng quyền vừa có sứ mệnh nối dài đời sống và hoạt động của Chúa Kitô trong thế giới họ đang sống. Nói về nhiệm vụ nhập thể của linh mục, số 52 của tông huấn dạy các linh mục cần tận dụng các khoa học thực nghiệm về con người để có thể nối dài cuộc sống và hoạt động của Đức Kitô như chính Người đã hóa nên người đương thời cho những người thuộc thời đại Người. Khi nói về việc đào tạo linh mục trong các chủng viện, tông huấn số 60 khuyến khích các ứng sinh trở thành linh mục hầu nối dài trong Giáo hội cũng như trong lịch sử sự hiện diện cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, Vị Mục Tử nhân lành.

Tóm lại, trong mỗi thời kỳ lịch sử, thần học về chức linh mục được nhấn mạnh một khía cạnh: trong thời các Giáo phụ, tính tông truyền và sứ vụ cai quản được nói tới nhiều, còn vào thời Trung Cổ, thừa tác vụ tư tế và sự thánh thiện của linh mục được nhấn mạnh. Cách riêng, thời Hiện Đại đã dung hòa các nhiệm vụ của linh mục, nhưng đồng thời nhấn mạnh nhiều hơn đến thừa tác vụ Phúc Âm hóa vì trách vụ này chưa được các thời trước đó lưu tâm đủ. Dù nhấn mạnh khía cạnh nào đi nữa thì tất cả cũng chỉ nhằm giúp linh mục ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô hơn. “Đời sống và thừa tác vụ linh mục là sự nối dài đời sống và hoạt động của chính Đức Kitô” – câu nói ngắn gọn đó đã bao quát ý tưởng về căn tính, phẩm giá và niềm hy vọng của linh mục. Được tham dự vào chức tư tế thánh của Đức Kitô, các linh mục được mời gọi làm chứng nhân về chính cuộc sống và nhất là những nỗi thống khổ của Người bằng đời sống và tác vụ của mình hầu có thể được thông phần vinh quang với Người trong Nước Trời.



[1] X. Nguyễn Văn Trinh, Bí tích học, tập VI, tr. 300-302.
[2] Bearbeitet Von, Günter Koch, Bí tích học qua các tác giả, (Wien, Köln: 1991), tr. 728.
[3] X. Juan Esquerda Bifet, “Lịch Sử Linh Đạo Các Linh mục”, Phan Cường chuyển ý, http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=2507, truy cập ngày 3/5/2012.
[4] Trích lại trong Beareitet Von Gunter Koch, Sđd, tr. 619.
[5] Trích lại trong Sđd, tr. 623.
[6] X. Bùi Văn Đọc, “Thần học của Trentô và Vaticanô II về chức linh mục”, simonhoadalat.com, truy cập ngày 3/5/2012.

2 comments:

  1. Tại sao thấy đa-số các linh mục sống kiêu căng, và tiền bạc quá! thì làm sao rao giảng tin mừng cho người nghèo khó được? Chúa Giêsu còn làm gương sống khiêm hạ,rữa chân cho các tông-đồ nữa kia mà?

    ReplyDelete
  2. Bên cạnh vẫn còn nhiều nhiều linh mục cố gắng vượt qua những cám dỗ rất con người để theo sát bước chân Thầy Giê-su, vị Linh Mục toàn hảo

    ReplyDelete