Friday, 27 January 2012

TRẢI LÒNG

Chúng ta vẫn thường nghe rằng mỗi người là một kỳ quan có một không hai mà người khác chỉ có quyền chiêm ngưỡng và chấp nhận thay vì xét đoán hay lên án. Tuy nhiên, chấp nhận sự khác biệt mới “chỉ là điều kiện sơ đẳng của mối giao tiếp giữa người và người.”[1] Sống trong cộng đoàn tu trì, chúng ta được mời gọi đến với nhau như chúng ta là để sống giao ước bản thân hầu kiến tạo và phát huy tính đa dạng và phong phú được tạo nên từ chính những khác biệt của mỗi người.

Giao ước bản thân là sự gặp gỡ đích thực giữa các nhân vị tự do, giữa các chủ thể. Mối giao hảo đó tạo nên một sự cộng sinh, làm phong phú hóa cho nhau và sẽ trở nên mối tương giao trọn vẹn trong tình yêu.
 Trước hết, tôi chỉ thực sự gặp gỡ tha nhân khi nhìn nhận tha nhân như những con người bình đẳng, có tự do và trách nhiệm. Nhìn nhận tha nhân là một ngôi vị tự do nghĩa là khi tôi ‘ngỏ lời’ với người khác tôi không được đòi hỏi họ ‘đáp lời’ nhưng chỉ chờ đợi và hy vọng. Đánh mất sự tự do và tự nguyện trong việc trao ban và đón nhận, giao ước chỉ còn là một sự trao đổi theo qui luật ‘mạnh được yếu thua,’ ‘cá lớn nuốt cá bé’ hay chỉ trông chờ vào sự may rủi theo kiểu ‘được ăn cả, ngã về không’. Sống giao ước bản thân bao hàm một hành vi tự nguyện dấn thân của tôi và một sự đáp trả tự do của tha nhân. Dấn thân tức là sẵn sàng, quên mình để đi bước trước đến với tha nhân, dám liều để thực hiện một cuộc thử nghiệm mới. Dấn thân sâu vào các mối tương quan không bảo đảm hoàn toàn sự thành công nhưng đó lại là điều cốt yếu đối với những ai muốn sống cuộc sống yêu thương, nghĩa là một cuộc sống không ngừng mở rộng con người mình ra để đi vào chiều kích và những địa hạt liên đới mới.
Thứ đến, sống giao ước bản thân là đi vào cuộc gặp gỡ con người thật của nhau, dám sống với khuyết điểm của mình và sẵn sàng đón nhận trọn vẹn con người của tha nhân. Đến với nhau như ‘chúng ta là’ trở nên điều kiện tiên quyết để có thể thiết lập mối giao hảo thực sự giữa người với người. Thế nhưng, trong cuộc sống, đặc biệt là trong cộng đoàn nhà tu, người ta ít khi sống thật với con người của mình. Có lẽ do bị ảnh hưởng của chủ nghĩa duy danh, các tu sĩ không bao giờ tự cho phép mình tỏ ra là một con người yếu đuối với những hạn chế và khuyết điểm, trái lại, luôn khoác cho mình một cái mặt nạ “hoàn hảo”. Khi cái mặt nạ đó trở nên quen thuộc với chúng ta, chúng ta tự mãn về cái hình ảnh vọng tưởng đó và chưa bao giờ có ý định lột bỏ nó đi để có thể đến với người khác bằng con người thật của mình. “Chấp nhận sự yếu của mình và của người khác là đi ngược lại với tính tự mãn cố chấp. Đó cũng không phải là một sự chấp nhận buông xuôi, vô vọng. Điều quan trọng ở đây là chúng ta dám chấp nhận sự thật, không ảo tưởng. Chúng ta có thể lớn lên từ chính sự thật, chứ không phải từ những ảo tưởng chúng ta muốn hay người khác áp đặt cho chúng ta. Chỉ khi chúng ta ý thức sự thật về mình và về người khác với tất cả sự phong phú và nghèo nàn của mỗi người, […], thì chúng ta mới có thể cùng nhau xây dựng một cộng đoàn. Sức mạnh cuộc sống sẽ tuôn trào từ chính thực tại chúng ta là ai.”[2] Vì không dám đối diện với con người thật của mình nên chúng ta thường không “làm chứng” mà chỉ thích “làm gương”. Làm chứng nghĩa là dám sống với con người thật gồm những yếu đuối mỏng giòn của mình nhưng luôn thiết tha vươn lên nhằm hoàn thiện bản thân, còn làm gương là cố tạo một hình ảnh ‘hoàn mỹ’ về mình trong mắt kẻ khác và thầm ‘bắt’ người khác phải noi theo. Thực tâm mà nói, chúng ta luôn cố sức, còng lưng làm gương mà ít ai dám làm chứng. Tuy nhiên, mỗi khi dám sống với khuyết điểm của mình, chúng ta dễ dàng chấp nhận những hạn chế của tha nhân và thực sự đón nhận họ một cách vô điều kiện. Một mối tương giao đúng nghĩa phải được thiết lập bởi những con người thật, chứ không phải bởi những cái mặt nạ!
Giao ước bản thân giữa “anh” và “tôi” làm nên một sự cộng sinh, một hiện hữu chung, một sự hiệp thông trong hữu thể của hai hiện hữu mà triết gia Gabriel Marcel gọi là “chúng ta”. Theo các nhà tâm lý, người ta đến với nhau, mến nhau không những vì sự tương đồng mà còn vì sự đối nghịch nhau. Sự tương đồng giúp họ hợp rơ trong công việc và là nguồn cảm hứng cho nhau để cùng thăng hoa, sự đối nghịch vừa bổ túc cho nhau trong lãnh vực còn hạn chế vừa kích thích sự khám phá cái mới nơi mỗi người. Chính những tương đồng và dị biệt đó làm phong phú cho nhau. Sâu xa hơn, con người không thể tự mình triển nở và hoàn thành một cách sung mãn cuộc đời mình mà không cần đến người khác. Chính trong tương quan con người được thỏa mãn những nhu cầu thâm sâu nhất trong tận đáy lòng mình, và đó là nguồn động lực lớn lao giúp con người triển nở và trở nên tràn đầy sức sống.
Sống giao ước bản thân còn là một cuộc gặp gỡ trọn vẹn trong tình yêu. Yêu thương là mở lòng ra cho tha nhân, tự hiến cho tha nhân, cam kết thuộc về nhau và nhìn nhận tha nhân như một ngôi vị. Điều này đã được Jean Vanier diễn tả rất rõ: “Yêu là lắng nghe người khác, quan tâm và đồng cảm với họ. Yêu là đáp trả tiếng kêu của người khác và những nhu cầu sâu xa nhất của họ. Yêu là đồng cảm – khóc với người khóc, vui với người vui. […]. Yêu là đang sống trong nhau và ẩn náu nơi nhau. […]. Yêu là mong muốn người khác trung thành với ơn gọi riêng biệt của họ và tự do yêu thương trong tất cả mọi chiều kích của cuộc sống.”[3] Với Gabriel Marcel, tình yêu bao hàm sự chờ đợi trong thái độ cầu khấn, van nài. “Cầu khấn là nhận ra sự độc đáo tuyệt đối không thể thay thế nơi anh, là xác định rằng anh không phải là một sự vật mà tôi có thể chiếm hữu, là nhìn nhận tôi không có những điều mà tôi yêu mến nơi anh, và tôi mong ước đạt tới những điều ấy. Trong sự cầu khấn van nài như thế, tôi sống những giờ phút xao xuyến nhất vì biết rằng câu trả lời của tha nhân vô cùng quan trọng đối với tôi.”[4] Thái độ cầu khấn nói lên sự tùy thuộc lẫn nhau, và đây là một biểu hiện sâu thẳm của tình yêu.
Thiết nghĩ trong đời sống cộng đoàn, chỉ với tương quan tình yêu, con người mới có thể luôn chiều ý nhau, sống trọn vẹn cho nhau và ở đó con người trở nên phong phú và tươi mới mỗi ngày, vì chưng, tình yêu có năng lực sáng tạo sự sống. Quả vậy, trong tình yêu, chúng ta không chỉ sống với nhau mà còn sống cho nhau. “Sống là dấn thân,” chỉ khi nào dám dấn thân cho nhau, chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa đời mình và cảm được niềm hạnh phúc của sự trao ban và đón nhận. Và khi đó chúng ta mới được lớn lên, sống sung mãn và thực hiện bản thân một cách tròn đầy.




[1] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh (Sài Gòn: Thời mới, 1968), tr. 290.
[2] Jean Vanier, Thăng tiến cộng đoàn (Sydney: St. Paul Phublications, 1979), Nhóm Đa Minh Rosa Lima chuyển ngữ, tr. 35.
[3] Jean Vanier, sđd, tr. 17.
[4] Nguyễn Trọng Viễn, Triết học Hiện đại (HCM: Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2008), tr. 107.

No comments:

Post a Comment