Sunday, 4 November 2012

Những cung bậc yêu thương (CN 31TNB)

Có một giáo lý viên kia đang dạy đạo cho một người dự tòng. Một hôm, người dự tòng hỏi "Điểm đặc biệt nhất của Đạo Công Giáo là gì ?". Giáo lý viên đáp : "là Yêu Thương". Người dự tòng là một thanh niên, nghĩa là đang ở tuổi yêu đương, nên gật gù tỏ ra rất thấm thía với câu trả lời của giáo lý viên. Nhưng sau một lúc suy nghĩ, anh lại đặt vấn đề : "Yêu thương thì tôi đã nghe nói rất nhiều, và rất nhiều người nói : Những cặp tình nhân luôn miệng nói yêu nhau ; những đạo khác, đạo nào cũng dạy người ta sống yêu thương ; và ngay cả những tổ chức không có đạo cũng dạy người ta yêu thương nhau". Rồi anh này đưa ra 2 kết luận hết sức bất ngờ : 1/ Đạo Công giáo chẳng có gì hơn những đạo khác, mà cũng không hơn không có đạo ; 2/ Chẳng cần vào đạo Công giáo mới biết yêu thương".
Quả thực, lời nhận xét của người dự tòng này có lý: Tin Mừng viết: “phải yêu người thân cận như chính mình” thì người Việt cũng có câu: “thương người như thể thương thân”; chúng ta đề cao việc phục vụ người nghèo thì người Hồi giáo cũng có hai điều răn trong mười điều răn dạy: phải bố thí một cách rộng rải và phải đón tiếp các cô nhi. Chúng ta cổ võ việc mục vụ di dân, còn Do-thái giáo bắt buộc không được từ chối bất cứ ai đến với nhà họ, họ phải lo chổ ăn và chổ ở cho họ. Gần chúng ta hơn, chúng ta thấy các nhà chùa luôn sẵn sàng đón tiếp những vị khách lỡ đường, họ cho ăn và cho ngủ lại. Có vẻ như người dự tòng nói đúng và điều luật yêu thương của chúng ta chẳng có gì đặc biệt, chẳng có gì đáng nói và không cần trở thành người công giáo mới biết sống yêu thương. Con kính mời ÔBACE cùng con đọc lại điều luật yêu thương Kinh Thánh để tìm hiểu những cung bậc yêu thương trong truyền thống Công giáo của chúng ta.
Yêu thương theo Cựu Ước.
Điều răn yêu mến Thiên Chúa trong sách Đệ Nhị Luật và điều răn yêu thương người thân cận trong sách Lê-vi được kết hợp trong câu "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” và “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Tuy nhiên, trong Cựu Ước, “người thân cận” chỉ giới hạn trong dân Ít-ra-en. Như vậy, luật dạy phải yêu thương người đồng đạo với mình thôi, cũng có thể nói là chỉ yêu thương người nhà mà thôi, còn thiên hạ thì „mắckênô“ (mặc kệ nó).
Yêu thương theo Tin Mừng Nhất Lãm
Ba tin mừng (Mt 22,36-40 // Mc 12,28-34 // Lc 10,25-28) lấy lại giới răn yêu thương trong Cựu  Ước nhưng tin mừng Luca mở rộng thêm. Trong khi trả lời câu hỏi “Ai là người thân cận”, Đức Giê-su đã mở rộng khái niệm “người thân cận” bằng câu chuyện người Sa-ma-ri nhân hậu. Người Samari vừa không thuộc dân Do-thái vừa là kẻ thù của họ. Như vậy, Đức Giêsu dạy phải yêu thương tất cả mọi người, không kể là có đồng đạo với mình hay không, và yêu thương cả kẻ thù của mình.
Yêu thương theo Tin Mừng Gio-an
Trong tin mừng Thứ Tư, Đức Giêsu dạy “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Trong điều răn này có hai điều mới mẻ: Thứ nhất, Đức Giêsu không nói yêu người thân cận nữa mà nói yêu thương nhau. Điều này có nghĩa là mọi người đã trở thành anh em một nhà, trở nên người nhà của nhau rồi, mọi ranh giới đã bị xóa bỏ, và giờ đây „tứ hải giai huynh đệ“.
Điều mới mẻ thứ hai ở đây là yêu thương nhau như Đức Giê-su đã yêu. Đức Giêsu nói: „anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em“. Thực vậy, lắm lúc chúng ta không biết phải yêu thương như thế nào, phải làm gì cho người anh em, chị em của mình. Và đây là câu trả lời: Yêu như Thầy đã yêu. Tình yêu của Đức Giêsu đã trở thành nền tảng, khuôn mẫu cho mọi tình yêu, và đó là tình yêu cao cả nhất. „Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người thí mạng sống vì người mình yêu“. Đây là đỉnh điểm của một tình yêu đúng nghĩa.
Vâng, đến đây, chúng ta có thể tự tin để khẳng định rằng, điều răn yêu thương trong Kitô giáo có những điểm son rất đặc biệt, đáng để chúng ta tự hào và tuân theo. Điểm son thứ nhất là phải yêu thương nhau như người nhà, kể cả kẻ thù, vì tất cả có chung một Cha trên trời. Điểm son thứ hai là phải yêu thương như Thầy Giêsu đã yêu thương chúng ta. Điểm thứ hai quan trọng vì nó liên quan đến lãnh vực thực hành.
Quả vậy, Đức Giêsu đã hiến mạng sống vì mỗi người chúng ta và Ngài cũng mời gọi chúng ta phải hiến mạng sống vì người khác như thế. Người ta nói rằng có thể hy sinh mà không yêu chứ không thể yêu mà không hy sinh". Chúng ta không thể cứ thao thao bất tuyệt nói yêu thương nhau mà không hành động, không hy sinh cho nhau. Chồng không thể nói yêu vợ mà vẫn mê bóng đá hơn mê vợ được. Vợ không thể nói yêu chồng mà thích ngồi buôn dưa lê hơn chăm sóc chồng được. Và cha mẹ không thể nói yêu con cái mà cứ mãi mê công việc, đến độ không biết con mình ăn học ra sao, tâm trạng như thế nào được. Cũng vậy, đối với những người anh chị em kém may mắn, chúng ta không thể cứ nói yêu họ mà chẳng làm gì cho họ được. Thánh Giacôbê (2, 15.14) dạy rằng: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, (16) mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?”
Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ chúng ta hãy vượt ra khỏi lâu đài ích kỷ của chính mình để đến với tha nhân bằng một trái tim yêu thương và một đôi tay sẵn sàng nâng đỡ.
Lạy Chúa, để gặp gỡ tha nhân chúng con phải mở to đôi mắt, để đón tiếp tha nhân chúng con phải dọn dẹp cho trống trải lòng mình, để yêu thương anh em chúng con phải biết quên mình. Xin cho chúng con luôn xác tín: Chúng con chỉ kính mến Chúa khi thực sự yêu thương anh em. Amen.


No comments:

Post a Comment