Wednesday, 23 October 2013

MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ở AFRAM (PHI CHÂU)

                                                                                                       (petloan dịch)
 

“Những điều tai nghe mắt thấy”

 

Thông tri đến tất cả các anh em ở Afram sau chuyến tổng kinh lý năm 2007 của Tổng Quyền dòng Truyền Giáo Ngôi Lời

 

Anh em thân mến,

 

Trong những cuộc họp vào tháng giêng năm 2008, chúng tôi đã nhìn lại chuyến kinh lý các tỉnh dòng, miền dòng và giáo điểm ở Afram. Trong bức thông tri này chúng tôi muốn chia sẽ với anh em một vài suy tư về chuyến kinh lý. Trước hết chúng tôi muốn chia vui cùng anh em niềm vui về một miền đất mới ở Afram, một miền đất được đánh dấu bởi sự trưởng thành (coming of age) và sự tự tin đang lớn dần của các cộng đoàn và công tác mục vụ truyền giáo trong vùng. Số thành viên trong vùng, đặc biệt là các anh em bản xứ tiếp tục tăng, và điều này đã cho phép chúng ta thực hiện những sáng kiến mới ở Chad và Nam Phi, cũng như tiếp tục đón nhận trách nhiệm mới ở các quốc gia, vùng và tỉnh dòng chúng ta đang làm việc. Togô / Benin sẽ sớm lên tỉnh dòng, và Zimbabwe thành điểm truyền giáo độc lập.

 

Chúng tôi tin vào sự tự tin đang lớn mạnh nơi anh em, sự tự tin đã được phản ảnh trong những quyết định từ tổng hội đặc biệt của vùng năm 2006 chuẩn bị cho tổng tu nghị thứ 16, là không đòi hỏi tổng tu nghị tiếp tục ưu đãi cho Afram nhưng đề xuất một quyết định trên thành tựu của các tỉnh và miền dòng của chúng ta. Trên hết, chúng tôi ghi nhận và cảm tạ Thiên Chúa về những chương trình đào tạo đang tiếp tục phát triển trong vùng và thành quả của nó là sự tăng trưởng số thành viên ở Phi Châu đang phục vụ trong vùng cũng như các tỉnh và miền dòng trên toàn thế giới.

 

Trong nhận thức về kỷ nguyên mới này ở Afram, chúng tôi muốn chia sẻ cùng anh em những suy tư của chúng tôi trong bối cảnh giáo hội và xã hội, trong đó chúng ta thi hành sứ mạng truyền giáo tại Afram và chú trọng vài lãnh vực trong đời sống cộng đoàn tu trì nhằm nâng cao mục vụ truyền giáo, chủ đề của tổng tu nghị vừa rồi. Trong khi ý thức rằng có những sự khác biệt lớn lao giữa các hội dòng, các giáo hội địa phương, và những cộng đoàn của chúng ta ở lục địa này, chúng ta đã cố gắng nhặt ra một số yếu tố chung của vùng, nhờ đó nó có thể sẽ phục vụ như một sự bổ sung cho những hình thức ngoại giao thăm viếng cá nhân và như một sự trợ giúp trong suy tư về cuộc sống và sứ vụ truyền giáo của chúng ta trong bối cảnh kỷ nguyên mới này trên cấp độ vùng.

 

ĐẶC ĐIỂM NHÂN LỰC

Để mở đầu bức thông tri, chúng tôi chọn một câu trong thư thứ nhất Gioan như một suy tư mở đầu cho các cuộc họp hoạch định gần đây: “Chúng tôi công bố cho anh em những gì chúng tôi đã nghe và đã thấy ngõ hầu anh em cũng có thể hiệp thông với chúng tôi; và chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Ki-tô, Con của Người. Chúng tôi viết những điều này để niềm vui của chúng ta nên trọn vẹn.” (1Ga 1,3).

 

Chúng tôi chia sẻ với anh em những gì chúng tôi đã nghe và đã thấy trong suốt những cuộc viếng thăm vừa qua, như thể chúng ta hồi tưởng lại rằng tất cả đời sống và sứ mạng truyền giáo của chúng ta là một sự thông chia những gì chúng ta đã nghe và đã thấy, là Ngôi Lời, hầu tất cả chúng ta có thể thông hiệp với Thiên Chúa và với tất cả mọi người, và để niềm vui của chúng ta được nên trọn.

 

  1. Mục vụ truyền giáo của chúng ta cho người Phi Châu

1.1.Bằng nhiều cách, kỷ nguyên mới ở Afram là một phản ảnh của sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong các xã hội ở lục địa này. Tài liệu chuẩn bị cho hội nghị đặc biệt lần hai về Phi Châu của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã liệt kê một số yếu tố phát triển tích cực: “tiến trình hòa bình ở một vài quốc gia Phi Châu; niềm khát khao cháy bỏng về hòa bình khắp lục địa, ... ; tăng cường chóng tham nhũng; ý thức sâu xa về sự cần thiết của việc thăng tiến phụ nữ Phi Châu và phẩm giá mỗi người; sự bận tâm của con người trong đời sống công dân nhằm cỗ võ và bảo vệ nhân quyền; và số chính trị gia Phi Châu đang tăng sẽ là những người nhận thức và kiên quyết kiếm tìm những giải pháp cho các vấn đề của châu lục này. (7)

1.2.Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn đó: “tỷ lệ tử vong trẻ em vẫn tiếp tục tăng; ... sự suy giảm thu nhập vẫn đeo bám một số nước nghèo ở Phi Châu; tiếp cận nguồn nước uống vẫn còn rất khó khăn đối với nhiều người; ... đa số công dân Phi Châu còn sống trong tình trạng thiếu hàng hóa và dịch vụ” (8). Một số quốc gia nơi chúng ta mục vụ đang hưởng hòa bình sau nhiều năm nội chiến, nhưng vẫn chịu đựng những tác động về tâm thể lý do hậu quả chiến tranh. Một số quốc gia đang thụ hưởng sự phát triển đáng ghi nhận về kinh tế, nhưng sự phát triển và phồn vinh đang tăng lên đó thường chẳng tác động gì đến đời sống của phần lớn những người cần đến nó.

 

1.3.Tất cả mọi quốc gia ở Châu Phi đang kinh nghiệm tình trạng đô thị hóa cách nhanh chống với những tác động tích cực như tạo những cơ hội lớn cho sự phát triển cá nhân cũng như những tác động tiêu cực như đỗ vỡ gia đình và ràng buộc truyền thống xã hội, giảm dân số ở miền quê và sự quá tải ở thành thị, nạn thất nghiệp và đói nghèo. Mặc dù ý thức thuộc về một quốc gia và sự bền vững đang tăng lên ở nhiều quốc gia trên lục địa, nhưng chủ nghĩa bộ lạc vẫn là vấn đề ở nhiều nền chính trị, và, thẩm tệ hơn, nơi chính đời sống của những người hằng sống kế cận nhau hàng thế kỷ. 

 

1.4.Hiện trạng này canh tân chúng ta trong việc dấn thân cho sứ vụ đối thoại ngôn sứ để làm chứng về những điều tai nghe mắt thấy, để làm chứng cho Triều đại Thiên Chúa, ở đó mọi người được mời gọi tới sự hiệp thông bình đẳng, với thái độ thống nhất tất cả (đặc biệt là những người phải chịu đựng hậu quả của chiến tranh, tàng dư của chủ nghĩa bộ lạc, và những hậu quả tiêu cực của sự phát triển của xã hội hiện nay), với sự tôn trọng mỗi cá nhân và những yếu tố văn hóa tích cực của văn hóa truyền thống (ví dụ như sự bền vững trong tương quan, đối thoại, hiếu khách và khích lệ lẫn nhau) và với một tình yêu ôm trọn tất cả và thách thức tất cả để lãnh trách nhiệm về cuộc sống của chính họ cũng như các cộng đồng và đời sống công dân.

 

1.5.Cụ thể chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta được mời gọi để đặt trọng tâm mục vụ truyền giáo hiện tại vào những khía cạnh nào của sự nghèo đói và những hậu quả tiêu cực nào của sự thay đổi trong xã hội? Làm thế nào chúng ta có thể giúp “điểm mặt” nạn tham nhũng? Làm thế nào chúng ta có thể hỗ trợ các gia đình? Làm thế nào chúng ta có thể giúp giới trẻ hướng đến và hành động cho một xã hội tốt đẹp hơn? Làm thế nào chúng ta có thể giúp con người tìm lại niềm tự quý bằng cách tái khám phá những giá trị văn hóa tích cực? Chúng ta được mời gọi đầu tư thời gian và sức lực để tìm kiếm các câu trả lời cho những thách thức đó trong những buổi họp cộng đoàn và các tổng hội, hầu nâng cao sự đóng góp của chúng ta đối với cư dân Phi Châu, đặc biệt qua tiến độ đối thoại ngôn sứ với người nghèo và những người bên lề xã hội, với các nền văn hóa và tôn giáo.

 

  1. Công tác mục vụ ở các giáo hội địa phương

2.1.Kỷ nguyên mới ở Afram cũng phản ảnh sự phát triển trong các giáo hội địa phương tại Phi Châu. Ví dụ, Lineamenta (tài liệu chuẩn bị cho các cuộc họp của THĐGMPC) liệt kê danh sách những sự phát triển: “sự tăng trưởng đáng ghi nhận về số dân Công Giáo, linh mục và những người thánh hiến cho Chúa; số nhà truyền giáo từ Châu Phi đi phục vụ tại các lục địa khác đang tăng lên, ...; sức sống mãnh liệt của phụng vụ và các cộng đoàn giáo hội ở Phi Châu; sự hình thành và tái cơ cấu các giáo phận cũng như những địa hạt mang tính giáo hội; vai trò ngày càng tăng của Giáo Hội trong việc thúc đẩy sự phát triển của lục địa, đặc biệt là giáo dục, sức khỏe, đấu tranh cho việc hình thành những quốc gia theo pháp lý khắp châu lục; và cuối cùng, mặc cho sự yếu kém của mình, sự tín nhiệm lớn lao mà Giáo Hội tiếp tục có được nơi các dân tộc Phi Châu” (6).

 

2.2.Mặt khác, một khía cạnh tiêu cực trong các giáo hội địa phương có vẻ như là tình trạng nặng về giáo sĩ trị và đang có chiều hướng gia tăng. Điều này đặc biệt trở nên xáo động khi chúng ta cho rằng Giáo Hội đã có thể lớn mạnh ở Phi Châu thông qua những nỗ lực tận tâm của các giáo lý viên.

 

2.3.Qua các cuộc đối thoại của chúng tôi với các giám mục, hội đồng giáo xứ và những người khác trong chuyến kinh lý vừa rồi, rõ ràng là giáo hội địa phương đang muốn chúng ta đặc biệt chia sẻ những chiều kích đặc sủng và tính quốc tế của chúng ta. Chúng ta được biết đến đặc biệt nhờ công tác tông đồ Thánh Kinh và sự nhiệt tình truyền giáo, nhưng hoàn cảnh các giáo hội địa phương dường như đang kêu gọi chúng ta chia sẻ nhiều hơn nữa chiều kích đặc sủng về JPIC và truyền thông để làm việc với giáo hội địa phương trong cuộc chiến chóng lại nạn tham nhũng, sự phá hủy môi trường, và chủ nghĩa bộ lạc.

 

Tình trạng đa chủng tộc trong xã hội và các giáo hội địa phương nơi chúng ta làm việc cũng thách thức chúng ta làm chứng cho sự phong phú và cởi mở của Vương Quốc Thiên Chúa nhờ vào một tính quốc tế đích thực: một sự đánh giá đúng đắn những món quà khác biệt mà chúng ta mang đến cho cộng đồng thông qua các di sản văn hóa của chúng ta, cũng như một sự nhận thức, khả năng học hỏi và chia sẻ với người khác về những dấu hiệu khác biệt văn hóa thường gây hiểu lầm và ngay cả loại trừ lẫn nhau.

 

2.4.Chúng ta còn được mời gọi đóng góp vào việc giúp cho các giáo hội địa phương hiện nay có được sự tự lập. Hiến pháp của chúng ta chỉ ra rằng: “là những thành viên của hội dòng Ngôi Lời, chúng ta có nhiệm vụ rao truyền Lời Chúa cho mọi người, xây dựng những cộng đoàn mới giữa dân Chúa, nuôi dưỡng chúng và cũng cố sự hiệp thông giữa các cộng đoàn cũng như toàn thể Giáo Hội” (sô 102).

 

Một khía cạnh chủ yếu của việc thành lập các cộng đoàn mới và nuôi dưỡng chúng là giúp các cộng đoàn tự lập. Trong khi sự liên kết, chia sẻ nguồn lực với những người thiếu thốn vì những tình huống khẩn cấp hoặc những dự án đặc biệt quan trọng là một yếu tố cốt yếu của sự hiệp thông giữa các giáo hội chúng ta đang tìm kiếm để giúp đỡ, kỷ nguyên mới của các giáo hội địa phương ở Phi Châu phải kích thích nguồn lực các giáo hội đó để họ tự lập trong các nhu cầu thông thường cũng như sự phát triển trong cơ cấu của chính họ.

 

Lý thuyết mục vụ của chúng ta có lúc đã cho thấy vấn đề sử dụng tài chánh từ ngoại quốc để xây dựng những công trình to lớn mà cộng đoàn địa phương không thể duy trì được, và chúng ta ngày càng ý thức rằng sự đóng góp tốt nhất chúng ta có thể đem đến cho các giáo hội địa phương không phải là xây dựng những công trình đồ sộ nhưng hơn hết là đẩy mạnh việc đào tạo giáo dân và nâng cao tránh nhiệm cộng đồng trong sứ vụ ở giáo hội đó.

 

2.5.Tình hình tài chánh của Tu hội cũng đang thúc bách chúng ta thực hiện cuộc hoán cải theo lời mời gọi của tổng tu nghị thứ 16: “Sống đối thoại ngôn sứ về tài chánh hàm ý một sự thay đổi cơ bản thực sự trong tâm trí. Chúng ta cần bỏ đi mẫu thức truyền giáo theo kiểu ban phát, để sống với mọi người như những người bạn, ở lại và làm việc với họ, lắng nghe nguyện vọng và những lắng lo của họ, và không sợ trở nên bất lực hay yếu đuối” (IDW6, 75).

 

  1. Đời sống cộng đoàn tu trì trong mục vụ truyền giáo của chúng ta

3.1  Tổng tu nghị vừa rồi nhắc nhở cho chúng ta biết rằng đời sống cộng đoàn tu trì, cách thức chúng ta sống đối thoại ngôn sứ, chính là một phần của việc mục vụ truyền giáo. Từ những cuộc kinh lý, chúng tôi muốn gởi đến anh em những suy tư sau để đề cao việc này trong sứ mệnh làm chứng của chúng ta tại Afram.

3.2  Tinh thần truyền giáo. Trong mục vụ truyền giáo chúng ta chia sẻ với tha nhân điều tai nghe mắt thấy là chính Ngôi Lời Thiên Chúa. Nhưng để nói Lời Thiên Chúa trong tinh thần đối thoại ngôn sứ, chính chúng ta phải thấy, nghe và kinh nghiệm được Lời qua việc suy gẫm và cầu nguyện chung, qua việc chia sẻ Lời Chúa và chia sẻ kinh nghiệm được Thiên Chúa hướng dẫn, qua một cuộc sống hiệp thông với mọi người và qua sự lắng nghe trong đối thoại, qua hoàn cảnh giáo hội và xã hội nơi chúng ta đang sống. Chúng ta được mời gọi với tư cách là cá nhân, cộng đoàn cùng với những người làm việc chung với chúng ta để nghe và nhận ra lời của Thiên Chúa hôm nay, để ý thức trong hoàn cảnh cụ thể ta đang sống Thiên Chúa hiện diện sống động như thế nào trong cuộc đời chúng ta.

3.3  Cộng đoàn trong mục vụ truyền giáo. Như đã trình bày ở trên, đặc biệt tinh thần quốc tế của các cộng đoàn chúng ta được nhìn nhận như một đóng góp tích cực cho xã hội và giáo hội địa phương nơi chúng ta đang làm việc. Tuy nhiên, chúng ta cần tự hỏi có phải thỉnh thoảng tinh thần quốc tế của chúng ta không hơn kém là một sự chịu đựng, thay vì là một sự nhận thức thực sự, ngay cả một sự cử hành của sự đa dạng. Việc sống tinh thần quốc tế không thể dừng lại ở một ý định tốt, nhưng phải được thực hiện, bao gồm việc đưa vào ứng dụng những hiểu biết và đào luyện trong sự nhận diện các biểu tượng văn hóa và trong sự năng động của truyền thông xuyên văn hóa. Những khóa học và hội thảo về lãnh vực này cần được đưa vào chương trình đào tạo ngay từ những năm đầu, và cũng là một phần trong việc giới thiệu cho các nhà truyền giáo mới hay các hình thức khác trong tiến trình đào tạo cho tất cả chúng ta. Trong bối cảnh các cộng đồng mà chủ nghĩa cá nhân ngày càng tăng do sự đô thị hóa, chúng ta cũng được mời gọi để làm chứng cho những giá trị truyền thống như gia đình, tương quan, đối thoại, và hiếu khách. Mặc dầu nhu cầu mục vụ tông đồ của chúng ta rất phong phú, nhưng lời mời gọi làm chứng cho những giá trị đó thúc bách chúng ta đưa chúng vào các hoạt động ưu tiên của cộng đoàn như ăn uống, cầu nguyện, họp cộng đoàn, cử hành phụng vụ.

3.4  Lãnh đạo trong mục vụ truyền giáo. Nói chung, phẩm chất đời sống cộng đoàn phụ thuộc vào những người được lãnh đạo. Họ được kêu mời để hy sinh thời gian và kế hoạch riêng để chăm lo cho cộng đoàn hầu thúc đầy tinh thần huynh đệ và dấn thân trong việc truyền giáo, phát huy tinh thần cộng tác qua việc chuẩn bị những buổi họp cộng đoàn mang lại kết quả và đẩy mạnh sự đối thoại, để khám phá phương thức quản lý tốt các nguồn lực chung (to see the good stewardship of our common resources). Ở đây họ được mời gọi để làm chứng cho một cách thức lãnh đạo chính trị và giáo hội cần thiết trong các xã hội và giáo hội địa phương nơi chúng ta đang làm việc.

3.5  Dấn thân cho sứ vụ trong lãnh vực tài chánh. Thúc đẩy tiến trình tự lập là một biểu hiện của kỷ nguyên mới tại Afram và cũng là một đóng góp tích cực mà chúng ta được mời gọi để dấn thân cho các giáo hội địa phương tại Phi Châu hôm nay. Như đã đề cập ở trên, nó bao hàm một sự thay đổi cơ bản trong nhận thức về cách thức chúng ta thi hành sứ mệnh truyền giáo của mình. Chúng ta phải cẩn thận, tránh phụ thuộc quá nhiều vào sự đầu tư và thu nhập từ các hoạt động; đó có thể là một phần của giải pháp hướng đến sự tự lập về tài chánh của các cộng đoàn, nhưng nhất thiết phải thận trọng và biết bàn hỏi với những người có chuyên môn về lãnh vực này hơn chúng ta. Vượt lên trên việc cậy vào sự bảo đảm mà những hình thức đầu tư có vẻ rất hứa hẹn – một sự bảo đảm quá mong manh – chúng ta được mời gọi để tin tưởng vào sự quảng đại của những người cùng làm việc với chúng ta, và trên hết, tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ ban tất cả những gì chúng ta thực sự cần cho việc truyền giáo. Để làm chứng chống lại sự tham nhũng cách hiệu quả, chúng ta được mời gọi đảm trách và minh bạch trong tất cả các công tác tài chánh của chúng ta, và sống lối sống đơn giản như lời khấn khó nghèo đòi hỏi. Tổng tu nghị nhấn mạnh rằng “tất cả các thành viên phải được đào tạo ít nhiều về quản lý và kế toán” (IDW 6,79). Chúng ta cần phải đưa chúng vào chương trình đào tạo tiên khởi cũng như xuyên suốt để thực hiện tốt vai trò quản lý, cũng như nâng cao trách nhiệm tài chánh và báo cáo.

 

3.6  Đào tạo trong sứ vụ truyền giáo. “Chúng ta làm chứng cho những người chúng ta gặp gỡ trong mục vụ truyền giáo bao nhiêu thì chúng ta cũng làm chứng cho nhau bấy nhiêu. Sự dấn thân suốt đời của mỗi cá nhân được nuôi dưỡng bởi quyền năng Chúa Thánh Thần để hiệp nhất với Ngôi Lời Nhập Thể của Chúa Cha và với cộng đoàn truyền giáo bao gồm các thành viên từ nhiều quốc gia và nền văn hóa” ( HP 501) là cách thế hữu hiệu nhất mà chúng ta có thể làm chứng cho những anh em trẻ đang thời gian thụ huấn. Về điều này, Tổng tu nghị thứ 16 nhắc nhở chúng ta rằng “đào tạo là một mối bận tâm của tất cả các tỉnh dòng, và cũng là một nghĩa vụ của tất cả các thành viên và cộng đoàn. Toàn cảnh của sứ mệnh truyền giáo và đời sống cộng đoàn của một tỉnh dòng phải là một môi trường thuận lợi cho việc đào tạo” (IDW6, 89). Sự phát triển trong chương trình đào tạo của chúng ta tại Afram, và nhu cầu rõ ràng để mở những chương trình mới, là một dấu chỉ khác của một kỷ nguyên mới ở Afram mà chúng ta phải tạ ơn. Tuy nhiên, điều đó cũng mời gọi tất cả chúng ta dấn thân vào công tác đào tạo lớp trẻ bằng một đời sống cộng đoàn tu trì đích thực trong việc mục vụ truyền giáo.

3.7  Xuyên suốt cả vùng, chúng tôi nhận thấy có một sự quan tâm đặc biệt đến việc theo đuổi các bậc học cao hơn. Trong khi ý muốn học lên cao hơn thực sự được hoan nghênh, chúng ta cần phân biệt giữa việc học lên cao hơn và việc đào tạo thường kỳ. Việc theo đuổi các cấp học cao hơn nhằm chuẩn bị nhân sự cho những nhiệm vụ đặc biệt. Điều này cần được cân nhắc bằng việc xem xét các nhu cầu thực sự của tỉnh dòng và hội dòng. Đối lại, mọi thành viên đều được khuyến khích tham gia vào việc đào tạo thường kỳ như các khóa đào tạo ở Nemi và các cuộc hội thảo thường kỳ tại địa phương hoặc các khóa học ngắn hạn khác. Ở đây chúng ta được mời gọi cách đặc biệt việc ứng dụng các chương trình do các giáo hội địa phương và hội liên hiệp các dòng tu đề ra, nhất là những lãnh vực có thể giúp chúng ta thi hành sứ vụ trong các tỉnh dòng, miền dòng và điểm truyền giáo trong vùng.

 

 

  1. Kết luận

Chúng tôi mời gọi anh em hiện thực hóa bức thông tri này bằng việc cùng suy tư trong các cộng đoàn cũng như các nhà đào tạo và nối kết với bức thông tri đã được gởi đến anh em sau những cuộc thăm viếng sáu năm trước. Chúng tôi nhận thấy nhiều đề nghị trong bức thông tri đó vẫn còn giá trị và đáng được quan tâm hơn. Một lần nữa chúng tôi cảm ơn về những gì chúng tôi may mắn được mắt thấy tai nghe trong những lần viếng thăm gần đây tại các tỉnh dòng, miền dòng và điểm truyền giáo ở Afram và những gì đang được thành tựu nhờ ơn Chúa và quyền năng của Thánh Thần đưa dẫn trong một kỷ nguyên mới cho các dân tộc và giáo hội địa phương ở Phi Châu, cũng như cho các cộng đoàn Ngôi Lời ở vùng Afram.

 

Trong tinh thần biết ơn, chúng ta hãy tự nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng chúng ta có thể đáp ứng tiếng gọi mục vụ truyền giáo ở Afram hôm nay đến mức nào, và chúng ta được mời gọi để sống đối thoại ngôn sứ trong các cộng đoàn chúng ta và với những người cùng làm việc với chúng ta ra sao.

Thân ái trong Ngôi Lời,

 

Antonio M. Pernia, SVD

Tổng quyền

Emmanuel Kofi Fianu, SVD

Tổng thư ký

 

 

No comments:

Post a Comment