Saturday 17 December 2011

Hướng đến một cộng đoàn lý tưởng

Mọi người cần đến nhau để sống và triển nở trong tình yêu. Thánh Phaolô đã nói “chúng ta liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rm 13,5) để nhấn mạnh sự cần thiết của đời sống cộng đoàn. Tương quan giữa cá nhân và cộng đoàn là một phản ứng hai chiều luôn có sự ảnh hưởng mang tính cách hỗ tương cho nhau. Mỗi người là một cá thể độc đáo và riêng biệt nhưng cùng chung sức xây dựng cộng đoàn, cùng trao ban và đón nhận hầu mỗi người sống sung mãn sứ mệnh bản thân và góp phần hoàn thành sứ mệnh cộng đoàn. Đối lại, cộng đoàn là môi trường thiết yếu để mỗi người lớn lên và trưởng thành nhân cách.

Những thách đố trong đời sống cộng đoàn dường như đã làm một số người thất vọng thực sự, tuy nhiên, niềm hy vọng về một cộng đoàn lý tưởng vẫn ngời sáng và vẫy gọi con người hướng tới. Có lẽ Thánh bộ Tu sĩ không quá cao vọng khi đưa ra mục tiêu cho các cộng đoàn tu trì là phải trở nên như một gia đình, một trường dạy yêu thương và là một cứ điểm hoạt động tông đồ của tu sĩ. Cộng đoàn tu trì theo Bộ Tu sĩ, trước hết phải là một gia đình thực sự: “Chính nhờ tình yêu của Thiên Chúa được đổ tràn trong tâm hồn chúng ta mà cộng đoàn tu trì khởi đầu và được xây dựng thành một gia đình thực sự, trong đó mọi người quy tụ với nhau nhân danh Chúa.”[1] Và “Như một gia đình hiệp nhất nhân danh Thiên Chúa, cộng đoàn tu trì phải đạt tới mức độ viên mãn và chuyển thông cho người khác một cách đặc biệt, trước tiên là cho các anh chị em của mình trong cộng đoàn.”[2] Như trong một gia đình, mỗi người trong cộng đoàn luôn chấp nhận và đón nhận nhau vô điều kiện. Và nơi đó thực sự phải trở thành mái ấm mà các thành viên luôn cảm thấy được bảo vệ chở che đồng thời thể hiện sự quan tâm chăm sóc người khác. Như thế, cộng đoàn sẽ là chốn an vui, được bao trùm trong một bầu khí của yêu thương thắm thiết, là nơi mà các phần tử trong cộng đoàn dù đi đâu, làm gì cũng nhớ, cũng mong và luôn hướng về. Đó là những dấu chỉ của một cộng đoàn đang có sức sống đi lên, một cộng đoàn luôn được Thiên Chúa yêu thương và chúc lành. Chính các cộng đoàn này là những cái nôi đào tạo giúp các tu sĩ thăng tiến và triển nở trong ơn gọi. “Bởi vì cộng đoàn tu trì là “trường dạy yêu thương” giúp con người lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em, nên cũng là nơi làm cho con người được triển nở.”[3]
Những dòng đẹp đẻ trên mới chỉ dừng lại trên mặt lý thuyết và chúng ta có quyền nghĩ rằng để tổ chức được một cộng đoàn hoàn hảo như thế có lẽ ngoài sức lực của chúng ta. Tuy nhiên, sự thật đã được minh giải từ những lời chứng thông qua thực tế cuộc sống.
Từ chính kinh nghiệm bản thân tại cộng đoàn Oblate, tác giả Desmond O’ Donnell đã viết: “Những thành viên của cộng đoàn Kitô hữu quan tâm đến nhau, chia sẻ với nhau và chịu đựng lẫn nhau, phục tùng và phục vụ Nước Trời trong chính họ và trong thế giới.”[4] Cũng xuất phát từ kinh nghiệm sống cộng đoàn, ông Jean Vanier, người sáng lập cộng đoàn Arche – một cộng đoàn đã có mặt trên 103 quốc gia, đã khẳng định:
Cộng đoàn không đơn thuần là một nhóm người cùng chung sống và yêu thương nhau, nhưng còn là dòng chảy của sự sống: một trái tim, một tâm hồn, một tinh thần. Cộng đoàn gồm những con người yêu thương nhau tha thiết và cùng nhau hướng tới một niềm hy vọng. Chính điều này mang đến một bầu khí đặc biệt của niềm vui và của sự đón nhận, là những yếu tố làm nên căn tính của một cộng đoàn đích thức. […]. Bầu khí của niềm vui này có được tự do để trở thành chính mình trong một ý nghĩa sâu xa nhất. Chúng ta khám phá ra rằng mình được yêu mến vì chính chúng ta là như thế, chứ không phải do chúng ta khôn ngoan và khéo léo.[5]
Viễn tượng về những cộng đoàn lý tưởng luôn vẫy gọi và đồng thời thách thức mỗi chúng ta. Thật thế, để lớn lên và trưởng thành trong chính cộng đoàn tu trì và đồng thời góp phần xây dựng những cộng đoàn lý tưởng, người tu sĩ phải làm một cuộc vượt qua thực sự. Cuộc vượt qua đó bao gồm những kinh nghiệm đau thương về những giới hạn, yếu đuối và những tăm tối của nghèo nàn và ích kỷ trong buổi chiều tử nạn ảm đạm. Cuộc vượt qua đó đòi hỏi sự nỗ lực khám phá bản thân, đón nhận chính mình và đồng thời vượt qua mọi trở ngại để đến và đón nhận người khác hầu cùng nhau đón mừng ánh bình minh huy hoàng của buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh.


[1] Bộ Tu sĩ, Đời sống huynh đệ cộng đoàn, số 8.
[2] Bộ Tu sĩ, sđd, số 20.
[3] Bộ Tu sĩ, sđd.
[4] Desmond O’ Donnell, Cộng đoàn dưới ánh sáng Lời Chúa, Simon chuyển ngữ, (2000), tr. 27-28.
[5] Jean Vanier, Thăng tiến cộng đoàn (Sydney: St. Paul Phublications, 1979), Nhóm Đa Minh Rosa Lima chuyển ngữ, , tr. 28.

No comments:

Post a Comment