Hằng ngày người tu sĩ luôn phải đối mặt với luật lệ và nội qui trong cộng đoàn. Chúng ta thường thấy các mẫu đối thoại của các tu sĩ khác dòng với nhau hầu hết xoay quanh chủ đề luật lệ và “các phép”: phải đọc kinh mấy bận trong ngày, phải suy gẫm bao lâu, cuối tuần được đi ra ngoài không, có được ‘phép’ này ‘phép’ khác không, phải tu bao lâu mới được khấn, mới được lãnh chức thánh…
Sau chuyến đi ngoại khóa môn Tam giáo vừa rồi, người viết thấy xấu hổ khi đã buột miệng hỏi một vị sư ở chùa Viên Không: một người mới vô tu thì phải qua mấy giai đoạn, một giai đoạn mất mấy năm, tu trong bao lâu mới thành một Sa Di, một Đại Đức, rồi mỗi ngày phải tọa thiền bao lâu, tụng bao nhiêu giờ kinh, mỗi người cần phải nhập thất (sống một mình, tách biệt hoàn toàn) bao nhiêu ngày... Câu trả lời thật đơn sơ mà thâm thúy lắm thay: “tùy từng người thôi, thầy ạ!” Dường như trong tâm tưởng của chúng ta luôn có những tiêu chuẩn bên ngoài để đo lường sự trưởng thành tâm linh và việc tấn tới trong đời tu của cá nhân, rồi chỉ dựa vào việc hoàn tất sinh hoạt hằng ngày để đánh giá người khác. Tư tưởng đó dẫn đến tình trạng núp bóng dưới sự bảo đảm của luật lệ và chạy trốn các mối tương quan.
1) Luật lệ có thể bóp nghẹt tương quan giữa nhà đào tạo và thụ huấn sinh
Trong đời tu, có lẽ mối tương quan phức tạp và khó khăn nhất là giữa bề trên và bề dưới, nhất là giữa nhà đào tạo và thụ huấn sinh. Khó khăn này đến từ cả hai phía: nhà đào tạo và thụ huấn sinh.
Đảm nhận vai trò đào tạo, người phụ trách đối diện với một nhiệm vụ hết sức quan trọng và đầy những thách đố. Do đó, ngoài những chuyên môn sư phạm, nhà đào tạo cần có khả năng đồng hành tâm linh, hiểu tâm lý người trẻ, trực giác tốt, biết quảng đại dấn thân, cởi mở đối thoại… Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta gặp nhiều nhà đào tạo giống “công an” hay nhà quản trị hơn là một người bạn đồng hành. Phải chăng vì khả năng của bản thân còn quá hạn chế, không bao quát được nên các vị đã nệ luật, đưa vào khuôn khổ để quản trị theo kiểu “kiểm soát không được thì cấm” như nhà nước vẫn thường áp dụng. Trong các nhà đào tạo, nhiều khi luật và nội qui được chú trọng quá mức. Nhất là ở những buổi lượng giá cuối năm, tiêu chuẩn đánh giá của các ngài là sự chu toàn các giờ sinh hoạt, giữ “đúng phoóc” các qui định chung, không sai phạm kỷ luật, không hay ý kiến. Nhiều người còn dùng luật lệ như một liều “thuốc sợ” để đe doạ “ơn phần rỗi” của các tu sinh nhằm đưa cộng đoàn vào khuôn khổ, nề nếp, trật tự. Những phương cách đào tạo “rập khuôn”, “cào bằng” và “nệ luật” như thế xem chừng không nuôi dưỡng được những nhân cách trưởng thành cứng cáp, trái lại, chỉ tạo được một số thói quen và quán tính tự vệ.
Nhu cầu an toàn thuộc bản năng con người, do đó, khi bị đe doạ, con người sẽ tự vệ bằng mọi cách. Đứng trước nỗi sợ bị loại trừ, nhiều thụ huấn sinh không thể đối diện với sự thật là cần nói lên chính kiến của mình và sẵn sàng đối thoại với bề trên, thay vào đó, họ chạy trốn bằng cách “nín thở qua cầu”. Các thụ huấn sinh sẵn sàng tuân thủ răm rắp các nội qui kỷ luật và tham gia đầy đủ các sinh hoạt cộng đoàn chỉ để có được cái “giấy thông hành” hầu đi tiếp con đường cao vọng phía trước. Hậu quả của nó có thể nhiều người chưa lường trước được. “Không có gì làm thiệt hại cho đời sống cộng đoàn hơn là việc che giấu những căng thẳng và giả vờ như không có chúng, hay nguỵ trang chúng bằng vẻ bề ngoài hào nhoáng, hoặc chạy trốn thực tại và né tránh đối thoại.”[1] Sống đúng luật lệ dần trở thành một “bửu bối” đảm bảo sự an toàn cho một số người đang được đào tạo. Sự chạy trốn này không những đánh mất ý nghĩa luật lệ mà còn phá vỡ mối tương quan giữa nhà đào tạo và thụ huấn sinh.
2) Luật lệ có thể “giết chết” tương qua giữa các thành viên trong cộng đoàn
Trước hết người viết xin được lược qua hai cách vận hành của hai loại cộng đoàn tồn tại xung quanh chúng ta: cộng đoàn tự phát không ràng buộc và cộng đoàn cơ chế.
Điển hình về các cộng đoàn tự phát không có tính ràng buộc cao là một nhóm sinh viên hoặc công nhân sống chung trong một phòng trọ. Trong những cộng đoàn như thế thường không có nội qui chặt chẽ và cũng không có người đứng đầu cầm cân nẩy mực. Sự tồn tại lâu bền của loại cộng đoàn này đơn thuần là vì họ hợp rơ nhau, họ cảm thấy có thể chấp nhận lẫn nhau và quyết định sống chung với nhau. Tuy nhiên, sau một thời gian chung sống, cá tính của mỗi người tỏ lộ, có khi không chấp nhận nhau được nữa, họ tự giải quyết với nhau và thường là theo giải pháp mà nhiều thành viên chấp nhận nhất. Xét về phương diện cá nhân, nếu một thành viên nào đó bị các thành viên còn lại khước từ, cách nào đó anh ta sẽ nhận ra rằng vấn đề xuất phát từ bản thân anh ta. Nhận ra chính mình là đã đạt được năm mươi phần trăm thành công trong tiến trình phát triển bản thân, phần còn lại là quyết định thay đổi. Để tiếp tục chung sống trong cộng đoàn, không cách gì hơn là anh ta phải thay đổi chính mình, nghĩa là sống thế nào để mọi người có thể chấp nhận mình.
Điển hình của cộng đoàn cơ chế là cộng đoàn tu trì. Ở trong cộng đoàn tu trì, người ta có những luật lệ và nhiều qui định chung cần phải tuân hành, ngoài ra thường có những vị có trách nhiệm trong coi tất cả các hoạt động của các thành viên còn lại. Thường người phụ trách lo động viên những người còn lại thi hành trách nhiệm của mình theo đúng luật định đồng thời có quyền nhắc nhở nặng nhẹ tùy sự sai phạm của đương sự. Trong trường hợp đương sự đang thời gian thụ huấn, nhà đào tạo có trách nhiệm lượng giá các thụ huấn sinh vào cuối năm. Thường thì việc đánh giá đó dựa trên việc đương sự có chu toàn bổn phận bằng cách tham gia đầy đủ và nghiêm chỉnh các sinh hoạt chung của cộng đoàn hơn là những phẩm chất và trưởng thành cá nhân cũng như mối tương quan của họ với những thành viên khác. Vậy nên, người phụ trách đào tạo có thể loại trừ anh ta ra khỏi cộng đoàn khi xét thấy anh ta không chu toàn qui chế chung của cộng đoàn, những thành viên còn lại dường như không thể can thiệp gì vào những quyết định liên quan đến ‘số phận’ của bạn mình, dù muốn hay không. Qua những lần được lượng giá quá sơ sài như thế, đương sự sẽ nhận ra rằng: để được “tồn tại” và vượt qua an toàn trong giai đoạn đào tạo, cách dễ nhất là sống đúng qui chế hơn.
Người viết không muốn đi so sánh hai cánh vận hành của hai loại cộng đoàn điển hình trên vì chúng không tương xứng lắm, tuy nhiên, thiết nghĩ dùng hai thí dụ đổi đối chiếu, soi rọi vào nhau nhằm làm sáng tỏ vấn đề là điều cần thiết.
Sự khác biệt khá rõ ràng nơi kết quả hai cộng đoàn này mang lại cho các thành viên là quyết định thay đổi của cá nhân sau một thời gian chung sống.
Với sự vận hành tự phát và không bị ràng buộc, các thành viên sống trong loại cộng đoàn thứ nhất dễ dàng tự nhận ra chính mình và thay đổi theo chiều hướng có lợi cho sự tồn tại của cộng đoàn. Tương quan giữa các thành viên trong cộng đoàn giúp mỗi người nhận ra giới hạn của bản thân, tiến đến thay đổi chính mình hầu cải thiện tương quan với những cá nhân khác và với cộng đoàn. Các thành viên sống với nhau tương tác lẫn nhau, cùng nhau bay lượn để hướng đến sự hòa hợp hầu làm cho bầu khí cộng đoàn ngày càng trở nên dễ chịu hơn đối với mỗi người.
Vận hành theo cơ chế luật lệ, loại cộng đoàn thứ hai có vẻ rất ổn định, các thành viên dường như không gặp qúa nhiều khó khăn và thách đố để tồn tại, đặc biệt đối với những người đã khám phá được bửu bối. Dường như những răn đe của luật lệ trong cộng đoàn cơ chế không có sức tác động đủ mạnh hay nói đúng hơn là không ‘gãi đúng chổ ngứa’ để các thành viên nhận ra chính mình và phát triển đúng hướng. Quyết định thay đổi của họ chỉ dừng lại trên phương diện ‘việc làm’ chứ chưa đạt tới phương diện ‘con người’. ‘Sản phẩm’ loại cộng đoàn này mang lại là những cái máy được sản xuất theo khuôn đúc, chúng sẽ tồn tại bên nhau một cách vô tri vô giác. Tương quan giữa các thành viên trong cộng đoàn dần trở thành mối tương quan bất hỗ tương. Mỗi người cố gắng chu toàn phận vụ được giao và hoàn thành các sinh hoạt của cộng đoàn một cách đầy đủ mà không cần biết người bên cạnh nghĩ gì, cảm thấy thế nào. Các thành viên dường như chỉ ‘gặp gỡ’ nhau trên việc làm hay công tác mà không thể gặp chính con người của nhau. Như thế, tương quan đó dẫn đến những quyết định trau chuốt việc làm thay vì phát triển con người.
Luật lệ là mức độ thấp nhất của đạo đức vì nó chỉ buộc người ta thực hiện những gì tối thiểu xã hội đòi hỏi và sẵn sàng trừng phạt bất cứ ai vi phạm. Chúng ta không chối bỏ vai trò quan trọng của luật lệ. Người ta thường minh họa vai trò của chúng bằng những hình ảnh như: hàng lan can, tấm lưới sàn … để nói rằng: khi đụng đến luật lệ là ta đã rơi xuống tầm mức thấp nhất rồi, cần dừng lại ngay nếu không muốn rơi tỏm xuống hố. Tuy nhiên, nếu chỉ bước đi trên tấm lưới sàn hay chỉ vịn lấy hàng lan can thì ta không làm được gì hơn là tránh tai nạn. Đạo đức mời gọi con người làm hơn những gì mình phải làm. Không ai và không luật pháp nào đòi hỏi mọi người phải yêu thương nâng đỡ nhau và cũng không một cơ chế nào khuyến cáo con người phải trưởng thành nhân cách, biết vươn lên và sống sung mãn cuộc đời của họ cả. Vì vậy, cá nhân cậy vào luật lệ để sống thì chỉ là tồn tại một cách vất vưởng, thiểu chủ thể, thiếu hình hài và chỉ vận hành cuộc đời mình như một cái máy. Một cộng đoàn lấy luật lệ làm thước đo và sẵn sàng áp dụng mọi hình thức kỷ luật chỉ để nhắm đến sự ổn định, xuôi chảy, không gì sai chạy sẽ sớm trở thành một cộng đoàn vô hồn, tồn tại một cách tẻ nhạt, thiếu sức sống.
[1] Jean Vanier, Community and Growth, Nhóm Đa Minh Rosa Lima chuyển ngữ, (St. Paul Publiscations, Sydney, 1979), tr. 96.
No comments:
Post a Comment