Saturday 24 March 2012

BỆNH ‘ĂN GIAN NÓI DỐI’

                                                                 Trong Nhà Tu

“Có thì nói có, không thì nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”. Suy tư câu Kinh Thánh này tôi chợt nhớ ra cuộc nói chuyện của Mắm và Muối (Mắm gởi gởi cho tôi để đăng lên blog của tôi: http://petloan.blogspot.com/2012/03/muoi-ung-gian-noi-doi-nua-1.html ). Người viết muốn dùng một đoạn để làm chất liệu suy tư, có lẽ anh Mắm và Muối cũng không phản đối.


Có vẻ như đề tài cuộc nói chuyện chỉ liên quan đến chuyện đời, chuyện người ở đâu đó, chẳng can hệ gì đến tôi. Tuy nhiên, nếu nhìn chuyện người mà gẫm đến ta, tôi thấy thấp thoáng hình bóng mình trong đó. Không ăn gian nói dối dễ gì tồn tại trong nhà tu. Một câu nói gọn lỏn mà ai ai đi tu cũng có thể nói được và hầu như tu sĩ nào nghe cũng chẳng thấy chột giạ gì nữa. Nó đã trở thành một ‘chân lý’ hay nói đúng hơn là một ‘châm  ngôn sống’ cho bao thế hệ và sẽ vẫn là ‘bí kíp sống’ cho nhiều thế hệ tiếp theo.
Người ta sẵn sàng khoác cho nó những bộ trang phục đẹp đẽ như ‘khôn khéo,’ ‘uyển chuyển,’ ‘biết điều,’ hay phủ lấp nó bởi những tấm thảm nhung êm ái như ‘kiên nhẫn,’ ‘cảm thông,’ ‘chấp nhận thời thế - thế thời phải thế’, mà chẳng ai dám ‘gọi đúng tên’ của nó.
Muối trong câu chuyện trên đã phần nào nhận diện được vấn đề, nhưng cũng chưa dám ‘chỉ mặt đặt tên’ cho nó (xin lỗi Muối). May mắn là Mắm đã ‘chửi’ (như Muối nói) thẳng tay. Tuy nhiên, sự tình ‘chuyện người thì sáng, chuyện mình thì quáng’, mình dễ nhận ra ‘bệnh’ của người khác nhưng chính những ung nhọt trong mình thì khó phát hiện lắm.

Đọc chuyện của Muối tôi nhận ra ngay vấn đề ‘nhà Muối’ nhưng đã bao lần tôi ăn gian nói dối mà tôi đâu mảy may ý thức gì. Nêu một lý do thật xuôi tai để xin đi ra ngoài gặp bạn có sao đâu, lựa lời ‘đẹp đẽ’ để ‘nâng bi’ người khác chút chẳng mất mát gì mà còn được mến yêu nữa chứ. Những lời gian dối đó có vẽ vô hại, tuy nhiên, nếu xét thật kỹ thì đó là một căn bệnh truyền nhiễm, nan y và thường nằm ở trạng thái ‘mãn tính’. Truyền nhiễm vì đó là ‘bí quyết’ sống ‘an toàn’ và ‘thành công’ của bao thế hệ. Còn nan y thì ít ai còn nghĩ đến chuyện chữa trị, và mãn tính thì không mấy người để tâm.
Để tóm kết, tôi xin lặp lại ý tưởng của Mắm: khi tu thành ‘chánh quả’ rồi, tôi có làm như tôi đang làm bây giờ không?

No comments:

Post a Comment