Wednesday 22 February 2012

Mấy lời tri ân và hồi đáp
                                                                                                                        petloan@

Lời tri ân
Trước hết, tác giả bài Hội nhập văn hóa trong công cuộc truyền giáo tại VN xin chân thành cảm ơn cha Ant. Nguyễn Huy Quyền đã chiếu cố đến bài viết này và dành cho người viết những góp ý hết sức bổ ích http://dongngoiloi.blogspot.com/2012/02/vai-cam-nhan-va-oi-loi-goi-y.html#more. Thực ra bài góp ý này con đã được đọc cách nay 2 tháng và đã đề nghị với cha Pet. Nguyễn Đức Vinh đăng lên Blog cua Học viện, tuy nhiên, vì bận rộn với ‘Những lời chúc Giáng Sinh’ và ‘tết nhất’ nên bây giờ nó mới xuất hiện. Xin chân thành cảm ơn cha Vinh và cha Quyền đã đồng ý đăng bài viết lên blog cho mọi người cùng học hỏi.
Nhân đây, con cũng xin cảm ơn cha Anphongso Đinh Công Sáng cũng đã có góp ý, nếu được xin cha viết và đăng lên Blog Học Viện cho con được học hỏi thêm.
Người viết xin được chia sẻ ngắn gọn rằng: Vì bài con đã viết là phần dẫn nhập (đã có ghi chú rõ ở tiêu đề) của một tiểu luận nên văn phong rất cô đọng và nhất là có những từ ngữ cũng như ý tưởng rất “gây cấn”: http://dongngoiloi.blogspot.com/2011/12/hoi-nhap-van-hoa-trong-cong-cuoc-truyen.html.
Đó là một nghệ thuật viết nhập đề để ‘kích thích’ sự lưu tâm của đọc giả. Do đó, các từ ngữ có vẻ ‘đao to búa lơn’ và không có chú thích, trích nguồn (đương nhiên sẽ có chú thích trong phần nội dung) là để lôi kéo đọc giả vào nội dung.
Để có câu trả lời cho tất cả các góp ý, xin người đọc vào trang: http://petloan.blogspot.com/ trong chủ đề ‘Ngâm cứu…’ để đọc toàn bộ tiểu luận, và đặc biệt đọc các bản văn gốc của các tác giả có “tên tuổi”[1] trong danh sách tài liệu tham khảo. Sau đây người viết xin có vài lời hồi đáp vắn gọn.
Vài lời hồi đáp
Thứ nhất, khi nhìn thấy “một bức tranh ảm đạm và ngay cả bi quan về vấn đề truyền giáo tại VN”, chúng ta có thể bị ‘shock’, tuy nhiên, nếu muốn nhìn thẳng nói thật thì không thể nói khác đi được. Để minh chứng, người viết xin đọc giả coi số liệu thống kê kết quả truyền giáo trong 50 năm qua [2] và lời kết luận sau:
“Hai con số ấy chênh nhau không là bao, cho thấy công cuộc truyền giáo đang khững lại, nếu không muốn nói là không có một sự truyền giáo nào. Vì tỉ lệ gia tăng số người công giáo thấp hơn so với mức tăng dân số tự nhiên của cả nước.”
Thứ hai, cha có nói các nhà truyền giáo thời đầu không thể làm khác đi được vì lúc đó chưa có chỉ dẫn của Công đồng Vatican II. Thế nhưng, Ngày 10-11-1659, khi cử hai Đại diện Tông tòa đầu tiên sang giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, Bộ Truyền giáo đã chỉ thị rõ rệt:
“Chư huynh đừng bao giờ muốn sửa đổi, đừng tìm lý lẽ để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hoá của họ, trừ khi nó hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý: có gì vô lý bỉ ổi hơn mang theo cả nước Pháp, Tây Ban Nha, nước Ý, hay bất cứ nước nào khác bên trời Âu sang cho dân Á Đông chăng?
Không phải mang thứ ấy đến cho họ, mà là mang chân lý đức tin, một chân lý không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ một dân tộc nào, cũng đừng xúc phạm đến những nghi lễ và tập tục ấy, miễn là chúng không xấu; ngược lại, chân lý đức tin muốn cho người ta bảo tồn và duy trì chúng là đàng khác […]. Đừng bao giờ nên đem những tục lệ Âu châu đối lập với tục lệ của các dân tộc ấy, trái lại hãy hết lòng sống cho quen với tập tục của họ.”[3]
Thực tế, người viết muốn nhắm đến các nhà truyền giáo hậu thời hơn và tình trạng đã nêu trong bài viết là thực trạng của thời sau thời điểm 1659 rất xa.
Thứ ba, việc Công đồng không có văn bản nào bắt buộc bất kỳ nước nào phải ‘làm thần học’ cho riêng nước mình thì ai cũng biết. Tuy nhiên, như đã nói trên việc dùng từ mạnh như thế là có dụng ý riềng. Và trên thực tế, Công đồng đã tha thiết kêu gọi các giáo hội địa phương làm thần học cho riêng mình trong xu hướng hội nhập văn hóa (X. GS. 58, 59, 60, 62; AG).
Công đồng chủ trương: “Trong những vùng rộng lớn cùng chung một nền văn hóa, cần phải thúc đẩy việc suy tư thần học... để nhờ đường lối hành động đó, đời sống Kitô giáo sẽ được thích nghi với tinh thần và đặc tính của từng nền văn hóa, những truyền thống đặc thù và những đặc tính riêng của từng dân tộc” (AG. 22b).
Cuối cùng, các khái niệm cơ bản người viết để trong phần nội dung (hợp lý hơn), kể cả các khái niệm của Công đồng Vatican II.
Xin một lần nữa cảm ơn sự quảng đại và thẳng thắn góp ý của cha Quyền. Con đã học hỏi được rất nhiều từ góp ý của cha. Xin cha tiếp tục chỉ giáo khi có dịp. Nếu không có gì riêng tư, bí mật xin cha góp ý thẳng trên blog để mọi người tiện theo dõi. Vì con nghĩ đây là hình thức trao đổi ý kiến rất hay và bổ ích.



[1] Phan Đình Cho, Đình Thi, Nguyễn Hữu Đăng, Trần Văn Đoàn, Gómez, Nguyễn Chính Kết, …
[2] Trần Kim Ngọc, “Truyền giáo tại Việt Nam – thử xem lại”, http://vietcatholic.org/News/Html/82865.htm
[3] Thánh Bộ Truyền Giáo, “Huấn Thị Năm 1659”, Bản dịch của Đại Chủng viện Xuân Bích, Huế: Linh mục Nguyệt san, số 43, 7-1965, tr. 435-436. Xc. nguyên bản trong Henri Chappoulie, Aux origines d’une Eglise, Rome et les missions d’Indochine au XVIIe siècle, tome I, Paris, 1943, tr. 392-402.


No comments:

Post a Comment